Vai trò thuốc kháng tiểu cầu trong điều trị dự phòng đột quỵ não
Đột quỵ thiếu máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là hai tình trạng thường gặp trong lâm sàng, theo BS.CK2 Hà Minh Đức, việc lựa chọn thuốc kháng kết tập tiểu cầu phù hợp sẽ giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tái phát và các biến chứng nặng sau đột quỵ.
Điều trị dự phòng để giảm tỷ lệ tái phát và biến chứng sau cơn thiếu máu não thoáng qua
BS.CK2 Hà Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang cho biết, đột quỵ nhồi máu não có thể bắt nguồn từ nguyên nhân tim mạch hoặc không do tim, thường gặp là xơ vữa động mạch, nhồi máu não nhẹ hoặc những nguyên nhân chưa rõ ràng.
Để đánh giá và dự đoán nguy cơ tái phát, bác sĩ cần áp dụng các thang điểm lâm sàng. BS.CK2 Hà Minh Đức phân tích, trong đó có thể kể đến thang điểm ABCD đối với cơn thiếu máu não thoáng qua, và NIHSS (National Institutes of Health Stroke Scale) để phân loại mức độ nặng của đột quỵ. Theo bác sĩ, những bệnh nhân có thang điểm NIHSS dưới 4 được xem là đột quỵ nhẹ, từ 5-15 là trung bình, và trên 21 là rất nặng và đe dọa tính mạng. Đồng thời, bảng điểm Modified Rankin cũng là công cụ đánh giá mức độ phục hồi sau đột quỵ.
BS.CK2 Hà Minh Đức cảnh báo: “Nguy cơ tái phát đột quỵ sau nhồi máu não nhẹ hoặc TIA (cơn thiếu máu não thoáng qua) là rất cao, có thể lên tới 11,5-15% trong 7 ngày đến 1 tháng đầu. Do đó, điều trị dự phòng là bước không thể thiếu để giảm tỷ lệ tái phát cũng như biến chứng”.

Vai trò của Clopidogrel và hạn chế từ đột biến gen
BS.CK2 Hà Minh Đức cho biết, Clopidogrel là thuốc kháng kết tập tiểu cầu được sử dụng phổ biến nhưng có nhược điểm là cần enzyme CYP2C19 để chuyển hóa. Đáng chú ý, khoảng 25-30% người Việt Nam có đột biến gen CYP2C19, gây đề kháng với clopidogrel, làm giảm hiệu quả phòng ngừa đột quỵ và tăng nguy cơ huyết khối tái phát, đặc biệt ở bệnh nhân đặt stent hoặc có xơ vữa động mạch.
Những bệnh nhân có bệnh thận mạn, đái tháo đường, cao tuổi hoặc mang gen đột biến nên được xem xét thay đổi thuốc. Các bác sĩ có thể sử dụng bảng điểm ABCD-GENE để dự đoán nguy cơ, trong đó ≥10 điểm là chỉ dấu cảnh báo cao.
Ticagrelor là giải pháp thay thế cho bệnh nhân đề kháng Clopidogrel
“Khác với Clopidogrel, Ticagrelor là thuốc không phụ thuộc chuyển hóa qua gan và không bị ảnh hưởng bởi gen CYP2C19”, BS.CK2 Hà Minh Đức cho biết.
Dẫn chứng từ các nghiên cứu quốc tế, bác sĩ nhấn mạnh nghiên cứu PRINCE cho thấy Ticagrelor có hiệu quả vượt trội hơn cả ở nhóm bệnh nhân có hoặc không mang gen đột biến CYP2C19. Nghiên cứu THALES ghi nhận việc kết hợp Ticagrelor với aspirin giúp giảm 17% nguy cơ tái phát đột quỵ, đồng thời giảm 21% thiếu máu cục bộ trong 30 ngày đầu. Kết quả từ nghiên cứu CHANGE-2 cho thấy Ticagrelor giúp giảm 26% tỷ lệ tái phát đột quỵ và xuất huyết não so với Clopidogrel chỉ sau 21 ngày.
Bên cạnh đó, Ticagrelor còn có hiệu quả cao trong hẹp động mạch nội sọ, giúp giảm tới 275 ca tử vong và tái phát đột quỵ, với chỉ số NNT là 34.
Hiện Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn điều trị đột quỵ não năm 2024. Theo đó, Ticagrelor được khuyến cáo sử dụng ở bệnh nhân TIA nguy cơ cao (ABCD2 ≥ 5 điểm) hoặc đột quỵ nhẹ trong vòng 24 giờ đầu, có thể mở rộng đến 7 ngày đầu. Liệu trình điển hình gồm aspirin liều duy trì và Ticagrelor 180mg nạp, sau đó duy trì 90mg mỗi 12 giờ.
Cuối bài báo cáo, BS.CK2 Hà Minh Đức nhận định, điều trị dự phòng đột quỵ cần được cá thể hóa dựa trên nguy cơ gen, bệnh lý nền và yếu tố lâm sàng. Ticagrelor là lựa chọn lý tưởng cho người châu Á có nguy cơ cao hoặc mang đột biến gen CYP2C19, nhờ hoạt tính nhanh, ổn định và ít biến chứng.
Những chia sẻ của BS.CK2 Hà Minh Đức nằm trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học “Mạng lưới cấp cứu đột quỵ Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận đa ngành và điều trị toàn diện người bệnh đột quỵ não” do Sở Y tế An Giang, Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang phối hợp cùng Hội Đột quỵ TPHCM, Hội Đột quỵ Hà Nội, Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM và Chương trình Angels tổ chức vào ngày 19/4/2025. Hội nghị quy tụ gần 240 đại biểu tham dự trực tiếp với sự tham gia báo cáo và chủ tọa của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đột quỵ. >>> “Điều trị đột quỵ là cuộc chạy đua giữa bác sĩ và tốc độ chết của nhu mô não” >>> An Giang là tỉnh đầu tiên tại ĐBSCL có 4 bệnh viện điều trị đột quỵ, đạt chất lượng thế giới >>> Mô hình cấp cứu đột quỵ của S.I.S Cần Thơ như "ngòi nổ" kích hoạt cả vùng khi về với miền Tây |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình