Quyết tâm xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ Đồng bằng sông Cửu Long, tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân
Đột quỵ - nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu tại Việt Nam - đang trở thành mối lo ngại lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội nghị khoa học "Mạng lưới cấp cứu đột quỵ Đồng bằng sông Cửu Long" tổ chức ngày 19/4/2025 tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang đã quy tụ gần 240 đại biểu, nhằm thúc đẩy xây dựng mạng lưới cấp cứu đồng bộ, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ vẫn đang ở mức báo động, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL - nơi mật độ dân cư cao, hạ tầng y tế và giao thông còn nhiều hạn chế.
Nhận thức rõ thách thức này, hội nghị khoa học "Mạng lưới cấp cứu đột quỵ Đồng bằng sông Cửu Long: Tiếp cận đa ngành và điều trị toàn diện người bệnh đột quỵ não" đã được tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang. Hội nghị do Sở Y tế An Giang phối hợp cùng Hội Đột quỵ TPHCM, Hội Đột quỵ Hà Nội, Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM và Chương trình Angels tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về đột quỵ, thần kinh, hồi sức cấp cứu và phục hồi chức năng.

PGS.TS.BS Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế An Giang phát biểu: "Đột quỵ không còn là vấn đề chuyên sâu của riêng ngành Thần kinh mà là thách thức lớn đối với toàn hệ thống y tế. Xây dựng mạng lưới cấp cứu đồng bộ, hiệu quả sẽ giúp cứu sống nhiều bệnh nhân và giảm thiểu gánh nặng cho xã hội".
Theo thống kê, trước đây tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trong "giờ vàng" tại An Giang chỉ đạt khoảng 5-10%. Tuy nhiên, nhờ đầu tư hệ thống trung tâm đột quỵ, nâng cao năng lực đội ngũ y tế, truyền thông sâu rộng trong cộng đồng, tỷ lệ này hiện đã tăng lên 20-25%, riêng tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang đạt 30%.
PGS.TS.BS Trần Quang Hiền cho biết thêm: "Đây là thành quả từ sự phối hợp đồng bộ giữa ngành y tế, các cơ sở khám chữa bệnh và sự nâng cao nhận thức của người dân. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức hội nghị chuyên sâu về cấp cứu đột quỵ ngoài cộng đồng, dự kiến vào năm 2025".
Chương trình đón tiếp 238 đại biểu tham dự trực tiếp. Bên cạnh đó, hội nghị có sự tham gia báo cáo và chủ tọa của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đột quỵ như PGS.TS.BS Mai Duy Tôn (Chủ tịch Hội Đột quỵ Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai), PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng (Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam), TS.BS Trần Chí Cường (Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ), BS.CK2 Hà Minh Đức (Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện ĐKKV tỉnh An Giang), BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga (Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất) cùng các trưởng khoa, bác sĩ Thần kinh - Đột quỵ từ nhiều bệnh viện lớn.



Với 2 phiên chính gồm 12 báo cáo chuyên đề và 1 phiên vệ tinh, hội nghị không chỉ tập trung vào kỹ thuật chuyên môn mà còn nhấn mạnh vai trò phối hợp đa ngành - từ tiếp nhận, xử trí ban đầu, điều trị chuyên sâu.
Đặc biệt, các báo cáo về vai trò của hồi sức thần kinh “Vai trò của hồi sức thần kinh trong trong điều trị đột quỵ não” của TS.BS Hà Tấn Đức, “Vai trò phục hồi chức năng sau đột quỵ não” của TS Lê Khánh Điền và “Phòng ngừa tiên phát và thứ phát đột quỵ nhồi máu não” của ThS.BS Phạm Nguyên Bình nhận được nhiều sự quan tâm.

Việc tổ chức hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong công tác cấp cứu đột quỵ tại ĐBSCL, góp phần giảm tỷ lệ tử vong, tàn phế và từng bước nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Tiến bộ vượt bậc trong điều trị đột quỵ: Mở rộng "giờ vàng", tăng cơ hội sống
Tại hội nghị, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã cập nhật những tiến bộ quan trọng trong điều trị đột quỵ não.
Theo TS.BS Trần Chí Cường, trước đây, chỉ bệnh nhân đến viện sớm trong 4,5 giờ mới có thể được can thiệp tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối trong 6-8 giờ. Nhưng hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ hình ảnh tiên tiến như MRI khuếch tán hoặc CT perfusion, "cửa sổ điều trị" đã được mở rộng lên đến 24 giờ cho một số trường hợp phù hợp.
Chuyên gia nhấn mạnh: "Điều này cực kỳ có ý nghĩa với thực tế tại Việt Nam, nơi 88% bệnh nhân đột quỵ nhập viện sau 3 giờ đầu. Việc mở rộng thời gian điều trị giúp nhiều bệnh nhân vốn trước kia mất cơ hội nay được cứu sống và phục hồi".

Ngoài ra, TS.BS Trần Chí Cường cũng chia sẻ về kỹ thuật mới: mổ lấy máu tụ bằng hệ thống định vị không gian 3D (Navigation) trong điều trị xuất huyết não. Công nghệ này cho phép can thiệp tối ưu, giảm thiểu tổn thương mô não lành, nâng cao khả năng phục hồi chức năng.
"Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, với những trường hợp đến kịp "giờ vàng", tỷ lệ cứu sống và hồi phục chức năng đạt tới 80-90%" - ông cho biết.
Mạng lưới cấp cứu đột quỵ: Cần sự kết nối đồng bộ
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam nhận định: "Khu vực ĐBSCL có mật độ dân số thuộc hàng cao nhất trong cả nước, với đặc thù sông nước, giao thông còn hạn chế, việc phát triển mạng lưới đột quỵ là cực kỳ cần thiết. Chúng tôi đánh giá cao tỉnh An Giang, khi đã xây dựng được 4 trung tâm đột quỵ đạt tiêu chuẩn của Hội Đột quỵ Thế giới".
Theo Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, mạng lưới cấp cứu đột quỵ cần đảm bảo các yếu tố: Khả năng tiếp nhận và xử trí đột quỵ cấp 24/7; được trang bị đầy đủ thiết bị cận lâm sàng cần thiết (CT, MRI, phòng can thiệp mạch); đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo bài bản và có hệ thống hồi sức thần kinh và phục hồi chức năng sớm.
Việc xây dựng mạng lưới không chỉ dừng lại ở bệnh viện tuyến tỉnh mà còn cần mở rộng tới các tuyến huyện, xã, phối hợp chặt chẽ với hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện (EMS).

Với những tiến bộ trong điều trị, việc mở rộng khung thời gian cấp cứu và sự đầu tư bài bản vào mạng lưới cấp cứu đột quỵ, ĐBSCL kỳ vọng sẽ giảm mạnh tỷ lệ tử vong và tàn phế do đột quỵ trong tương lai gần.
Hội nghị lần này là bước đệm quan trọng, thúc đẩy kết nối mạng lưới cấp cứu đột quỵ khu vực ĐBSCL, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện và kịp thời cho cộng đồng.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình