Mô hình cấp cứu đột quỵ của S.I.S Cần Thơ như "ngòi nổ" kích hoạt cả vùng khi về với miền Tây
Đó là chia sẻ của TS.BS Trần Chí Cường Tại Hội nghị Khoa học “Mạng lưới cấp cứu đột quỵ Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận đa ngành và điều trị toàn diện người bệnh đột quỵ não” về những thành tựu và con số ấn tượng sau 5 năm đưa mô hình cấp cứu đột quỵ S.I.S Cần Thơ về với miền Tây.
"Thời gian là não" và bài toán đặt ra cho người dân miền Tây
Theo TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can Thiệp Thần Kinh TPHCM, Giám đốc chuyên môn bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, đột quỵ là một trong những gánh nặng y tế lớn nhất, không chỉ đe dọa tính mạng, chất lượng cuộc sống mà còn gây tổn thất tài chính, nhân lực và ảnh hưởng rộng đến cộng đồng. Trong khi các các kiến thức về yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ đã quá quen thuộc với nhân viên y tế thì cộng đồng vẫn còn thiếu kiến thức về vấn đề này.
Việc hình thành một trung tâm đột quỵ chuyên sâu tại miền Tây như S.I.S Cần Thơ xuất phát từ thực tế đau lòng, TS.BS Trần Chí Cường chia sẻ, khi còn công tác tại TPHCM, chỉ 3-4% bệnh nhân ở khu vực miền Tây hay vùng sâu, vùng xa đến viện trong "thời gian vàng" (4,5 giờ đầu). Nếu cứ tập trung hệ thống cấp cứu đột quỵ tại các thành phố hơn như Hà Nội, TPHCM, người dân vùng sâu, vùng xa sẽ tiếp tục mất cơ hội được cứu sống hoặc điều trị tối ưu.
TS.BS Trần Chí Cường nhấn mạnh: “Càng truyền thông mạnh mẽ, càng có nguy cơ đẩy bệnh nhân về thành phố lớn, đi sâu vào nút thắt, không có cách nào phân luồng điều trị cho bệnh nhân”.

Mô hình S.I.S Cần Thơ: Cấp cứu đột quỵ từ đường bộ đến đường thủy
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết: “S.I.S Cần Thơ là trung tâm tham chiếu về máy móc của châu Á nên chúng tôi có cơ hội tiếp cận các trang thiết bị hàng đầu trên toàn thế giới.
Về mô hình cấp cứu, để tiếp cận bệnh nhân nhanh chóng, S.I.S xây dựng hệ thống cấp cứu đa phương tiện: tổng đài miễn phí 1800 1115, xe cấp cứu hiện đại, cano cấp cứu đường sông, đây là mô hình độc lạ tại Việt Nam đã lan tỏa ra thế giới. Hiện nay S.I.S Cần Thơ đang chuẩn bị đầu tư thêm 3 cano mới để phục vụ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn trên sông. Đây là mô hình được Hội Đột quỵ Thái Lan sang tận Việt Nam để học hỏi, áp dụng cấp cứu trên sông tại Thái Lan”.
Mỗi ngày, S.I.S Cần Thơ tiếp nhận hơn 1.000 cuộc gọi, cấp cứu trung bình 100-150 ca, trong đó phần lớn liên quan đến đột quỵ và nhồi máu cơ tim cấp. Sau 5 năm hoạt động, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 50.000 ca cấp cứu, gần 26.000 ca là đột quỵ, tăng tỷ lệ tiếp cận "giờ vàng" từ 13% (năm 2019) lên 24% hiện nay.
Mô hình điều trị tại S.I.S Cần Thơ không dừng ở can thiệp, mà là chuỗi liên kết chặt chẽ từ chẩn đoán, can thiệp nội - ngoại thần kinh, hồi sức cấp cứu, vật lý trị liệu đến phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng cho bệnh nhân sau đột quỵ. Trung bình mỗi năm bệnh viện thực hiện khoảng 2.500 ca can thiệp mạch máu não (lấy huyết khối), 1.500 ca can thiệp mạch vành, cùng hàng ngàn ca phẫu thuật khác.
Bệnh viện đầu tư mạnh vào các thiết bị hiện đại nhất, với 2 máy CT (trong đó có 1 CT 128 và 1 Photon CT), 4 MRI 3 Tesla, 3 hệ thống DSA hoạt động song song… Nhờ MRI 3 Tesla, bệnh nhân được chẩn đoán mạch máu mà không cần tiêm thuốc cản quang, rút ngắn thời gian quét còn 11 phút.
Một điểm nổi bật trong phác đồ điều trị tại S.I.S là sử dụng rTPA liều thấp phối hợp chẩn đoán bằng MRI 3 Tesla. Từ khoảng 400 ca sử dụng phác đồ này, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong sau biến cố xuất huyết não nặng.
“Khi S.I.S về với miền Tây như một "ngòi nổ" kích hoạt cả vùng miền, chúng ta nghĩ rằng trước đây bệnh nhân đột quỵ rất khó tiếp cận cơ sở y tế có cấp cứu đột quỵ. Hiện nay tại khu vực miền Tây có thể tự hào chúng ta là một trong những vùng miền điều trị đột quỵ không thua kém các vùng khác trong cả nước”, TS.BS Trần Chí Cường bày tỏ.

S.I.S Cần Thơ đẩy mạnh hoạt động đào tạo
Không chỉ đóng vai trò điều trị, S.I.S Cần Thơ còn là trung tâm đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho nhiều tỉnh thành. Theo TS.BS Trần Chí Cường, qua các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, các bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, những cơ sở vùng tận cùng tổ quốc đã có thể tự lấy huyết khối, điều trị tiêu sợi huyết nhờ. Hàng trăm bác sĩ trong và ngoài nước đã được đào tạo kỹ năng can thiệp, cấp cứu đột quỵ tại đây.
Bệnh viện cũng tích cực tham gia hội nghị quốc tế, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố, trong đó có các kỹ thuật tiên tiến như điều trị dị dạng mạch máu tủy, túi phình não, stent chuyển dòng, đặt coil, phẫu thuật ít xâm lấn...
Phối hợp với Hội can thiệp thần kinh TPHCM, Hội Can thiệp Thần kinh Á Úc và Hội Can thiệp thần kinh thế giới đã đào tạo, tổ chức rất nhiều CME, hội nghị, hội thảo…
TS.BS Trần Chí Cường tự hào sau 5 năm, S.I.S đã phục vụ hơn 1 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có hàng trăm bệnh nhân quốc tế đến từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Sỹ, Campuchia, Lào, Singapore, Malaysia... Hơn 20.000 lượt phẫu thuật và can thiệp DSA đã được thực hiện, Quỹ từ thiện Bệnh nhân nghèo bị đột quy khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (S.I.S Charity Foundation) đã hỗ trợ gần 15 tỷ đồng cho hơn 1.300 bệnh nhân. Bệnh viện liên tục đạt chứng nhận Kim cương của Hội Đột quỵ Thế giới (WSO).
Hội nghị Khoa học “Mạng lưới cấp cứu đột quỵ Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận đa ngành và điều trị toàn diện người bệnh đột quỵ não” do Sở Y tế An Giang, Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang phối hợp cùng Hội Đột quỵ TPHCM, Hội Đột quỵ Hà Nội, Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM và Chương trình Angels tổ chức vào ngày 19/4/2025. Hội nghị quy tụ gần 240 đại biểu tham dự trực tiếp với sự tham gia báo cáo và chủ tọa của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đột quỵ. >>> “Điều trị đột quỵ là cuộc chạy đua giữa bác sĩ và tốc độ chết của nhu mô não” >>> An Giang là tỉnh đầu tiên tại ĐBSCL có 4 bệnh viện điều trị đột quỵ, đạt chất lượng thế giới |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình