An Giang là tỉnh đầu tiên tại ĐBSCL có 4 bệnh viện điều trị đột quỵ, đạt chất lượng thế giới
TS.BS Nguyễn Hoàng Minh Phương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế tỉnh An Giang nhấn mạnh, mạng lưới điều trị đột quỵ trên địa bàn tỉnh đã góp phần đưa đến những kết quả khả quan, với nhiều điểm thuận lợi, song vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Qua đó cũng cho biết, An Giang là tỉnh đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long có 4 bệnh viện tham gia điều trị đột quỵ, đều đạt giải thưởng chất lượng của Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO).
3 mũi nhọn xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ tại An Giang
Trước bối cảnh đột quỵ gia tăng theo từng năm tại An Giang, trong khi căn bệnh này có thể phòng ngừa cũng như việc điều trị sớm giúp giảm tỷ lệ tử vong, tàn tật, Sở Y tế tỉnh đã xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ, đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Mạng lưới này được triển khai trên 3 mũi nhọn, đó là tăng cường công tác truyền thông phòng chống đột quỵ, xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ dựa vào cộng đồng và tổ chức các đơn vị điều trị đột quỵ.
Trong đó, thứ nhất về truyền thông phòng chống đột quỵ, Sở Y tế tỉnh đã tiến hành trên loa truyền thông các huyện, xã, trên đài truyền hình An Giang và báo An Giang, cùng các hội nghị chuyên ngành trong tỉnh. Thông điệp truyền thông nhấn mạnh vào các dấu hiệu đột quỵ F.A.S.T được truyền tải đến các cơ sở y tế, trạm y tế, xe cấp cứu.
Ngoài ra còn có các khẩu hiệu như: đến bệnh viện trong giờ vàng dưới 3 giờ cũng như công bố số điện thoại cấp cứu đột quỵ trong tỉnh như, Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang (02963 550 705), Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang (02963 910 115), Bệnh viện Tim mạch An Giang (02963 955 357), Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tân Châu (02963 532 736).
TS Minh Phương cho biết, tại An Giang, mặc dù mạng lưới đột quỵ chưa có Trung tâm cấp cứu 115 độc lập nhưng hệ thống xe cứu thương của Hội chữ thập đỏ rất mạnh. Vì vậy, Sở Y tế tỉnh tiến hành phối hợp cùng Hội chữ thập đỏ tỉnh, huyện và chương trình Angels dán poster dấu hiệu nhận biết đột quỵ FAST trên xe cứu thương, tuyên truyền đến người dân về kiến thức quan trọng này.

Thứ hai về xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ dựa vào cộng đồng, Sở Y tế triển khai đề án số 32 vào năm 2020 và cho đến nay đã tổ chức triển khai đề án này đến 11 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, huy động hệ thống 156 xe cấp cứu từ thiện trong toàn tỉnh để chuyển cấp cứu bệnh đột quỵ, cũng như kết nối hệ thống cấp cứu ngoài cộng đồng cụm Châu Đốc-Tân Châu tháng 11/2023 và tiếp đến là hệ thống cấp cứu cụm Long Xuyên - Tri Tôn tháng 9/2024.
Hiện nay, có 2 group zalo để các tài xế liên hệ với nhau và liên hệ đến các cơ sở y tế nhằm rút ngắn thời gian cấp cứu cho người bệnh. Điểm đặc biệt là tại An Giang, mỗi trạm y tế đều có 1 xe cứu thương của Hội Chữ thập đỏ, do đó sẽ nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cấp chuyên sâu có khả năng điều trị đột quỵ, TS Minh Phương chia sẻ về thế mạnh của tỉnh.
Thứ ba về tổ chức các đơn vị điều trị đột quỵ, tỉnh An Giang là tỉnh đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long có 4 bệnh viện tham gia điều trị đột quỵ, đều đạt giải thưởng chất lượng (Bạch kim, Vàng, Kim cương) của Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO). Cả 4 bệnh viện đều có thể thực hiện tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, riêng Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang còn triển khai thành công kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, Sở cũng triển khai tập huấn, tổ chức các tổ cấp cứu đột quỵ ở tuyến huyện, song hành với việc đào tạo nhân lực, cập nhật kiến thức cho đội ngũ điều trị đột quỵ và bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc… phục vụ điều trị. Việc nâng cao năng lực chuyên môn cũng được thực hiện cấp tập khi thường xuyên cử cán bộ cập nhật kiến thức, thực hành điều trị đột quỵ tại Bệnh viện S.I.S (Cần Thơ), Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) và qua các hội nghị trong nước cũng như quốc tế. Ngoài ra còn tham gia hội chẩn, kết nối chuyển tuyến điều trị đột quỵ trong vùng với 2 bệnh viện trên.
Mạng lưới đột quỵ tại tỉnh An Giang phát huy nhờ hành động quyết liệt
Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế An Giang đánh giá, việc triển khai 3 mũi nhọn trong xây dựng mạng lưới đột quỵ tại địa phương đã ghi nhận những kết quả tích cực. Theo đó, ý thức người dân về đột quỵ đã từng bước được nâng cao; lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn về đột quỵ; hệ thống đột quỵ từ cộng đồng đến bệnh viện từng bước được kết nối, nhân lực, thiết bị, cơ sở vật chất từng bước được đầu tư.
Theo số liệu thống kê các cơ sở khám chữa bệnh tại An Giang ghi nhận, đến năm 2024 số người được chẩn đoán xác định đột quỵ ngày càng tăng lên. Điển hình như tại Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang là 4.420 ca (2024) so với 2.278 ca (năm 2022), Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang là 2.228 ca (năm 2024) so với 1.029 ca (năm 2022). Tương tự, số ca điều trị can thiệp đột quỵ cũng gia tăng, Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang là 125 ca (năm 2024) so với 27 ca (năm 2022), Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang là 425 ca (năm 2024) so với 102 ca (năm 2024)…
Trong đó, phương pháp điều trị chủ yếu là tiêu sợi huyết. Nhờ sự can thiệp đột quỵ sớm và có hiệu quả, vì vậy số ca chuyển tuyến đều giảm theo thống kê năm 2022 (9,9%), 2023 (9,8%) và 2024 (4,3%), TS Minh Phương cho biết.
Ngoài việc thúc đẩy nhận biết sớm thì tại các bệnh viện đã triển khai quy trình quản lý chất lượng. Do đó, về thời gian cửa kim, so với con số chung tại Việt Nam là 330 phút thì tại An Giang đã có những con số đáng chú ý, 160 phút tại Bệnh viện Tim mạch An Giang, 185 phút tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, 240 phút tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang. Đây là nỗ lực rất lớn của các bệnh viện trong tỉnh để rút ngắn thời gian cửa kim cho bệnh nhân.
Mặc dù có nhiều thuận lợi, triển khai mạng lưới đột quỵ đã khởi sắc, song vẫn còn tồn tại những khó khăn và hạn chế. TS Minh Phương đề cập, đó là số bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trong thời gian vàng còn thấp (phụ thuốc vào nhiều yếu tố - sự hiểu biết của người bệnh, phương tiện vận chuyển…); khó khăn về nhân sự, lực lượng bác sĩ - điều dưỡng trong chăm sóc và điều trị đột quỵ trong tỉnh còn thiếu, còn yếu, nhất là lĩnh vực ngoại khoa, phục hồi chức năng; khó khăn thiết bị, vật tư y tế; đề án khám chữa bệnh từ xa chậm triển khai.
4 định hướng phát triển mạng lưới đột quỵ tại An Giang trong tương lai
Từ thực tế này, chuyên gia cho biết, Sở y tế sẽ tiến tới triển khai thành các bậc thang: cấp ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu. Trong đó, Trạm Y tế sẽ là cấp ban đầu, Trung tâm Y tế là cấp cơ bản và 4 bệnh viện (Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang, Đa khoa Trung tâm An Giang, Tim mạch An Giang Đa khoa Khu vực Tân Châu) sẽ là cấp chuyên sâu.
Trong tương lai, tiếp tục củng cố mạng lưới cấp cứu dựa vào cộng đồng, chuẩn hóa đội xe cấp cứu tình nguyện, phấn đấu xây dựng Trung tâm cấp cứu 115 về đột quỵ cho tỉnh và ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp cứu ngoại viện.
Song song đó không ngừng mở rộng các đơn vị điều trị đột quỵ, bằng cách phát triển khoa Đột quỵ thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành Trung tâm Điều trị đột quỵ; Thành lập đơn vị điều trị đột quỵ tại các Trung tâm y tế; Thành lập bệnh viện đột quỵ biên giới. Cùng với đó là xây dựng mạng lưới hội chẩn từ xa với Bệnh viện S.I.S Cần Thơ và Bệnh viện Nhân dân 115 và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức chăm sóc người bệnh sau đột quỵ với Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, chăm sóc tại nhà.
Hơn thế nữa, để tiếp tục phát huy mạng lưới đột quỵ thì không thể không nhắc đến việc nâng cao chất lượng bệnh viện, hệ thống vận chuyển xe cứu thương và nâng cao nhận thức cộng đồng về đột quỵ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế An Giang nhấn mạnh trong định hướng phát triển.
Những chia sẻ của TS.BS Nguyễn Hoàng Minh Phương nằm trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học “Mạng lưới cấp cứu đột quỵ Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận đa ngành và điều trị toàn diện người bệnh đột quỵ não” do Sở Y tế An Giang, Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang phối hợp cùng Hội Đột quỵ TPHCM, Hội Đột quỵ Hà Nội, Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM và Chương trình Angels tổ chức vào ngày 19/4/2025. Hội nghị quy tụ gần 240 đại biểu tham dự trực tiếp với sự tham gia báo cáo và chủ tọa của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đột quỵ. >>> “Điều trị đột quỵ là cuộc chạy đua giữa bác sĩ và tốc độ chết của nhu mô não” |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình