Hotline 24/7
08983-08983

Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh hướng dẫn phòng ngừa bệnh tim thiếu máu cục bộ

Bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể gây những biến chứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Những hướng dẫn từ Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh sẽ giúp bạn đọc AloBacsi hiểu về căn bệnh, từ đó chủ động hơn trong việc phòng ngừa, nhận diện và điều trị bệnh.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng thiếu máu cơ tim

BS.CK2 Huỳnh Thị Mười - Chuyên khoa Tim mạch-Lão học, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh giải thích, thiếu máu cơ tim là tình trạng cơ tim không được cung cấp đầy đủ oxy để hoạt động do giảm lưu lượng máu đến cơ tim. Thiếu máu cơ tim khiến tim phải làm việc gắng sức hơn để đưa máu đến phần còn lại của cơ thể, làm tăng nguy cơ đông máu, bệnh van tim, suy tim, rối loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu cơ tim là sự tích tụ các mảng xơ vữa và xơ cứng, được gọi là xơ vữa động mạch, làm cản trở sự lưu thông của máu qua động mạch. Ngoài ra, lưu lượng máu mạch vành có thể giảm do cục máu đông từ vị trí khác di chuyển đến, gây tắc mạch hoặc do tình trạng co thắt động mạch vành.

BS.CK2 Huỳnh Thị Mười chỉ ra những yếu tố thúc đẩy thiếu máu cơ tim gồm hút thuốc lá, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, ít vận động.

Hầu hết động mạch vành hẹp 50% không có biểu hiện triệu chứng. Mảng xơ vữa không được điều trị có thể dẫn đến cảm giác khó chịu ngực trái. Đây là hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi cảm giác khó chịu ở ngực trái lan lên hàm, xương vai, cánh tay trái tăng lên khi thể dục hay gắng sức.

Tần suất cơn đau có thể xảy ra vài tháng, vài tuần, nặng hơn là vài ngày 1 lần. Thời gian diễn ra cơ đau kéo dài trong vài dây đến vài phút, có thể giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu cơ đau kéo dài 15 - 20 phút cần đi cấp cứu ngay vì rất có thể đó là nhồi máu cơ tim.

Cảm giác khó chịu ngực trái là hội chứng lâm sàng đặc trưng của thiếu máu cơ tim

“Giống như các bệnh động mạch vành khác, thiếu máu cơ tim có thể không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi xảy ra một cơn nhồi máu cơ tim, gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng.

Thiếu máu cơ tim thầm lặng, thiếu máu cơ tim không bị đau hoặc thậm chí không có triệu chứng báo trước nào. Những người bị từng bị nhồi máu cơ tim, người lớn tuổi hoặc mắc bệnh đái tháo đường có nhiều nguy cơ bị thiếu máu cơ tim thầm lặng hơn - BS.CK2 Huỳnh Thị Mười trình bày.

Điều trị và phòng ngừa nhồi máu cơ tim bằng cách nào?

BS.CK2 Huỳnh Thị Mười cảnh báo: “Thiếu máu cơ tim không điều trị có thể dẫn đến nhiều bến chứng nghiêm trọng, bao gồm tử vong do nhồi máu cơ tim. Do đó, người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm”.

Bác sĩ Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh liệt kê một số xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán thiếu máu cơ tim là: Xét nghiệm máu men sinh học tim và các xét nghiệm máu sinh hóa; điện tâm đồ, siêu âm tim; điện tâm đồ gắng sức; Holter tim; nghiệm pháp gắng sức; chụp CT mạch vành; chụp động mạch vành...

Theo BS.CK2 Huỳnh Thị Mười, có 2 phương pháp điều trị thiếu máu cơ tim là thay đổi lối sống và dùng thuốc.

Về thay đổi lối sống, bệnh nhân cần có chế độ ăn lành mạnh cho tim, ngủ đủ giấc và tăng cường vận động. Những bệnh nhân thừa cân, béo phì phải giảm cân. Bên cạnh đó, cần chú ý giảm các yếu tố căng thẳng. Bỏ rượu, bia, thuốc lá cũng góp phần điều trị thiếu máu cơ tim.

Các loại thuốc để kiểm soát bệnh, giảm nguy cơ biến chứng gồm thuốc điều trị rối loạn mỡ máu, huyết áp, đái tháo đường (nếu có); thuốc ức chế men chuyển, angiotensin; thuốc chống ngưng kết tiểu cầu, giảm nguy cơ đông máu; thuốc chẹn beta; thuốc chẹn kênh canxi.

Các loại thuốc sử dụng để điều trị thiếu máu cơ tim được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân. Một loại thuốc có thể phù hợp với bệnh nhân này nhưng lại không hiệu quả với bệnh nhân khác. Bên cạnh đó, mỗi loại thuốc cũng có chống chỉ định riêng. Do đó, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tái khám thường xuyên, đặc biệt là không tự ý sử dụng đơn thuốc của người khác.

Ngoài ra, điều trị can thiệp được áp dụng trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc tình trạng thiếu máu cơ tim nặng cần phẫu thuật để hạn chế biến chứng. Một trong những biện pháp điều trị thiếu máu cơ tim can thiệp mạch vành qua da (PCI). Khi bơm thuốc cản quang và nhận thấy tình trạng hẹp mạch vành, bác sĩ sẽ đặt stent vào đoạn bị hẹp để tái lưu thông máu.

Trong trường hợp nhánh mạch vành tắc nặng hoặc tắc nhiều nhánh, phương pháp can thiệp bắc cầu thường được áp dụng

Biện pháp thứ hai, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) là kỹ thuật mà chỉ một số bệnh viện lớn có thể thực hiện. Khi có quá nhiều mạch máu bị hẹp, việc đặt stent trở nên tốn kém và không hiệu quả, bắc cầu động mạch vành là lựa chọn tốt.

BS.CK2 Huỳnh Thị Mười khẳng định: “Một thói quen sống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch”.

Những cách phòng ngừa thiếu máu cơ tim được các chuyên gia khuyến cáo là:

- Không hút thuốc lá, thuốc lào và cả thuốc lá điện tử; Tránh xa khói thuốc lá.

- Duy trì cân nặng hợp lý, phải giảm cân nếu thừa cân, béo phì.

- Tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, hoa quả, cá; hạn chế muối, đường, mỡ và nội tạng động vật.

- Giảm căng thẳng.

- Khám sức khỏe tổng quát định kỳ để kiểm tra các chỉ số huyết áp, đường huyết, mỡ máu, axit uric...

- Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X