Hotline 24/7
08983-08983

Tiêm ngừa cho trẻ vì sao phải có mũi nhắc lại, quên lịch chích ngừa phải làm sao?

Tiêm ngừa cho trẻ có nhiều lợi ích, BS Trương Hữu Khanh lưu ý các bậc phụ huynh cần theo dõi kỹ lịch tiêm ngừa của con để tiêm nhắc lại đầy đủ. Và cần tìm hiểu việc chích ngừa trước khi mang thai để phòng ngừa cho bé từ khi trong bụng mẹ.

1. Tiêm vắc xin cho bé mang lại những lợi ích gì cho bé?

Tiêm chủng rất có lợi cho các bé, giúp phòng bệnh trong thời gian khá dài. Vài trăm năm nay, một số bệnh chỉ có thể được khống chế hay “xóa sổ” bằng vắc xin mà biện pháp phòng ngừa thông thường không làm được việc đó.

Vắc xin tiêm cho trẻ được tính toán rất kỹ, thời gian điều chế vắc xin sẽ rất lâu và tốn kém. Các nhà chế tạo vắc xin sẽ chọn những bệnh khá nguy hiểm: đường lây nhiều và bệnh lây rất nhanh, gây ảnh hưởng nhiều đến trẻ, việc điều trị bị tốn kém nhiều.

Nước sạch và tiêm chủng là hai biện pháp cứu sống hàng nghìn người trên thế giới. Chúng ta cần biết tiêm chủng là một thành công lớn của y học, đó là quyền lợi của trẻ.

2. Hậu quả gì nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ?

Trẻ không được tiêm chủng sẽ mắc bệnh, các bệnh nguy hiểm có thể sẽ trả giá bằng tính mạng hoặc bằng di chứng. Chúng ta có thể thấy hậu quả trước mắt là trẻ bị bại não, liệt tay liệt chân, hậu quả lâu dài là còi cọc và ảnh hưởng đến trí tuệ.

Không tiêm chủng sẽ khiến trẻ lây bệnh cho gia đình, lây cho cha mẹ sau đó lây cho trường học, lây cho cộng đồng. Điều đó khá nguy hiểm nếu mình từ chối tiêm chủng cho bản thân và cho cộng đồng.

3. Bé từ lúc sinh ra đến 5 tuổi thì cần tiêm những loại vắc xin nào?

Cần tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để tránh các bệnh nguy hiểm. Ở Việt Nam, khoảng 9-10 bệnh nguy hiểm cần được chích ngừa.

Mới sinh ra, trẻ cần được chích 2 mũi cùng lúc: mũi viêm gan B và mũi lao.

Từ 1.5 -2 tháng, ta bắt đầu lộ trình chích ngừa mới: bạch hầu, uốn ván, ho gà, sốt bại liệt, viêm gan siêu vi B, viêm màng não do HIB. Tất cả các nước họ đều chích như thế, cách nhau khoảng 1.5 -2.5-3.5 tháng hoặc 2-4-6 tháng. Ở Việt Nam thường chích 2-3-4 tháng, tùy thuộc vào điều kiện chủng ngừa, số lượng trẻ ra sao, tổ chức sao cho gọn.

Bên cạnh đó, một số vắc xin ở nước ngoài được đưa vào chương trình chủng ngừa mở rộng còn Việt Nam chưa đưa vào do điều kiện kinhh tế, đó là vắc xin phế cầu, vắc xin rota.

Sau 3 mũi cơ bản sẽ chờ 12 - 16 tháng hoặc 18 tháng tiêm nhắc lại.

Từ 6 - 12 tháng, sẽ có thêm  vắc xin khác, chẳng hạn như 9 tháng chích sởi hoặc viêm não Nhật Bản mới.

Đến 12 tháng, có thể chích sởi - quai bị - rubella, thủy đậu. 9 tháng cũng có loại vắc xin thủy đậu.

Sau 16 - 18 tháng, sẽ có kế hoạch nhắc lại các vắc xin đó bởi vì qua một thời gian miễn dịch sẽ giảm đi. Cần tiêm nhắc lại bạch hầu, uốn ván, ho gà, sốt bại liệt, phế cầu, thủy đậu.

Khi trẻ 4 - 5 tuổi, mình lại nhắc thêm một đợt nữa.

Trẻ 9 - 10 tuổi, lại nhắc lại một đợt nữa.

Phụ nữ chuẩn bị có thai cũng có kế hoạch chích ngừa để phòng ngừa cho em bé khi còn trong bụng mẹ.

4. Việc tiêm nhắc lại quan trọng như thế nào?

Đa số các loại vắc xin cần được chích 2 mũi trở lên. Do đó, mình phải có kế hoạch nhắc lại. Từng loại vắc xin sẽ cột mốc nhắc lại, nhưng sẽ có từng đợt.

Đây là điều bắt buộc phải làm bởi vì sau khi chích ngừa các mũi cơ bản, nghiên cứu cho thấy lượng kháng thể của em bé giảm khi em bé 16 - 18 tháng. Em bé 4 - 5 tuổi, lượng kháng thể lại giảm. 9 - 10 tuổi, lượng kháng thể tiếp tục giảm.

Khi trẻ còn nhỏ, trẻ chỉ ở trong nhà. Nhưng khi trẻ càng lớn, ra môi trường càng nhiều, các em phải đi học: nhà trẻ tiếp xúc ít, mẫu giáo tiếp xúc khác, cấp 1, cấp 2, cấp 3 tiếp xúc khác. Trong khi kháng thể có được nhờ chích ngừa đã giảm xuống mà không tiêm mũi nhắc lại, nếu có nguồn bệnh bên ngoài chắc chắn em bé sẽ bị bệnh.

Các trẻ lớn bị bệnh sẽ có triệu chứng không rõ, nhưng có thể lây cho các em bé nhỏ ở nhà. Các em bé nhỏ đó chưa đến tuổi chích ngừa, khi bệnh sẽ bị nặng, chăm sóc rất vất vả.

Việc tiêm nhắc lại rất quan trọng vì giúp bảo vệ chính em bé đó và các em bé nhỏ hơn.

5. Trường hợp trẻ không thể tiêm chủng do nhiều nguyên nhân thì làm sao để bảo vệ sức khoẻ cho bé đó?

Nếu mình có một em bé bị giảm miễn dịch mạnh, mình cần điều trị cho trẻ rồi chích ngừa.

Có một số em bé không chích được vì bé bị dị ứng với thuốc, trường hợp này cách tốt nhất chính là mọi thành viên trong gia đình phải chích ngừa, cần giáo dục em bé khi ra đường cần vệ sinh tay chân như thế nào, đeo khẩu trang bằng cách nào để bảo vệ mình.

Nếu các cộng đồng mà em bé đến để sinh hoạt cũng được chích ngừa đúng cách, em bé sẽ an toàn. Chỉ có cách đó mới có thể bảo vệ cá thể không chích ngừa (miễn dịch cộng đồng).

6. Cách chăm sóc và theo dõi sau khi tiêm vắc xin cho bé?

Việc theo dõi em bé sau khi chích ngừa sẽ có nhiều mốc khác nhau.

30 phút đầu, phải ở tại cơ sở chích ngừa. Nếu thấy da trẻ nổi mề đay, bị tím tái thì báo ngay cho bác sĩ để bác sĩ cấp cứu trong trường hợp trẻ có phản ứng phụ đặc biệt. Tuy nhiên, tỷ lệ thường rất thấp.

Sau khi về nhà,  cần theo dõi em bé trong vòng 24 giờ, đặc biệt là đêm đầu tiên. Phụ huynh cần theo dõi xem em bé bú tốt không, không sốt hay sốt nhẹ... Thông thường cơn sốt sau chích ngừa sẽ tự hết trong vòng 24 - 48 tiếng.

Những dấu hiệu bất thường nào cảnh báo trẻ cần được theo dõi đặc biệt và cần đưa đến cơ sở y tế gấp?

Nếu em bé quấy khóc quá nhiều, lịm người hoặc bị co giật, chắc chắn ta phải đưa trẻ đi bệnh viện. Đó không phải là do chích ngừa mà nó là do một bệnh nặng đã bị từ hôm trước, bây giờ mới có biểu hiện, cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay.

Nếu em bé đau ở chỗ chích ngừa khi đụng vào nhưng không sốt, nên cho em bé uống thuốc giảm đau.

Nếu em bé sốt hơn 38 độ, mình cần cho bé uống thuốc hạ sốt. (Thuốc hạ sốt và giảm đau giống nhau).

Ta phải cho em bé ăn nhiều cữ, bú đủ sữa. Việc “hành” sau chích ngừa sẽ giảm xuống, trong vòng 48 tiếng sẽ mọi việc trở lại bình thường.

7. Sưng vết tiêm chích ngừa lao, phải làm sao?

Trẻ có dấu hiệu bưng mủ - nhất là mũi ở bắp tay (chống lao). Điều này là phản ứng bình thường hay bất thường ở trẻ? Cha mẹ có thái độ gì với phản ứng này của trẻ?

Hiện tượng bưng mủ thường xảy ra ở vai trái là do trẻ chích ngừa lao khi mới sinh ra. Khoảng 1 - 3 tháng sau, mũi chích ngừa lao đó mới sưng lên. Nếu mũi chích ngừa sưng lên như thế chứng tỏ là vắc xin có tác dụng, mình không cần làm gì cả, nó khô và để lại sẹo.

Trường hợp mủ nhiều, mình chỉ cần rửa bằng dung dịch sát trùng, thường nó sẽ tự ổn.

Đó là phản ứng tốt sau chích ngừa lao, chứng tỏ cơ thể trẻ đã đáp ứng được với vắc xin, nó sẽ tạo ra kháng thể chống vi khuẩn lao.

8. Có cần cho trẻ ăn uống gì đặc biệt để giảm bớt sự khó chịu sau khi tiêm chủng?

Thông thường em bé sẽ “rêm mình” sau khi chích ngừa, giống như cơ thể mình vận động nhiều quá sẽ ê ẩm.

Nếu em bé lớn, chúng ta cho bé ăn uống bình thường, đừng kiêng gì hết.

Nếu bé nhỏ, mình phải chăm và cho bé ăn thành nhiều bữa (chút một chút một). Khi em bé có cảm giác muốn nôn ói thì dừng lại khoảng 10 - 15 phút sau đó mình cho bé ăn tiếp. Nếu mình làm như vậy, mình vẫn bổ sung được các chất dinh dưỡng mặc dù hơi cực một chút.

Thời gian khó chịu khó ăn chỉ kéo dài 24 tiếng, phụ huynh phải cố gắng chăm thôi. Cơ bản là: uống sữa từng cữ một, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, trẻ không cần kiêng gì.

9. Làm mất sổ tiêm ngừa của con, có xin cấp lại được không?

Vì nhiều lí do, nhiều cha mẹ làm mất hoặc làm hư hỏng sổ tiêm chủng của con? Những trường hợp này xử trí như thế nào?

Nếu mất sổ tiêm ngừa, phụ huynh đến nơi chủng ngừa, họ sẽ xem lại thông tin cho mình trẻ đã chích gì và chưa chích gì.

Trong trường hợp mất sổ mà không truy xuất được thông tin, sẽ chích theo lứa tuổi. Nếu trẻ chích dư một mũi cũng không thành vấn đề gì. Thường dưới 6 tháng sẽ không có vấn đề gì, nhưng mốc 12 tháng trở đi phụ huynh dễ quên, 9 tháng quên chích sởi, 18 tháng quên nhắc lại.

4 - 5 tuổi nếu mất sổ, ta chỉ cần chích theo lứa tuổi đó là được rồi.

Trong trường hợp chích ngừa viêm gan siêu vi B, mình cần theo dõi, xét nghiệm xem có kháng thể chưa, và cho trẻ chích thêm 1 liều nếu không đủ kháng thể.

10. Liệu vắc xin dịch vụ có an toàn hơn vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng?

Mỗi cái đều có cái lợi riêng của nó, nếu chúng ta tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) thì sẽ không tốn tiền và lúc nào cũng chích đủ. Chỉ có một số ít mũi phải chích ở ngoài như phế cầu, rota, thủy đậu… Sau này nước mình giàu lên, chương trình TCMR sẽ có thêm vắc xin.

Khó khăn của TCMR là 1 tháng chỉ chích 2 lần, khi đợt chích ngừa đến con mình bị bệnh phải hoãn chích đợi đợt sau. Tuy nhiên, TCMR vẫn là có nhiều ưu điểm như đỡ tốn tiền, ở trạm xá gần nhà, mình cứ đưa đến đó chích thôi.

Tiêm kiểu dịch vụ sẽ có nhiều loại vắc xin hơn, trong đó có một số vắc xin ít hành hơn một chút nhưng đồng thời cũng tốn tiền. Bù lại, tiêm chủng dịch vụ thì mình muốn chích lúc nào cũng được. Ví dụ như hôm nay con mình bệnh, mai em bé hết bệnh thì đi chích.

So sánh thì mỗi cái đều có lợi và bất lợi riêng. Vì vậy, tùy thuộc vào điều kiện của phụ huynh để chọn lựa. Chúng ta cần nhớ các mũi trong TCMR là phải chích đủ. Đừng bỏ mũi nào có trong TCMR, sau đó mình mới chích thêm.

Trong TCMR, người ta sẽ chọn ra những cái cần thiết nhất cho trẻ. Đừng bỏ TCMR mà chỉ chích dịch vụ sẽ dẫn đến xót các mũi tiêm chính của TCMR.

11. Lưu ý, dặn dò của bác sĩ đối với các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng?

Các bậc cha mẹ cần biết tiêm chủng rất quan trọng, đừng đợi đến khi em bé sinh ra mới đi tìm hiểu việc chích ngừa.

Trong khi các bà mẹ mang thai, họ phải chủng ngừa ngay để họ tìm hiểu xem con mình có khả năng mắc bệnh gì và có vắc xin gì để mình tiếp tục chủng ngừa.

Phải chích ngừa ngay lúc trẻ mới sinh ra, sau đó sẽ theo dõi sát lịch.

Nếu phụ huynh hay quên thì phải ghi chép vào sổ. Nếu cảm thấy khó quá, nên nhờ một bác sĩ nhi thân thiết để tham vấn.

Đừng vì nghe một số thông tin không rõ ràng rồi bỏ chích ngừa, đến lúc trẻ bị bệnh mình mới ân hận. Vì vậy, chủng ngừa rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Trọng Dy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X