Hotline 24/7
08983-08983

Phòng ngừa uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh và uốn ván ở trẻ em

Uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh và uốn ván ở trẻ em là bệnh cấp tính và nguy cơ gây tử vong rất cao do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván. BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh: việc phòng ngừa uốn ván rất quan trọng.

Phần I: Phòng ngừa uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh

1. Uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh là gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Uốn ván rốn là bệnh ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn còn rốn và vi khuẩn uốn ván xâm nhập qua đường rốn. Như vậy, người ta đặt tên uốn ván rốn để chỉ đây là bệnh ở trẻ sơ sinh và đường xâm nhập là qua đường rốn.

2. Nguyên gây uốn ván rốn trẻ sơ sinh

BS Trương Hữu Khanh:

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn là do người mẹ không được chủng ngừa.

Một trong các cách phòng ngừa uốn ván là chủng ngừa, nhưng trẻ sơ sinh nằm trong bụng mẹ nên không thể chủng ngừa. Nếu không chích ngừa cho người mẹ thì mẹ sẽ không có đủ kháng thể để truyền cho con. Vì vậy, trong những ngày đầu đời, trẻ sẽ không có kháng thể để chống lại các tác nhân gây uốn ván.

Trong quá trình sinh, đặc biệt là lúc cắt rốn không được đảm bảo vệ sinh hoặc sử dụng các phương pháp như xỏ lỗ tai cũng là nguyên nhân gây uốn ván rốn.

Tóm lại, có 2 tình huống gây uốn ván rốn: không chích ngừa cho người mẹ và quá trình chăm sóc để bé nhiễm vi khuẩn uốn ván.

3. Triệu chứng uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh

Triệu chứng của uốn ván rốn ở trẻ là gì ạ? Triệu chứng thường gặp nhất và dễ nhận thấy ban đầu là gì? Và thời kỳ ủ bệnh là bao lâu?

BS Trương Hữu Khanh:

Tình trạng uốn ván rốn thường xảy ra rất nhanh, sau khi vi khuẩn uốn ván tấn công 1-3 ngày thì trẻ sẽ phát bệnh.

Triệu chứng thường gặp là trẻ sẽ bỏ bú, nghiến răng, gồng cứng cơ, khóc không nỗi, khó thở, thậm chí ngưng thở. Với các triệu chứng nặng như thế, ta cần đưa trẻ đi khám bệnh ngay. Lúc đó, bác sĩ sẽ xem xét đó là do uốn ván hay bệnh lý ở não, bởi đó là những triệu chứng nặng.

Theo thống kê của Viện dịch tễ Trung ương, khoảng 95% trẻ em khi mắc bệnh thường sẽ tử vong. Vì sao như vậy, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Nguyên tắc của uốn ván là làm cứng hết tất cả các cơ, trong đó có cơ hô hấp. Mình không thể điều khiển đầu để nâng nhịp thở lên và dẫn đến tử vong. Cơ hô hấp ở thanh quản bị siết chặt, dẫn đến tử vong do không thở được.

4. Cách điều trị uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh

Khi đến các cơ sở y tế thông thường điều trị uốn ván rốn được xử trí thế nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Để điều trị uốn ván rốn, đây là quy trình mất nhiều công sức vì phải dùng thuốc để giải độc tố của uốn ván. Họ phải dùng thuốc chống co giật, thậm chí cho đứa bé thở bằng máy. Thở máy là phương pháp điều trị nặng, yêu cầu nhiều thời gian để thích nghi với tác dụng thuốc. Các độc tố dần được thải ra khỏi cơ thể, có thể trung hòa lại.

Trong trường hợp bị bội nhiễm, buộc phải dùng thuốc kháng sinh. Đồng thời, trẻ cần được cung cấp dinh dưỡng đặc biệt. Vì vậy, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.

5. Hậu quả của bệnh uốn ván rốn ở trẻ nếu không can thiệp kịp thời

Thưa BS nếu không được điều trị kịp thời uốn ván rốn sẽ gây nên những hậu quả gì ạ? Trong đó biến chứng nào là nguy hiểm nhất, sau này có di chứng gì không?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu mình đảm bảo oxy não tốt thì bệnh sẽ không để lại di chứng. Nhưng nếu can thiệp chậm, di chứng bệnh uốn ván rốn để lại sẽ giống di chứng của bệnh thiếu oxy não lâu dài.

6. Cách phòng ngừa uốn ván rốn cho trẻ em

Cha mẹ cần phòng ngừa bệnh uốn ván rốn bằng cách nào? Nếu muốn tiêm ngừa uốn ván rốn cho em bé sơ sinh thì họ nên đưa đến đâu?

BS Trương Hữu Khanh:

Phụ nữ mang thai phải chủng ngừa uốn ván trong giai đoạn 3 tháng giữa và cuối thai kỳ.

Nếu không chủng ngừa uốn ván thì chúng ta đang làm mất cơ hội bảo vệ trẻ cho việc phòng ngừa uốn ván. Nếu sinh trẻ ở vùng xa hay vùng thôn bản, việc xác định dụng cụ cắt rốn rất quan trọng. Nếu như sinh tại nhà và sử dụng các dụng cụ cắt rốn không an toàn như lưỡi liềm, lưỡi kéo không sạch, bị rỉ sét, có chứa các bào tử của vi khuẩn uốn ván. Cần đảm bảo vệ sinh khi xỏ lỗ tai hoặc xỏ tại các cơ sở đảm bảo vô trùng thì mới an toàn và tránh uốn ván.

Phần II: Phòng ngừa uốn ván ở trẻ em

7. Bệnh uốn ván ở trẻ em là gì, có mấy tên gọi?

BS Trương Hữu Khanh:

Ngày xưa bệnh uốn ván được gọi là phong đòn gánh. Bởi vì khi bị uốn ván sẽ khiến người bệnh gồng cứng tất cả các cơ như đòn gánh; phong nghĩa là do bị gió nên gồng cơ. Nhưng hiện nay, người ta biết chính xác là bệnh do vi khuẩn uốn ván gây ra.

Uốn ván do 1 loại vi khuẩn tồn tại trong đất dưới dạng bào tử. Khi bào tử xâm nhập vào cơ thể, bào tử sinh sôi, trở thành các con vi khuẩn. Khi xâm nhập vào cơ thể, bào tử sẽ chuyển thành các vi khuẩn, đi xuyên qua da, đi vào máu và tiết ra độc tố.

Bình thường não sẽ làm cho các cơ mềm mại để nâng lên xuống khi vận động. Độc tố này sẽ chặn đường dẫn truyền từ não đến các cơ thần kinh khác, dẫn đến gồng cơ, không thở được, ngưng thở và thiếu oxy.

8. Nguyên nhân thường gặp gây uốn ván ở trẻ

BS Trương Hữu Khanh:

Nguyên nhân uốn ván là do trẻ bị một vết thương, có thể bị vết thương nhưng không biết hoặc vết thương không được vệ sinh sạch.

Vết thương có chứa bào tử của vi khuẩn uốn ván sẽ xâm nhập vào cơ thể, cộng thêm việc chủng ngừa không đủ hoặc không chủng ngừa. Vì vậy khi vi khuẩn tiết ra độc tố, miễn dịch không đủ để “bắt” được con vi khuẩn đó.

9. Biểu hiện của uốn ván ở trẻ em

BS Trương Hữu Khanh:

Có em bé bị uốn ván thì sốt cao, có bé sẽ sốt nhẹ. Nhưng biểu hiện chính của uốn ván là đứa bé bị cứng hàm, nói khó, nuốt khó. Biểu hiện ban đầu là cứng cơ, cứng mặt, chuyên môn gọi là “nụ cười bi thảm”. Tức là nhìn vào lúc nào cũng thấy trẻ cười nhưng thật ra là do cơ mặt bị cứng. Đó là dấu hiệu đầu tiên của uốn ván.

Tuy nhiên, có một số triệu chứng bệnh uốn ván cũng rất tế nhị, phải khám kỹ mới phát hiện bệnh, nếu để trễ nó sẽ khiến cơ thể bị co cứng dẫn đến khó thở.

10. Cách xử trí đúng khi trẻ bị uốn ván

Thưa BS các bố và mẹ cần theo dõi con thế nào, khi nào nhất thiết cần đưa bé ngay đến các cơ sở y tế?

BS Trương Hữu Khanh:

Việc trẻ bị trầy tay, chân thì không cần gấp gáp đưa đến bệnh viện ngay, vì bệnh uốn ván không xảy ra liền.

Cha mẹ cần xem xét trẻ bao nhiêu tuổi, việc chích ngừa như thế nào, có đủ miễn dịch cho em bé hay không, đặc biệt là vết thương nhỏ.

Đối với vết thương lớn thì phải đưa trẻ đi chích ngừa. Các vết thương dính nhiều bùn đất, vết thương rộng thì phải chích ngừa. Riêng vết thương do chất sét gây nên thì cần xem xét mức độ chủng ngừa của em bé.

Ví dụ như em bé được chích ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà từ 2-4 tháng. Khi bé 16 tháng tuổi, lượng kháng thể đã ở mức thấp. Vì vậy, trẻ phải tiêm nhắc lại từ 16-18 tháng. Khi bé 3-4 tuổi lượng kháng thể sẽ hết. Do đó, ta phải tính toán bé bao nhiêu tuổi và bé đã chủng ngừa bao nhiêu mũi tiêm rồi. Tất cả sẽ phụ thuộc độ tuổi và số mũi tiêm ngừa để quyết định tiếp tục chủng ngừa uốn ván hay vệ sinh vết thương.

11. Cách xử trí tại nhà khi trẻ bị va phải đinh rỉ sét

Khi con trẻ chạy nhảy tinh nghịch và té ngã nếu xuất hiện những vết thương hở do va phải đinh rỉ, sét cần chủ động xử trí tại nhà thế nào là đúng cách?

BS Trương Hữu Khanh:

Trước hết, ta không nên đắp lung tung lên vết thương. Cần rửa nước sạch hoặc rửa bằng cồn 70 độ để trôi bớt chất bẩn.

Nếu trẻ bị trầy xước nhiều thì sẽ dùng bông gòn để rửa. Nếu vết thương quá lớn thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để nhân viên y tế rửa sạch đất còn bám trong vết thương.

Bôi thêm thuốc để tránh bị nhiễm trùng nặng hơn. Sau đó, các bác sĩ sẽ đánh giá vết thương và độ tuổi để xem xét có tiêm ngừa hay không.

Trẻ dưới 3-4 tuổi cần được chích ngừa đủ, vì nếu có khi trẻ không biết mình đạp phải một vật gì đó hoặc có đạp nhưng không nói với gia đình.

Những trẻ lớn hơn sẽ ý thức được việc đạp đinh và thông báo với gia đình. Khi đó, mình sẽ cân nhắc có chích ngừa uốn ván hay không.

Trẻ nhỏ phải chủng ngừa, chứ không phải để bị giẫm đinh rồi mới chích.

12. Vết thương chỉ xước da, chưa chảy máu thì có cần chích ngừa không?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu vết thương không sạch, cũng cần xem xét lại độ tuổi để biết có nên cho trẻ chủng ngừa hay không. Cách làm tương tự như trên.

13. Phòng ngừa uốn ván ở trẻ

Cần phòng ngừa uốn ván ở trẻ em thế nào? Lời khuyên của BS dành cho các bậc phụ huynh.

BS Trương Hữu Khanh:

Phòng ngừa uốn ván ở trẻ rất quan trọng, vì nếu phòng ngừa được uốn ván thì sẽ phòng ngừa được bệnh bạch cầu - ho gà. Vì vậy, lứa tuổi dưới 18 tháng cần chích ngừa đúng theo lịch, bởi vì nếu em bé có đạp phải đinh thì cũng không biết.

Thời gian chủng ngừa 3 mũi đầu sẽ phụ thuộc vào từng loại vắc xin. Từ 16 tháng tuổi trở lên cần phải chích thêm một mũi nữa để phòng ngừa uốn ván. Như vậy, phải chích đủ 4 mũi cơ bản thì mới phòng ngừa được uốn ván.

Đến năm 3-4 tuổi, khi em bé gặp tai nạn thì sẽ chủng ngừa cho trẻ ngay. Khi bé 4-5 tuổi, có thể tiêm nhắc lại mũi bạch hầu - uốn ván - ho gà để ta tiếp tục ngừa khi lớn. Cha mẹ cần dạy trẻ khi giẫm phải một vật lạ thì phải báo ngay để gia đình cho đi chích ngừa.

Trọng Dy - Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X