Hotline 24/7
08983-08983

Chùm hỏi đáp với BS Trương Hữu Khanh về bệnh bạch hầu

Trong buổi livestream của mình, BS Trương Hữu Khanh trả lời câu hỏi của độc giả về bệnh bạch hầu: bệnh diễn tiến trong thời gian bao lâu, tuổi nào cần chích ngừa nhắc lại, phụ nữ mang thai có tiêm được vắc xin bạch hầu hay không…

Tiếp theo 2 bài trước:

>> Bệnh bạch hầu: Không phải thêm một người dương tính là thêm ca bệnh
>> Làm sao để ngăn chặn bệnh bạch hầu? Cần chích ngừa bao nhiêu mũi?

Bạch hầu có biểu hiện như thế nào?

Dấu hiệu kinh điển của bạch hầu là cổ bạnh ra, sưng to giống như quai bị nhưng sưng to xuống cổ luôn, nhưng bây giờ ít thấy bệnh nhân như vậy.

Ngoài ra, có những biểu hiện khác khó biết: không sốt nhiều nhưng đau họng, nuốt thấy đau, ho… phải khám họng mới thấy giả mạc.

Nhưng giả mạc khi nhìn qua cũng có thể nhầm với viêm amidan có mủ, nấm họng… bác sĩ có kinh nghiệm sẽ phân biệt được. Còn phụ huynh thấy trong miệng - họng của con có vệt trắng, đặc biệt kèm đau họng là phải đưa đi khám liền.

Nếu mà để bệnh nhân mệt quá, tím tái, thở không nổi, tim đập không nổi là trễ lắm rồi. Tình trạng này thì ai cũng phải nhập viện thôi.

Người nào có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu?

Những năm 80, 90 thì bệnh bạch hầu hay gặp ở trẻ nhỏ, bây giờ thì trẻ lớn và người lớn cũng bị, vì sau khi chích ngừa thì trẻ nhỏ không bị nữa, còn trẻ lớn và người lớn do kháng thể giảm nhưng không chích nhắc nên bị. Vắc xin đã làm thay đổi mô hình bệnh, thay đổi lứa tuổi bị bệnh.

Người có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu thứ nhất là những người sinh sống ở nơi có độ bao phủ vắc xin kém, ít tiếp cận với thông tin y tế, ở xa quá không đi chích ngừa.

Thứ hai là người đó có chích ngừa nhưng chưa đủ mũi.

Cho nên những người có 2 yếu tố này, hay những người phải di chuyển đến nhiều nơi thì nên chích ngừa và chích nhắc.

Bệnh bạch hầu từ lúc nhiễm vi khuẩn cho đến khi có triệu chứng và tử vong là bao lâu?

Việc này tùy từng cá nhân. Có người từ 2-4 ngày đã bệnh nặng rồi, có người sau 2 tuần mới biến chứng vào tim, có người cả tháng sau mới biến chứng vào thần kinh.

Biến chứng của bệnh bạch hầu là gì? Biến chứng nào nguy hiểm?

Bạch hầu có 2 nhóm biến chứng:

  1. Biến chứng tại chỗ: vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố tạo thành giả mạc lan ra bít đường thở, gọi là bạch hầu thanh quản làm tắc đường thở
  2. Ngoại độc tố phóng vào máu, tấn công tim và thận, nhiều nhất là tim (viêm cơ tim, chậm nhịp, đơ cơ tim. Biến chứng thần kinh diễn ra rất muộn nhưng nếu bệnh nhân không khó thở thì sẽ khỏi.

Làm sao để phân biệt giả mạc của bạch hầu với viêm họng giả mạc do virus?

Chỉ có phết họng làm xét nghiệm thì mới biết chắc chắn. Theo kinh nghiệm thì viêm họng giả mạc do virus khi xét nghiệm máu cũng sẽ có khác biệt so với xét nghiệm máu của bệnh bạch hầu.

Tuy nhiên, cần nhớ là khi thấy bệnh nhân có viêm họng giả mạc mà họ đang ở (hay đến từ) vùng có bệnh bạch hầu thì lo điều trị kháng độc tố SAD cho nhanh, còn đợi từ từ phân tích coi chừng trễ.

Chích vắc xin bạch hầu bao lâu sẽ có tác dụng?

Thường thì sau khi chích vắc xin 10 ngày sẽ có tác dụng, nhưng muốn có tác dụng tốt thì phải cả tháng. Tuy nhiên mình đừng lo sợ quá, nhớ mang khẩu trang và rửa tay để tránh lây bệnh.

Chích nhắc vắc xin bạch hầu như thế nào?

Sau 4 tuổi nhắc 1 mũi, 9-10 tuổi nhắc 1 mũi, sau đó cứ mỗi 10 năm nhắc 1 mũi.

Có vắc xin bạch hầu đơn lẻ không?

Không có vắc xin bạch hầu đơn lẻ.
Các trung tâm có vắc xin 3 trong 1, 4 trong 1 để chích ngừa bạch hầu cho các lứa tuổi khác nhau, riêng trẻ nhỏ có vắc xin kinh điển là 6 trong 1. Người lớn không chích 6 trong 1 mà tìm vắc xin có bạch hầu liều thấp để sau khi chích đỡ bị hành.
Hiện Việt Nam có sản xuất vắc xin 2 trong 1 là bạch hầu - uốn ván.

Nước ngoài có vắc xin 3 trong 1 bạch hầu - uốn ván - ho gà. Hiện nay tiêm chủng dịch vụ cũng có nhập vắc xin 3 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà) dành cho trẻ lớn và người lớn.

Người lớn có cần chích vắc xin bạch hầu hay không?

Tùy địa phương mình sinh sống, và có thường xuyên di chuyển đến vùng dịch hay không. Nếu có điều kiện thì cũng nên chích nhắc.

Phụ nữ mang thai có tiêm được vắc xin bạch hầu?

Ở nước ngoài thì bạch hầu - uốn ván - ho gà chích cho phụ nữ mang thai được, nhưng tình huống này tế nhị là thai phụ thường lo ngại có vấn đề gì cho nên không chích. Nhưng nếu đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng thì họ sẽ chích (như đối với uốn ván), vì không chích là trạm y tế bị phạt.

Tóm lại bạch hầu - uốn ván - ho gà chích cho phụ nữ mang thai được, bạch hầu là ngừa cho mình, ho gà và uốn ván là ngừa cho em bé. Bởi vì em bé dưới 2 tháng mà không được mẹ truyền kháng thể ho gà cho mà bị ho gà thì nguy hiểm lắm. Mà ho gà phải chích 3 mũi mới đủ kháng thể, nhiều khi mới chích 1 mũi là trẻ vẫn có thể bị ho gà.

Những người đang bị bệnh bạch hầu có nên tiêm vắc xin bạch hầu hay không?

Khi nào hết bệnh rồi tính, bởi vì còn tùy trường hợp.

Những ca đã nghi là bệnh bạch hầu (có triệu chứng, có giả mạc) phải dùng tiêm ngừa kháng độc tố bạch hầu (Serum Anti Diphtheriae- SAD), bởi vì chờ xét nghiệm dương tính coi chừng trễ. Ít có ai đã dùng SAD mà phải dùng lặp lại.

Người lành mang trùng (phết ra thấy dương tính nhưng không có triệu chứng, họng cũng không có giả mạc) thì không sử dụng SAD, chỉ uống kháng sinh thôi.

Trẻ em chích ngừa bạch hầu cần lưu ý gì?

Trẻ bị viêm họng đang uống thuốc có chích ngừa được không?

Miễn là em bé không sốt thì chích ngừa đi. Chứ còn thấy bé ho, sổ mũi hoặc đang uống thuốc gì mà ngưng chích ngừa là sai.

Mọi người nhớ rằng các loại thuốc điều trị những bệnh thông thường có bán ở các hiệu thuốc hiện nay không ảnh hưởng hay tương tác với vắc xin.

Chỉ có trường hợp bệnh nặng phải uống corticoid liều cao, hoặc người bị ung thư, xạ trị, sau ghép thận, người suy giảm miễn dịch thì mới phải thận trọng, phải hỏi ý kiến bác sĩ khi chích ngừa.

Trung tâm tiêm chủng từ chối chích vì em bé đang uống kháng sinh?

Trung tâm này không chích thì đi đến trung tâm khác, có nhiều trung tâm chích ngừa mà.

Ở Việt Nam có nhiều người ngại chích ngừa trong các tình huống này là không đúng: sổ mũi chút chút không chích, đang uống kháng sinh không chích, uống kháng sinh xong vừa mới ngưng cũng không chích. Tôi khẳng định kháng sinh không ảnh hưởng gì tới vắc xin cả.

Trẻ 4 tuổi đã tiêm 4 mũi vắc xin bạch hầu mà sao vẫn bị bệnh?

Lý do là tới 4 tuổi kháng thể kháng lại độc tố bạch hầu đã giảm rồi, cộng thêm việc bé tiếp xúc nguồn lây do sống trong vùng có độ phủ vắc xin kém. Cho nên phải cố gắng chích nhắc.

Trẻ 3 tuổi có nên chích nhắc bệnh bạch hầu không?

Trẻ 3 tuổi thì chờ 4 tuổi hoặc hơn 4 tuổi hãy tiêm.

12 tuổi không nhớ hồi nhỏ đã chích ngừa hay chưa?

Trường hợp này bây giờ chích 1 mũi là được.

Vắc xin viêm não mô cầu ACYW và vắc xin bạch hầu tiêm cách nhau bao lâu?

Hai vắc xin viêm não mô cầu và vắc xin bạch hầu phải tiêm cách nhau ít nhất 1 tháng, bởi vì liên quan tới protein của bạch hầu trong liên hợp này, giải thích thì chuyên sâu lắm.

Chích ngừa bạch hầu rồi có nguy cơ bị bệnh hay không?

Nếu chích đúng và nhắc đủ thì rất khó bị bệnh.

Bị bệnh bạch hầu rồi sau này có mắc bệnh lần nữa không?

Miễn dịch với bạch hầu không phải là miễn dịch suốt đời. Vi khuẩn khó có miễn dịch suốt đời lắm. Người bệnh bạch hầu sau khi khỏi bệnh có thể bị bệnh lần nữa nếu hệ miễn dịch kém nhưng không cùng một năm đó. Em bé từng bị bạch hầu lúc nhỏ lớn lên có thể bị bệnh này lần nữa.

Vệ sinh miệng họng bằng nước ozon (anolyte) có được không?

Được, nhưng tôi không rõ nước này có mắc tiền lắm không. Nếu nó rẻ thì cứ súc bình thường thôi. Người ta đã nghiên cứu uống nước này 20 lít cũng không sao.

Trích livestream của BS Trương Hữu Khanh

Bệnh bạch hầu: Không phải thêm một người dương tính là thêm ca bệnh


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X