Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh bạch hầu: Không phải thêm một người dương tính là thêm ca bệnh

Trong buổi livestream trên trang cá nhân của mình, BS Trương Hữu Khanh giải thích rõ cơ chế gây bệnh và lây bệnh bạch hầu, đồng thời nhấn mạnh người lành mang trùng chưa phát bệnh thì không tính là một ca bệnh.

Bạch hầu không phải là bệnh mới hay lạ. Nếu nhìn lại những năm trước, chúng ta sẽ không thấy bệnh này diễn biến quá đột ngột, và những năm đó cũng đã tử vong một vài ca. Năm nay thì chúng ta nhắc tới nhiều, có lẽ do đợt COVID-19 mà mọi người lo lắng hơn về những bệnh lây.

I. Lịch sử bệnh bạch hầu

“Bạch” là trắng, “hầu” là vòm hầu phía sau họng.

Trước khi có chương trình tiêm chủng mở rộng bắt đầu vào những năm 80, và sau đó một vài năm thì trẻ em bị bệnh này nhiều. Do tỷ lệ lây lan và tử vong, bạch hầu được xếp vào một trong 6 bệnh nguy hiểm (bạch hầu, uốn ván, ho gà, sốt bại liệt, sởi, lao) được đưa vào tiêm chủng mở rộng trên thế giới, và là bệnh cần phải chích ngừa sớm.

Sau khi tiêm chủng mở rộng một thời gian, số ca bạch hầu rất thấp, gần như biến mất, đến mức bác sĩ trẻ không được học về bệnh này (vì không có ca bệnh, chỉ nghe mô tả lại). Chính vì không được thấy nên hay quên, quên thành ra sót.

Ngày xưa, trước khi có tiêm chủng mở rộng thì bạch hầu chỉ gặp ở trẻ nhỏ nhưng hiện nay do chích ngừa nên trẻ nhỏ không bị nữa, nhưng sau một thời gian dài không tiêm nhắc thì trẻ lớn và người lớn bị bệnh.

Những năm sau này bệnh bạch hầu vẫn xuất hiện ở vùng sâu vùng xa có độ bao phủ vắc xin thấp, và thường xảy ra vào mùa mưa không khí ẩm thấp, mọi người sinh hoạt chung đụng trong khu vực ẩm thấp thì khả năng lây bệnh sẽ cao.

II. Cơ chế gây bệnh của bệnh bạch hầu

Bệnh nhân không chết vì vi khuẩn bạch hầu mà chết vì ngoại độc tố từ giả mạc phóng vào máu. Có rất nhiều loại vi khuẩn làm cho người ta chết vì nó xâm nhập vào máu, dẫn đến nhiễm trùng máu, cơ thể không chống lại được, trong khi vi khuẩn bạch hầu chỉ nằm tại vùng hầu họng và tiết ngoại độc tố. Chúng sinh sôi nảy nở tại đây, làm hoại tử vùng hầu họng, kết hợp với độc tố tạo thành mảng giả mạc, từ mảng này phóng thích độc tố đến tim, cơ tim bị viêm không đập nổi, đờ ra, khiến bệnh nhân tử vong.

Hoặc độc tố đi vào thần kinh, thận, toàn thân… Riêng nếu đi vào thần kinh mà chúng ta giữ cho bệnh nhân thở được thì đa số sẽ khỏi.

III. Vắc xin giúp ngăn chặn bệnh bạch hầu như thế nào?

Việc chích ngừa bạch hầu không phải là tạo ra kháng thể để tiêu diệt chính vi khuẩn bạch hầu khi nó xâm nhập, mà là tạo ra kháng thể kháng lại ngoại độc tố của bạch hầu.

Khi vi khuẩn đã cư trú ở hầu họng và tiết độc tố ra môi trường xung quanh nó tạo thành giả mạc thì kháng thể sẽ ngăn chặn độc tố này, không làm hoại tử vùng hầu họng, vi khuẩn cũng không có môi trường sinh sôi được nhiều để mà lây cho người khác, cũng như độc tố sẽ không đến tim.

Tóm lại: chích ngừa là để không hình thành giả mạc, không có giả mạc thì không có ngoại độc tố đi đến tim, và vi khuẩn ít nhân đôi thì sẽ bớt lây.

Phải nhiều người chích ngừa thì mới ngăn được bệnh bạch hầu.

Giả sử một nhà có 10 người cùng chích ngừa bạch hầu mà 1 người nhiễm vi khuẩn này thì nó chỉ nằm ở vùng hầu họng, không tiết ra ngoại độc tố được. Vi khuẩn cũng không sinh sôi nảy nở được nhiều nhưng vẫn có thể phát tán một ít cho 9 người còn lại, nhưng 9 người kia vì đã được chủng ngừa nên vi khuẩn đi một vòng cũng không làm hại được ai.

Tuy nhiên nếu 10 người này có chích ngừa nhưng không đầy đủ thì từ một người bị bệnh sơ sơ, nó lây qua người kia, người kia cũng không có nhiều kháng thể nên nó sinh sôi nhiều hơn một chút, cứ như thế lây vòng vòng. Đến lúc lây vào một cá nhân có sức đề kháng kém, cộng với kháng thể kháng độc tố bạch hầu không đủ thì người đó phát bệnh, có giả mạc, biến chứng vào tim, không cứu kịp thì tử vong.

Do đó với bệnh bạch hầu, độ bao phủ của tiêm chủng phải thật tốt thì mới không xảy ra những ca rải rác.

IV. Cách xử trí ổ bệnh bạch hầu

Khi phát hiện một ca bạch hầu thì chúng ta phải đến khu vực đó vây lại, phết họng có bao nhiêu người dương tính thì cho họ uống thuốc kháng sinh. (Những người này không phải là người bệnh mà là người lành mang trùng).

Nếu không làm thao tác này, vi khuẩn từ những người lành mang trùng lây cho một ai đó có sức đề kháng yếu thì sẽ có thêm ca bệnh nữa. Đồng thời phải xem tình hình chích ngừa ở khu vực đó trước giờ ra sao để chích bù.

Chú ý: Không phải là xuất hiện 1 bệnh nhân, phết họng thêm 20 ca dương tính thì là 21 ca, cách tính này không đúng. Mà đó là 1 ca bệnh và 20 người lành mang trùng. Bởi vì một người phết họng dương tính không chắc sẽ có giả mạc.

Muốn biết con vi khuẩn này có sinh ra giả mạc hay không, phải xem nó có ngoại độc tố hay không. Sau này còn có phương pháp PCR để xem con vi khuẩn bạch hầu đã phết ra được có gen tiết ra ngoại độc tố hay không.

Cho nên khi nghe báo cáo có 1 ca sau đó thêm 20 ca, hay 1 ca sau đó thêm 8 ca thì xét về số ca bệnh không thể tính cộng chung lại, vì những người phát hiện thêm là người lành mang trùng. Nhiệm vụ của chúng ta là cho những người này uống thuốc kháng sinh để ngăn chặn, tránh xuất hiện thêm ca bệnh tiếp theo.

[HOI]

So sánh mức độ lây của bệnh bạch hầu và COVID-19

COVID-19 lây giống bạch hầu chứ không phải bạch hầu lây giống COVID-19, vì bệnh bạch hầu có trước.

Bệnh bạch hầu do vi khuẩn còn COVID-19 là do virus.

Chắc chắn là COVID-19 lây mạnh hơn nhiều vì bởi nó do virus gây ra, tốc độ phát tán của virus rất dữ, cho nên đa số trận dịch sau này là do virus.

COVID-19 nếu vào một nhà nào thì lây cả nhà, cả xóm. Còn bạch hầu thì chỉ xuất hiện 1-2 ca trong khu vực có vi khuẩn thôi. Rất khó xảy ra tình trạng một người bị rồi nguyên khu vực ai cũng bị.[/HOI]

2 bài tiếp theo:

>> Làm sao để ngăn chặn bệnh bạch hầu? Cần chích ngừa bao nhiêu mũi?

>> Chùm hỏi đáp với BS Trương Hữu Khanh về bệnh bạch hầu

Trích livestream của BS Trương Hữu Khanh tối 10/7

Hồng Nhung (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X