Hotline 24/7
08983-08983

8 điều nhất định phải biết về máy trợ thính

Hiện nay, máy trợ thính là lựa chọn ưu tiên trên những người nghe kém, suy giảm thính lực. Nhưng điều quan trọng là lựa chọn máy trợ thính sao cho hiệu quả? Câu hỏi này đã được TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy - Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi họng TPHCM giải đáp và chia sẻ thiết thực từ chính người thân của bệnh nhân suy giảm thính lực.

1. Giảm thính thực gây trầm cảm, ảnh hưởng tim mạch, giấc ngủ, lão hóa sớm

Máy trợ thính là một trong giải pháp quan trọng trong điều trị nghe kém, suy giảm thính lực. Xin hỏi, nghe kém mức độ nào cần sử dụng máy trợ thính, thưa BS?

TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Nghe kém ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Khi mất thính lực khoảng 30-40 dB trở lên, bệnh nhân nên đi khám để xác định mức độ nghe kém, loại nghe kém và thử các loại máy trợ thính phù hợp để nghe lại gần như bình thường. 

- Tâm lý là một trong những rào cản khiến nhiều người từ chối dùng máy trợ thính. Nhờ BS nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đeo máy trợ thính sớm là gì và tại sao cần phải hành động càng sớm, càng tốt?

TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Khi giảm thính lực, bệnh nhân khó nghe môi trường xung quanh. Việc giảm khả năng nghe khiến bệnh nhân mất kết nối với bên ngoài, từ tiếp xúc môi trường làm việc hàng ngày, giao tiếp với người nhà, mua bán ngoài chợ, đặc biệt là tham gia các hội thảo, hội nghị, nghe nhạc,…. Điều này khiến bệnh nhân ngày càng mặc cảm và có thể dẫn tới trầm cảm.

Khi rơi vào trầm cảm có thể ảnh hưởng đến tim mạch, giấc ngủ, làm lão hóa sớm, giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy, nên đi khám ngay khi phát hiện tình trạng giảm thính lực để bác sĩ đưa ra giải pháp hỗ trợ cải thiện tình trạng này sớm nhất.  

TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy - Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi họng TPHCM chia sẻ từ góc độ khoa học trong lựa chọn và sử dụng máy trợ thính trên người nghe kém, suy giảm thính lực

2. Nên lựa chọn máy trợ thính phù hợp với thính lực đồ

Xin hỏi BS, máy trợ thính đáp ứng được các mức độ nào của nghe kém, suy giảm thính lực, thưa BS?

- Hiện nay có những loại máy trợ thính nào? Máy đeo trong tai, máy đeo sau tai, máy bỏ túi khác nhau ra sao, ưu và nhược điểm của từng loại là gì?

- Dựa trên nguyên tắc nào để lựa chọn máy trợ thính phù hợp với từng độ tuổi/ mức độ nghe kém, thưa BS?

TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Có rất nhiều loại máy trợ thính. Về nguyên tắc, tốt nhất nên lựa chọn loại máy trợ thính phù hợp với dạng thính lực đồ của bệnh nhân. Do đó, nên đến những trung tâm trợ thính uy tín hoặc bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn về loại máy trợ thính tốt nhất. Tuy nhiên, trước tiên cần đến khám bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để được nội soi, đo thính lực, xác định loại mất thính giác và giảm thính giác như thế nào, từ đó, đưa ra giải pháp.

Hiện nay có rất nhiều loại máy trợ thính khác nhau. Nhờ ứng dụng AI, kỹ thuật số đã có những máy trợ thính nhỏ, gọn, thậm chí có cho cả hai bên giúp bệnh nhân nhận biết âm thanh tốt, giảm tiếng ồn, tiếng hú trong tai. Đồng thời, bớt gây khó chịu và mang lại cảm giác dễ chịu khi đeo. Như vậy, bệnh nhân sẽ thích ứng tốt hơn với môi trường và âm thanh xung quanh.  

3. Giảm thính lực một bên gây mất thăng bằng, có thể gây té ngã ở người già

Nhiều người nghe kém sẽ rất khó chấp nhận việc đeo máy trợ thính, bởi vì điều đó đã gián tiếp thừa nhận mình đã già nên mới nghe kém, từ góc độ của chị, làm sao để khuyên bệnh nhân chấp nhận và sử dụng máy trợ thính?

Chị Lâm Chi - Người thân bệnh nhân suy giảm thính lực chia sẻ: Ban đầu, khi mua máy trợ thính cho bố, tôi nghĩ mình sẽ mất rất nhiều thời gian thuyết phục ông thường xuyên đeo để cải thiện sức nghe. Tuy nhiên, điều bất ngờ là ngay sau khi đeo máy trợ thính, khả năng nghe của bố rõ hơn rất nhiều, giao tiêu tốt hơn, bố vui vẻ hơn và chủ động đeo khi cần, không để con nhắc nhở.

Một vấn đề tôi muốn chia sẻ, khi nghe kém, bố có cảm giác không thăng bằng, bởi vì một bên tai nghe kém còn bên kia nghe mình thường. Do đó, luôn có cảm giác lâng lâng, không vững. Sau khi đeo máy trợ thính, bố cảm giác được sự thăng bằng, trước đó, việc đi đứng luôn bị vấp, té vì không được chắc chắn. Vấn đề này đến khi đeo máy trợ thính bố mới chia sẻ. Nếu biết trước được vấn đề đó, tôi thấy thực sự phải cho bố đi khám và đeo máy trợ thính sớm hơn do việc té ngã ở người già vô cùng nguy hiểm.

Vấn đề thứ hai, trước đây, khi nghe điện thoại gọi đến, bố phải bật loa ngoài và nghe rất to. Nhưng hiện nay, chiếc máy trợ thính bố sử dụng có kết nối Bluetooth với điện thoại, nên giờ bố chỉ cần nghe qua máy trợ thính. Máy trợ thính đó rất nhỏ, gắn vừa trong tai, mọi người nhìn sẽ không thấy bố đang đeo máy. Do đó, sẽ không vấp phải rào cản cảm thấy mặc cảm khi người xung quanh thấy mình đeo máy trợ thính.

Khi mua được một máy trợ thính tốt đã giúp bố rất nhiều về những vấn đề trên. Tôi chọn loại máy trợ thính thương hiệu đến từ Đức, bởi vì có xuất xứ rõ ràng, nhà sản xuất uy tín. Do đó, tôi đã tự tin lựa chọn và sự chọn lựa này rất đúng đắn.

Cùng với tư vấn của chuyên gia, chị Lâm Chi góp phần mang đến góc nhìn toàn diện với những chia sẻ thiết thực từ chính người thân của bệnh nhân suy giảm thính lực

4. Chọn sai máy trợ thính ảnh hưởng đến thính lực và tâm lý của bệnh nhân

Một số người lo ngại rằng sử dụng máy trợ thính có thể làm suy giảm thính lực. Thực hư điều này như thế nào, thưa BS?

TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Nhiều bệnh nhân lo sợ đeo máy trợ thính sẽ làm tình trạng thính lực nặng hơn. Thực tế, trường hợp này có xảy ra, do bệnh nhân chỉ mua loại máy tăng âm lượng, không phải máy trợ thính chính xác. Bởi vì, máy trợ thính phải phù hợp với dạng điếc của từng người, còn với những máy khuếch đại âm thanh, nó chỉ khuếch đại các tần số âm thanh.

Bệnh nhân đeo loại máy này sẽ có cảm giác khó chịu vì tần số nghe được khuếch đại rất to, còn tần số nghe của người bệnh kém. Do đó, không biết cách điều chỉnh cho phù hợp, thậm chí là nghe tiếng ồn ào, gây khó chịu, nhức đầu, phải gỡ máy ra và không thể tiếp tục đeo máy. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến thính lực và tâm lý của bệnh nhân.

Vì vậy, điều quan trọng là lựa chọn đúng loại máy trợ thính và máy phải phù hợp với dạng mất thính giác của người bệnh.

5. Máy trợ thính không phải là máy khuếch đại âm thanh

- Nhiều người lại cho rằng, máy trợ thính thực chất là để khuếch đại âm thanh. Xin hỏi BS, máy trợ thính và máy khuếch đại âm thanh có phải là một? Phân biệt 2 loại này như thế nào?

TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Với người bình thường, rất khó phân biệt hai loại máy vì điểm chung nó là một khối nhỏ gắn vào tai, do đó, không biết cách lựa chọn ra sao. Vì vậy, cần nhờ đến chuyên gia, nên thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn để, giúp bệnh nhân tìm đúng thương hiệu chuyên sản xuất máy trợ thính. Từ đó, có thể tìm được những loại máy trợ thính giúp người bệnh nghe tốt hơn.

6. Không nên đeo máy trợ thính khi đi ngủ

Ban đầu khi phải đeo máy trợ thính, nhiều người phàn nàn về mức độ khó chịu, đặc biệt là gây đau tai, tạo ra âm thanh khó chịu.

- Nhờ BS chia sẻ, làm sao để hạn chế mức độ khó chịu khi phải đeo máy trợ thính?

TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Nếu bệnh nhân lựa chọn máy trợ thính không phù hợp với thính lực đồ của mình, có thể gây cảm giác khó chịu, khuếch đại âm thanh, tần số âm thanh không phù hợp khiến bệnh nhân cảm thấy nhức đầu.

Khi lựa chọn đúng loại máy trợ thính phù hợp, máy phải được điều chỉnh bằng kỹ thuật số, chỉ phóng to những tần số bệnh nhân nghe kém nhất. Như vậy sẽ giúp bệnh nhân có một thính đồ tương đương với khả năng nghe của người bình thường, bệnh nhân thấy dễ chịu hơn.

Những loại máy không đúng là máy máy trợ thính, có thể gây tiếng ồn làm bệnh nhân ù tai, ảnh hưởng nặng đến thính lực của bệnh nhân, không hỗ trợ bệnh nhân nghe tốt hơn.

- Máy trợ thính có cần phải đeo xuyên suốt 24/7 hay khi nào nên đeo và khi nào không cần đeo?

TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Máy trợ thính như một thiết bị điện tử, vì vậy, nếu đeo khi đi ngủ sẽ không tốt cho thính lực của người bệnh, gây vướng và không thể đổi tư thế khi ngủ. Ngược lại, máy cần được nghỉ, thay pin và vệ sinh, đó là điều quan trọng.

Khi ngủ, thần kinh của con người cần được nghỉ ngơi, do đó, không nên đeo máy để nghe tiếng ồn xung quanh. Thời gian đó, có thể vệ sinh máy, đặt tại nơi khô ráo, ngày hôm sau tiếp tục sử dụng.

7. Đeo máy trợ thính đều giúp cải thiện khả năng nghe

Anh/ chị có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm khi lựa chọn máy trợ thính cho người thân? Và người nhà của anh/chị đã tập làm quen với máy trợ thính như thế nào?

Chị Lâm Chi trả lời: Bố của tôi không gặp quá nhiều vấn đề khi bắt đầu sử dụng máy trợ thính. Bởi vì, ngay thời điểm ban đầu, cả gia đình đã đồng hành cùng bố và nhận tư vấn chi tiết từ bác sĩ về việc lựa chọn dòng máy phù hợp với nhu cầu của ông.  

Ngoài ra, bố có sở thích nghe nhạc, vì vậy, bác sĩ đã tư vấn lựa chọn loại máy trợ thính phù hợp với tai và thói quen này. Bên cạnh đó, máy còn có bluetooth kết nối với điện thoại, mỗi khi có cuộc gọi đến sẽ tiện hơn. Ví dụ, khi đang nghe nhạc, có điện thoại sẽ bấm nghe luôn, không cần làm gì khác. Thoải mái với việc sử dụng máy trợ thính nên tần suất dùng máy của bố khá nhiều.

- Khi sử dụng và quen dần với máy trợ thính, thính lực của bố chị đã cải thiện ra sao?

Chị Lâm Chi trả lời: Khi sử dụng đều, thính lực của bố được cải thiện. Trước đây, khi gia đình nói chuyện, bố thường hỏi lại là cái gì, bố nghe không rõ hoặc 10 giây sau bố mới trả lời. Vì bố nghe không rõ nhưng bố không hỏi lại mà cố đoán khẩu hình của mọi người, sau đó, đoán được thì bố bắt đầu trả lời. Vì vậy, có lúc bố trả lời đúng nhưng đôi khi sẽ không đúng trọng tâm.

Từ khi sử dụng máy trợ thính, bố giao tiếp bình thường, giọng nói của bố vừa đủ nghe, không như trước đây, bố nghe không rõ sẽ nói to. Sau này, những thay đổi nhỏ cho thấy thính lực của bố đã được cải thiện rất nhiều.

8. Chọn máy trợ thính vừa khuôn tai, tránh loét, viêm nhiễm trong ống tai

Để kết thúc phần 2, xin hỏi BS, khi sử dụng máy trợ thính cần chú ý những vấn đề nào ạ? 

TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Khi sử dụng máy trợ thính cần chú ý nhiều vấn đề. Mỗi loại máy sẽ có một hướng dẫn, người bệnh nên đọc kỹ và nghiên cứu hướng dẫn để tuân thủ.

Ví dụ, máy trợ thính có thể xuống nước được hay không, vì một số máy đặc biệt có thể xuống nước được. Khi bơi, nên tháo máy và làm vệ sinh, đặc biệt nên vệ sinh máy hàng ngày, vệ sinh máy trước khi đi ngủ để hôm sau đeo lại.

Vấn đề quan trọng là nên lựa chọn máy phù hợp với độ nghe của người bệnh, chất liệu mềm, kích thước vừa với khuôn tai, ống tai của mỗi người mới đem lại cảm giác dễ chịu, nghe tốt và tránh gây viêm nhiễm trong ống tai. Ngoài ra, không nên đánh rơi máy, để xa tầm tay của trẻ vì các bé có thể đánh rơi và làm hư hỏng các thiết bị này.

Trân trọng cảm ơn TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, chị Lâm Chi và WSA - Tập đoàn máy trợ thính lớn nhất và lâu đời nhất thế giới đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X