Hotline 24/7
08983-08983

Khi áp lực, thiếu ngủ trở thành "kẻ thù thầm lặng" gây rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình vốn được xem là bệnh của người lớn tuổi, nhưng thực tế, ngày càng nhiều người ở độ tuổi trẻ hơn cũng đối mặt với tình trạng này. Mời bạn cùng tìm hiểu qua chia sẻ từ BS Bùi Lê Nhật Tiên - Phòng khám Bernard để biết vì sao chúng ta mắc rối loạn tiền đình và làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả.

1. Người trên 40 tuổi có tỷ lệ bị rối loạn tiền đình nhiều gấp 3 lần

Nhờ BS giải thích cho quý khán giả hiểu rõ hơn, rối loạn tiền đình là gì?

BS Bùi Lê Nhật Tiên - Chuyên khoa Y học dự phòng, Nội Tổng quát - Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Phòng khám Bernard trả lời: Hội chứng tiền đình cấp tính thường đặc trưng bởi một loạt triệu chứng, bao gồm chóng mặt xoay tròn, buồn nôn, nôn, không chịu được chuyển động đầu, dáng đi không vững, mất thăng bằng và mất ổn định tư thế.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người bị triệu chứng như trên đều bị rối loạn tiền đình. Người bị rối loạn tiền đình có thể có thêm các triệu chứng gợi ý kèm theo, tùy vào bệnh lý và tiền căn của bệnh nhân.

1/3 người trên 40 tuổi từng trải qua các triệu chứng xây xẩm, chóng mặt liên quan đến yếu tố tiền đình. Mỗi năm, cứ 100 người thì có khoảng 1 - 2 người mắc mới rối loạn tiền đình ngoại biên.

Phụ nữ có tần suất mắc bệnh nhiều gấp 3 lần nam giới. Người trên 40 tuổi có tỷ lệ bị rối loạn tiền đình nhiều gấp 3 lần người dưới 40 tuổi.

Hệ thống tiền đình của con người khá phức tạp, nằm ở tai trong và não. Tiền đình đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thăng bằng,  định hướng không gian và phối hợp cử động.

Rối loạn tiền đình là một nhóm các tình trạng bệnh lý gây gián đoạn chức năng bình thường của hệ thống tiền đình. Điều này có thể xảy ra ở bất kỳ điểm nào dọc theo đường dẫn truyền, từ các cơ quan cảm giác ngoại vi ở tai trong đến các trung tâm xử lý trung ương trong não.

Nguyên nhân cơ bản của những gián đoạn này rất đa dạng, bao gồm tổn thương dây thần kinh tiền đình ốc tai (trực tiếp hoặc gián tiếp), suy giảm nguồn cung cấp máu cho các cơ quan tiền đình hoặc các vùng não liên quan đến thăng bằng. Các tổn thương cấu trúc hoặc chức năng tai trong hoặc não cũng có thể gây gián đoạn chức năng tiền đình.

Triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình trải rộng dưới nhiều biểu hiện khác nhau. Có người chỉ buồn nôn, chóng mặt nhưng có người bị nôn; có người bị mất thăng bằng. Cũng có trường hợp không thể di chuyển đầu và chỉ nằm một chỗ. Bệnh nhân cũng có thể có một số triệu chứng khác đi kèm.

2. Khoảng 35% dân số Việt Nam trên 40 tuổi mắc rối loạn tiền đình

Nhiều người cho rằng rối loạn tiền đình là bệnh chỉ gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, thực tế là có rất nhiều người ở độ tuổi trẻ hơn cũng mắc bệnh này. Trong quá trình công tác của BS tại Phòng khám Bernard, số lượng bệnh nhân trẻ đến khám và phát hiện rối loạn tiền đình có nhiều không?

BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Rối loạn tiền đình là một phổ bệnh lý rất rộng, với hàng chục bệnh lý khác nhau. Cộng đồng thường biết đến rối loạn tiền đình là một rối loạn ngoại biên, tên khoa học là chóng mặt kịch phát lành tính ngoại biên.

Trong bệnh lý tiền đình nói chung, người trẻ có tỷ lệ mắc thấp hơn người lớn tuổi nhưng không phải hoàn toàn không có.

Nói sâu hơn, chóng mặt kịch phát lành tính ngoại biên có liên quan đến sỏi trong hệ thống ốc tai, bị tách ra và trôi dạt trong ống bán khuyên. Thường tình trạng này chỉ xảy ra ở một bên tai, trong khi bên còn lại vẫn bình thường, gây mất cân bằng. Thông thường, cơ thể có thể tự điều chỉnh để cân bằng ngay khi có sự cố.

Để cộng đồng dễ hình dung, rối loạn tiền đình thường được phân thành 2 loại chính dựa trên vị trí rối loạn chức năng chính: ngoại biên và trung ương. Sự phân loại này có ý nghĩa lâm sàng vì thường hướng dẫn chẩn đoán, các chiến lược điều trị và cung cấp thông tin về các nguyên nhân tiềm ẩn.

Rối loạn tiền đình ngoại biên là kết quả của các vấn đề trong tai trong hoặc chính dây thần kinh tiền đình. Đây là loại rối loạn tiền đình phổ biến, chiếm 80 - 90% tổng số ca bệnh. Các ví dụ thường gặp về rối loạn tiền đình ngoại biên gồm chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV), bệnh Meniere, viêm dây thần kinh tiền đình và viêm mê nhĩ.

Rối loạn tiền đình trung ương thường do tổn tương hoặc rối loạn chức năng ở các cấu trúc hệ thần kinh trung ương xử lý thông tin tiền đình, chủ yếu là các nhân tiền đình trong thân não hoặc tiểu não.

Rối loạn tiền đình trung ương ít phổ biến hơn rối loạn tiền đình ngoại biên nhưng thường liên quan đến các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn và khó điều trị hơn. Các nguyên nhân thường gặp của rối loạn tiền đình trung ương gồm đột quỵ, xơ cứng rải rác, u não, đau na đầu thể tiền đình...

Ước tính cho thấy khoảng 35% dân số Việt Nam trên 40 tuổi mắc rối loạn tiền đình. Số liệu này phù hợp với tỷ lệ hiện mắc toàn cầu ở nhóm tuổi này. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều mối lo ngại do tình trạng rối loạn này được quan sát thấy ở những người trẻ tuổi hơn, với một số báo cáo ghi nhận các trường hợp ở những bệnh nhân mới 20 tuổi. Có một nghiên cứu đề cập rằng, ở Việt Nam, tỷ lệ mắc hội chứng này ngày càng gia tăng và trẻ hóa.

3. Nguyên nhân khiến người trẻ thường xuyên bị chóng mặt

Xin hỏi BS, nguyên nhân nào gây ra rối loạn tiền đình ở người trẻ? Công việc căng thẳng, áp lực, ngồi cả ngày trước màn hình vi tính có phải là nguyên nhân khiến các bạn trẻ khổ sở vì căn bệnh này?

BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Chưa có nhiều nghiên cứu hay khảo sát sâu để tìm hiểu nguyên nhân rối loạn tiền đình ở người trẻ. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu ghi nhận rối loạn tiền dù số lượng bệnh nhân trẻ tăng lên nhưng họ không được phân loại vào rối loạn tiền đình kịch phát lành tính mà chỉ là có triệu chứng chóng mặt.

Triệu chứng chóng mặt của các bạn trẻ có thể đến từ nhiều nguyên nhân.

- Căng thẳng, lo lắng và trầm cảm;

- Thiếu ngủ và rối loạn giấc ngủ;

- Lối sống ít vận động và thiếu hoạt động thể chất;

- Chế độ ăn uống không lành mạnh, bao gồm lượng muối cao, tiêu thụ caffein và rượu;

- Hút thuốc;

- Tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong thời gian dài;

- Tiếp xúc với tiếng ồn lớn và ô nhiễm môi trường;

- Say tàu xe, đi máy bay;

- Thay đổi tư thế hoặc cử động đầu đột ngột;

- Thay đổi thời tiết hoặc áp suất khí quyển;

- Thuốc: Một số loại thuốc gây độc cho tai như kháng sinh aminoglycoside, thuốc lợi tiểu, aspirin, thuốc an thần, thuốc giảm lo âu... Ngoài ra, các loại thuốc chống co giật như phenytoin và carbamazepine có thể ảnh hưởng đến tiểu não và gây mất cân bằng;

- Tiền sử gian đình mắc bệnh, yếu tố di truyền;

- Thay đổi nội tiết tố, đặc biệt ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, mang thai...;

- Lão hóa hệ thống tiền đình (presby vestibulopathy);

- Các tác nhân hóa trị liệu như cisplatin.

Đặc biệt, cận thị cũng có thể gây ra sự mất thăng bằng, chóng mặt. Các bạn có thể đi kiểm tra mắt, đo mắt để cắt kính đúng độ.

4. Bị chóng mặt, là rối loạn tiền đình hay bệnh lý nào khác?

Câu hỏi khán giả: Chào BS, em là nam, 24 tuổi, nhân viên truyền thông. Công việc đòi hỏi em phải di chuyển liên tục, thức khuya để xử lý dự án và sử dụng điện thoại, laptop gần như cả ngày.

Ban đầu, em chỉ cảm thấy thi thoảng đau đầu, hơi mất thăng bằng khi bước xuống cầu thang, nhưng rồi tình trạng này ngày càng nghiêm hơn. Có hôm em cảm thấy như ai đó đang đẩy mình, mọi thứ quay cuồng. Em cố nhắm mắt lại để lấy lại thăng bằng nhưng vô ích, đầu óc cứ trôi bồng bềnh như đang đứng trên một con thuyền giữa sóng lớn.

BS cho em hỏi, liệu đây có phải rối loạn tiền đình không, hay chỉ là ảnh hưởng của việc thiếu ngủ, stress?

BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Trường hợp của bạn có thể đến từ tình huống chóng mặt kịch phát lành tính. Tuy nhiên, trước khi đưa ra chẩn đoán, bác sĩ sẽ phải hỏi thêm về các thông tin liên quan để loại trừ một số bệnh lý nguy hiểm khác, chẳng hạn tăng huyết áp, u não, đột quỵ...

Tiếp theo, bác sĩ cần nắm rõ thông tin về các loại thuốc mà bạn đang sử dụng (nếu có); sau đó là các vấn đề căng thẳng, trầm cảm...

Ngoài ra, ở các bạn trẻ có thể có tình huống sử dụng chất kích thích, bóng cười hoặc sử dụng quá liều caffein, nước tăng lực, trà... nên gây ra triệu chứng khó chịu.

Một vấn đề khác cần quan tâm là chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân.

Tóm lại, để chẩn đoán bệnh lý rối loạn tiền đình ở bệnh nhân trẻ, cần hỏi ký về mặt yếu tố thúc đẩy và thời gian xảy ra triệu chứng. Từ đó loại trừ một số nguyên nhân, đặc biệt là nhóm bệnh lý có triệu chứng trùng lắp như Meniere, viêm thần kinh.

Theo BS Bùi Lê Nhật Tiên, để chẩn đoán bệnh lý rối loạn tiền đình ở bệnh nhân trẻ, cần hỏi ký về mặt yếu tố thúc đẩy và thời gian xảy ra triệu chứng

5. Có cần chụp CT, MRI để chẩn đoán rối loạn tiền đình?

Câu hỏi khán giả: Tôi hay bị chóng mặt vào buổi sáng, nhất là khi vừa thức dậy mà bật dậy nhanh. Có người bảo là do tụt huyết áp, có người nói do rối loạn tiền đình. Làm sao để phân biệt hai tình trạng này, thưa BS?

Ngoài ra, các triệu chứng của rối loạn tiền đình có dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý nào khác và làm thế nào để phân biệt, thưa BS? Để chẩn đoán có cần chụp CT, MRI không ạ?

BS Bùi Lê Nhật Tiên trả lời: Nhiều người cũng thường gặp triệu chứng của rối loạn tiền đình khi thức dậy vào buổi sáng. Tuy nhiên, trong tình huống này, bạn có sự thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi một cách đột ngột, liên quan đến hạ huyết áp.

Vào buổi sáng, nhiều người thường bị tụt đường. Ngoài ra, đối với phụ nữ đang trong chu kỳ hoặc gầy ốm cũng có thể bị chóng mặt, xây xẩm khi thay đổi tư thế.

Thông thường, khi tiếp cận bệnh nhân, chúng tôi phải hỏi kỹ về triệu chứng, yếu tố khởi phát, thời gian xảy ra triệu chứng. Đặc biệt, còn phải tìm hiểu tính chất của những triệu chứng đi kèm, ví dụ ù tai, giảm thính lực, yếu liệt chi... để loại trừ các bệnh lý khác.

Sau đó mới cân nhắc đến các nhóm xét nghiệm. Cơ bản nhất là xét nghiệm cơ bản, chức năng gan, thận, máu. Cận lâm sàng như CT, MRI còn tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ, khi bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cần khảo sát thêm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X