Cập nhật khuyến cáo IDF 2025 trong điều trị đái tháo đường: Hướng đến quản lý toàn diện, phù hợp với mọi nguồn lực
BS.CK2 Nguyễn Mạnh Hà đã mang đến một bản cập nhật toàn diện về khuyến cáo mới nhất trong quản lý bệnh đái tháo đường. Từ định nghĩa mới, tiêu chuẩn sàng lọc, cá thể hóa điều trị đến các chiến lược bảo vệ tim thận, kiểm soát cân nặng và gan nhiễm mỡ, khuyến cáo IDF 2025 được thiết kế linh hoạt nhằm ứng dụng tại cả các nước có nguồn lực hạn chế.

BS.CK2 Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng khoa Nội chung, Bệnh viện Nội tiết Trung ương mở đầu báo cáo bằng việc nhấn mạnh tầm vóc và ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị Đái tháo đường Thế giới năm 2025: sự kiện đánh dấu 75 năm thành lập Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), lần đầu tiên tổ chức tại Đông Nam Á với sự góp mặt của 6.300 đại biểu từ hơn 160 quốc gia, 250 diễn giả và gần 2.050 bài báo cáo khoa học. Đây là nền tảng để IDF công bố loạt khuyến cáo thực hành lâm sàng mới nhất cho toàn cầu.
Một trong những nhấn mạnh quan trọng của Hội nghị là sự kết hợp giữa Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và IDF trong tổ chức và định hướng chính sách y tế cộng đồng về đái tháo đường. “Điều đó phản ánh bản chất cấp bách của dịch bệnh này” - BS.CK2 Nguyễn Mạnh Hà nhận định.
Theo IDF 2025, đái tháo đường hiện là một trong những vấn đề y tế toàn cầu nghiêm trọng nhất:
- Năm 2024 có 589 triệu người trong độ tuổi 20–79 mắc đái tháo đường, tương đương 1/9 dân số thế giới.
- Cứ 9 giây có một người tử vong vì đái tháo đường.
- Chi phí điều trị đã vượt 1.000 tỷ USD, tăng hơn 338% trong 17 năm.
- Dự báo năm 2050, số bệnh nhân sẽ lên đến 853 triệu người.
Khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, được cảnh báo là “điểm nóng” với hơn 215 triệu người mắc bệnh hiện tại và dự báo lên tới 253 triệu vào 2050.
Định nghĩa mới về tiền đái tháo đường và tăng đường huyết trung gian
Lần đầu tiên, IDF 2025 đưa ra khái niệm “tăng đường huyết trung gian” (intermediate hyperglycemia) để thay thế khái niệm “tiền đái tháo đường”. Tình trạng này bao gồm rối loạn dung nạp glucose, rối loạn đường huyết lúc đói và tăng đường huyết thai kỳ.
Số liệu thống kê toàn cầu ghi nhận 634 triệu người bị rối loạn dung nạp glucose, 487 triệu người rối loạn đường huyết lúc đói, 23 triệu phụ nữ mang thai bị tăng đường huyết thai kỳ.
Đáng chú ý, theo tiêu chuẩn chẩn đoán của ADA, ngưỡng đường huyết đói thấp hơn WHO, khiến tỷ lệ chẩn đoán tăng đáng kể. Đây một thực tế cần lưu tâm khi triển khai sàng lọc tại cộng đồng.
Hai mô hình chăm sóc: Cơ bản và tối ưu
IDF 2025 xác định rằng không thể áp dụng một phác đồ chung cho mọi quốc gia. Do đó, khuyến cáo chia rõ hai mô hình:
- Chăm sóc tối ưu (Optimal care): áp dụng ở nơi có đầy đủ nguồn lực, phối hợp đa chuyên khoa, sử dụng công nghệ, hệ thống hỗ trợ ra quyết định, lấy người bệnh làm trung tâm.
- Chăm sóc cơ bản (Basic care): áp dụng tại các cơ sở y tế hạn chế nguồn lực, ưu tiên các can thiệp thiết yếu, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Sàng lọc: Cá thể hóa, lồng ghép công cụ dự báo
Khuyến cáo IDF 2025 đề xuất sử dụng các công cụ dự đoán nguy cơ để sàng lọc có chọn lọc, thay vì làm xét nghiệm đại trà. Lần đầu tiên, giá trị đường huyết 1 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose (OGTT 1h-PG) được xem xét đưa vào lâm sàng như một chỉ dấu mới giúp phát hiện sớm người có nguy cơ cao nhưng chưa biểu hiện rõ.
Dự phòng đái tháo đường: Can thiệp từ cộng đồng đến cá nhân
IDF chia chiến lược dự phòng thành 2 cấp độ:
1. Cá nhân có nguy cơ cao: can thiệp lối sống kéo dài 6 - 12 tháng, giảm ít nhất 5% cân nặng. Cân nhắc dùng Metformin như một hỗ trợ nếu cần.
2. Toàn cộng đồng: tăng cường giáo dục sức khỏe, điều chỉnh chế độ ăn, thúc đẩy hoạt động thể lực - tập trung vào hiệu quả, chi phí thấp, dễ triển khai.
Theo dõi và kiểm soát đường huyết: Từ HbA1c đến công nghệ số
Mặc dù HbA1c vẫn là tiêu chuẩn vàng, nhưng BS.CK2 Nguyễn Mạnh Hà cho biết: “IDF thừa nhận rằng không phải lúc nào cũng sử dụng được HbA1c, nhất là ở bệnh nhân thiếu máu hoặc bệnh lý hồng cầu”. Các chỉ số thay thế như fructosamin, glycated albumin được khuyến nghị sử dụng khi cần.
Khuyến cáo 2025 cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của CGM (Continuous Glucose Monitoring - theo dõi đường huyết liên tục), đặc biệt ở bệnh nhân type 2 điều trị insulin. Tuy nhiên, do chi phí còn cao, việc sử dụng vẫn tùy điều kiện cá nhân và địa phương.
Cá thể hóa phác đồ điều trị: Linh hoạt theo nguồn lực
IDF tiếp tục khẳng định Metformin và thay đổi lối sống là nền tảng điều trị. Tuy nhiên, với các nhóm có biến chứng tim - thận, cần ưu tiên nhóm thuốc có bằng chứng bảo vệ như SGLT2i, GLP-1RA.
Trong điều kiện tối ưu: phối hợp thuốc theo nguy cơ và khả năng chi trả. Trong điều kiện cơ bản: dùng bất kỳ thuốc hạ đường huyết nào sẵn có.
Gliclazide tiếp tục được IDF ưu tiên vì an toàn tim mạch tốt hơn các SU khác.

Điều trị bằng insulin: Tùy chỉnh theo mức độ đáp ứng
Nếu thuốc hạ đường huyết và thay đổi lối sống không đạt mục tiêu, bệnh nhân cần được khởi trị insulin. IDF khuyến nghị dùng insulin analog thế hệ mới (nếu có) để giảm hạ đường huyết và tăng cân.
Nhưng với nguồn lực hạn chế, dùng bất kỳ loại insulin nền nào sẵn có.
Trong thất bại điều trị, có thể bổ sung insulin bữa ăn hoặc GLP-1RA tùy cá thể.
Hướng dẫn mới trong kiểm soát cân nặng và vòng eo cho bệnh nhân châu Á
Bệnh nhân châu Á thường có BMI thấp hơn nhưng vẫn mắc đái tháo đường do phân bố mỡ nội tạng. Do đó, IDF nhấn mạnh cần xem xét lại tiêu chuẩn BMI và số đo vòng eo riêng cho người châu Á.
Giảm cân giúp cải thiện đường huyết, lipid máu và kiểm soát các nguy cơ tim mạch khác là một mục tiêu quan trọng trong phác đồ điều trị.
Bảo vệ tim - thận: Ưu tiên chiến lược đa trụ cột
Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao mắc biến cố tim mạch, bệnh thận mạn và đột quỵ. IDF khuyến cáo:
- Sàng lọc sớm, đánh giá nguy cơ toàn diện.
- Ưu tiên điều trị kết hợp các thuốc có hiệu quả bảo vệ tim - thận, đặc biệt là SGLT2i, GLP-1RA (nếu có).
Dù không có các thuốc trên, vẫn cần kiểm soát đa yếu tố: huyết áp, mỡ máu, đường huyết.
Gan nhiễm mỡ: Biến chứng cần sàng lọc thường quy
IDF 2025 đưa MASLD (bệnh gan nhiễm mỡ do chuyển hóa) vào danh sách bắt buộc sàng lọc ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 với yếu tố nghi ngờ là men gan tăng, thừa cân, béo phì.
Theo khuyến cáo, người bệnh cần giảm ít nhất 7-10% cân nặng có thể cải thiện tình trạng gan, thậm chí đảo ngược mô học.

Tính linh hoạt : Điểm sáng của IDF 2025
BS.CK2 Nguyễn Mạnh Hà nhận định: “IDF 2025 đã tạo ra bước tiến trong hướng tiếp cận thực tế, không chỉ ở các quốc gia phát triển mà còn rất phù hợp với những quốc gia có nguồn lực hạn chế như Việt Nam”.
Khuyến cáo của IDF không áp đặt một mô hình chung mà đưa ra những khung hướng dẫn linh hoạt, từ phát hiện sớm, dự phòng, kiểm soát đường huyết, bảo vệ cơ quan đích đến cải thiện chất lượng sống. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể nội địa hóa các phác đồ điều trị, phù hợp với điều kiện y tế từng vùng miền.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình