Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để ngăn chặn bệnh bạch hầu? Cần chích ngừa bao nhiêu mũi?

Nội dung tiếp theo trong buổi livestream, BS Trương Hữu Khanh chỉ ra các dấu hiệu sớm của bệnh bạch hầu, việc chích ngừa và chích nhắc như thế nào, và những phương pháp để ngăn chặn bệnh bạch hầu lây lan.

Tiếp theo bài trước: Bệnh bạch hầu: Không phải thêm một người dương tính là thêm ca bệnh

V. Làm sao để phát hiện sớm bệnh bạch hầu?

Bệnh bạch hầu rất dễ phát hiện muộn. Chúng ta đọc tài liệu có dấu hiệu kinh điển là cổ bạnh ra (sưng nhiều hơn quai bị, lan xuống cằm), họng trắng xóa nhưng trường hợp này bây giờ ít thấy lắm. Hiện nay bệnh thường diễn tiến âm thầm hơn nhưng độc tố vẫn phát tán làm viêm cơ tim.

Chú ý là khởi phát bệnh bạch hầu không sốt cao, vàkhiến người ta không chú ý để đi khám bệnh sớm. Sau đó bệnh nhân vừa sổ mũi vừa loét mũi làm chảy máu, đây có thể là bạch hầu. Hoặc là bệnh nhân chỉ ho, đau họng mà không sốt thì người nhà cũng không chú ý đưa đi khám. Nếu phụ huynh để ý và nói con há miệng ra để quan sát thì cũng không phân biệt được đó phải là giả mạc hay không (thời gian hình thành giả mạc khoảng 2-4 ngày).

Do đó, để phát hiện sớm bệnh này chúng ta phải để ý từ những triệu chứng nhỏ. Đặc biệt là những vùng có bệnh bạch hầu:

- Có đau họng phải đi khám

- Khàn tiếng phải đi khám

- Lở mũi chảy máu phải đi khám

Nếu BS nhìn trong họng bệnh nhân thấy có giả mạc thì sẽ phết họng và cho dùng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để cứu bệnh nhân. Còn nếu phát hiện trễ, độc tố đã vào tim thì nhiêu khê lắm.

Cho nên vấn đề quan trọng là phát hiện sớm, nếu có ca bệnh bạch hầu thì BS sẽ báo về nhà, y tế dự phòng đến cho người nhà uống thuốc kháng sinh thì chúng ta sẽ giải quyết được khu đó thôi.

alobacsi chích ngừa bệnh bạch hầu

VI. Phòng ngừa bệnh bạch hầu như thế nào?

Chúng ta đã có vắc xin 3 trong 1: bạch hầu - uốn ván - ho gà. Trong 3 bệnh này, khi ta có vết thương có nguy cơ nhiễm bệnh uốn ván thì mình biết mà đi chích ngừa, còn 2 bệnh bạch hầu và ho gà, mình không biết khi nào tiếp xúc với nguồn lây (người ta lây cho mình, mình không biết), cho nên việc chích ngừa 2 bệnh này quan trọng hơn rất nhiều. Nước ngoài cũng khuyến cáo phải chích nhắc bạch hầu và ho gà.

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng ngày xưa chỉ chích 3 mũi thôi: 2 tháng - 3 tháng - 4 tháng. Sau này có điều kiện hơn thì chích thêm mũi 18 tháng.

Nếu cộng đồng chúng ta chích ngừa đầy đủ và đều khắp thì trẻ nhỏ không bị (vì được chích rồi), trẻ lớn cũng không bị (vì không có nguồn lây).

Em bé nào chích 4 mũi sẽ ngừa được tới 3 tuổi là kháng thể giảm dần, mà lại sống trong cộng đồng có đến 30-40% không chích ngừa bạch hầu thì em bé đó sẽ có nguy cơ bị bệnh (dù đã chích 4 mũi).

Tuy nhiên, mọi người đừng vì thế mà nói “có chích vẫn bệnh thì khỏi chích”, bởi vì nhờ có chích mà ngừa được bệnh cho tới 4 tuổi. Còn nếu không chích trẻ sẽ bị bệnh từ hồi nhỏ, tình hình sẽ te tua tơi tả như trước những năm 80. Cho nên bắt buộc trẻ phải chích đủ 4 mũi.

VII. Chích ngừa bệnh bạch hầu cần bao nhiêu mũi nhắc lại?

Nếu chúng ta sống ở vùng không có dịch thì đã chích 4 mũi lúc nhỏ cũng tạm được, nhưng hiện nay mọi người đi lại rất nhiều nên phải chú ý việc chích nhắc.

Trong 10 năm đầu tiên từ 4 tuổi tới 10 tuổi là nhắc 2 mũi (khoảng 4-5 tuổi và 9-10 tuổi), sau đó cứ 10 năm nhắc 1 mũi (20 tuổi, 30 tuổi, 40 tuổi…). Những người sống trong vùng dịch hoặc vùng đông đúc ẩm thấp nên chích nhắc như vậy.

Lưu ý: Đặc tính của vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà thì chích lúc tuổi càng lớn càng hành nhiều.

Có phụ huynh lo lắng: “Bé mới 2 tháng mà chích thì sớm quá, nó còn yếu lắm…” điều này sai, vì bé nhỏ nên mới hành ít. Mũi 1 hành ít, mũi 2 hành chút chút thôi, nhưng càng lớn càng hành nhiều, thậm chí là sưng tay luôn. Cho nên ở nước ngoài khi tới mũi 4 người ta chế ra loại vắc xin có nồng độ khác, thành phần khác để khi chích nó ít hành nhưng vẫn vừa đủ có miễn dịch. Đến 8-9 tuổi thì mũi vắc xin có nồng độ càng thấp nữa. Cho nên lưu ý mình ở tuổi nào để chọn nồng độ ít đi để cho đỡ bị hành.

VIII. Làm sao để ngăn chặn bệnh bạch hầu?

Bệnh bạch hầu xuất hiện như vậy thì chắc chắn là nhà quản lý sẽ lo (vây lại, chích ngừa lại, uống thuốc ngừa). Chú ý việc uống thuốc ngừa chỉ dành cho người sống chung nhà với bệnh nhân, hoặc những người phết họng dương tính nhưng chưa có biểu hiện bệnh (người lành mang trùng). Năm ngoái có đợt rộ lên người ta tự mua kháng sinh Erythromycin về uống ngừa bệnh bạch hầu là sai, vì không ở chung nhà với người bệnh tự nhiên mua uống làm gì, vừa tốn tiền vừa đau bụng, vì kháng sinh có tác dụng phụ.

Về phía người dân, ở trong vùng có bệnh nếu thấy hơi đau họng, hoặc há miệng thấy vết trắng trong họng  thì phải đi khám bệnh sớm để BS phát hiện sớm. Hoặc trẻ nhỏ từ 4-5 tuổi trở lên than đau họng thì người lớn đừng bỏ qua, đưa đi khám đi.

Với các BS trẻ thì chú ý học về giả mạc, nếu nhìn thấy màu trắng xám, quệt vào nó không rơi ra thì coi chừng là giả mạc bạch hầu, còn mà thấy đầy họng rồi thì phải khẩn trương lên. Phát hiện sớm vẫn là lý tưởng nhất vì bệnh nhân nhanh chóng được dùng huyết thanh kháng độc tố sẽ tránh biến chứng vào tim. Một khi độc tố đã vào tim thì chữa trị rất khó khăn, tim đờ ra đập không nổi, cũng có ca cứu được nhưng ám ảnh lắm.

Vấn đề nữa là mọi người cùng chích ngừa bạch hầu. Từ nhỏ phải chích cho đủ, nếu cần thì nhắc lúc 4-5 tuổi, 9-10 tuổi và mỗi 10 năm.

Mọi người nghe về bệnh bạch hầu đừng quá lo lắng, thu xếp chích ngừa được thì tốt, còn nếu không thì vẫn là mang khẩu trang, rửa tay, tránh đi tới vùng dịch.

Bài tiếp theo: Chùm hỏi đáp với BS Trương Hữu Khanh về bệnh bạch hầu

Trích livestream của BS Trương Hữu Khanh tối 10/7

Hồng Nhung (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X