Hotline 24/7
08983-08983

Ăn gì để bổ máu?

Thiếu máu là vấn đề khá phổ biến, đưa con người vào tình trạng mệt mỏi, chóng mặt liên tục, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Vậy ăn gì để bổ máu? Bổ sung các chất sao cho phù hợp? Vấn đề được ThS.BS.CK1 Nguyễn Đoan Trang - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Thiếu máu do thiếu sắt, axit folic, vitamin B12 có thể bổ sung qua chế độ dinh dưỡng

Thưa BS, những trường hợp thiếu máu nào có thể bổ sung qua dinh dưỡng và các loại thực phẩm ạ?

ThS.BS.CK1 Nguyễn Đoan Trang trả lời: Thiếu máu là tình trạng suy giảm hemoglobin trong cơ thể, dẫn đến tình trạng thiếu hồng cầu. Trong hồng cầu có thành phần huyết sắc tố, thành phần này chứa rất nhiều sắt. Những trường hợp thiếu máu do thiếu sắt, axit folic, vitamin B12 có thể bổ sung qua chế độ dinh dưỡng.

Tuy nhiên, một số trường hợp có bệnh lý thiếu máu do nguyên nhân bẩm sinh như thalassemia, những trường hợp này là một khía cạnh khác, bệnh nhân cần điều trị theo chuyên khoa huyết học.

2. Ăn quá nhiều thực phẩm bổ máu có ảnh hưởng sức khỏe?

Với người bình thường, khỏe mạnh - không bị thiếu máu, việc ăn nhiều các loại thực phẩm bổ máu có gây ảnh hưởng gì không ạ?

ThS.BS.CK1 Nguyễn Đoan Trang trả lời: Với những người sức khỏe bình thường, không mắc các bệnh lý huyết học, nếu lượng thực phẩm ăn vào chứa chất sắt quá nhiều, cơ thể sẽ có cơ chế hạn chế hấp thu chất sắt qua đường tiêu hóa.

Nếu việc hấp thu chất sắt nhiều hơn so với nhu cầu của cơ thể, sắt sẽ kết hợp với apoferritin tạo thành ferritin trong tế bào ruột. Qua đường tiêu hóa, ferritin sẽ theo các tế bào ruột thải ra ngoài qua quá trình bong tróc của niêm mạc ruột.

3. Vitamin C, carotene hỗ trợ quá trình hấp thu chất sắt trong cơ thể

Thông thường, các thực phẩm bổ máu sẽ chứa những thành phần gì để bổ sung cho lượng máu thiếu hụt trong cơ thể, thưa BS?

ThS.BS.CK1 Nguyễn Đoan Trang trả lời: Những nguyên nhân gây thiếu máu là do thiếu sắt, axit folic hoặc vitamin B12, những chất này có thể bổ sung qua chế độ dinh dưỡng. Trong đó, các thực phẩm tốt cho quá trình tạo máu cần chứa nhiều chất sắt, axit folic và vitamin B12.

Bên cạnh đó, các loại thực phẩm chứa vitamin C, carotene, những thành phần này giúp tăng hấp thu sắt. Vì vậy, khi gặp tình trạng thiếu máu, người bệnh có thể bổ sung các loại thực phẩm này để giúp quá trình hấp thu sắt xảy ra tốt hơn.

4. Ăn tiết canh có thể bị liên cầu lợn, dẫn tới viêm não và gây tử vong

Củ dền, sò huyết, tiết canh là bộ 3 thực phẩm thường được nhắc đến nhiều nhất giúp bổ máu.

- Công dụng bổ máu của 3 thực phẩm này đến đâu, thưa BS?

ThS.BS.CK1 Nguyễn Đoan Trang trả lời: Củ dền và tiết canh là những thực phẩm chứa nhiều chất sắt, vì vậy, những bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt có thể sử dụng. Sò huyết không thuộc nhóm thực phẩm giàu chất sắt nhưng chứa rất nhiều protein, một chất đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Trong đó, protein có vai trò vận chuyển sắt trong cơ thể, việc ăn sò huyết ở người mắc vấn đề thiếu máu giúp bổ sung thêm protein, hỗ trợ quá trình hấp thu, vận chuyển sắt trong cơ thể.

- Quan điểm của BS về việc sử dụng tiết canh để bổ máu như thế nào ạ? Ngoài việc bổ máu, nguy cơ nhiễm bệnh từ món ăn này ra sao?

ThS.BS.CK1 Nguyễn Đoan Trang trả lời: Tiết canh là món ăn khá phổ biến của người Việt Nam, món ăn này làm từ máu của động vật và không qua chế biến kỹ (ăn sống). Mặc dù tiết canh chứa nhiều chất sắt, tuy nhiên, việc ăn máu sống của động vật sẽ tiềm ẩn các nguy cơ nhiễm giun, sán, ký sinh trùng. Nếu không qua chế biến kỹ, các loại giun, sán, ký sinh trùng vẫn tồn tại trong thức ăn.

Trường hợp ăn phải tiết canh chứa giun, gán, ký sinh trùng sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh, gây các vấn đề về bệnh lý đường tiêu hóa, thậm chí một số người bệnh sẽ bị nhiễm liên cầu lợn. Vấn đề này rất nguy hiểm, có thể dẫn tới viêm não và gây tử vong.

5. Chất sắt có nhiều trong thịt đỏ, rau xanh, các loại đậu

Nhờ BS kể thêm một số thực phẩm bổ máu dễ tìm kiếm khác mà chúng ta có thể dùng hằng ngày ạ?

ThS.BS.CK1 Nguyễn Đoan Trang trả lời: Chất sắt có rất nhiều trong các loại thực phẩm đến từ động vật và thực vật. Các loại thực phẩm từ động vật chứa nhiều chất sắt thường nghe nói nhất là thịt đỏ, điều này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu đã công bố. Ngoài ra, ở nội tạng động vật, đặc biệt là gan cũng chứa nhiều chất sắt.

Một số loại thực phẩm đến từ thực phẩm có nhiều chất sắt như các loại rau màu xanh đậm; các loại đậu: đậu nành, đậu đen,…

6. Thực phẩm màu đỏ có giúp bổ máu?

Ngoài củ dền, sò huyết, tiết canh thì nhiều người cũng tin rằng những thực phẩm có màu đỏ (ví dụ như thanh long, lựu, thịt đỏ…) cũng giúp bổ máu. Điều này có đúng không, thưa BS?

ThS.BS.CK1 Nguyễn Đoan Trang trả lời: Màu đỏ ở các loại thực phẩm như thanh long, củ đền do chứa nhiều carotene, một chất hỗ trợ quá trình hấp thu sắt. Do đó, khi ăn các loại thực phẩm này sẽ giúp ích một phần cho quá trình hấp thu sắt tốt hơn, nên vẫn có hiệu quả đối với bệnh nhân thiếu máu, thiếu sắt.

7. Chỉ nên ăn thịt đỏ 1-2 lần/tuần

Thịt đỏ được biết đến là một trong những thực phẩm giúp bổ máu.

- Nhưng khi nhắc đến thịt đỏ, chúng ta thường chỉ nghĩ đến thịt bò. Xin hỏi BS, thịt đỏ là gồm những loại nào?

ThS.BS.CK1 Nguyễn Đoan Trang trả lời: Khi nhắc thịt đỏ, nhiều người nghĩ ngay đến thịt bò. Tuy nhiên, theo phân loại của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thống nhất rằng: thịt trắng đến từ các loại gia cầm như thịt gà, thịt vịt,… còn đối với thịt đỏ là loại thịt đến từ động vật 4 chân như heo, bò, cừu,…

- Ăn thịt đỏ để bổ máu thì nên ăn sao cho đúng? Mỗi tuần chúng ta nên ăn bao nhiêu thịt đỏ là tốt nhất ạ?

ThS.BS.CK1 Nguyễn Đoan Trang trả lời: Theo các nghiên cứu cho thấy, ăn thịt đỏ sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch và ung thư đại trực tràng. Do đó, dù thịt đỏ chứa nhiều chất sắt tốt cho người thiếu máu thiếu sắt, nhưng không vì thế mà lạm dụng thịt đỏ, ăn mỗi ngày trong tuần.

Khuyến cáo chỉ nên ăn thịt đỏ 1-2 lần/tuần, những ngày còn lại có thể sử dụng các loại thực phẩm khác cung cấp protein và chất sắt nhưng không phải thịt đỏ. Ví dụ như thịt gà, cá, trứng,…

Dù thịt đỏ chứa nhiều chất sắt tốt cho người thiếu máu thiếu sắt, nhưng chỉ nên ăn thịt đỏ 1-2 lần/tuần

8. Ăn thanh long, củ dền, đi tiểu ra màu đỏ có bất thường?

Khi ăn những thực phẩm bổ máu, có màu đỏ, nhiều người gặp tình trạng tiểu ra màu đỏ. Điều này có bất thường không, thưa BS? Khi nào thì sẽ hết tình trạng này ạ?

ThS.BS.CK1 Nguyễn Đoan Trang trả lời: Sau khi ăn các loại thực phẩm như thanh long, nhiều người gặp hiện tượng đi tiêu hoặc đi tiểu ra màu đỏ khiến họ lo lắng và hoang mang. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, màu đỏ đến từ betalains. Trong công nghệ sinh học, betalains được sử dụng để làm màu thực phẩm, và theo nghiên cứu, chất này không gây hại cho sức khỏe. Do đó, khi ăn củ dền, thanh long, màu đỏ đó không ảnh hưởng gì.

9. Cơ thể có cơ chế tự đào thải chất sắt dư thừa khi đã hấp thu đủ

Thực phẩm bổ máu, chúng ta có nên dùng quá nhiều, lạm dụng? Vì sao?

ThS.BS.CK1 Nguyễn Đoan Trang trả lời: Nếu sử dụng quá nhiều thực phẩm bổ máu, cơ thể sẽ có cơ chế hạn chế hấp thu qua đường tiêu hóa nếu đã bổ sung đủ sắt, hoặc sẽ đào thải qua hệ thống đường tiêu hóa. Do đó, nếu không có bệnh lý đặc biệt gây tình trạng ứ sắt, việc ăn quá nhiều thực phẩm chứa sắt không nguy hiểm cho sức khỏe.

10. Bổ sung sắt và vitamin D cách nhau tối thiểu 2 tiếng

Ngoài việc sử dụng các thực phẩm bổ máu, để tránh tình trạng thiếu máu, chúng ta cần chú ý những vấn đề gì ạ? Cần bổ sung các chất gì và bổ sung sao cho hợp lý?  

ThS.BS.CK1 Nguyễn Đoan Trang trả lời: Chất sắt có sẵn trong các loại thực phẩm từ động vật và thực vật. Tuy nhiên, để tăng cường vấn đề hấp thu sắt, sẽ cần nhiều loại thực phẩm chứa vitamin C. Do đó, ngoài tư vấn ăn các loại thực phẩm giàu sắt, uống kèm thuốc sắt, bác sĩ sẽ tư vấn bổ sung thêm các loại thực phẩm chứa vitamin C như cam, quýt.

Bên cạnh đó, canxi cũng ảnh hưởng đến quá trình hấp thu sắt, do đó, bệnh nhân khi uống thuốc sắt, ăn các loại thực phẩm giàu sắt, bác sĩ sẽ lưu ý thêm, nếu có uống sữa hoặc ăn các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, cần cách khoảng thời gian so với uống thuốc sắt tối thiểu 2 tiếng để tránh ảnh hưởng hấp thu giữa các chất.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X