Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị và phòng ngừa xơ vữa động mạch ở người cao tuổi

Bệnh xơ vữa động mạch là tình trạng mảng xơ vữa tích tụ trong thành mạch máu, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ, suy tim. TTƯT.TS.BS Nguyễn Duy Tân - Trưởng Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Thống Nhất đã chỉ ra cách phòng ngừa bệnh lý này từ những thói quen đơn giản: ăn uống lành mạnh, tập thể dục, kiểm tra sức khỏe định kỳ...

Bệnh lý tim mạch chiếm tỷ lệ cao nhất ở bệnh nhân cao tuổi đến khám tại Bệnh viện Thống Nhất

Gần đây, tại Bệnh viện Thống Nhất đã tiếp nhận những trường hợp suy tim nào đáng chú ý, thưa BS?

TTƯT.TS.BS Nguyễn Duy Tân trả lời: Bệnh viện Thống Nhất là một bệnh viện lão khoa toàn diện, sắp tới sẽ được công nhận là bệnh viện lão khoa toàn diện hạng đặc biệt, chăm sóc cho những người bệnh cao tuổi.

Theo quy định của Việt Nam về chăm sóc sức khỏe, người cao tuổi là những người trên 60 tuổi. Người cao tuổi được chia thành 3 mức độ: sơ lão (60 - 70 tuổi), trung lão (70 - 80 tuổi), đại lão (trên 80 tuổi).

Bệnh viện Thống Nhất là nơi tiếp nhận chủ yếu bệnh nhân là người cao tuổi, chiếm đến 80%, thậm chí nhiều hơn.

Tim mạch là bệnh lý chiếm tỷ lệ cao nhất ở những người cao tuổi đến khám. Ngoài ra còn có các bệnh lý về cơ xương khớp, loãng xương, có cả các bệnh lý về ung thư. Bệnh viện Thống Nhất có đầy đủ các chuyên khoa sâu về lĩnh vực này.

Gần đây, theo khuynh hướng phát triển chung của thế giới, các bệnh lý về tim mạch đã được chẩn đoán và điều trị rất hiệu quả, giúp cải thiện lối sống, chất lượng cuộc sống và nhất là kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

Phát hiện và can thiệp sớm hẹp, tắc mạch máu để giảm nguy cơ biến chứng

Xin hỏi BS, từ năm bao nhiêu tuổi thì động mạch bắt đầu xơ vữa và những mạch máu nào bị xơ vữa sẽ đáng quan ngại nhất?

TTƯT.TS.BS Nguyễn Duy Tân trả lời: Chúng tôi thường giải thích với bệnh nhân, ví von động mạch chủ của chúng ta như một thân cây. Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, dẫn máu đỏ đi nuôi khắp cơ thể, đi từ thất trái ra, đưa đến các nhánh nuôi, vào các cơ quan trong toàn bộ cơ thể.

Từ trong động mạch chủ đi ra là hai động mạch vành trái phải để nuôi trái tim và khi lên các nhánh để nuôi não. Có những nhánh đi xuống tay, phổi, xuống ổ bụng nuôi gan, lách, thận, ruột và chia thành hai nhánh lớn nuôi toàn bộ vùng hạ vị, vùng chậu, hai chân.

Người cao tuổi bị các bệnh lý mạch máu sẽ thoái hóa thành mạch và đặc biệt là bệnh xơ vữa động mạch do lắng đọng cholesterol. Đó cũng là chiến lược phát hiện sớm, điều trị kịp thời để tránh bệnh lý tim mạch gây ra.

Bệnh lý về tim mạch ở người cao tuổi chủ yếu nói đến bệnh lý động mạch vành, là động mạch nuôi tim. Khi động mạch vành bị hẹp, bị tắc sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, rất nguy hiểm.

Như đã trình bày, mạch máu có nhiều nhánh, đây là bệnh hệ thống. Khi vừa thoái hóa thành mạch vừa xơ vữa, các động mạch lên nuôi não cũng có thể bị hẹp, bị tắc và gây nhồi máu não.

Chính bản thân động mạch chủ cũng dễ gây nên sự thoái hóa thành mạch, dẫn đến phình động mạch, giãn lớn và vỡ. Bệnh lý này rất nguy hiểm. Bệnh viện Thống Nhất đã xử lý rất nhiều ca bệnh.

Các nhánh khác như động mạch thận, động mạch hai chi dưới gần đây cũng xảy ra khá nhiều trường hợp.

Trước đây, chúng ta chỉ thấy rằng bệnh lý về tim mạch và bệnh lý não là nguy hiểm. Bởi vì khi động mạch nuôi hai vùng này bị hẹp, tắc sẽ gây nhồi máu cơ tim, tai biến, đột quỵ, nguy cơ tử vong tùy theo mức độ.

Gần đây, ngoài động mạch chủ, các nhánh động mạch cũng bị hẹp, tắc, dẫn đến thiếu máu chi, nhiễm trùng, hoại tử. Triệu chứng ban đầu thường làm người bệnh đau đớn, giảm chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nhiễm trùng, nhiễm độc có thể gây tử vong.

Vì vậy, chúng ta cần một chiến lược để phát hiện và can thiệp sớm, tránh những biến chứng cho bệnh nhân.

Căng thẳng, thức khuya tăng nguy cơ các bệnh lý về mạch máu

Những ai có nguy cơ xơ vữa mạch máu sớm hơn và nhiều hơn những người khác, thưa BS?

TTƯT.TS.BS Nguyễn Duy Tân trả lời: Đây là một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Theo quy luật tự nhiên là sinh lão bệnh tử, người lớn tuổi sẽ bị thoái hóa thành mạch và đặc biệt là xơ vữa mạch máu do lắng đọng cholesterol.

Ngày nay, người ta thấy stress, các vấn đề tâm lý có thể làm co thắt mạch máu, tổn thương thành mạch.

Như vậy, lời khuyên cho chúng ta là:

- Có lối sống lành mạnh: tập luyện thể thao thường xuyên. Không cần tập nặng hay cường độ cao, nhưng phải tập đều đặn.

- Chế độ ăn uống phù hợp, tránh trường hợp lắng đọng cholesterol. Hạn chế uống rượu, bia.

- Tâm lý thoải mái, hạn chế stress, căng thẳng, không thức khuya nhiều.

Xơ vữa động mạch là "thủ phạm" gây ra đau tim, đột quỵ và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Ảnh minh họa

Khám sức khỏe định kỳ để “truy tìm” các bệnh lý, phát hiện sớm chất làm tổn thương mạch máu

Tại Bệnh viện Thống Nhất, các bác sĩ nhìn thấy mạch máu của bệnh nhân bị xơ vữa thông qua những xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh nào?

TTƯT.TS.BS Nguyễn Duy Tân trả lời: Ngoài thực hiện lối sống lành mạnh theo lời khuyên ở trên, chúng ta nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ. Người trẻ có thể đi khám mỗi 3 - 6 tháng. Người lớn tuổi, nhiều nguy cơ hơn có thể đi khám mỗi tháng một lần.

Các xét nghiệm máu khi khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm những chất làm tổn thương mạch máu như cholesterol, axit uric. Ngoài ra xét nghiệm còn phát hiện bệnh gout, một số bệnh lý về chức năng gan.

Những chẩn đoán hình ảnh gợi ý khi nào chúng ta cần can thiệp sâu hơn. Đo điện tim, siêu âm tim là những gợi ý để can thiệp sâu hơn ở bước kế tiếp bằng CT dựng hình hoặc chụp động mạch.

Chụp động mạch là xâm lấn, tức là phải châm kim qua động mạch ở đường vào, thường là ở động mạch đùi hoặc động mạch cánh tay, động mạch quay. Đó là những vị trí dễ đâm động mạch, dễ luồn dây động mạch vào gần tim, gần não, gần các động mạch chủ và các nhánh nuôi tạng để chụp hết hình ảnh mạch máu ở đó. Dựa vào đó, chúng ta chẩn đoán sớm để phát hiện bệnh.

Khi bệnh nhân đến khám, đầu tiên chúng tôi làm lâm sàng, sau đó đến các xét nghiệm để từ đó truy tìm sớm những bệnh lý.

Lối sống lành mạnh là yếu tố quan trọng nhất để đẩy lùi xơ vữa mạch máu

Có loại thuốc nào có thể giảm hoặc đẩy lùi tình trạng xơ vữa mạch máu không, thưa BS?

TTƯT.TS.BS Nguyễn Duy Tân trả lời: Tất cả bệnh nhân hoặc những người đã hỏi ý kiến chuyên gia về can thiệp và mổ về vấn đề tim mạch, mạch máu, điều quan trọng nhất vẫn là lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện thể thao, tinh thần thoải mái. Đồng thời, nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Tại các chuyên khoa sâu chúng tôi vẫn thường dùng một số loại thuốc có thể giảm những chất dư thừa như cholesterol, triglixerit, những chất thoái giáng làm xơ cứng, xơ vữa mạch máu.

Cẩn trọng trước các loại thuốc, thực phẩm chức năng trôi nổi, không rõ nguồn gốc

Trên mạng xã hội lan truyền các phương pháp trẻ hóa mạch máu như bổ sung chất xơ thô, bổ sung phopho lipit, bổ sung vitamin C,... Xin hỏi BS, những phương pháp này có hiệu quả không?

TTƯT.TS.BS Nguyễn Duy Tân trả lời: Hiện nay, tại các bệnh viện lớn, các trung tâm tim mạch trên thế giới vẫn có các thuốc điều trị để tránh nguy cơ xơ cứng mạch máu. Xơ cứng mạch máu có thể dẫn đến nhồi máu não, nhồi máu tim, nhồi máu các tạng, ruột, nhồi máu chi,...

Tuy nhiên, như đã nói, chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp vẫn là phương pháp tốt nhất. Các loại thuốc, thực phẩm chức năng trôi nổi hoàn toàn không đảm bảo được chất lượng và hiệu quả.

Bệnh nhân nên đến chuyên khoa để có hướng điều trị, lời khuyên, dặn dò cẩn thận mới an toàn, đảm bảo.

Can thiệp mạch vành và mạch não, động mạch cho bệnh nhân cao tuổi có điểm gì mới?

Khi mạch máu bị xơ vữa ở mức độ nào thì cần phải can thiệp? Trường hợp nào bệnh nhân cần phải phẫu thuật, thưa BS?

TTƯT.TS.BS Nguyễn Duy Tân trả lời: Muốn can thiệp vào cơ thể con người, đầu tiên phải đánh giá vị trí cần can thiệp, tùy theo ảnh hưởng tại cơ quan đó. Ví dụ, bệnh nhân có triệu chứng đau đầu, dấu hiệu thần kinh khu trú, thoáng có yếu tay, tê mặt, méo miệng nhẹ,... sẽ được truy tìm bệnh lý bằng các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Từ đó mới đưa ra chỉ định có can thiệp hay không.

Về mặt chuyên khoa sâu, tùy theo trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra quyết định khi nào cần can thiệp. Nhìn chung, những trường hợp có triệu chứng lâm sàng thì đã phải bắt đầu can thiệp, đây không phải là can thiệp sớm.

Can thiệp sớm là chúng ta đánh giá về mặt chuyên khoa sâu, chụp sơ đồ mạch máu tắc như thế nào, nguy cơ như ra sao và đưa ra phác đồ, không phải đợi đến nỗi có triệu chứng biểu hiện ra.

Tôi xin nhắc lại, ngoài hai cơ quan tim và não, động mạch chủ và động mạch nuôi chi, nuôi các tạng cũng rất quan trọng, nguy hiểm không kém gì bệnh lý động mạch nuôi tim, nuôi não.

Bệnh lý này thường gặp ở người cao tuổi, cần can thiệp sớm để mang lại hiệu quả tốt, giảm kinh phí. Càng để kéo dài thì càng khó can thiệp, mức độ nguy hiểm cao hơn.

Trước đây, với phương pháp mổ mở, sẽ phải gây mê, thậm chí làm cầu nối mạch vành phải cho ngừng tim. Đây là cuộc mổ lớn với nhiều nguy cơ. Hiện nay, can thiệp mạch vành trên thế giới và ở Việt Nam rất phát triển. Bệnh viện Thống Nhất cũng là một trung tâm lớn để can thiệp mạch vành cho người cao tuổi.

Không chỉ mạch vành mà mạch não, động mạch hiện nay cũng không dùng phương pháp mổ mở như ngày xưa. Không còn phải gây mê, đường mổ kéo dài từ ngực đến bụng để làm cầu nối, nguy cơ bệnh nhân tử vong cao.

Chúng tôi chọc gây tê qua động mạch và luồn dây thả stent, điều trị hiệu quả. Đây là xu hướng mới, tại Việt Nam đã ứng dụng hơn 10 năm qua và cho thấy hiệu quả khá tốt trong vấn đề can thiệp tối thiểu, can thiệp nội mạch ở các bệnh lý về tim mạch người cao tuổi.

Lối sống không lành mạnh dẫn đến bệnh lý động mạch chủ ở người trẻ

Hiện nay, tại Bệnh viện Thống Nhất, những kỹ thuật can thiệp mạch máu nào là thường quy và kỹ thuật can thiệp mạch máu nào là khó và phức tạp nhất, thưa BS?

TTƯT.TS.BS Nguyễn Duy Tân trả lời: Tại Bệnh viện Thống Nhất, thường quy gần như là can thiệp động mạch vành. Can thiệp ở đây chỉ là gây tê đâm kim qua mạch máu và thực hiện nong bóng hoặc đặt stent trong đó.

Trước đây, lão khoa thường hay dễ lầm tưởng là về cơ xương khớp, đau cơ, đau thần kinh tọa nhưng gần đây, các nhà nguyên cứu phát hiện bệnh lý mạch máu chiếm đến trên 60%. Khi xuất hiện các cơn đau, cần đến khám ở các trung tâm lớn để loại trừ và phát hiện sớm bệnh.

Phương pháp chẩn đoán nhanh, không xâm lấn là siêu âm mạch máu, từ đó làm can thiệp sâu hơn bằng CT dựng hình để biết tình trạng tắc, hẹp.

Những can thiệp phức tạp là những bệnh lý về động mạch chủ. Có thể do lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt,... bệnh lý này không chỉ gặp ở người lớn tuổi mà còn xuất hiện ở người trẻ, đặc biệt là những người béo phì, cao huyết áp, hút thuốc lá, tiểu đường.

Chúng tôi đã phải làm những chuyên khoa sâu là những can thiệp phức tạp động mạch chủ như bóc tách động mạch chủ, chẻ đôi động mạch chủ ở các bệnh nhân chỉ 20, 30 tuổi.

Bệnh viện Thống Nhất là một trong những nơi đã thực hiện những trường hợp can thiệp về động mạch chủ và các nhánh của nó.

Can thiệp mạch máu có thể giảm bớt nguy cơ nhồi máu cơ tim, nhồi máu não

Sau khi can thiệp mạch máu, bệnh nhân có được xóa bỏ nguy cơ đau tim và đột quỵ không?

TTƯT.TS.BS Nguyễn Duy Tân trả lời: Sau khi can thiệp, chúng tôi không dám nói có thể xóa bỏ nguy cơ đau tim và đột quỵ, nhưng chắc chắn có thể giảm bớt nguy cơ.

Đầu tiên, tùy thuộc vào bệnh lý trước đó nặng hay nhẹ. Chiến thuật của các thầy thuốc là can thiệp vào chỗ nguy cơ nhất, những nhánh kia sẽ được xem xét và theo dõi sát. Có thể phải làm bước thứ hai nhưng cũng có thể chỉ cần uống thuốc.

Dĩ nhiên, khi can thiệp, khả năng nhồi máu cơ tim, nhồi máu não hoặc bóc tách động mạch chủ, vỡ động mạch chủ sẽ được giảm rất nhiều.

Mọi người nên theo dõi thường xuyên theo lời dặn của các bác sĩ chuyên khoa.

Làm thế nào để phòng ngừa xơ vữa mạch máu?

Chúng ta cần phải làm gì để phòng ngừa xơ vữa mạch máu? Bao nhiêu tuổi thì nên tầm soát mạch máu và cách bao lâu thì nên tầm soát một lần?

TTƯT.TS.BS Nguyễn Duy Tân trả lời: Bệnh lý mạch máu thường xuất hiện ở người trên 60 tuổi nhưng hiện nay tỷ lệ người trẻ mắc bệnh này không ít. Người trên 40 tuổi bị bệnh lý về tắc mạch khá nhiều.

Khi con người bắt đầu trưởng thành thì đã có hiện tượng hình thành xơ vữa nếu lối sống, chế độ ăn uống không giữ gìn. Mức độ nguy cơ tùy theo thói quen sinh hoạt của chúng ta. Chính vì vậy, bệnh lý người cao tuổi cần phải tránh những thói quen xấu để nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ.

Lời khuyên từ ban đầu là ăn uống điều độ, thường xuyên tập thể thao, lối sống lành mạnh. Tái khám định kỳ ở các bệnh viện, trung tâm lớn về tim mạch cũng rất quan trọng.

Với những người lo lắng, có nhu cầu tầm soát hết tất cả các bệnh lý thì câu trả lời là bác sĩ không để bệnh nhân “quét từ đầu đến chân”. Thông qua khám sức khỏe thường quy, chúng tôi có những xét nghiệm căn bản, chẩn đoán hình ảnh để tầm soát bệnh. Chỉ khi cần thiết, bác sĩ mới đi sâu, làm các xét nghiệm, CT, chụp mạch máu để kiểm soát bệnh. Mọi người có thể yên tâm, đi khám sức khỏe định kỳ ở các trung tâm.

Cá nhân tôi cho rằng không nên nghe những quảng cáo tràn lan về các loại thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc. Không nên dùng các loại thuốc chưa được chứng minh về hiệu quả từ Bộ Y tế. Nên đến đúng trung tâm y tế để được chăm sóc tốt hơn, dùng thuốc phù hợp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X