Bệnh viêm gan B ở trẻ em: điều trị khó khăn, phòng ngừa quan trọng
Viêm gan B ở trẻ em chủ yếu lây qua đường từ mẹ sang con. Việc điều trị bệnh viêm gan B ở trẻ nhỏ gặp nhiều khó khăn do thuốc ít. Vì vậy, phòng ngừa và tiêm chủng là việc làm cần thiết để bảo vệ trẻ trước bệnh viêm gan B.
1. Con đường lây nhiễm của viêm gan B
Thưa BS Trương Hữu khanh đầu tiên xin được hỏi BS viêm gan B ở trẻ lây truyền qua con đường nào ạ?
BS Trương Hữu Khanh:
Viêm gan B lây truyền chủ yếu là từ người mẹ sang con và lây trong gia đình, ít khi trẻ bị lây ở ngoài. Người mẹ có thể lây sang con từ trong bào thai hoặc thời gian chăm sóc trẻ trong 1 năm đầu đời. Nếu trong nhà có người mắc viêm gan B thì cũng có thể lây cho trẻ trong 1 năm đầu đời. Viêm gan siêu vi B ở trẻ là bệnh nặng, rất dễ dẫn đến mạn tính. Thời gian và chất lượng sống sẽ kém hơn nhiều so với trẻ bình thường.
Ở Việt Nam tỷ lệ trẻ mắc viêm gan B có cao không ạ?
BS Trương Hữu Khanh:
Tỷ lệ trẻ mắc viêm gan B không còn nhiều vì chúng ta có nhiều chương trình tiêm chủng mở rộng, được chích ngay từ khi trẻ mới sinh ra. Tuy nhiên vẫn còn một số ca bệnh rải rác, đặc biệt là những ca có người mẹ bị viêm gan siêu vi B, không phòng ngừa tốt, dẫn đến lây sang em bé. Thậm chí, có em bé bị viêm gan siêu vi B thông thường thành cấp tính rồi dẫn đến xơ gan, có trẻ tử vong vì hôn mê gan do viêm gan siêu vi B.
2. Giai đoạn mang thai nào thì người mẹ dễ lây cho con?
Theo một số nghiên cứu cho thấy, ở Việt Nam, có hơn 10% phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B. Đây là một tỷ lệ rất lớn. Con số còn đúng không, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh:
Hiện nay, tỷ lệ này chỉ giảm đi một chút, không giảm nhiều bởi vì Việt Nam thuộc nhóm những nước có tỷ lệ viêm gan siêu vi B có mầm bệnh cao. Tỷ lệ này có lúc từ 10 - 16%, muốn kéo giảm tình trạng này xuống thì mình phải làm rất nhiều việc.
Nếu mình làm tốt, 20 năm sau lượng người lớn, trong đó có phụ nữ mang thai, bị mắc viêm gan B sẽ giảm. Bây giờ chúng ta đang làm, tỷ lệ người mắc viêm gan B chỉ còn 8%, có khi 6% nhưng nó không thể xuống thấp như những nước khác.
Thưa BS Khanh người mẹ mang thai ở giai đoạn nào mà nếu nhiễm viêm gan B thì sẽ dễ lây cho con?
BS Trương Hữu Khanh:
Viêm gan siêu vi B ở người mẹ có giai đoạn lây nhiều là người mẹ bắt đầu mang thai là mắc bệnh hoặc mắc gần thời gian mang thai. Khi đó, lượng virus trong người mẹ rất cao. Trong suốt quá trình họ mang virus thì đều lây virus cho con mình.
Nếu người mẹ mới mắc viêm gan B thì sẽ lây nhiều hơn so với người đã mắc rồi. Tuy nhiên, những người đã mắc rồi cũng có nguy cơ rất cao để lây virus cho con, bởi vì người mẹ không uống thuốc thì nguy cơ lây cho con là hơn 30%. Viêm gan siêu vi B lây gấp 10 lần so với HIV. Vì vậy, viêm gan siêu vi B ở một người mẹ thì mình cần phải biết và phòng ngừa sớm để bảo vệ con mình không bị ảnh hưởng bởi virus viêm gan siêu vi B.
3. Dấu hiệu nhận biết viêm gan B
Thưa BS, đối với các em bé chưa được tiêm ngừa, cách nhận biết triệu chứng của viêm gan B ở trẻ là gì?
BS Trương Hữu Khanh:
Viêm gan siêu vi B sẽ khó nhận biết, vì nó ngấm ngầm trong người. Nó có thể gây sốt nhẹ hay sốt cao tùy mức độ, đặc biệt là vàng da và nước tiểu rất sậm màu.
Một số em bị xuất huyết dưới da, lơ mơ, hôn mê, bụng trướng ra. Khi đó, bệnh đã nặng, các em phải vào bệnh viện. Bác sĩ sẽ xét nghiệm máu, đánh giá xem có viêm gan siêu vi B hay không, mức độ viêm gan như thế nào, mức độ ảnh hưởng đến gan như thế nào thì mới có kế hoạch điều trị.
Làm sao để có thể phát hiện sớm là trẻ đã nhiễm viêm gan B? Các hậu quả của viêm gan siêu vi B đối với trẻ?
BS Trương Hữu Khanh:
Cách phát hiện em bé có bị viêm gan siêu vi B hay không thì quan trọng nhất chính là phát hiện ở người mẹ. Nếu người mẹ có viêm gan siêu vi B, trong người có virus siêu vi B cần phải chuẩn bị phòng ngừa cho đứa con. Sau khi phòng ngừa, phải làm xét nghiệm để theo dõi. Đó là điều quan trọng nhất.
Nếu trong nhà, có một người bị viêm gan siêu vi B thì cần phải tìm cách xét nghiệm cho trẻ em và những thành viên khác trong nhà. Chỉ có như vậy thì mới phát hiện sớm viêm gan siêu vi B. Nếu không làm gì hết, khi tình trạng vàng da xuất hiện thì rất khó.
Nếu không điều trị, 90% viêm gan siêu vi B ở trẻ em sẽ chuyển sang viêm gan mạn, trong khi người lớn chỉ có 10%. Thuốc chữa viêm gan siêu vi B ở trẻ em rất khó vì họ thường chỉ chế thuốc cho người lớn. Thuốc điều trị viêm gan B cho trẻ em thì trẻ đã có khả năng thuốc kháng. Cho nên đối với viêm gan siêu vi B trẻ em, phòng ngừa là quan trọng nhất chứ không phải chờ mắc bệnh rồi mới chữa trị.
4. Điều trị viêm gan B cho trẻ gặp khó khăn gì?
Khi trẻ bị chẩn đoán viêm gan siêu vi B thì được điều trị như thế nào? Trường hợp nào nên điều trị và trường hợp nào thì không? Và trường hợp nào sẽ điều trị lâu dài?
BS Trương Hữu Khanh:
Đa số em bé bị viêm gan siêu vi B cần phải có kế hoạch theo dõi lâu dài. Một số em bé chỉ ẩn virus trong người, chưa biểu hiện gì, lúc đó mình phải làm nhiều thứ.
Nếu em bé nhập viện với bệnh cảnh vàng da, hôn mê thì mình làm rất nhiều thứ, phải thụt tháo, theo dõi và sử dụng thuốc. Nếu em bé chỉ có virus trong người thì phải xét nghiệm thêm men gan định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng. Khi em bé chuyển sang giai đoạn mạn thì bắt đầu chữa trị, cho nên phải tiêm ngừa cho trẻ, không nên để trẻ mắc bệnh rồi mới chữa, vì nó rất khó.
Điều trị viêm gan B ở trẻ khác gì so với người lớn ạ?
BS Trương Hữu Khanh:
Việc điều trị khác nhau rất nhiều. Ở người lớn thì có nhiều thuốc hơn. Thuốc chế cho trẻ em thì trẻ phải trên 8 tuổi mới có thể sử dụng được và chỉ có 1 - 2 loại. Thuốc khó đóng viên vì họ sản xuất thuốc đó dành cho người lớn nên viên thuốc to và em bé không đủ số ký để uống. Vì vậy thuốc viêm gan siêu vi B cho trẻ em rất khó tìm.
Ở nước ngoài cũng như Việt Nam, họ không sản xuất được thuốc cho trẻ em. Ở các nước tiên tiến họ đã phòng ngừa tốt, cho nên điều trị viêm gan siêu vi B cho trẻ em gần bế tắc. Thuốc không nhập được vì lượng thuốc quá ít.
5. Mẹ bị viêm gan B có cho con bú được không?
Với một em bé được sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B cần lưu ý điều gì? Thưa BS, bà mẹ bị viêm gan B có cho con bú được không?
BS Trương Hữu Khanh:
Điều quan trọng nhất là phải xét nghiệm cho người mẹ và cho cả gia đình. Người phụ nữ mang thai hoặc trước khi lập gia đình thì phải xét nghiệm xem mình có bị virus viêm gan siêu vi B. Nếu không bị viêm gan siêu vi B thì buộc phải chích ngừa, bởi vì nếu không may trong quá trình mang thai, sinh con sẽ bị lây. Do đó cần phải chích ngừa cho người mẹ và những người khác trong gia đình.
Trong quá trình mang thai, nếu xét nghiệm thấy bị nhiễm virus viêm gan siêu vi B thì phải đi khám ngay bác sĩ chuyên về gan mật hoặc nhiễm ở người lớn để được uống thuốc ngừa, làm cho lượng virus trong cơ thể giảm xuống mức thấp nhất và không thể chui vào nhau thai lây cho đứa con. Mẹ phải có kế hoạch chọn cơ sở y tế sinh con có huyết thanh để chống lại virus viêm gan siêu vi B để được chích ngay sau khi sinh. Nếu đến cơ sở sinh không có thuốc đó thì em bé sẽ bị thiệt thòi.
Phải chọn cơ sở y tế sinh có huyết thanh phòng ngừa viêm gan siêu vi B và phải đề nghị bác sĩ chích ngừa ngay lúc sinh bé ra. Làm như vậy sẽ giảm tỷ lệ khả năng lây xuống mức thấp nhất, có thể dưới 2% hoặc dưới 1%. Nếu mình lơ là trong công việc đó, em bé sẽ có khả năng bị bệnh.
Sau khi chích ngừa xong mũi cuối cùng ở giai đoạn em bé 9 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi thì sẽ xét nghiệm lại để xem trong người em bé có virus viêm gan siêu vi B hay không và lượng kháng thể đã đủ chưa để tiêm mũi nhắc lại. Bởi vì trong quá trình em bé lớn lên, người mẹ có mang virus viêm gan siêu vi B mà mình không bảo đảm được lượng kháng thể nhất định trong người bé thì chắc chắn mình không thể ngừa được.
Nếu mình xác định đã chích ngừa đủ thì em bé vẫn bú được. Bởi vì trong người em bé đã có kháng thể nên virus trong sữa mẹ không thể xâm nhập được. Vì vậy ta cần chú ý điều đó để một người mẹ không may có virus viêm gan siêu vi B trong người phải có kế hoạch bảo vệ em bé không bị viêm gan siêu vi B.
6. Tiêm ngừa viêm gan B ở đâu, kháng thể tồn tại bao lâu?
Em bé cần đến đâu để được tiêm ngừa viêm gan B?
BS Trương Hữu Khanh:
Nếu người mẹ có virus viêm gan siêu vi B thì buộc phải đi khám bệnh và phải nói cho bác sĩ biết mình có viêm gan siêu vi B. Tìm ngay bác sĩ chuyên về nhiễm để họ cho thuốc uống.
Phải sinh em bé ở nơi có huyết thanh, sau đó mình đưa trẻ đi chích ngừa đúng lịch và tiếp tục theo dõi em bé. Chỉ cần bỏ qua một trong những khâu đó, chắc chắn ta sẽ thất bại.
Kháng thể viêm gan B trong cơ thể em bé tồn tại trong bao lâu? Sau bao lâu cần phải tiêm nhắc lại, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh:
Khi chích ngừa thì cần phải tiêm ngừa cho trẻ đúng cách.
Lịch chích ngừa gồm: mới sinh ra, 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi, 4 tháng tuổi. Sau đó, phải xét nghiệm lại, bởi vì mình không thể biết được lượng kháng thể trong cơ thể là bao nhiêu. Một em bé hay một người sống trong gia đình có người bị viêm gan siêu vi B thì lượng kháng thể khá quan trọng, vì phải có kháng thể thì trong quá trình tiếp xúc sẽ ít bị lây.
Tuy viêm gan siêu vi B chỉ lây qua đường máu nhưng khi đánh răng sử dụng bàn chải chung, da em bé mỏng, sẽ gây trầy da thì người lớn sẽ lây cho trẻ. Do đó, phải chích ngừa đủ và xét nghiệm để xác định lượng kháng thể trong máu là bao nhiêu.
Thông thường, lượng kháng thể của em bé phải trên 10 mUI/ml và nếu trong nhà có người bệnh thì phải trên 100 mUI/ml.
Nếu không may trong gia đình có một người bị viêm gan B thì mình phải đưa em bé đi khám bác sĩ chuyên về nhi, về nhiễm hoặc một người chuyên về chủng ngừa để được tư vấn khi nào chích ngừa đủ, khi nào lấy máu, khi nào chích lại, bao lâu thì tiêm nhắc lại. Không thể có lịch tiêm ngừa riêng cho tất cả các em bé bị viêm gan B
7. Lời khuyên cho các bậc phụ huynh trong việc phòng ngừa viêm gan B cho trẻ.
BS Trương Hữu Khanh:
Nếu em bé không may bị viêm gan siêu vi B thì phải đưa em bé đi khám bệnh, không còn cách nào khác. Khám định kỳ, theo dõi men gan như thế nào.
Quan trọng nhất vẫn là người mẹ đảm bảo trong người mình không bị viêm gan siêu vi B bằng cách chích ngừa trước khi mang thai.
Nếu không may người mẹ bị viêm gan siêu vi B thì phải có kế hoạch rõ ràng ngay từ khi mang thai để đảm bảo lượng virus trong người ở mức thấp nhất để không lây cho em bé. Như vậy, mình mới bảo vệ được em bé, không thể chần chừ một giây phút nào.
Giải đáp thắc mắc của bạn đọc:
Có nên mang thai khi đang bị viêm gan B?
Thưa BS Trương Hữu Khanh, nếu em đang mắc viêm gan B, liệu có nên mang thai không ạ? Bởi vì chồng em đã lớn tuổi và gia đình cũng mong muốn có em.
BS Trương Hữu Khanh:
Phụ nữ ở tuổi sinh sản bị viêm gan siêu vi B vẫn có thể mang thai bình thường nhưng phải có kế hoạch. Phải có kế hoạch bảo vệ em bé không bị viêm gan siêu vi B dù người mẹ có virus.
Hiện nay, kế hoạch đó rất hoàn hảo, nếu làm đúng, gần như bảo vệ 100% các em bé không bị viêm gan siêu vi B. Cho nên phụ nữ cứ mang thai bình thường, sau đó uống thuốc; hoặc có thể uống thuốc để giảm lượng virus rồi mang thai. Sau đó phải chích ngừa và xét nghiệm lại, chích huyết thanh,...
Phụ nữ bị viêm gan B cứ bình tĩnh và mang thai như bình thường vì sẽ có kế hoạch bảo vệ em bé.
Phòng tránh lây viêm gan B từ mẹ sang con ở 3 tháng cuối thai kỳ
Thưa BS, có biện pháp phòng ngừa nào để tránh lây từ mẹ sang con không, bởi vì em phát hiện bị viêm gan siêu vi B ở 3 tháng cuối thai kỳ?
BS Trương Hữu Khanh:
Nếu ở 3 tháng cuối của thai kỳ thì chắc chắn phải uống thuốc. Loại thuốc đó hiện nay rất nhiều. Thuốc uống để phòng ngừa lây viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con rất lành tính, uống không ảnh hưởng gì đến thai cả.
Khi đi sinh con, phải chọn cơ sở y tế có huyết thanh, điều này rất quan trọng. Sau đó chích ngừa đầy đủ và theo dõi.
Nếu làm được như vậy, em bé sẽ không bị nhiễm và vẫn bú sữa mẹ như bình thường.
Trọng Dy - Minh Huy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình