Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh sởi ở trẻ em: dễ lây, nhanh trở nặng và nguy cơ trẻ suy dinh dưỡng về lâu dài

Theo BS Trương Hữu Khanh, đừng nên coi thường bệnh sởi ở trẻ em, đây là căn bệnh có khả năng lây rất mạnh có thể nhanh chóng diễn tiến nặng và khiến cho trẻ suy sinh dưỡng, còi cọc về sau.

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2

1. Nguyên nhân gây ra bệnh sởi trẻ em?

BS Trương Hữu Khanh:

Bệnh sởi trẻ em là do một loại virus gây nên, đây là một loại virus kinh điển. Sởi còn được gọi là ban đỏ (tiếng gọi của dân gian), đây là một loại bệnh lây rất mạnh từ trẻ bệnh qua trẻ lành.

Tuy nhiên, điều may mắn là đã có vắc xin bệnh sởi nên tỷ lệ nhiễm bệnh cũng giảm. Trước khi có vắc xin, trẻ bị sởi rất nhiều. Ngày nay vẫn có một số đợt dịch do tỷ lệ tiêm chủng của trẻ giảm xuống do quan điểm anti vắc xin hay bỏ sót. Hiện nay, bệnh sởi vẫn đang là một vấn đề khi ta không chủng ngừa đầy đủ.

2. Sởi thường bùng phát vào thời điểm nào trong năm?

BS Trương Hữu Khanh:

Bệnh sởi thường xuất hiện vào giai đoạn đông xuân (khoảng tháng 2 hay tháng 6). Tuy nhiên, năm nay nhờ cách ly 2 năm do dịch COVID-19 nên tỷ lệ giảm xuống. Năm 2018 và 2019 sởi còn phổ biến. Có hai nhóm: một nhóm ở người lớn đó là do tiêm ngừa không kỹ, nhóm thứ hai là xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm ngừa đủ.

3. Đối tượng nào dễ mắc sởi nhất?

BS Trương Hữu Khanh:

Lứa tuổi nào cũng mắc bệnh sởi nếu không chích ngừa đủ.

Trẻ nhỏ chưa đến tuổi chủng ngừa hoặc trẻ từ 6-9 tháng tuổi không chích ngừa đủ có nguy cơ mắc sởi cao nhất.

4. Các biến chứng, di chứng nguy hiểm nhất của bệnh sởi?

BS Trương Hữu Khanh:

Khi một em bé bị mắc sởi, tình trạng nặng nhẹ sẽ tùy thuộc vào lứa tuổi. Đứa bé dưới 12 tháng tuổi mắc sởi sẽ bị rất nặng, nó có thể để lại các biến chứng hay di chứng. Trẻ có thể bị viêm phổi nặng hay suy hô hấp, thậm chí trẻ có thể tử vong hay biến chứng viêm não khi không can thiệp kịp thời.

Bệnh sởi có thể khiến cho em bé bị suy dinh dưỡng, khiến trẻ bị mất đi chiều cao và cân nặng. Một khi mất đi chiều cao và cân nặng, vóc dáng của trẻ sẽ kém hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

5. Sởi được lây truyền qua con đường nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Sởi lây qua đường hô hấp, mức độ lây lan của nó rất mạnh. Khi có một người mắc sởi, virus sởi phát tán ra môi trường trước khi phát ban 2 ngày. Giai đoạn này phát tán rất dữ dội do người bệnh sởi ho và hắt hơi rất nhiều.

Sau đó, virus tiếp tục bám vào các vật xung quanh, người khác đi ngang qua và hít phải các vật đó. Từ nguồn lây đó, virus sẽ lây lan dữ dội. Một người chưa bị sởi hay chưa chủng ngừa sởi tiếp xúc với người bị sởi thì khả năng 95% có nguy cơ bị mắc sởi.

6. Bệnh sởi có bao nhiêu giai đoạn?

BS Trương Hữu Khanh:

Sởi xuất hiện ở nhiều giai đoạn, trẻ bị sốt cao tầm 39 đến 40 độ C và ho rất nhiều ở giai đoạn đầu tiên. Sau đó, ban sẽ xuất hiện ở vùng trán và chân tóc.

Tiếp đến, nó sẽ lan dần xuống người, bụng và xuống chân. Đến khi ban xuất hiện ở chân, nó bay dần từ trên xuống. Như vậy, mắt và mũi có thể bị đỏ kèm theo sổ mũi và ho rất dữ dội.

Giai đoạn toàn phát kéo dài từ ba đến năm ngày, sau đó ban sẽ bay dần từ trên xuống dưới. Lúc ấy, nó để lại các vết thâm và hồi phục sau vài tháng khi không có biến chứng.

Nếu có biến chứng, bệnh tình của trẻ sẽ kéo dài như sốt, lừ đừ, mệt mỏi. Ở giai đoạn toàn phát, trẻ vô cùng biếng ăn. Các bé gần như không muốn ăn và nằm li bì, sốt rất cao.

7. Giai đoạn nào ta nên chăm sóc trẻ ở nhà, khi nào ta cần đưa trẻ đến bệnh viện và các cơ sở y tế?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu em bé bị sốt và ho nhiều khi mắc sởi nhưng không li bì, ta cần cho bé đi khám và trở về chăn sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu trẻ ho liên tục, mệt mỏi nhiều và có dấu hiệu bỏ ăn li bì (đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi mắc sởi), cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện.

Cha mẹ buộc phải đưa con mình vào viện trong trường hợp trẻ bị thở mệt, đi vệ sinh ra máu hay co giật, hôn mê. Khi đó, biến chứng đã xuất hiện.

8. Chăm sóc trẻ bị sởi tại nhà sao cho đúng và cách vệ sinh cho trẻ bị sởi?

BS Trương Hữu Khanh:

Cha mẹ cần biết cách chăm sóc khi trẻ bị mắc sởi tại nhà. Trẻ phải uống nhiều nước, ăn nhiều bữa, ăn lỏng. Đặc biệt, cha mẹ phải trông trẻ và trẻ không được kiêng nắng, kiêng gió. Các bé phải mặc đồ thoáng và uống thuốc hạ sốt đúng cách. Nếu trùm kín, trẻ sẽ bị co giật.

Trẻ không được ăn uống đầy đủ, các em sẽ bị suy dinh dưỡng.

Cha mẹ cần theo dõi trẻ uống thuốc hạ sốt đúng cách, ăn uống tốt, không bị li bì hay khó thở. Thời gian chăm sóc ở nhà có thể kéo dài từ năm đến bảy ngày. Sau đó, trẻ sẽ hồi phục dần dần.

9. Bệnh sởi có thể lây qua người lớn hay không? Trẻ bị sởi một lần có khả năng tái nhiễm sởi hay không?

BS Trương Hữu Khanh:

Cần chú ý đến việc cách ly trẻ tại nhà khi bị bệnh sởi. Cho trẻ đến trường, nguy cơ trẻ sẽ lây bệnh cho trẻ. Cách ly tại nhà nhưng có trẻ nhỏ khác, nguy cơ lây nhiễm của sởi vẫn diễn ra hoặc người lớn đó chưa mắc bệnh sởi cũng có nguy cơ lây.

Nếu trong nhà ta có trẻ bị mắc sởi, ta cần kiểm tra ngay trong nhà ai chưa chích ngừa sởi hay chưa mắc sởi lần nào hay không để ta tiến hành chích ngừa. Tình trạng lây lan đó rất mạnh. Trong cuộc đời, mọi người chỉ bị mắc sởi một lần thôi.

10. Cách phòng ngừa sởi tốt nhất?

BS Trương Hữu Khanh:

Sởi là căn bệnh có thể để lại biến chứng nặng. Bệnh có thể khiến đứa bé bị còi cọc về lâu dài, vì vậy trẻ phải chích ngừa sởi. Hiện nay, chúng ta đã có vắc xin sởi. Các bậc phụ huynh cần ghi nhớ đi chích ngừa sởi. Đừng bỏ mũi tiêm sởi chín tháng, đây là mũi quan trọng. Sau đó, ta có thể chích thêm mũi Rubella (18 tháng). Ta cần chích ít nhất là 2 mũi vắc xin sởi để tránh mắc bệnh. Nếu ta đã mắc sởi rồi, ta cần cách ly ngay và xem trong nhà có ai bị mắc sởi hay chích ngừa sởi chưa.

Đặc biệt là khi chăm sóc trẻ bị sởi, tuyệt đối không kiên gì cả. Trẻ phải chăm ăn từng bữa, ta phải giúp trẻ có được năng lượng để dễ phục hồi hơn. Trong quá trình chăm sóc tại nhà, trẻ quá li bì, thở mệt hay đi cầu ra máu, co giật thì ta cần đi bệnh viện ngay bởi vì khi ấy đã có biến chứng rồi.

Trọng Dy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X