Nhổ răng khôn có đau không? Những điều cần lưu ý ngay kẻo hối tiếc
“Nhổ răng khôn có đau không?” phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến như: tay nghề của bác sĩ nha khoa thực hiện cuộc tiểu phẫu; tình trạng mọc của răng khôn, sự hỗ trợ của thiết bị nha khoa hiện đại… Do đó, trước khi quyết định nhổ răng khôn, bạn nên tìm hiểu địa chỉ nha khoa uy tín, đội ngũ bác sĩ giỏi để an tâm nhổ răng.
Nhổ răng khôn - Bạn ám ảnh cơn đau kinh hoàng mà răng khôn đem lại? Bạn muốn nhổ răng khôn nhưng không biết điều này có đem lại biến chứng gì, có đau không và bao lâu thì sẽ khỏi? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này!
I. Răng khôn là gì?
Răng khôn là tên gọi dân gian của răng số 8, những chiếc răng hàm mọc cuối cùng của mỗi bên hàm. Răng khôn thường không mọc ở trẻ nhỏ mà thường xuất hiện ở người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên).
Răng khôn thường xuất hiện ở người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên)
Răng khôn là răng mọc sau cùng khi xương hàm đã phát triển cứng chắc và khá ổn định. Do đó, răng khôn thường mọc lệch, xô lẫn nhau, mọc chen chỗ các răng khác, dẫn đến sưng, đau đớn.
Hơn nữa, khi con người trưởng thành thì những răng mọc trước đó gần như đã chiếm hết chỗ trống trên cung hàm nên làm cho răng khôn khi mọc lên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, từ đó dễ dẫn đến trường hợp mọc ngầm gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và nguy hiểm đến sức khỏe răng miệng.
II. Răng khôn có tác dụng gì? Vì sao cần nhổ bỏ răng khôn?
Răng khôn mọc muộn nên thường mọc không thuận lợi, khiến nhiều người gặp không ít đau đớn và phiền toái. Có thể thấy, răng khôn dường như không có tác dụng về mặt thẩm mỹ, cũng như chức năng nhai.
Ngược lại, răng khôn có thể coi là “kẻ ăn hại” bởi hầu như răng khôn đều phải nhổ, dù là sớm dù muộn. Không những không đem lại lợi ích gì, răng khôn còn gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm cho chúng ta.
Răng khôn có tác dụng gì?
Điều đầu tiên mà nhiều người nhắc đến về răng khôn đó là cơn đau nhức khó chịu mà nó mang lại. Bên cạnh đó, răng khôn khi mọc còn có thể gây nhiều biến chứng như: viêm nhiễm, đau nhức khi bị mọc răng khôn. Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm khiến bệnh nhân sưng, đau nhức trong miệng nên không thể nhai thức ăn.
Nếu chúng ta để cho tình trạng viêm nhiễm này kéo dài mà không can thiệp sớm thì răng khôn có thể gây phá hủy xương xung quanh, thậm chí làm xô đẩy cả hàm răng.
III. Khi nào nên nhổ răng khôn?
Như đã nêu, những trường hợp mọc răng khôn nhưng không nhổ bỏ có thể gây lây lan nhiễm trùng sang các khu vực xung quanh. Theo các bác sĩ nha khoa, việc nhổ răng khôn còn phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ.
Khi nào nên nhổ răng khôn?
Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ răng khôn trong những trường hợp sau:
-
Răng khôn mọc làm xuất hiện các dấu hiệu viêm nhiễm lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc gây ra các u nang, ổ mủ, ảnh hưởng đến răng kế cận.
-
Răng khôn bị sâu hay mắc bệnh nha chu.
-
Răng khôn mọc ngầm; mọc lệch; hoặc mọc thẳng nhưng không có răng đối diện ăn khớp nên trồi dài xuống hàm đối diện, từ đó tạo bậc thang giữa răng khôn và răng bên cạnh, gây nhồi nhét thức ăn và lở loét nướu hàm đối diện.
-
Giữa răng khôn và răng hàm số 7 thường xuyên bám tụ thức ăn gây viêm nhiễm, đau nhức.
-
Răng khôn có hình dạng nhỏ hoặc lớn hơn so với bình thường.
-
Răng khôn là nguyên nhân của một số bệnh toàn thân khác.
Các kiểu răng khôn mọc lệch, mọc ngầm bạn nên biết
Không phải bất cứ trường hợp răng khôn nào cũng cần phải nhổ mà có thể bảo tồn giữ răng khôn ở những trường hợp sau:
-
Răng khôn mọc thẳng, bình thường, không bị kẹt với mô xương và nướu, không gây biến chứng. Trường hợp này nếu giữ lại thì bệnh nhân cần dùng chỉ nha khoa và bàn chải chuyên dụng để làm sạch triệt để.
-
Bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, rối loạn đông cầm máu, đái tháo đường để tránh các biến chứng sau nhổ răng.
-
Răng khôn liên quan trực tiếp đến một số cấu trúc quan trọng như xoang hàm, dây thần kinh…
IV. Giá nhổ răng khôn hiện nay là bao nhiêu?
Trên thực tế, chi phí nhổ răng khôn ở mỗi cơ sở y tế sẽ khác nhau. Bạn có thể tham khảo mức phí trung bình cho một ca nhổ răng khôn sau:
-
Nhổ răng khôn mọc thẳng: 600.000/1 răng.
-
Nhổ răng khôn mọc lệch mức 1: 1.000.000/1 răng.
-
Nhổ răng khôn mọc lệch mức 2 (mọc ngầm): 1.500.000/1 răng
-
Nhổ răng khôn mọc ngầm mức 3 (mọc ngầm + chân khó): 1.700.000/1 răng.
Bảng giá nhổ răng khôn trên chỉ mang tính tham khảo bởi mức chi phí nhổ răng ở mỗi người sẽ không giống nhau. Chi phí của một ca nhổ răng khôn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau:
1. Tình trạng của răng khôn:
Chi phí sẽ ít tốn kém nếu răng khôn mọc thẳng nên việc nhổ răng sẽ đơn giản và dễ dàng hơn.
Ngược lại, nếu răng khôn mọc lệch, đâm sang các răng xung quanh gây ra biến chứng thì việc nhổ răng sẽ phức tạp và khó khăn hơn. Do đó, mức chi phí sẽ cao hơn so với răng mọc thẳng.
Nhổ răng khôn bao nhiêu tiền phụ thuộc vào: tình trạng răng, công nghệ nhổ răng, tay nghề bác sĩ...
2. Công nghệ nhổ răng khôn:
Trước đây, việc nhổ răng bằng phương pháp truyền thống sử dụng dụng cụ thô sơ gây mất nhiều thời gian, đồng thời khiến người bệnh đau đớn.
Tuy nhiên, hiện nay y học phát triển nên những hạn chế này đã được khắc phục hoàn toàn. Theo đó, trước khi nhổ răng, người bệnh sẽ được gây tê nên sẽ không đau. Đồng thời, sử dụng công nghệ hiện đại giúp làm đứt nhẹ nhàng dây chằng neo xung quanh răng giúp việc nhổ răng cũng diễn ra nhẹ nhàng và không đau đớn cho người nhổ.
Chính vì vậy, những cơ sở có trang bị đầy đủ những thiết bị hiện đại sẽ có chi phí tương đối cao hơn.
3. Tay nghề của bác sĩ nha khoa:
Răng khôn có thể mọc ở nhiều vị trí khác nhau. Do đó, bác sĩ có chuyên môn cao sẽ có thể xử lý an toàn, linh hoạt, tránh đau đớn cho người bệnh. Do đó, nếu nhổ răng khôn được thực bởi bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm thì chi phí nhổ răng cũng sẽ cao hơn.
V. Nhổ răng khôn có đau không?
Nhổ răng khôn có đau không?
“Nhổ răng khôn có đau không?” phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến như: tay nghề của bác sĩ nha khoa thực hiện cuộc tiểu phẫu; tình trạng mọc của răng khôn, sự hỗ trợ của thiết bị nha khoa hiện đại… Do đó, trước khi quyết định nhổ răng khôn, bạn nên tìm hiểu địa chỉ nha khoa uy tín, đội ngũ bác sĩ giỏi để an tâm nhổ răng.
VI. Quy trình nhổ răng khôn
1. Thăm khám:
Nếu bạn có triệu chứng đau nhức ở vùng nướu góc trong cùng của cung hàm thì cần thăm khám sớm, theo dõi quá trình mọc răng khôn để từ đó có hướng xử trí kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Trong bước này bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chụp X-quang răng để xác định được vị trí và hướng mọc của răng khôn, từ đó đưa ra hướng hướng xử lý phù hợp giúp cho việc nhổ răng diễn ra an toàn nhất, hạn chế tối đa biến chứng có thể xảy ra.
Kế đến, bạn cần xét nghiệm máu để kiểm tra độ đông máu có đạt điều kiện thực hiện tiểu phẫu không. Với những trường hợp có các bệnh lý về răng miệng, bác sĩ sẽ điều trị các tổn thương hoặc viêm nhiễm đó trước khi tiến hành nhổ răng khôn.
Có thể thấy, quy trình thăm khám răng giữ vai trò vô cùng quan trọng, từ những kết quả xét nghiệm ban đầu bác sĩ mới có thể hiểu rõ về vị trí mọc răng không, sức khỏe toàn thân của bạn và từ đó đưa ra quyết định có nên nhổ răng khôn hay không. Chính vì thế, nếu bác sĩ yêu cầu bạn nhổ răng khi vẫn chưa thăm khám thì bạn nên từ chối và chọn một cơ sở nha khoa khác, uy tín hơn để được khám, tư vấn kỹ lưỡng.
Quy trình nhổ răng khôn an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế
2. Các bước nhổ răng:
Bước 1: Gây tê
Do nhổ răng khôn chỉ cần tiểu phẫu nên các bác sĩ sẽ không gây mê mà chỉ gây tê cục bộ để giảm mức độ đau xuống mức thấp nhất. Bạn sẽ có cảm giác hơi đau nhức ở vị trí nhổ răng khoảng 1 - 1,5 giờ sau đó bởi lúc này thuốc tê đã hết tác dụng.
Bước 2: Nhổ răng
Để nhổ được răng khôn, các bác sĩ sẽ rạch nướu để lấy phần thân và chân răng. Nếu răng khôn mọc lệch nhiều, bác sĩ cần phải dùng máy khoan nha khoa cắt răng thành nhiều phần để lấy răng ra dễ dàng hơn. Điều này cũng giúp hạn chế những tác động đến xương hàm và các răng kế cận.
Thông thường, thời gian của một ca tiểu phẫu nhổ răng sẽ phụ thuộc vào vị trí và hướng mọc của răng, trung bình mỗi răng mất khoảng 15 - 30 phút, một số trường hợp có thể kéo dài đến vài tiếng.
VII. Nhổ răng khôn kiêng gì?
Sau khi nhổ răng khôn xong, các bác sĩ nha khoa sẽ hướng dẫn bạn một số điều cần lưu ý trong quá trình chăm sóc. Cụ thể là:
-
Ngay sau khi mổ, bác sĩ sẽ cho bạn một miếng gạc để cắn chặt trong 20 phút đến khi máu không còn chảy nữa. Tuy nhiên, bạn không nên ngậm gạc quá lâu bởi nó sẽ hút hết dịch huyết tương từ vết thương, khiến quá trình hồi phục diễn ra lâu hơn.
-
Trong ngày đầu sau khi nhổ răng khôn, bạn có thể chườm đá ngoài má để giảm độ sưng và chỉ nên chườm khi cảm thấy quá đau nhức. Tuyệt đối không dùng đá hoặc nước lạnh tiếp xúc trực tiếp lên khu vực vết nhổ răng.
-
Không nên súc miệng mạnh, liên tục hoặc đánh răng trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật nhổ răng để tránh làm vỡ cục máu đông. Đồng thời, bạn cũng không nên ngậm nước muối, nước súc miệng và tránh khạc nhổ sau khi nhổ răng. Sau 24 - 48 giờ, bạn nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Theo đó, bạn có thể sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn chuyên dụng.
-
Uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc giảm đau khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
-
Ăn những loại thực phẩm, món ăn mềm, dễ nuốt như: cháo, súp,…
-
Bạn không nên chạm vào ổ nhổ bằng tay hoặc lưỡi bởi điều này có thể làm chảy máu thêm và nhiễm khuẩn vết thương.
Sau khi mới nhổ răng khôn bạn nên ăn những đồ ăn mềm, dễ nuốt, đỡ mất công phải nhai nhiều như canh, súp, cháo...
-
Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động nặng gây quá sức cho cơ thể. Không ăn kẹo cao su, bánh kẹo cứng, đồ ăn cay nóng hoặc quá lạnh.
-
Không uống rượu, bia, nước ngọt có gas, hút thuốc lá trong vòng 24 giờ sau khi nhổ răng.
-
Hạn chế tác động mạnh lên khoang miệng.
VIII. Các biến chứng có thể xảy ra sau khi nhổ răng khôn?
Nhổ răng khôn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Một số biến chứng có thể gặp như:
1. Viêm ổ răng:
Sau khi nhổ răng khôn khoảng 2 - 3 ngày, bạn có thể bị viêm ổ răng. Có 2 tình trạng viêm ổ răng thường gặp, cụ thể là:
-
Viêm ổ răng khô: Trong hốc răng vừa nhổ có cảm giác trống, hoặc có cục máu đông nhưng lấy ra dễ dàng, có mùi khó chịu. Bạn sẽ thấy đau đớn dữ dội làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.
-
Viêm ổ răng có mủ: Bạn sẽ thấy đau nhẹ, kèm theo sưng nướu, huyệt ổ răng có mủ trắng, mùi hôi khó chịu, đồng thời có thể nổi hạch ở vùng lân cận.
2. Nhiễm trùng:
Nếu sau nhổ răng khoảng 48 giờ mà bạn vẫn có những biểu hiện như ổ răng chảy máu kéo dài, đau nhức không thuyên giảm, hôi miệng, sưng nướu, sốt, sưng mặt hay sưng vùng má thì nên tái khám ngay để sớm phát hiện bất thường và điều trị kịp thời. Nếu để tình trạng này kéo dài có thể gây nhiễm trùng huyết, hoại tử thậm chí tử vong.
Các biến chứng có thể xảy ra sau khi nhổ răng khôn là gì?
3. Tổn thương dây thần kinh:
Do răng khôn kế cận răng số 7 nên khi nhổ bỏ có thể tác động đến răng số 7 và các dây thần kinh liên kết. Nếu bạn bị tổn thương dây thần kinh thì sẽ gặp những hiện tượng như: tê mỏi môi, lưỡi tạm thời.
4. Lệch hàm:
Biến chứng này có thể xảy ra ở những trường hợp nhổ răng khôn mọc kẹt hoặc ngầm có khoan xương khiến răng kế cận bị lệch, dẫn đến tình trạng lệch hàm.
IX. Nhổ răng khôn bao lâu thì lành?
Thông thường, khoảng thời gian từ 1 đến 2 tuần sau khi bạn thực hiện tiểu phẫu nhổ răng khôn, vị trí nhổ răng sẽ bắt đầu hồi phục, nướu răng sẽ phủ kín dần lỗ chân răng vào. Theo đó, khoảng 1 tháng sau quá trình nhổ răng khôn, khung xương sẽ lành hoàn toàn, phần xương phát triển lấp đầy huyệt ổ răng như một phần của xương hàm.
X. Nên nhổ răng khôn ở đâu?
Dù chỉ là tiểu phẫu nhưng nhổ răng khôn là kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ phải giàu kinh nghiệm, có kỹ năng thực hiện tỉ mỉ, chính xác và an toàn.
Do đó, để tránh những biến chứng sau khi nhổ răng khôn, bạn nên lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín để thực hiện kỹ thuật này. Bạn có thể dựa vào 3 tiêu chí sau:
-
Tay nghề của nha sĩ thực hiện: Với những trường hợp răng khôn mọc ngầm hay mọc lệch, người thực hiện khám và tiểu phẫu nên là bác sĩ có chuyên môn, nhiều kinh nghiệm lâm sàng trong nhổ răng khôn để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa cảm giác đau đớn, chảy máu khi nhổ cho bệnh nhân. Nếu bác sĩ thực hiện ca nhổ răng chưa có kinh nghiệm thì sẽ dễ gây tổn thương, đau nhức cho người bệnh, đồng thời nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm cũng cao hơn.
-
Trang bị đầy đủ các thiết bị, máy móc, dụng cụ: Cơ sở nha khoa phải phải đảm bảo trang bị đầy đủ dụng cụ, hệ thống chụp phim hiện đại để hỗ trợ việc bác sĩ khám và phân tích tình trạng răng miệng, giúp ca nhổ răng khôn diễn ra thuận lợi hơn.
-
Vô trùng tuyệt đối: Không chỉ nhổ răng khôn mà khi thực hiện bất cứ kỹ thuật nào liên quan đến răng miệng đều cần đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Theo đó, cơ sở điều trị, các máy móc, trang thiết bị, dụng cụ nhổ răng đều phải vô trùng kỹ lưỡng để tránh viêm nhiễm, sai sót trong quá trình nhổ răng.
Những điều cần lưu ý ngay khi quyết định nhổ răng khôn:
- Đang sổ mũi, có nên nhổ răng khôn không AloBacsi?
- Nhổ răng khôn khi mang thai, nên hay không?
- Sau khi nhổ răng khôn, tai tôi nghe rè rè, nhờ AloBacsi tư vấn
- Em bị hôi miệng sau khi nhổ răng khôn, điều trị thế nào ạ?
- Đang cho con bú, nhổ răng khôn được không?
- Lợi đang bưng mủ nhổ răng khôn được không?
- Sau khi nhổ răng khôn, khớp thái dương có tiếng kêu lục cục là bệnh gì?
- Tê lưỡi khi nhổ răng khôn phải làm sao?
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình