Hotline 24/7
08983-08983

Cơn đau thắt ngực như thế nào là dấu hiệu nguy hiểm của bệnh mạch vành?

Theo ThS.BS Phan Quang Thuận - Khoa Phẫu thuật Tim người lớn, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, hiểu đúng về các phân loại đau thắt ngực sẽ giúp người bệnh xác định được những triệu chứng bất thường của bản thân và điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.

1. Đau thắt ngực là gì?

Nhờ BS giải thích, cơn đau thắt ngực là gì? Tình trạng này có phổi biến không?

ThS.BS Phan Quang Thuận trả lời: Đau thắt ngực là một loại đau ngực, biểu hiện qua sự mất cân bằng giữa cung – cầu oxy của cơ tim. Khi oxy cơ tim tăng nhu cầu hhoặc giảm cung cấp, tình trạng này sẽ xảy ra.

Tỷ lệ tử vong do tim mạch chiếm khoảng 31% trong các nguyên nhân tử vong trên thế giới. Tại Việt Nam, tim mạch cũng thuộc nhóm các nguyên nhân tử vong hàng đầu.

Đau thắt ngực là một trong những dấu hiệu của bệnh lý nhồi máu cơ tim hoặc thiếu máu cơ tim.

2. Phân loại những cơn đau thắt ngực

Thưa BS, cơn đau thắt ngực được phân loại như thế nào? Nhiều bạn đọc bối rối trước những định nghĩa: cơn đau thắt ngực ổn định, cơn đau thắt ngực không ổn định, cơn đau thắt ngực điển hình...

ThS.BS Phan Quang Thuận trả lời: Cơn đau thắt ngực điển hình có các đặc trưng như đau ngực nằm sau xương ức, đau kiểu bóp chặt, thắt nghẹt, đè nén trong thời gian 3 - 5 phút và không bao giờ vượt quá 20 phút.

Cơn đau khởi phát hoặc tăng lên khi gắng sức, khi bệnh nhân có xúc cảm mạnh, khi thời tiết lạnh... và sẽ giảm/ngưng hẳn khi bệnh nhân nghỉ ngơi, dùng thuốc giãn mạch vành như xịt nitroglycerin.

Cơn đau thắt ngực điển hình có đủ 3 tính chất nêu trên, cơn đau không điển hình chỉ có 1 hoặc 2 tính chất.

Bệnh nhân có thể biết trước cơn đau thắt ngực ổn định sẽ đến nếu hoạt động gắng sức; cơn đau giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc xịt.

Cơn đau thắt ngực không ổn định có thể kéo dài hơn 20 phút, đột ngột đau không báo trước hoặc cơn đau không thuyên giảm khu nghỉ ngơi.

Cần phân loại tình trạng đau thắt ngực ổn định với không ổn định vì đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm, là một cấp cứu tim mạch, cần phải sớm đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Với đau thắt ngực ổn định, nếu được theo dõi, điều trị tốt, bệnh nhân có thể dùng thuốc và điều chỉnh lối sống, giảm hoạt động gắng sức.

3. Nguyên nhân gây đau thắt ngực

Nguyên nhân nào dẫn đến các cơn đau thắt ngực, thưa BS?

ThS.BS Phan Quang Thuận trả lời: Đau thắt ngực là một định nghĩa dành riêng cho bệnh lý mạch vành. Bệnh mạch vành có rất nhiều loại, tạm thời chia thành 2 nhóm chính là hội chứng động mạch vành mạn và hội chứng động mạch vành cấp.

Hội chứng động mạch vành mạn là tình trạng các mảng xơ vữa gây hẹp động mạch vành, tạm thời ổn định tương đối, làm giảm tưới máu mạch vành. Khi hoạt động với mức độ nhất định, nhu cầu oxy của cơ tim tăng lên, lượng máu tưới qua chỗ hẹp không đủ, gây triệu chứng đau thắt ngực. Bởi vì mảng xơ vữa ổn định, chỉ cần dùng thuốc là có thể giảm được triệu chứng đau ngực.

Hội chứng mạch vành cấp hình thành do mảnh xơ vữa bị nứt vỡ, tạo máu đông, tắc động mạch vành gây nhồi máu cơ tim hoặc các bệnh lý rất nặng khác. Như vậy, hội chứng mạnh vành cấp gây ra tình trạng cấp cứu hơn, bệnh nhân phải vào viện ngay lập tức.

Có thể thấy nguyên nhân chính gây đau thắt ngực là bệnh lý mạch vành. Tuy nhiên, những bệnh lý khác cũng có thể gây đau ngực là yếu tố nguy cơ của bệnh lý mạch vành như béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường.

4. Triệu chứng đau thắt ngực thường chồng lắp, khó phân biệt

Cơn đau thắt ngực là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tim mạch nào? Đâu là những tình trạng đáng lo mà bệnh nhân nên dè chừng, thưa BS?

ThS.BS Phan Quang Thuận trả lời: Đối với đau thắt ngực, chúng ta thường nghĩ ngay đến bệnh lý mạch vành. Tuy nhiên, chẩn đoán đau thắt ngực điển hình chỉ mang tính chất tương đối.

Đau thắt ngực có thể lan ra sau lưng, tuy nhiên triệu chứng đau lan ra sau lưng có thể là biểu hiện của bệnh lý bóc tách động mạch chủ. Động mạch chủ ngực của bệnh nhân bị rách, có thể vỡ và tràn qua màng phổi. Đây là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, thường có thể bị bỏ lỡ do chẩn đoán thành đau thắt ngực ổn định.

Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi, các bệnh lý dạ dày... cũng có thể gây đau ngực với tính chất đau ngực có sự khác biệt. Các bác sĩ sẽ hỏi rất kỹ về các triệu chứng và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng để có thể xác định bệnh lý mạch vành hay đau ngực do các nguyên nhân khác.

ThS.BS Phan Quang Thuận - Khoa Phẫu thuật Tim người lớn, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

5. Các nguy cơ dẫn đến bệnh lý mạch vành

Những người nào sẽ thuộc nhóm nguy cơ gặp phải tình trạng đau thắt ngực, thưa BS?

ThS.BS Phan Quang Thuận trả lời: Bệnh lý mạch vành có rất nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó chia thành 2 nhóm chính. Nhóm nguy cơ không thể thay đổi gồm tăng lipid máu gia đình, bất thường gen, chủng tộc có nguy cơ tăng cholesterol máu.

Nhóm nguy cơ thay đổi được là lối sống, chẳng hạn bệnh nhân ăn thực phẩm giàu chất béo, uống rượu bia, hút thuốc lá.

Nguy cơ còn đến từ các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, bệnh lý gan mật ảnh hưởng đến sự chuyển hóa mỡ máu. Các bệnh nhân này tiềm ẩn nguy cơ rối loạn lipid máu và là nguyên nhân gây các mảng xơ vữa mạch vành, dẫn đến các bệnh lý thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực...

6. Các triệu chứng kèm theo ở bệnh nhân bệnh mạch vành

Xin hỏi BS, cơn đau thắt ngực thường được bệnh nhân mô tả như thế nào? Các triệu chứng đi kèm mà bệnh nhân cần chú ý là gì?

ThS.BS Phan Quang Thuận trả lời: Đau thắt ngực là cảm giác đau sau xương ức, không đau một điểm mà lan ra toàn bộ vùng trước ngực. Bệnh nhân không thể xác định điểm đau mà chỉ có thể mô tả cảm giác khó chịu, siết chặt tim. Hoàn cảnh khởi phát cơn đau là khi bệnh nhân gắng sức, thời tiết trở lạnh.

Ngay khi bệnh nhận nghỉ ngơi, cơn đau sẽ giảm ngay. Các bệnh nhân đang điều trị sẽ có loại thuốc xịt để giảm cơn đau. Các tính chất nêu trên là điển hình của cơn đau thắt ngực do bệnh mạch vành.

Nhiều bệnh nhân bị đau nhiều hơn, đau liên tục, đau dữ dội hơn. Đó là biểu hiện của bệnh cấp tính ở mạch vành, cần phát hiện sớm để đưa bệnh nhân đến bệnh viện, không được chần chừ.

Các triệu chứng kèm theo có thể là khó thở, mệt mỏi, ngất,...

Bệnh lý mạch vành khiến tim ngày càng thiếu máu, suy giảm chức năng, lâu ngày có thể gây ra tình trạng suy tim. Khi tim không đáp ứng được sức bóp ra ngoại biên sẽ bị ứ máu trên phổi, khiến bệnh nhân bị mệt do nhu cầu của cơ thể không được đáp ứng.

7. Sơ cấp cứu khi xuất hiện cơn đau thắt ngực

Khi xuất hiện các triệu chứng vừa nêu, bệnh nhân cần phải làm gì? Xin hỏi BS, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thường sẽ tiến hành các bước thăm khám như thế nào cho các bệnh nhân này?

ThS.BS Phan Quang Thuận trả lời: Bệnh nhân được chia thành nhiều nhóm: bệnh nhân ở tỉnh và bệnh nhân ở thành phố; bệnh nhân chỉ có biểu hiện đau ngực và bệnh nhân có kèm biểu hiện bất tỉnh.

Khi bệnh nhân than đau ngực và đột ngột quỵ xuống, phải tiến hành cấp cứu hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân, đồng thời gọi đến đường dây nóng cấp cứu ngoại viện là 115. Cấp cứu đơn giản nhất là nhồi tim nhưng phải xác định bệnh nhân có ngưng tim không, bằng cách bắt mạch ở cổ không đập, lay gọi bệnh nhân không đáp ứng.

Khi nhồi tim, dùng toàn lực ép mạnh và sâu xuống 1/3 lồng ngực rồi nới lỏng tay. Lưu ý, dùng tay thuận đặt lên xương ức, tay còn lại đặt lên tay thuận. Tốc độ nhồi tim khoảng 100 - 120 lần/phút.

Nếu có thêm người hỗ trợ, có thể hà hơi thổi ngạt với tuần suất 30 lần nhồi tim/2 lần thổi hơi. Không được dừng nhồi tim cho đến khi đội cấp cứu ngoại viện đến hiện trường.

Nếu bệnh nhân không bị ngưng tim ngưng thở, chỉ có triệu chứng đau ngực, hãy hỏi bệnh nhân những thông tin bệnh sử, hỗ trợ bệnh nhân sử dụng thuốc và liên hệ với bác sĩ điều trị.

 Trường hợp bệnh nhân bị đau ngực dữ dội, kéo dài, có thể tự đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay. Nếu tình trạng không ổn định, hãy gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đi cấp cứu nhanh nhất.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nếu nhận thấy bệnh nhân có tình trạng đau ngực cấp cứu như đau ngực dữ dội, không phải đau ngực ổn định, bệnh nhân lập tức được chuyển vào khoa cấp cứu. Nếu tình trạng đau ngực ổn định, bình thường có thể đưa vào phòng khám để thăm khám.

Tại khoa cấp cứu, bệnh nhân được làm các xét nghiệm như đo điện tim, men tim để loại trừ hội chứng mạch vành cấp. Nếu có hội chứng mạch vành cấp, bệnh nhân tiếp tục điều trị thuốc, can thiệp phẫu thuật mạch vành.

Trường hợp bệnh lý mạch vành mạn, bệnh nhân được kê toa điều trị và lên lịch phẫu thuật, can thiệp sau đó.

8. Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành

Xin hỏi BS, hiện nay đã có những phương pháp nào để điều trị các cơn đau thắt ngực?

ThS.BS Phan Quang Thuận trả lời: Các cơn đau thắt ngực chủ yếu do bệnh mạch vành. Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành có thể chia thành 3 nhóm chính:

- Điều trị nội khoa là điều trị nền tảng, cơ bản nhất bằng các thuốc chống sự hình thành huyết khối, cải thiện sự sống còn của tim và điều trị triệu chứng đau ngực.

- Can thiệp mạch vành để làm mạch máu nở ra là phương pháp hiệu quả trong điều trị bệnh lý mạch vành.

- Phẫu thuật bắc cầu mạch vành là phương pháp điều trị triệt để cho bệnh nhân mắc bệnh mạch vành khi có chỉ định. Đối với hội chứng động mạch vành mạn, phẫu thuật được đặt ra khi bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội khoa hoặc bệnh nhân có triệu chứng đau ngực thường xuyên hơn dù đã uống thuốc; bệnh nhân có tình trạng suy giảm chức năng tim nhìn thấy được trên siêu âm; động mạch vành hẹp quá nặng.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành sẽ tạo các cầu nối mới, tái tưới máu cho tim, dự phòng đau ngực và các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, cải thiện chức năng tim về sau.

Đối với bệnh nhân hội chứng động mạch vành cấp, khi có hình ảnh mạch vành bị hẹp nhiều, bắt buộc phải tái tưới máu bằng cách đặt stent mạch vành hoặc bắc cầu động mạch vành. Bắc cầu động mạch vành được lựa chọn khi bệnh nhân bị hẹp nhiều vị trí hoặc bệnh nhân hẹp động mạch vành chính bên trái.

Bệnh nhân có bệnh đái tháo đường, bệnh nhân trẻ tuổi nên áp dụng phẫu thuật bắc cầu mạch vành để tối ưu hiệu quả điều trị. Phẫu thuật này cần mở rộng xương ức, hiện nay đã có những phẫu thuật để hạn chế sự xâm lấn cho bệnh nhân với đường mổ nhỏ ở bên trái. Sau mổ, bệnh nhân hồi sức nhanh hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn.

9. Phòng ngừa đau thắt ngực

Thưa BS, có cách nào để phòng ngừa những cơn đau thắt ngực? Những người có nguy cơ sớm nên tầm soát thế nào, những phương pháp tầm soát phổ biến hiện nay là gì?

ThS.BS Phan Quang Thuận trả lời: Cơn đau thắt ngực xảy ra chủ yếu do bệnh lý mạch vành. Dự phòng bệnh lý mạch vành cần dựa trên các yếu tố nguy cơ, trừ những yếu tố nguy cơ không thay đổi được như gen di truyền, chủng tộc thì bệnh nhân cần thiết thay đổi lối sống.

Không nên ăn uống những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, đường hấp thu nhanh làm tăng lượng mỡ trong máu, là nguyên nhân gây ra bệnh lý mạch vành. Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá để dự phòng những nguyên nhân dẫn đến rối loạn mỡ máu, oxy hóa trong cơ thể. Hậu quả cuối cùng là các mảng xơ vữa và hội chứng mạch vành.

Các bệnh nhân thừa cân béo phì phải có chiến lược giảm cân nhằm tránh các bệnh lý tim mạch về sau.

Bên cạnh đó, điều trị tích cực các bệnh lý có thể gây ra hội chứng mạch vành là đái tháo đường, bệnh nhân tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý gan. Bệnh nhân cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa để trở về giới hạn bình thường nhằm đảm bảo các vấn đề tim mạch không phát sinh.

Bên cạnh đó, cần tầm soát các bệnh lý tim mạch định kỳ. Người bình thường, không có bệnh lý huyết áp, mỡ máu cũng cần tầm soát bệnh lý mạch vành, khuyến cáo cho nam từ 40 tuổi và nữ khi mãn kinh.

Khi tiền sử gia đình có vấn đề hay bản thân có tình trạng thừa cân béo phì, có nguy cơ rối loạn mỡ máu, chế độ ăn không cân đối nên tầm soát sớm hơn.

Tầm soát bao gồm xét nghiệm rối loạn mỡ máu, đo huyết áp, thử đường huyết, kiểm tra mạch vành. Đối với kiểm tra mạch vành có phương pháp không xâm lấn như đo điện tim, siêu âm tim, tuy nhiên chỉ khi bệnh nhân có vấn đề mạch vành mới thể hiện qua các cận lâm sàng này.

Những trường hợp vấn đề mạch vành mới cần đến xét nghiệm chuyên sâu hơn như chụp CT mạch vành, can thiệp sâu hơn là chụp mạch vành qua da. Khi nhận thấy nguy cơ cao trên bệnh nhân này, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm xâm lấn hơn để chẩn đoán chính xác hơn bệnh lý mạch vành, từ đó lên kế hoạch điều trị và phòng ngừa các biến chứng như đau thắt ngực, đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X