Phần 1: Tim mạch và đái tháo đường - Những điều bạn không thể bỏ qua
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào và TS.BS Trần Hòa, khi chế độ ăn uống không đảm bảo thì cần lựa chọn các sản phẩm bổ sung Sterols từ thực vật (Plant Sterols), Omega-3, vitamin B9 (folate) và B12… để đáp ứng nhịp sống hiện đại và đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho tình trạng sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch.
1. Vì sao bệnh tim mạch lại nguy hiểm?
Bệnh tim mạch hiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu đe dọa sức khỏe cộng đồng, với nhiều biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao. Vậy thì thưa TS.BS Trần Hòa, nhờ bác Hòa chia sẻ khái quát lý do tại sao bệnh tim mạch lại nguy hiểm đến vậy ạ?
TS.BS Trần Hòa - Phó trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Bệnh lý tim mạch hiện nay là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trên toàn thế giới. Nếu có 10 người tử vong thì 3 - 4 người trong đó do bệnh lý tim mạch.
Bệnh tim mạch là những bệnh lý thầm lặng như tăng huyết áp gọi là “kẻ giết người” thầm lặng, đái tháo đường (ĐTĐ) và các bệnh lý về tim mạch như suy tim cũng vậy. Nhiều trường hợp không xác định được diễn tiến bắt đầu từ khi nào. Mặc dù diễn tiến âm thầm nhưng khi xuất hiện các biến chứng như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim thì có thể làm người bệnh tử vong một cách nhanh chóng.
Thứ hai, các bệnh lý tim mạch có rất nhiều yếu tố nguy cơ phát sinh trong cuộc sống, nhưng may mắn là các yếu tố nguy cơ này có thể thay đổi được.
Cuối cùng, các bệnh lý tim mạch khá tốn kém, không chỉ gây tử vong hay ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà chi phí điều trị cho các bệnh lý tim mạch khá cao. Người bệnh phải tuân thủ và điều trị gần như suốt đời. Đôi khi người bệnh phải trả chi phí cho các kỹ thuật cao như thay van tim, đặt máy tạo nhịp hoặc đặt stent động mạch vành.
2. Bệnh tim mạch ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh đái tháo đường thế nào?
Thưa PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào, bệnh tim mạch không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ra nhiều hạn chế trong sinh hoạt hằng ngày. BS có thể chia sẻ rõ hơn về tác động của bệnh tim mạch đến chất lượng cuộc sống của người bệnh như thế nào, nhất là với người có bệnh ĐTĐ?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào - Phó Giám Đốc - Phụ trách Nội tiết - Chuyển hóa và Dinh dưỡng, Bệnh viện Tim Tâm Đức trả lời: Hiện nay trên thế giới cảnh báo về 5 bệnh không lây nhiễm gây tử vong cao. Trong đó, tim mạch và đái tháo đường chiếm tỷ lệ cao nhất và dẫn đến tử vong nhiều nhất.
ĐTĐ có mối liên hệ rất chặt chẽ với tim mạch. Theo thống kê tại Việt Nam trên 1 triệu người ĐTĐ, thì có trên 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó đến 34% là biến chứng tim mạch.
Các biến chứng tim mạch thường được nhắc đến là bệnh tim mạch do xơ vữa, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ tắc động mạch chi dưới,… các biến chứng này sẽ làm ảnh hưởng và suy yếu các cơ quan như tim, thận, não.
Vì vậy, tim mạch và ĐTĐ là các vấn đề chúng ta cần phải tích cực can thiệp.
3. Yếu tố nguy cơ cao nào khiến người lớn tuổi dễ mắc bệnh tim mạch?
Các bệnh lý tim mạch thường phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Thưa TS.BS Trần Hòa, tại sao nhóm tuổi này lại dễ mắc các bệnh tim mạch hơn? Và có những yếu tố nguy cơ cao nào khiến người lớn tuổi dễ mắc bệnh tim mạch ạ ?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý tim mạch ở người lớn tuổi như lối sống ít vận động thể lực, chế độ ăn, hút thuốc làm béo phì…
Bên cạnh đó, có 3 nhóm bệnh lý ảnh hưởng rất nhiều đến xơ vữa động mạch là tăng huyết áp, ĐTĐ và rối loạn chuyển hóa lipid máu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Đối với người dân đã biết rất nhiều về tình trạng tăng huyết áp và ĐTĐ, khi huyết áp hay đường huyết tăng sẽ lo lắng. Nhưng tình trạng mỡ trong máu cao gần như vẫn còn thờ ơ, vì không gây ảnh hưởng trực tiếp.
4. Đâu là yếu tố nguy hiểm nhất đối với bệnh tim mạch?
Trong 3 yếu tố nguy cơ cao vừa đề cập, yếu tố nào nguy hiểm nhất và yếu tố nào dễ kiểm soát nhất? Và nếu kiểm soát tốt 1 trong 3 yếu tố này, liệu có giúp giảm được nguy cơ mắc bệnh tim mạch không, TS.BS Trần Hòa?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ có thể làm chậm hoặc giảm tối thiểu các biến cố có thể xảy ra.
Ví dụ, đối với tình trạng tăng huyết áp, nếu khống chế được huyết áp tâm thu ở mức 120 - 130 mmHg, huyết áp tâm trường từ 70 - 80 mmHg sẽ rất lý tưởng và bảo vệ được cuộc sống, tương đương với người không bị tăng huyết áp.
Về ĐTĐ nếu kiểm soát tốt HbA1c ở giới hạn từ 6,5 - 7 sẽ giống như người không mắc bệnh.
Đối với mỡ trong máu cũng vậy, nhưng thực tế 10 người mắc mỡ trong máu cao thì chỉ 2 - 3 người (20 - 30%) kiểm soát được tình trạng này. Kiểm soát mức cholesterol là một vấn đề rất khó khăn trong thực tế lâm sàng.
5. Làm sao để phòng ngừa đái tháo đường từ sớm?
Bệnh ĐTĐ ngày càng trẻ hóa, vậy xin hỏi PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào có lời khuyên nào dành cho những người trẻ để phòng ngừa bệnh này từ sớm không ạ?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào trả lời: Trước đây chúng ta thường nghĩ ĐTĐ thường gặp ở những người trên 45 tuổi, nhưng hiện nay khái niệm này đã thay đổi.
Đại dịch ĐTĐ có 2 vấn đề là số người mắc bệnh nhiều hơn và trẻ hóa. Trong thực tế, có những bé 11, 12 tuổi đã mắc ĐTĐ. Thanh niên, nhóm tuổi từ 30 đã có các vấn đề về rối loạn đường huyết.
Trước đây, chúng ta chỉ nói đến ĐTĐ nhưng hiện nay có một nhóm bệnh nhân sớm hơn là tiền ĐTĐ.
Bệnh nhân ĐTĐ được định nghĩa là rối loạn chuyển hóa carbohydrate, rối loạn chuyển hóa lipid máu và rối loạn các vi chất, khoáng chất trong cơ thể, từ đó gây ra rất nhiều rối loạn chuyển hóa. Vì vậy, nếu khi còn trẻ mà không kiểm soát lối sống thì rối loạn này có thể xảy ra và bệnh ĐTĐ ngày càng tăng.
Khi trẻ hóa sẽ gây ra biến chứng sớm, vì vậy chúng ta cần quan tâm đến lối sống.
6. Dưỡng chất nào tốt cho sức khỏe tim mạch và nên bổ sung trong chế độ hàng ngày ra sao?
Chúng ta đều biết rằng một chế độ ăn uống khoa học không chỉ giúp duy trì sức khỏe mà còn là chìa khóa bảo vệ tim mạch. Với nhiều người, việc lựa chọn thực phẩm và cân đối dinh dưỡng hàng ngày tuy rất quan trọng nhưng lại không dễ thực hiện. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào có thể chia sẻ thêm về những dưỡng chất nào tốt cho sức khỏe tim mạch và nên bổ sung trong chế độ hàng ngày ra sao?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào trả lời: Phương pháp điều trị bằng thay đổi lối sống là phương pháp nền tảng. Nghĩa là phải thực hiện hằng ngày, từ khi còn sớm, chưa có rối loạn cho đến khi có bệnh lý rối loạn chuyển hóa xuất hiện thì việc điều chỉnh đó đóng vai trò rất quan trọng.
Chúng ta phải bảo vệ sức khỏe chung, cũng như sức khỏe tim mạch bằng cách sử dụng các thực phẩm có lợi cho sức khỏe; bổ sung các dưỡng chất, vi chất có tác dụng lên các chuyển hóa bị rối loạn của cơ thể như:
- Sterols từ thực vật (Plant Sterols): Các hợp chất này có khả năng giúp giảm cholesterol xấu trong máu. Sẽ cạnh tranh với cholesterol xấu khi hấp thu trong lòng ruột dẫn đến các cholesterol xấu bị đào thải ra ngoài, từ đó tác động bảo vệ tim mạch.
- Ăn những thực phẩm chứa nhiều Omega-3: Thường có trong cá hồi, hạt lanh, quả óc chó hoặc các loại hạt khác,… đóng vai trò quan trọng vì giúp giảm viêm và ngăn ngừa các nguy cơ về tim mạch.
- Ngoài ra, chế độ ăn không thể bổ sung đầy đủ các loại vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B. Chẳng hạn, vitamin B9 (folate) và B12 đóng vai trò hỗ trợ sức khỏe mạch máu, ngăn ngừa tích tụ homocysteine - một yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim, các yếu tố viêm. Vì vậy có tác động tích cực trong chuỗi chuyển hóa của chúng ta.
- Khi nêm nếm thức ăn, cần giảm lượng muối để hạn chế nguy cơ tăng huyết áp.
- Đồng thời, nên tăng cường rau xanh và trái cây vào bữa ăn hằng ngày, vì chúng giàu chất xơ, chất chống oxy hóa và các vi chất dinh dưỡng quan trọng, giúp bảo vệ trái tim hiệu quả.
- Thêm vào đó, việc lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (Low GI) như ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả tươi và các loại đậu,… có thể giúp duy trì mức đường huyết ổn định, giảm áp lực cho tim mạch, ngăn ngừa các vấn đề về chuyển hóa, và bảo vệ sức khỏe tim mạch lâu dài.
7. Plant sterols có vai trò thế nào và làm sao để bổ sung?
Vừa rồi PGS.TS.BS Bích Đào có đề cập qua Plant Sterols. Vậy nhờ TS.BS Trần Hòa giải thích rõ hơn về Plant sterols và vai trò của chúng trong việc hỗ trợ sức khỏe tim mạch? Ngoài ra, chúng ta có thể bổ sung plant sterols từ những nguồn thực phẩm nào trong chế độ ăn hàng ngày?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Nghiên cứu cho thấy, đối với người có cholesterol trong máu cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Việc bổ sung từ 1,5 - 2,4g Plant Sterols (Sterols từ thực vật) mỗi ngày 10% trong 2 - 3 tuần sẽ giúp giảm hàm lượng cholesterol xấu trong máu đến 10%.
Và được khuyến khích duy trì, không phải sau 2 - 3 tuần đạt hiệu quả thì ngừng sử dụng mà cần phải diễn ra liên tục để giúp lọc các cholesterol xấu. Các Sterols từ thực vật khi ăn vào sẽ cạnh tranh với những cholesterol động vật trong niêm mạc ruột, làm ngăn chặn không cho sự hấp thu cholesterol xấu xảy ra.
Tuy nhiên, khó mà cung cấp đủ lượng sterols cần thiết qua thực phẩm do hao hụt trong quá trình chế biến. Do đó, có thể tham khảo các sản phẩm bổ sung có chứa thành phần này để đảm bảo lượng Sterols cần thiết cho sức khỏe.
8. Omega-3 có vai trò gì trong việc bảo vệ sức khỏe tim và nên bổ sung thế nào?
Và thưa TS.BS Trần Hòa, omega-3 có vai trò gì trong việc bảo vệ sức khỏe tim và nên bổ sung như thế nào cho hiệu quả ạ?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Omega-3 đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, cũng như chức năng của một số cơ quan khác.
Omega-3 dễ dàng tìm thấy trong các thức ăn hằng ngày như: quả óc chó, đậu edamame và hạt chia, đặc biệt có nhiều trong các loại cá và dầu cá.
Đối với tim mạch, omega-3 giúp ổn định sức khỏe của mạch máu. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không tự sản xuất được omega-3. Nên cần bổ sung bằng thực phẩm thường ngày hoặc các sản phẩm có chứa omega-3.
Ngoài ra cơ thể cần một số dưỡng chất khác như Acid Folic hoặc Kali - vi chất được các Tổ chức về Tim mạch khuyến khích sử dụng rất nhiều. Trước đây, hằng ngày sử dụng muối Natri thì khuyến khích thay thế hoặc bổ sung muối Kali vào thành phần của thức ăn vì giúp ổn định màng tế bào cũng như chuyển hóa tim mạch..
9. Sử dụng các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp mang lại lợi ích gì?
Như PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào có chia sẻ ở trên thì việc sử dụng các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (Low GI) mang lại những lợi ích nhiều lợi ích cho việc kiểm soát đường huyết, từ đó hỗ trợ sức khỏe tim mạch. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào có thể chia sẻ cụ thể hơn đó là những lợi ích gì không ạ?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào trả lời: Từ trước đến nay chúng ta chỉ quan tâm đến ăn gạo trắng, gạo lứt để có lợi cho sức khỏe.
Định nghĩa của Tổ chức Nông lương Thế giới, carbohydrate gồm các loại tinh bột, các loại đường khác nhau và trong trái cây. Một carbohydrate tốt gồm có lượng và loại carbohydrate.
Tinh bột sẽ có những loại chỉ số đường huyết (GI) cao - thấp - trung bình. Khi sử dụng carbohydrate có đường huyết trung bình, ăn vào đường trong máu sau khi hấp thụ sẽ tăng lên từ từ và đường huyết khi đói và sau ăn ở ngưỡng cho phép. Khi đường huyết sau ăn thấp sẽ ít tác động lên tim mạch và không gây ra các biến cố tim mạch.
Các nghiên cứu trên thế giới thấy rằng, khi chúng ta ăn mà chỉ số đường huyết sau ăn vượt ngưỡng sẽ tác động lên các biến cố tim mạch. Vì vậy, một chế độ ăn của người bình thường cũng cần quan tâm đến các chỉ số đường huyết thấp.
Khi mua các thực phẩm công nghiệp, chúng ta sẽ đọc nhãn sản phẩm và chọn loại có chỉ số GI càng thấp thì sẽ không làm tăng đường huyết sau ăn và có lợi cho sức khỏe.
Các sản phẩm GI từ 70 - 55 là trung bình, nếu GI dưới 55 là mức thấp. Xu hướng hiện nay, khi uống các loại nước sẽ đề nghị giảm đường (70% đường).
Chỉ số GI thấp có thể hỗ trợ giảm viêm trong tế bào, cải thiện sự nhạy cảm insulin và giúp giảm nguy cơ tích tụ mảng bám trong động mạch, từ đó bảo vệ sức khỏe tim mạch lâu dài.
Cảm ơn PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào, TS.BS Trần Hòa và Anlene Heart Plus đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình này.
>>> Phần 2: Tim mạch và đái tháo đường - Những điều bạn không thể bỏ qua
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình