Phần 2: Tim mạch và đái tháo đường - Những điều bạn không thể bỏ qua
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào và TS.BS Trần Hòa, khi chế độ ăn uống không đảm bảo thì cần lựa chọn các sản phẩm bổ sung Sterols từ thực vật (Plant Sterols), Omega-3, vitamin B9 (folate) và B12… để đáp ứng nhịp sống hiện đại và đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho tình trạng sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch.
10. Người lớn tuổi có cần sử dụng thực phẩm bổ sung để hỗ trợ sức khỏe tim mạch?
Ở người lớn tuổi, cơ thể cần được chăm sóc đặc biệt để duy trì sức khỏe tim mạch, vì vậy nhiều người đặt câu hỏi liệu người lớn tuổi có nên bổ sung thêm thực phẩm chức năng hoặc sữa dinh dưỡng không? Vậy, thưa PGS.TS.BS Bích Đào, đối với người lớn tuổi, việc sử dụng thực phẩm bổ sung để hỗ trợ sức khỏe tim mạch có cần thiết không? Và nếu có thì giữa thực phẩm bổ sung và sữa dinh dưỡng, đâu là lựa chọn tiện lợi và dễ hấp thu hơn?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào: Dân số ngày càng già hóa, tuổi thọ tăng thêm do chất lượng cuộc sống và chăm sóc y tế tốt hơn. Phải hiểu đặc điểm của người cao tuổi để có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý.
- Người lớn tuổi cảm giác thèm ăn sẽ giảm, ăn không ngon miệng.
- Các hệ thống tiêu hóa suy yếu nên khả năng tiêu hóa hấp thu sẽ giảm xuống.
Nhu cầu dinh dưỡng sẽ tùy theo tình trạng sức khỏe, thể trạng vận động của người bệnh. Vì vậy, người cao tuổi cần bổ sung thêm các sản phẩm dễ tiêu hóa như sữa và các chế phẩm từ sữa để đảm bảo sức khỏe cho hoạt động hằng ngày và tăng khả năng miễn dịch đáp ứng với bệnh.
Đặc biệt, cần lưu ý có rất nhiều loại sữa, nếu không lựa chọn đúng sẽ không đem lại dinh dưỡng và năng lượng. Vì vậy nên sử dụng các loại sữa mà trong nhãn sản phẩm ghi có các thành phần, dưỡng chất có lợi cho tim mạch, sức khỏe hoặc cung cấp protein, canxi để đảm bảo sức khỏe toàn diện, cũng như sức khỏe tim mạch.
11. Độ tuổi nào là tốt nhất để bắt đầu bổ sung dưỡng chất hỗ trợ tim mạch vào chế độ ăn hàng ngày?
Thưa TS.BS Trần Hòa, độ tuổi nào là tốt nhất để bắt đầu bổ sung dưỡng chất hỗ trợ tim mạch vào chế độ ăn hàng ngày? Và liệu có phải càng bắt đầu sớm thì càng có lợi cho sức khỏe tim mạch hay không ạ?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Khi cơ thể bắt đầu lão hóa là lúc cần bồi bổ. Tuy nhiên, mức độ lão hóa sẽ tùy thuộc vào từng người. Nhận diện trên lâm sàng, lứa tuổi khoảng 30 trở đi bắt đầu có những rối loạn kèm theo mà thông thường không có như mỡ trong máu cao, huyết áp cao, tiền ĐTĐ,…
Vấn đề bổ sung thêm các dưỡng chất tốt cho tim mạch trong một số trường hợp cần bổ sung sớm hơn. Thậm chí nếu lứa tuổi 20 mà bắt đầu có tình trạng lão hóa rõ ràng thì nên bổ sung sớm.
12. Nhu cầu dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe tim mạch ở giai đoạn trung niên và cao tuổi có sự khác biệt không?
Khi bước vào giai đoạn trung niên và cao tuổi, nhu cầu dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe tim mạch có sự khác biệt gì không, thưa TS.BS Trần Hòa?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Từ 40 tuổi trở lên vấn đề lão hóa và rối loạn chuyển hóa trong có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, cũng như chuyển hóa chung trong cơ thể đã xuất hiện.
Từ trung niên trở lên, dưỡng chất là rất quan trọng và có thể bổ sung từ thức ăn hoặc các sản phẩm như sữa cho người bệnh.
13. Người trung niên có cần sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tim mạch như người cao tuổi?
Và câu hỏi cuối cùng trong phần hỏi đáp cùng chuyên gia, thưa PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào, liệu người trung niên có cần sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tim mạch như người cao tuổi không? Nếu có, PGS có thể chia sẻ những yếu tố quan trọng khi lựa chọn chế độ ăn có lợi cho sức khỏe tim mạch để phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng ở mỗi độ tuổi và giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch lâu dài không ạ?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào trả lời: Độ tuổi các rối loạn chuyển hóa xảy ra nhiều nhất là trung niên và có thể sớm hơn. Các rối loạn chuyển hóa thường nhắc đến là chuyển hóa đường, chuyển hóa lipid máu và đó chính là yếu tố nguy cơ về tim mạch.
Đặc điểm về sức khỏe ở người trung niên có sự suy giảm, cường độ làm việc lúc cao lúc thấp và việc quan tâm duy trì chế độ ăn uống hằng ngày có vấn đề do điều kiện làm việc có thể dẫn đến không ăn uống đầy đủ.
Vì vậy, chế độ ăn thông thường không được cân đối về năng lượng, cũng như về dinh dưỡng (đây là 2 khía cạnh rất quan trọng). Trong khi rối loạn chuyển hóa đường và lipid máu có liên quan đến các vấn đề về tăng huyết áp.
Khi ăn uống không đảm bảo thì cần lựa chọn các sản phẩm khác bổ sung dễ hấp thu, nhanh gọn để đáp ứng nhịp sống hiện đại và đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho tình trạng sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch.
Khi bổ sung cần chú ý các vấn đề như sau:
- Sử dụng các loại sản phẩm không có cholesterol xấu mà có cholesterol có lợi cho sức khỏe. Sử dụng thực phẩm chứa nhiều Plant Sterols.
- Chú ý đến chỉ số đường huyết (GI).
- Bổ sung các thực phẩm thiếu hằng ngày như canxi
- Chú ý đến độ mặn, chất béo của thực phẩm như thức ăn nhanh mặc dù tiện lợi nhưng không tốt cho sức khỏe.
Là một người tiêu dùng thông minh, có trách nhiệm với bản thân phải lựa chọn các sản phẩm an toàn, hỗ trợ điều chỉnh các chỉ số phù hợp với tình trạng sức khỏe để giúp duy trì sức khỏe chung, cũng như sức khỏe tim mạch một cách lâu dài và bền vững.
14. Thay đổi lối sống có thể giúp bệnh nhân giảm lượng thuốc huyết áp
Câu hỏi khán giả: Tôi năm nay 48 tuổi và đang có dấu hiệu tăng huyết áp. Liệu có cách nào để kiểm soát huyết áp hiệu quả mà không cần phải dùng thuốc lâu dài không ạ?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Dấu hiệu tăng huyết áp có lẽ là tình trạng huyết áp cao khi đo tại nhà. Đây có lẽ là một câu hỏi khó, do tôi không biết mức huyết áp của bạn là bao nhiêu. Tuy nhiên, nếu bạn đã biết bản thân có tình trạng tăng huyết áp, từ giờ về sau, bạn phải theo dõi tình trạng tăng huyết áp của mình lâu dài.
Với câu hỏi làm sao để kiểm soát huyết áp tốt mà không phải dùng thuốc hoặc không cần dùng thuốc lâu dài, tôi xin trả lời: Có 2 vấn đề trong điều trị tăng huyết áp.
Đầu tiên là chế độ không dùng thuốc: ăn nhạt, bổ sung kali, bổ sung dưỡng chất tốt cho tim mạch, tập luyện thể dục, giảm cân nếu có thừa cân béo phì, bỏ thuốc lá... Phải thay đổi tất cả thói quen, lối sống không tốt cho tim mạch. Ngoài ra, cần phải điều trị tốt các bệnh lý khác đi kèm như mỡ trong máu, ĐTĐ...
Thứ hai là điều trị dùng thuốc. Những trường hợp huyết áp cao, không đáp ứng với chế độ không dùng thuốc sẽ phải dùng thuốc. Việc dùng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu thay đổi lối sống theo chiều hướng tốt hơn, có thể hy vọng giảm lượng thuốc uống hoặc có thể tạm ngưng thuốc một thời gian khi đã đạt được huyết áp mục tiêu. Tuy nhiên, tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
15. Ăn cá béo 2 lần/tuần tốt cho tim mạch
Câu hỏi khán giả: Tôi thấy rất nhiều người khuyên nên bổ sung omega-3 để tốt cho tim. Liệu việc ăn cá béo có đủ cung cấp omega-3 không, hay tôi cần phải bổ sung thêm từ nguồn thực phẩm khác?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào: Cá béo là nguồn cung cấp omega-3. Các chế độ ăn Địa Trung Hải, chế độ ăn của người ĐTĐ... đều khuyên nên ăn cá béo ít nhất 2 lần/tuần.
Omega-3 cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là tim mạch. Nếu không ăn đủ cá béo về số lượng trong bữa ăn hoặc số lần trong tuần, có thể bổ sung bằng các nguồn thực phẩm khác như sữa giàu omega-3 để đảm bảo cung cấp đủ chất này theo nhu cầu của cơ thể.
16. Mục đích chung của tập luyện ở người lớn tuổi là duy trì sức bền và tăng cường chuyển hóa
Câu hỏi khán giả: Ngoài việc chú ý đến dinh dưỡng, tôi muốn hỏi thêm về việc vận động. Tôi năm nay 55 tuổi, với độ tuổi như vậy, việc tập thể dục có tác dụng như thế nào trong việc chăm sóc sức khỏe tim mạch? Tôi có thể tập những bài tập nào để tốt cho tim? Nhờ chương trình giải đáp giúp tôi.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào trả lời: Quan tâm đến sức khỏe thông qua các hoạt động thể chất là nhu cầu trong duy trì sức khỏe bình thường cũng như với những người có bệnh lý tim mạch.
Vận động có mục đích duy trì các hoạt động vận động hằng ngày để giúp tế bào, cơ quan được sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, ở tuổi 55, mục đích của vận động là duy trì sức bền của cơ thể chứ không phải tăng sức mạnh, do đó chúng ta có chế độ tập luyện khác với các vận động viên hoặc so với những người trẻ tuổi.
Người trẻ có thể tập luyện với cường độ cao trong thời gian ngắn, nhưng khi lớn tuổi, chúng ta tập luyện để duy trì sức bền cũng như tăng quá trình chuyển hóa trong tế bào. Với mục tiêu này, chúng ta phải giải quyết 2 vấn đề: bệnh lý đang có hay 55 tuổi nhưng không có bệnh lý kèm theo. Mẫu số chung là tuổi tác nhưng mẫu số riêng là bệnh lý kèm theo. Lựa chọn loại hình vận động phải phù hợp với bệnh lý vốn có.
Ví dụ, bệnh nhân có vấn đề về tim mạch vẫn cần vận động. Tuy nhiên, người bị suy tim sẽ có hình thức vận động khác với người từng bị động mạch vành. Bệnh nhân có vấn đề về mắt nên lựa chọn những bộ môn không cần di chuyển nhiều để hạn chế gặp phải những nguy hiểm có thể gặp phải khi vận động đường xa.
Tóm lại, bạn cần lựa chọn loại hình vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh lý; chọn những môn vận động có thể đem lại niềm vui, có sự yêu thích để duy trì lâu dài. Tôi xin chia sẻ một câu “thần chú” như sau: “Vận động mang lại tuổi trẻ”, nghĩa là vận động khiến các tế bào hoạt động và trẻ hóa, đặc biệt là vấn đề tim mạch.
Do đó, dù không thể chỉ cụ thể cho bạn một loại hình vận động cụ thể, nhưng với những tiêu chí vừa chia sẻ, tôi tin rằng bạn có thể tìm được loại hình vận động phù hợp, có thể duy trì lâu dài và đạt được mục tiêu sức khỏe.
TS.BS Trần Hòa trả lời: Tôi cũng thực sự tâm đắc với những điều cô vừa chia sẻ. Nên vận động trong tâm thế hạnh phúc, vui vẻ. Hiện nay chúng ta được khuyến khích có thể tập luyện theo nhóm, chẳng hạn một nhóm bạn cùng đạp xe, chạy bộ hay bơi lội để gắn kết với nhau hơn, đồng thời tăng hứng thú tập luyện.
17. Chế độ ăn thế nào giúp cải thiện đường huyết và có lợi cho sức khỏe tim mạch?
Câu hỏi khán giả: Tôi hiện đang mắc bệnh tiểu đường và muốn hỏi đường huyết cao ảnh hưởng như thế nào đến tim mạch? Tôi nên có chế độ ăn như thế nào để cải thiện đường huyết và giúp ích cho sức khỏe tim mạch?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào trả lời: Đây có lẽ là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Khi đường huyết cao, nó sẽ có nhiều con đường để chuyển hóa. Những con đường chuyển hóa bất lợi do tình trạng đường huyết cao sẽ dẫn đến thay đổi mạch máu, từ đó bị xơ hóa, xơ vữa, tắc nghẹt, không thể nuôi dưỡng các cơ quan thiết yếu trong cơ thể như não, tim, thận...
Tác động này diễn ra âm thầm, có thể nói tiểu đường là kẻ giết người thầm lặng. Khi đường máu mới tăng cao hầu như không có bất kỳ triệu chứng nào, chỉ khi đến mức rất cao, những triệu chứng cảnh báo như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều mới xuất hiện.
Tuy nhiên, dù là giai đoạn trước ăn hay sau ăn, tình trạng tăng đường huyết cũng làm thay đổi thành mạch máu, vì thế làm tổn thương mạch máu, gây ra các biến cố về tim mạch. Trong đó thường gặp nhất là thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thiếu máu nuôi chân, thiếu máu nuôi thận...
Để ổn định đường huyết trước ăn và sau ăn, cần tác động trên nhiều khía cạnh. Thuốc sẽ được lựa chọn theo kiểu bệnh lý, tình trạng tăng đường huyết của bệnh nhân. Tuy nhiên, chế độ ăn mới là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp.
Bệnh nhân cần được tư vấn chế độ ăn phù hợp với tình trạng bệnh lý ĐTĐ và các vấn đề liên quan, chẳng hạn mỡ máu, tim mạch... Nguyên tắc chung vẫn là chế độ ăn đủ năng lượng, cân đối các thành phần dinh dưỡng.
Ngoài ra, chế độ ăn để điều trị ĐTĐ thông thường thường có 3 bữa/ngày. Bệnh nhân cố gắng duy trì ăn đúng bữa, đúng giờ, khoảng cách giữa các bữa ăn từ 4 - 5 tiếng và bữa ăn cuối cùng trong ngày phải kết thúc trước 7h tối. Ăn càng trễ, đường càng lên trong đêm, vừa làm tăng đường vừa làm tăng cân.
Mức năng lượng và các chất dinh dưỡng phải được phân bố đồng đều trong các bữa ăn. Mỗi bữa ăn nhẹ hay bữa ăn chính đều cần đủ 4 thành phần:
- Về tinh bột (carbohydrate), cần chọn loại có GI thấp
- Protein có lợi cho sức khỏe; ăn cân đối protein nguồn gốc động vật và thực vật, tăng cường ăn cá thay vì dùng thịt đỏ.
- Chất béo: Nhiều người bị mỡ máu cao thì lập tức kiêng hoàn toàn chất béo, không ăn dầu ăn. Tuy nhiên, chất béo là một thành phần thiết yếu để xây dựng các tế bào trong cơ thể. Nên lựa chọn loại dầu ăn có lợi cho tim.
- Cần duy trì một lượng chất xơ, chú ý cung cấp vitamin, khoáng chất, các chất mà cơ thể không tự sản xuất được.
Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn sẽ giúp sức khỏe được duy trì tốt, điển hình là đường huyết không bị tăng cao. Nhiều bệnh nhân có đường huyết lúc đói luôn tốt nhưng đường huyết sau ăn lại cao, biến chứng của ĐTĐ do đường huyết tăng vẫn xảy ra.
18. Hãy kiểm tra sức khỏe sớm nhất có thể
Câu hỏi khán giả: Em chào chương trình, em là nữ, năm nay 45 tuổi, và hiện tại em rất lo lắng về nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Em muốn biết về những dấu hiệu cảnh báo sớm về các vấn đề tim mạch mà người trung niên cần lưu ý không? Và khi nào em cần đi khám để kiểm tra sức khỏe tim mạch vậy ạ?
TS.BS Trần Hòa trả lời: Đây là một câu hỏi rất hay và cũng là những điều mà tôi muốn chia sẻ. Nếu bạn 45 tuổi và đang lo lắng về nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hãy đi kiểm tra sức khỏe ngay ngày mai.
Từ 30 tuổi, cơ thể bắt đầu có những dấu hiệu lão hóa. Ở tuổi 45, chúng ta có thể có những bệnh lý về tim mạch, chuyển hóa. Do đó nên đi đo huyết áp mỗi năm 1 lần. Nếu kết quả bình thường, thực hiện lặp lại 1 - 2 lần/năm. Trong trường hợp huyết áp cao, cần bắt đầu chiến lược điều trị ngay.
Nếu đợi có những dấu hiệu bất thường về tim mạch, đôi khi đã muộn màng. Triệu chứng đau ngực, nhức đầu, đau chân hay đau một vùng nào đó, có thể không chỉ là một dấu hiệu của bệnh mà là biến chứng.
Do đó, điều quan trọng cần nhắc lại là hãy tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ từ độ tuổi thanh niên, trong đó có sức khỏe tim mạch.
Cảm ơn PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào, TS.BS Trần Hòa và Anlene Heart Plus đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình này.
>>> Phần 1: Tim mạch và đái tháo đường - Những điều bạn không thể bỏ qua
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình