Hotline 24/7
08983-08983

Nhà nhỏ, làm thế nào để vừa xanh, vừa sạch?

Diện tích mỗi căn nhà tại đô thị khá hạn chế, đặc biệt là những căn nhà chung cư. Làm thế nào để ngôi nhà luôn là không gian thư giãn, thoải mái nhất sau những giờ làm việc mệt mỏi. Mời bạn đọc AloBacsi theo dõi bài viết sau, với sự tư vấn của TS.BS Phạm Lê Duy - Giảng viên Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch, Trường Đại học Y Dược TPHCM.

1. Người trẻ chọn chung cư vì những tiện ích kèm theo

Cũng là một người trẻ, BS nhận xét việc có một không gian xanh trong căn hộ mini sẽ mang lại những giá trị như thế nào cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tinh thần?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Bản thân tôi cũng đang sống trong một căn hộ chung cư. Hiện nay, nhiều người chọn sống ở chung cư vì yếu tố tiện lợi. Căn hộ được thiết kế khoa học, ngoài ra còn nhiều tiện ích khác như công viên, trung tâm thương mại, an ninh đảm bảo...

2. Nhà trên tầng cao có tránh được bụi mịn?

Nhiều người cho rằng khi mua chung cư nên chọn những căn ở tầng càng cao càng tốt, để có thể giảm thiểu bụi mịn len lỏi vào nhà. Suy nghĩ này có đúng không, thưa BS?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Chính tôi cũng ưu tiên chọn những căn hộ từ tầng trung trở lên. Một trong những nguyên nhân là không gian thoáng hơn, gió lưu thông tốt hơn. Thứ hai, tiếng ồn từ đô thị, đường xá bên dưới phần nào được hạn chế.

Bụi mịn thường được biết đến là loại PM2.5 (những hạt bụi mịn có đường kính dưới 2,5µm), có thể len lỏi vào đường hô hấp, tận những nơi sâu nhất trong phổi, từ đó gây tình trạng viêm phổi. Khi bụi mịn tiếp xúc với da, nó có thể gây viêm da. Nói chung, bụi mịn PM2.5 ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.

Đã có nghiên cứu so sánh lượng PM2.5 ở những căn hộ tầng thấp và những căn hộ tầng trung (từ tầng 12 - 22). Kết quả cho thấy không có sự khác biệt nào. Các nhà khoa học suy luận rằng, không khí từ mặt đất đến tầng khí quyển có sự pha trộn, nghĩa là bụi từ mặt đất bay lên và đảo chiều. Khoảng không gian này lên đến 1.000m, do đó chung cư không thể vượt quá chiều cao này, các căn hộ trên tầng cao cũng khó tránh được tác hại này.

Các hạt bụi lớn hơn chưa được đo đạc chính xác nhưng với khoảng không gian mà không khí pha trộn lên đến 1.000m, trên tầng cao vẫn có khả năng xuất hiện bụi PM10. Ngay chính căn hộ của tôi nằm trên tầng trung, ngày nào cũng thấy bụi đóng thành lớp, phải lau chùi thường xuyên.

4. Những yếu tố nguy cơ trong nhà ảnh hưởng đến sức khỏe

Không gian nhỏ, luôn đóng kins như các căn hộ chung cư sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của những cư dân trong đó? Có thông tin cho rằng, nhà chung cư ở tầng càng cao càng ít nguy cơ tiếp xúc với ô nhiễm không khí, bụi mịn. Quan điểm này có đúng không, thưa BS?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Điều này chỉ đúng một phần. Đóng cửa có thể giúp hạn chế bụi mịn hoặc các tác nhân ô nhiễm xâm nhập vào nhà. Tuy nhiên, mọi người thường quên các yếu tố ô nhiễm từ trong chính căn nhà của mình.

Quá trình sống, sinh hoạt trong nhà sẽ làm phát sinh những yếu tố gây ô nhiễm, thậm chí là bụi mịn. Bụi mịn phát sinh từ tường, gạch, vôi, quần áo, quét nhà, lau nhà, các hóa chất bay hơi (xịt nước hoa,đốt nến thơm, đốt nhang, các sản phẩm tẩy rửa bề mặt...).

Thú cưng cũng là một nguồn phát tán ô nhiễm không khí, cụ thể là lông thú, mùi hôi, chất thải...

Một yếu tố khác cần quan tâm là phóng xạ từ mặt đất, xuyên qua các vật liệu xây dựng để đến ngôi nhà. Nếu nhà cửa không thông thoáng, chất phóng xạ tồn đọng bên trong, gây nguy hại cho sức khỏe.

5. Khu vực nào “bẩn” nhất trong nhà?

Thưa BS, khu vực nào trong nhà là nơi tiềm ẩn nhiều vi khuẩn, virus, nấm mốc nhất?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Bất kỳ khu vực nào trong nhà cũng có thể tiềm ẩn vi khuẩn. Phòng ngủ, bếp và toilet là những nơi có nhiều yếu tố gây ô nhiễm không khí nhất.

Quá trình sử dụng bếp gas, khói khi nấu nướng có thể tạo ra nguồn ô nhiễm không khí. Nhiều người thường đốt nến thơm trong phòng ngủ, bụi mịn từ chăn màn chiếu gối hoặc xịt nước hoa trong phòng ngủ làm phát sinh ô nhiễm.

Ô nhiễm trong toilet thường xuất phát từ những hóa chất như dầu gồi, sữa tắm, hóa chất tẩy rửa, các loại nấm mốc...

TS.BS Phạm Lê Duy - Giảng viên Bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch, Trường Đại học Y Dược TPHCM

6. Làm sao để sống thoải mái hơn trong không gian có hạn?

Với những căn hộ mini, làm thế nào để có thể tận dụng tối đa không gian mà vẫn đảm bảo không khí luôn thoáng đãng, trong lành, thưa BS?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Đây là một câu hỏi khó. Trên phương diện một người làm công tác chăm sóc sức khỏe, tôi thường khuyên người bệnh và cả những người khỏe mạnh nên:

- Giảm thiểu tạo nguồn ô nhiễm trong nhà bằng cách tránh sử dụng các chất đốt (than, củi, gas), hạn chế sử dụng hóa chất. Thay vào đó, nên chọn các sản phẩm thuần tự nhiên.

- Không nên đốt nhang trong nhà.

- Thường xuyên mở cửa để thông thoáng không khí. Đóng kín cửa khiến không khí không lưu thông tốt, dẫn đến thiếu oxy, tăng CO2 trong nhà. Mỗi ngày nên mở cửa ít nhất trong vòng 10 - 15 phút để không khí được trao đổi giữa trong và ngoài nhà.

- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, hút bụi, lau nhà sạch sẽ. Máy hút bụi thông thường chỉ làm sạch được những hạt bụi to, còn bụi mịn vẫn bám trên các bề mặt. Do đó, cần thêm bước lau, rửa để đảm bảo hơn.

- Trang bị thêm các thiết bị hiện đại để giảm thiểu các hóa chất hữu cơ bay hơi hay bụi mịn còn đang lơ lửng trong không khí.

- Trồng cây xanh trong nhà khiến không gian trong nhà xanh hơn, dễ chịu hơn. Một số loại cây trồng trong nhà có khả năng lọc được những hóa chất hữu cơ bay hơi, giúp không gian sống trong lành hơn.

Trân trọng cảm ơn TS.BS Phạm Lê Duy  và LG Việt Nam đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X