Hotline 24/7
08983-08983

Ngộ độc thực phẩm: Bao lâu thì khỏi? Khi nào ăn uống bình thường lại?

Sau khi trải qua ngộ độc thực phẩm, cơ thể thường trở nên mệt mỏi và mất sức. Trong bài viết dưới đây, TS.BS Trần Bảo Nghi hướng dẫn cách chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm để giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi tình trạng sức khỏe trở lại.

1. Bị ngộ độc thực phẩm, mất bao lâu để khỏe lại?

Thưa BS, sau khi bị ngộ độc thực phẩm, nhiều người có cảm giác nặng bụng, ăn uống không còn ngon miệng. Mất bao lâu tình trạng này mới chấm dứt, hệ tiêu hóa hồi phục như trước khi bị ngộ độc?

TS.BS Trần Bảo Nghi - Chuyên khoa Tiêu hóa Gan Mật, Giám đốc Chuyên môn Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh 1 trả lời: Ngộ độc thực phẩm là tình trạng xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, sốt... khi ăn phải thức ăn, đồ uống bị bị nhiễm trùng, nhiễm độc.

Ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể tự khỏi sau 2 - 3 ngày. Một số trường hợp nặng hơn, cần can thiệp y tế bằng kháng sinh, thuốc giảm đau, giảm nôn, cầm tiêu chảy. Nhìn chung, ngộ độc thực phẩm có thể khỏi sau 4 - 5 ngày.

Để chấm dứt ngộ độc thực phẩm, cần dựa vào 3 yếu tố:

- Nguyên nhân ngộ độc: Mỗi vi trùng, virus có độc tố khác nhau, từ đó gia giảm hoặc kéo dài thời gian bệnh.

- Lượng độc tố xâm nhập vào cơ thể: Không phải cứ ăn nhiều thì thời gian bệnh sẽ kéo dài hơn.

- Thể trạng của người bị ngộ độc: Người mạnh khỏe có thể mau chóng hồi phục nhưng người có hệ miễn dịch yếu cần thời gian dài hơn. 

2. Ưu tiên các thức ăn mềm, dễ tiêu khi bị ngộ độc thực phẩm

Để quá trình hồi phục của hệ tiêu hóa diễn ra nhanh hơn và tốt hơn, người bệnh cần ăn những loại thực phẩm nào, cách chế biến ra sao, thưa BS?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Trong đợt cấp, khi còn đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bệnh nhân cần ăn các loại thức ăn dễ nuốt, dễ tiêu như súp, cháo... và tránh các thức ăn cứng.

Khi có dấu hiệu bắt đầu hồi phục, bệnh nhân ưu tiên tăng cường cung cấp tinh bột (cơm, ngũ cốc, bánh mì...), thịt nạc, trái cây và ăn thêm sữa chua.

3. Hạn chế chất béo và chất kích thích khi bị rối loạn tiêu hóa

Ngược lại, những món ăn hay cách chế biến nào cần tránh để không làm tình trạng ngộ độc thực phẩm nặng nề hơn, thưa BS?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Đầu tiên, phải đặt yếu tố an toàn thực phẩm lên hàng đầu, tránh mắc phải tình trạng bội nhiễm khiến nhiễm trùng tiêu hóa càng nặng nề hơn.

Bệnh nhân cần hạn chế các loại thức ăn, nước uống có thể gây khó tiêu trong giai đoạn hồi phục như dầu mỡ, chất béo, rượu bia, cà phê... Nên chờ đến khi hệ tiêu hóa cũng như tổng trạng sức khỏe đã hồi phục hoàn toàn mới dung nạp các thực phẩm này.

TS.BS Trần Bảo Nghi - Chuyên khoa Tiêu hóa Gan Mật, Giám đốc Chuyên môn Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh 1

4. Có nên dùng men vi sinh khi bị ngộ độc thực phẩm?

Có cách nào để cân bằng hệ vi sinh đường ruột hiệu quả? Men tiêu hóa có nên được sử dụng trong tình huống này, nếu có thì sử dụng như thế nào là đúng, thưa BS?

TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Đa phần các trường hợp ngộ độc thực phẩm đều tự điều trị ở nhà, chỉ một số ít cần đến sự can thiệp y tế. Ngộ độc thực phẩm có thể gây tiêu chảy, mất nước và điện giải. Do đó, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, bổ sung đủ nước và điện giải, tránh uống nước ngọt có ga.

Bác sĩ khuyên nên dùng men vi sinh trong giai đoạn hồi phục sau ngộ độc thực phẩm. Men vi sinh có ích cho hệ tiêu hóa, giúp khôi phục lại những vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X