Hotline 24/7
08983-08983

Phục hồi chức năng sau đột quỵ: Chìa khóa giúp người bệnh tìm lại cuộc sống

Đột quỵ để lại những hậu quả nặng nề, không chỉ về sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tại Hội nghị khoa học “Mạng lưới cấp cứu đột quỵ Đồng bằng sông Cửu Long”, TS Lê Khánh Điền đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phục hồi chức năng toàn diện sau đột quỵ, từ vận động đến ngôn ngữ trị liệu, giúp người bệnh quay về cuộc sống độc lập.

Đột quỵ: Gánh nặng gia tăng ở nhóm tuổi lao động

Mở đầu bài báo cáo, TS Lê Khánh Điền - Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình - Nguyên Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ trị liệu châu Á - Thái Bình Dương dẫn số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2025 cho thấy mỗi năm, toàn cầu có 15 triệu ca đột quỵ, khiến 5 triệu người tử vong và nhiều bệnh nhân phải đối mặt với tình trạng khuyết tật kéo dài.

Đặc biệt đáng lưu ý, có đến 16% bệnh nhân đột quỵ dưới 50 tuổi - những người đang ở độ tuổi lao động, là trụ cột kinh tế gia đình. Việc mất đi khả năng đi lại, giao tiếp, tự chăm sóc bản thân sau đột quỵ khiến họ dễ rơi vào tình trạng thất vọng, trầm cảm, tạo nên gánh nặng không nhỏ cho gia đình và xã hội.

TS Lê Khánh Điền chia sẻ, vai trò của phục hồi chức năng ngày càng quan trọng khi đột quỵ ở người trẻ tăng nhanh, đòi hỏi những mục tiêu cao hơn: đi lại linh hoạt, nói năng rõ ràng, sống độc lập

Tại Việt Nam, đột quỵ hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật. Tần suất đột quỵ ở người trẻ đang ngày một tăng cao, làm cho vai trò của phục hồi chức năng (PHCN) sau đột quỵ càng trở nên bức thiết.

“Bệnh nhân trẻ tuổi sau đột quỵ cần nhất trở lại nhịp sống bình thường, với khả năng vận động linh hoạt và giao tiếp rõ ràng. Vì vậy, PHCN không chỉ đơn giản là tập đi lại mà còn là hành trình nỗ lực phối hợp giữa người bệnh, gia đình, thầy thuốc, cộng đồng và xã hội để lấy lại chất lượng cuộc sống” - TS Điền nhấn mạnh.

Nhu cầu phục hồi chức năng ngày càng tăng nhưng chưa được đáp ứng đủ

Tuổi thọ trung bình tăng lên kéo theo sự gia tăng các bệnh lý mạn tính như đột quỵ, đái tháo đường, ung thư… WHO dự báo nhu cầu PHCN toàn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những thập niên tới. Tuy nhiên, tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, hơn 50% người bệnh vẫn chưa tiếp cận được các dịch vụ PHCN phù hợp.

Để giải quyết thực trạng này, WHO đã khởi động chương trình “Phục hồi chức năng: Chìa khóa cho sức khỏe thế kỷ 21”, với mục tiêu mở rộng tiếp cận PHCN đến năm 2030. Tại Việt Nam, quyết định 569/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ cũng đặt mục tiêu phát triển hệ thống PHCN toàn diện đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Phục hồi chức năng cho người bệnh sau đột quỵ là một quá trình phức tạp, cần sự phối hợp đa ngành từ các chuyên khoa thần kinh, phục hồi chức năng, tâm lý, dinh dưỡng, ngôn ngữ trị liệu…

Tuy nhiên, theo TS Điền, Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung vào vật lý trị liệu trong PHCN, trong khi những lĩnh vực khác như hoạt động trị liệu, tâm lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu… còn rất thiếu hụt về nhân lực và cơ sở vật chất.

Riêng về ngôn ngữ trị liệu, thực trạng còn đáng lo ngại hơn: “Tại Úc, với 27 triệu dân đã có 14.000 chuyên gia ngôn ngữ trị liệu được đào tạo bài bản, còn Việt Nam, với hơn 100 triệu dân, số lượng chuyên gia chính quy chưa đến 100 người”, TS Lê Khánh Điền thông tin.

Ngôn ngữ trị liệu: Mảnh ghép còn thiếu trong phục hồi chức năng đột quỵ

Ngôn ngữ trị liệu vẫn còn là một khái niệm mới mẻ tại Việt Nam. Nhiều người nhầm tưởng lĩnh vực này chỉ dành cho trẻ tự kỷ hoặc trẻ bại não. Thực tế, ngôn ngữ trị liệu là một chuyên ngành y tế, nhằm đánh giá, can thiệp và PHCN giao tiếp, ngôn ngữ, giọng nói, nhận thức giao tiếp, cũng như điều trị các rối loạn nuốt.

Sau đột quỵ, khoảng 1/3 người bệnh gặp phải tình trạng mất ngôn ngữ (aphasia). Đây là hậu quả của tổn thương não khu trú ở bán cầu chi phối ngôn ngữ, gây ảnh hưởng nặng nề đến giao tiếp xã hội và chất lượng cuộc sống.

Theo TS Điền, mất ngôn ngữ phải được phân biệt rõ với rối loạn vận ngôn. Nếu bệnh nhân bị tổn thương vùng họng hay thanh quản do ung thư, không thể nói được thì đó không phải là mất ngôn ngữ.

Mất ngôn ngữ sau đột quỵ có thể chia thành:

- Mất ngôn ngữ tiếp nhận: Khó khăn trong việc nghe hiểu hoặc đọc hiểu.

- Mất ngôn ngữ diễn đạt: Khó khăn trong việc nói hoặc viết.

- Mất ngôn ngữ hỗn hợp: Cả tiếp nhận và diễn đạt đều bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, các thành phần ngôn ngữ như âm vị (âm thanh), cú pháp (cấu trúc câu), ngữ nghĩa (ý nghĩa từ ngữ), ngữ dụng (cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp) cũng có thể bị tổn thương, khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc giao tiếp hiệu quả.

Rối loạn nuốt sau đột quỵ: Hiểm họa tiềm ẩn ít được chú ý

Bên cạnh mất ngôn ngữ, rối loạn nuốt cũng là biến chứng phổ biến nhưng thường bị bỏ qua ở bệnh nhân đột quỵ. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi nuốt thức ăn, nước uống, hoặc thậm chí là nuốt nước bọt.

Rối loạn nuốt không chỉ làm tăng nguy cơ sặc phổi, viêm phổi hít mà còn dẫn đến suy dinh dưỡng, mất nước, kéo theo hàng loạt biến chứng nghiêm trọng.

PHCN rối loạn nuốt cần sự phối hợp của các chuyên gia ngôn ngữ trị liệu, nhằm đánh giá mức độ rối loạn và xây dựng chương trình luyện tập nuốt an toàn cho từng bệnh nhân.

TS Lê Khánh Điền nhấn mạnh trong phần trình bày, bệnh nhân đột quỵ không chỉ cần được cứu sống - mà cần được phục hồi chức năng đầy đủ, để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trong bối cảnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa và tàn tật hậu đột quỵ trở thành gánh nặng xã hội, PHCN toàn diện là chìa khóa giúp người bệnh tìm lại cuộc sống. 

Chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, trong PHCN việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo bài bản quan trọng hơn so với máy móc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X