8 thói quen giúp bảo vệ thận luôn khỏe mạnh
Bệnh thận là kẻ giết người thầm lặng, việc điều trị bệnh suy thận mạn, chạy thận hay ghép thận đều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Theo BS.CK2 Lê Thị Đan Thuỳ - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), tuân theo 8 nguyên tắc vàng bảo vệ thận sẽ giúp hai quả thận khỏe mạnh, bền lâu.
1. Như thế nào là thận khỏe mạnh?
Trong y khoa, như thế nào mới được xem là một người có quả thận khỏe mạnh thực sự, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thuỳ trả lời: Trong y khoa, một quả thận thực sự khỏe mạnh, không có bệnh lý phải đáp ứng được 2 tiêu chí: độ lọc cầu thận nằm trong giới hạn bình thường và không có những bất thường trên chẩn đoán hình ảnh.
Ngoài ra, kết quả xét nghiệm nước tiểu không chứa đạm, không có máu, không có các tế bào trụ.
Cá nhân này phải có đủ hai quả thận, không phải trường hợp thận độc nhất; thận bình thường, không phải thận ghép.
Trong khi khám sức khỏe định kỳ, các chỉ số ở thận như thế nào là bình thường?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thuỳ trả lời: Những kết quả xét nghiệm cho thấy thận bình thường gồm:
- Độ lọc cầu thận trên 60ml/phút;
- Trong xét nghiệm cặn lắng nước tiểu không có đạm hoặc tế bào lạ;
- Hình ảnh siêu âm thể hiện đủ 2 quả thận, kích thước nằm trong giới hạn bình thường, độ phản âm tủy vỏ bình thường;
- Không có sỏi, không có cặn lắng ở thận.
2. Làm thế nào để giữ gìn thận khỏe mạnh
Ngoài uống nhiều nước, hạn chế gia vị mặn, còn biện pháp nào có thể chủ động bảo vệ sức khỏe thận từ khi còn trẻ và chưa có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thuỳ trả lời: Có 8 nguyên tắc vàng để bảo vệ thận:
1. Uống đủ nước để đảm bảo lượng nước tiểu khoảng 1,5 lít/ngày. Thể tích nước uống có thể thay đổi tùy theo thời tiết, tình trạng vận động. Một số bệnh lý kèm theo có thể khiến bệnh nhân phải uống nhiều nước hơn, chẳng hạn người bị nhiễm trùng tiểu, sỏi thận,...
2. Ăn nhạt, vừa đủ đạm và cân bằng calo để tránh béo phì. Béo phì là một trong những nguyên nhân gây tình trạng suy thận.
3. Tập thể dục vừa sức.
4. Kiểm soát tốt và điều trị ổn định cao huyết áp.
5. Kiểm tra thường xuyên và kiểm soát đường trong máu.
6. Không hút thuốc lá
7. Không sử dụng thuốc bừa bãi, bao gồm thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng, kháng sinh, thuốc giảm đau.
8. Khám định kỳ để phát hiện bất thường chức năng thận kịp thời, nhất là ở những nhóm nguy cơ cao như tiểu đường, cao huyết áp, từng mắc bệnh lý cần thận, gia đình có tiền sử bệnh lý suy thận.
3. Khi nào kết quả xét nghiệm chưa phản ánh đúng tình trạng thận?
Xin hỏi BS, có trường hợp ngoại lệ nào mà các chỉ số xét nghiệm không phản ánh đúng hoàn toàn tình trạng sức khỏe của người bệnh không?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thuỳ trả lời: Đây cũng là một vấn đề hay gặp phải. Đầu tiên, kết quả xét nghiệm bất thường nhưng bệnh nhân không có bệnh lý. Trường hợp này thường gặp ở những người có khối cơ lớn như vận động viên hay những người tập luyện nặng, creatinine có thể tăng nhưng không phản ánh bệnh lý tại thận.
Trường hợp khác, trong nước tiểu có cặn lắng, có đạm nhưng không phải bệnh lý tại thận mà do ảnh hưởng tạm thời khi bệnh nhân bị sốt, bị nhiễm trùng...
Thứ hai, kết quả xét nghiệm cho thấy độ lọc cầu thận vẫn trong giới hạn bình thường nhưng bệnh nhân có bệnh lý thận. Bệnh lý cầu thận IgA có thể cho kết quả bất thường trong những lần xét nghiệm sau.
Người già, người suy dinh dưỡng có khối cơ ít, có thể creatinine trong giới hạn bình thường, tuy nhiên độ lọc cầu thận đã giảm.
4. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không được tự ý sử dụng
Nhờ BS giải thích rõ hơn cũng như đưa ra những lưu ý cần thiết khi sử dụng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung để không gây hại cho thận.
BS.CK2 Lê Thị Đan Thuỳ trả lời: Không thể phủ nhận vai trò của thực phẩm chức năng trong cuộc sống hiện nay. Thực phẩm chức năng được chia thành 2 loại. Loại dùng để bổ sung vitamin và khoáng chất tương đối an toàn hơn so với nhóm can thiệp hỗ trợ một số bệnh lý.
Đối với các sản phẩm được công bố là thuốc, tiêu chuẩn về các hoạt chất sẽ khắt khe hơn. Khi đăng ký ở mảng thực phẩm chức năng, các tiêu chuẩn có phần dễ dàng hơn. Vì thế, trong nhiều trường hợp, các loại thực phẩm chức năng sẽ không an toàn như thuốc.
Nhiều người chủ quan thấy thành phần của thực phẩm chức năng là thảo mộc, do đó tự ý tăng liều hoặc uống trong thời gian dài mà không có sự theo dõi, từ đó dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Trước khi sử dụng thực phẩm chức năng, các bệnh nhân mắc bệnh thận, gan, tim mạch... phải hỏi ý kiến của bác sĩ. Phải tìm hiểu các hoạt chất cũng như chất lượng sản phẩm. Chỉ sử dụng thực phẩm chức năng trong một thời gian có hạn, không được sử dụng lâu dài.
Đặc biệt, cần xem kỹ tương tác giữa các loại thuốc đang dùng. Chính bệnh nhân phải tự theo dõi để đến bệnh viện xét nghiệm lại khi phát hiện những vấn đề bất thường.
5. Dùng thuốc giảm đau kéo dài có thể dẫn đến bệnh thận mạn
Khi bị cảm, sốt thông thường, đa phần mọi người sẽ sử dụng các loại thuốc không kê đơn để giải quyết các triệu chứng. Xin hỏi BS, về lâu dài, điều này gây ảnh hưởng đến chức năng thận ra sao?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thuỳ trả lời: Các thuốc điều trị bệnh lý cảm, ho, sổ mũi chỉ sử dụng trong thời gian ngắn nên không tạo ra ảnh hưởng lớn, nhất là đối với những người có thận khỏe mạnh.
Đối với những bệnh nhân đang có bệnh lý về thận, dù chỉ bị cảm, ho, sổ mũi vẫn nên có đơn thuốc từ bác sĩ để tránh các loại thuốc có thể ảnh hưởng thêm đến chức năng thận.
Vấn đề chúng ta cần quan tâm là sử dụng thuốc giảm đau lâu dài. Các bệnh nhân đau đầu kéo dài, viêm khớp thường phải sử dụng thuốc giảm đau với liều cao hơn trong thời gian dài, đây cũng là những người dễn gặp phải bệnh lý thận mạn.
6. Các loại nước giải khát nên uống và nên tránh
Có nhiều người tìm mua các loại thảo mộc được quảng cáo “mát gan, lọc thận” để uống hằng ngày. Ý kiến của BS về vấn đề này như thế nào và loại nước nào tốt nhất cho thận?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thuỳ trả lời: Nước giúp thận đào thải các chất độc, đồng thời cung cấp các vitamin, khoáng chất trong nước cho cơ thể. Các loại nước không tốt cho thận thường chứa đường, có ga. Bệnh nhân mắc bệnh thận cần lưu ý tránh loại nước có chứa kali.
Cụ thể, các loại thức uống không tốt cho thận là rượu, bia, nước ngọt có nhiều đường frutose, đường photphat. Trà sữa, cà phê muối có nhiều năng lượng, nhiều đường, nhiều muối và cholesterol không tốt cho tim mạch.
Những loại nước tốt cho sức khỏe có thể kể đến như:
- Trà: Chứa những chất chống oxy hóa. Trà sẽ tốt cho sức khỏe nếu uống với lượng vừa phải.
- Uống một lượng cà phê vừa phải giúp bảo vệ thận, tránh được tổn thương thận cấp.
- Nước trái cây ít ngọt nếu dùng vừa phải sẽ cung cấp chất chống oxy hóa và vitamin, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
7. Những thói quen khiến thận phải kêu cứu
Từ thực tế thăm khám, BS nhận thấy bệnh nhân thường có những thói quen nào vô tình gây hại cho thận?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thuỳ trả lời: Thường gặp nhất là tình trạng ăn mặn, uống không đủ nước, hút thuốc lá, ít tập thể dục. Các thói quen này ảnh hưởng đến thận từ từ và gián tiếp.
Thói quen ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến thận là sử dụng bừa bãi các loại thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng và tự ý sử dụng các thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh trong thời gian dài.
8. Tám nguyên tắc vàng để bảo vệ thận
Nhờ BS đúc kết lại những lưu ý chính về việc cần làm gì để bảo vệ thận.
BS.CK2 Lê Thị Đan Thuỳ trả lời: Hiện nay đang lan truyền rất nhiều thông tin về các yếu tố có thể ảnh hưởng đến thận. Cộng đồng cần nắm được “8 nguyên tắc vàng để bảo vệ thận”, gồm:
1. Uống nước đầy đủ
2. Ít ăn mặn,
3.Ăn đạm vừa phải; kiểm soát calo để không bị thừa cân, béo phì
4. Không hút thuốc lá
5. Kiểm soát tốt cao huyết áp
6. Kiểm soát tốt tiểu đường
7. Không sử dụng thuốc bừa bãi
8. Chủ động tầm soát, phát hiện bệnh, nhất là trên nhóm nguy cơ cao như bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường, gia đình có tiền sử mắc các bệnh lý về thận.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình