Hotline 24/7
08983-08983

Virus HMPV ở Trung Quốc không có nguy cơ bùng phát thành đại dịch

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch LCH Hô hấp TPHCM - Nhà sáng lập Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cho biết, virus HMPV giống với virus cảm thông thường, là chủng virus đặc hữu lưu hành hằng năm và không thể lây lan thành đại dịch hay khả năng tử vong cao như COVID-19, không đáng lo ngại.

1. Virus HMPV giống với virus cảm thông thường không đáng lo ngại

Thông tin về dịch bệnh HMPV với các ca nhiễm virus metapneumovirus ở người (đặc biệt là trẻ em) đang gia tăng tại Trung Quốc được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang vì liên tưởng đến đại dịch COVID-19 thời gian trước. Khi tiếp nhận thông tin này BS có cảm nhận như thế nào?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Virus HMPV giống với virus cảm thông thường, đây là virus gây ra triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp (chủ yếu là đường hô hấp trên) và độc lực không cao.

HMPV là chủng virus đặc hữu lưu hành hằng năm ở những vùng khí hậu lạnh vào mùa đông, đặc biệt những nơi chuyển mùa như Việt Nam là cơ hội phát triển và gây ra tình trạng nhiễm trùng hô hấp, tạo ra một dịch nhỏ. Tuy nhiên, tùy theo mật độ, cũng như điều kiện thuận lợi mà virus có thể phát triển lên và làm dịch lan rộng.

Virus HMPV không thể lây lan thành đại dịch hay khả năng tử vong cao như COVID-19, không nên không đáng lo ngại.

Trước đây, COVID-19 bùng phát thành đại dịch trên toàn cầu gây tử vong cao vì là virus lạ đối với cơ thể, tạo ra những đáp ứng miễn dịch rất lớn, vượt quá tình trạng phản ứng của cơ thể do đó gây ra tử vong.

Cho đến hiện nay, COVID-19 vẫn lưu hành hằng năm và có thể gia tăng, nhưng khả năng lây lan và gây ra tử vong cao không còn như trước vì đã có miễn dịch cộng đồng.

>> Miễn dịch cộng đồng là gì? Khi nào Việt Nam có miễn dịch cộng đồng với bệnh COVID-19?

Lưu ý ở trẻ em hoặc người lớn có bệnh nền, đặc biệt là đái tháo đường, bệnh tim, COPD mà không được điều trị tốt thì sức đề kháng sẽ giảm, một số trường hợp gây ra viêm phổi do virus.

Bên cạnh đó, những chủng virus hay vi khuẩn lưu hành hằng năm, từ mùa này sang mùa khác thì Viện Pasteur TPHCM hay CDC sẽ theo dõi và đánh giá, thông báo cho cộng đồng biết cần lưu ý gì để phòng chống tình trạng virus xảy ra.

2. Metapneumovirus chưa có khả năng tạo ra đại dịch

Trước đây ở nước ta có từng xuất hiện ca bệnh do metapneumovirus hay chưa ạ?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Đây là chủng virus toàn cầu, có thể xảy ra nhiều nơi nhưng chưa tạo ra đại dịch.

Cúm là tác nhân gây bệnh thường gặp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Cúm là chủng virus lây lan, có thể gây tử vong mặc dù tỷ lệ rất thấp và đang được giám sát hằng năm để tạo ra vắc xin.

Đa phần các virus như adenovirus hay metapneumovirus là các chủng virus thông thường, khả năng tạo đại dịch chưa xảy ra.

Do báo chí cung cấp thông tin nhiều hơn nên tạo sự quan tâm trong cộng đồng. Điều này là rất cần thiết với mọi người, cũng như giới chuyên môn để theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh là do tác nhân nào gây ra để yên tâm và có cách phòng chống.

3. Bệnh thường quy là gì?

Trung Quốc cho biết bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đang lây lan ở nước này là bệnh thường quy, không bất thường. Nhờ BS giải thích “bệnh thường quy” là như thế nào?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Bệnh thường quy nghĩa là cứ tái đi tái lại hằng năm và không bao giờ biến mất. Giống như cúm mùa vào mỗi dịp chuyển mùa hoặc trời lạnh virus cúm sẽ bùng phát.

Các loại virus hô hấp lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp nên dễ tạo ra dịch cộng đồng hoặc đôi khi sẽ thành dại dịch như COVID-19 vừa rồi. Ngoài ra, có thể lây qua các đường lây lan khác, nhưng không đáng kể.

Lưu ý, đối với người già hay trẻ em mà hệ miễn dịch chưa tốt hoặc suy yếu thì bất cứ virus nào cũng có thể gây biến chứng, thậm chí một số trường hợp sẽ lưu hành một lúc nhiều chủng virus như vừa COVID-19 vừa cúm,… và xảy ra bệnh nặng hơn.

4. Chủ động tiêm ngừa vắc xin để phòng bệnh

Theo BS, kịch bản gì có thể xảy ra nếu HMPV lây lan qua nước khác?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Quan trọng nhất là nên có ý thức về giáo dục phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp. Ví dụ, vệ sinh tay tránh tiếp xúc nơi đông người, mang khẩu trang khi ở nơi công cộng nếu dịch bùng phát.

Thứ hai cần tiêm ngừa chủ động như tiêm ngừa cúm, các thuốc chống virus đang được lưu hành trên thị trường. Những đối tượng được chỉ định chủng ngừa nên thực hiện để tăng cường miễn dịch và tránh lây nhiễm chéo.

Nếu chủng ngừa cúm thì cúm sẽ không tác động mạnh đến cơ thể và ít gây biến chứng. Từ đó, cộng hưởng ít nhiễm vi khuẩn, virus khác sẽ giảm đi và triệu chứng mau khỏi.

Đặc biệt, không sử dụng kháng sinh bừa bãi, đối với dịch virus sử dụng kháng sinh cũng không hiệu quả. Khi sử dụng kháng sinh cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Việc tự ý đến tiệm thuốc tây mua vừa thuốc kháng sinh vừa corticoid được coi là lợi bất cập hại, nuôi dưỡng những chủng vi khuẩn ban đầu lành mạnh trong cơ thể trở nên kháng thuốc từ đó gây bệnh.

Ví dụ, người bị COPD hay giãn phế quản mỗi lần ho hay dị ứng tăng lên vào mùa lạnh thì lặp tức đi mua kháng sinh. Thông thường, đây là những bệnh nhân đã có vi khuẩn trong cơ thể nhưng chưa bùng phát gây bệnh. Khi uống kháng sinh lặp đi lặp lại, vi khuẩn sẽ xuất hiện các đột biến kháng thuốc và khi nhiễm cúm, nhiễm RSV hay các virus khác sức đề kháng có thể giảm xuống tại chỗ hoặc toàn thân. Lúc này, nếu không dùng kháng sinh thường xuyên, vi khuẩn không kháng thuốc thì điều trị dễ nhưng nếu kháng thuốc vấn đề điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều.

Người dân cần lưu ý sử dụng kháng sinh và corticoid một cách đúng đắn, điều trị bệnh nền đầy đủ và duy trì sự ổn định giúp sức đề kháng chống lại tình trạng nhiễm virus.

Virus không thể phòng tránh hoàn toàn. Hiện nay virus cảm có 200 - 300 chủng nên không sản xuất ra được hết tất cả các vắc xin chủng ngừa. Bên cạnh đó, virus cúm mỗi năm biến đổi thường xuyên làm các nhà khoa học và các công ty dược đa quốc gia phải nghiên cứu để tìm ra thuốc chủng ngừa tốt nhất, hợp lý nhất.

Đây là sự phức tạp của nhiễm trùng do đó cần sự chủ động, bằng cách tăng cường hệ miễn dịch để giảm thiểu sự có hại của virus đối với chúng ta.

5. Việt Nam là một trong những điểm nóng trên thế giới về tình trạng kháng kháng sinh

Các đại dịch đã đe dọa nhân loại từ xa xưa, cuộc chiến của con người và dịch bệnh không có hồi kết vì virus, vi trùng có thể biến đổi để kháng thuốc. Vậy theo BS, con người chúng ta có loại vũ khí nào “dĩ bất biến ứng vạn biến” để đối phó với sự biến đổi của các tác nhân gây bệnh?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Lúc nào chúng ta cũng phải chủ động trong vấn đề giữ cơ thể đạt được sức khỏe tốt nhất theo lứa tuổi, bằng cách tăng cường thể dục thể thao từ nhỏ đến khi lớn; ăn uống đầy đủ; học hành, làm việc đúng phương pháp dể duy trì sức khỏe tốt nhất.

Nếu có bệnh nền như tiểu đường, huyết áp cao, hen suyễn, COPD, phải có chế độ điều trị tốt nhất dưới sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ.

Các tác nhân có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm chủng thì nên tận dụng để chủng ngừa. Khi tạo miễn dịch chủ động nếu virus, vi khuẩn xâm nhập cơ thể đã có kháng thể sẵn hoặc hệ miễn dich được trang bị vũ khí để ứng phó lại.

Tránh lạm dụng corticoid (đặc biệt là corticoid đường uống) và tránh lạm dụng kháng sinh (để tránh tình trạng kháng kháng sinh), suy giảm miễn dịch, làm cơ thể mất đi hàng rào bảo vệ, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ xâm nhập.

Một điều rất quan ngại trong những năm gần đây là xu hướng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn trong bệnh viện tăng cao. Việt Nam là một trong những điểm nóng trên thế giới về tình trạng này và xuất hiện những chủng đề kháng toàn kháng, đa kháng thuốc trong môi trường bệnh viện, cũng như cộng đồng.

6. Nhiễm trùng hô hấp do virus, bội nhiễm vi khuẩn gia tăng

Lời khuyên của BS giúp mọi người bảo vệ sức khỏe trong tình hình các bệnh lây nhiễm hiện nay, nhất là vài tuần nữa việc đi lại, di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng sẽ rất nhiều.

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Trong thời điểm này, vấn đề nhiễm trùng hô hấp do virus, bội nhiễm vi khuẩn là những bệnh lý thông thường nhất khi đến khám với Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh. Một số trường hợp bệnh nhân đến khám nhưng chưa biết mình bị hen hay COPD.

Do bệnh nhân có ý thức về sức khỏe, cho nên vừa bệnh khoảng 1 - 2 ngày hoặc người lớn tuổi khi có triệu chứng hô hấp tăng lên là đến khám ngay giúp bác sĩ dễ dàng chẩn đoán, tư vấn sử dụng thuốc. Đồng thời, qua đó phát hiện một số bệnh nền tiềm ẩn.

Ví dụ, người lớn tuổi ho lai rai là rất bình thường nhưng qua một đợt nhiễm trùng hô hấp, điều trị 1 - 2 tuần không thuyên giảm, đến khám thì phát hiện bệnh nền COPD. Khi được bác sĩ khuyên bỏ thuốc lá và cho thuốc điều trị thì triệu chứng có cải thiện, qua đó quản lý được bệnh nền tương đối sớm so với trước đây.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X