Miễn dịch cộng đồng là gì? Khi nào Việt Nam có miễn dịch cộng đồng với bệnh COVID-19?
Miễn dịch cộng đồng sẽ giúp giảm khả năng lây lan của dịch bệnh. Làm sao để tạo ra miễn dịch cộng đồng? Và khi nào Việt Nam có miễn dịch cộng đồng với bệnh COVID-19?
I. Miễn dịch cộng đồng là gì?
Miễn dịch cộng đồng (“community immunity” hoặc “herd immunity”) là khi một tỷ lệ đủ của dân số miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm thông qua tiêm chủng và hoặc do từng bị bệnh trước đó. Điều này làm cho bệnh không có khả năng lây lan từ người sang người.
Miễn dịch cộng đồng được tạo thành từ miễn dịch cá nhân của mỗi người. Khi số lượng người có miễn dịch cá nhân ngày càng đông thì miễn dịch cộng đồng hình thành.
II. Miễn dịch cộng đồng đem lại lợi ích gì?
Khi bạn sống trong cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao (có miễn dịch cộng đồng), bạn sẽ được bảo vệ hiệu quả khỏi các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Ngay cả khi bản thân bạn chưa có miễn dịch cá nhân với bệnh thì những người khác đã có miễn dịch sẽ là “rào chắn” giúp hạn chế khả năng bạn bị lây bệnh.
Hay nói cách khác, những người tiêm vắc-xin phòng bệnh không chỉ bảo vệ họ mà còn cho những người khác trong cộng đồng. Tương tự, những người đã có miễn dịch thông qua việc từng bị bệnh cũng giúp bảo vệ người khác trong cộng đồng, bằng cách hạn chế sự lây lan.
Trong một cộng đồng đã có miễn dịch cộng đồng, những đối tượng có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh mạn tính, những người bị suy giảm miễn dịch… cũng ít có nguy cơ bị bệnh truyền nhiễm hơn.
III. Miễn dịch cộng đồng hình thành như thế nào?
Ví dụ miễn dịch cộng đồng của bệnh cúm mùa. Trong hình minh họa, hình nhân màu xanh là người khỏe mạnh chưa có miễn dịch, màu vàng là người khỏe mạnh đã có miễn dịch, màu đỏ là người bị bệnh truyền nhiễm và đang có khả năng lây bệnh.
Bệnh mới xuất hiện, chưa có miễn dịch cộng đồng, cũng chưa có miễn dịch cá nhân
Hình minh họa thứ nhất: Trong cộng đồng chưa ai có miễn dịch cá nhân, sau khi xuất hiện 2 người bị bệnh, kết quả lây cho gần hết cộng đồng. Chỉ có những người ở cách xa người bệnh không bị lây.
Vòng tròn đồng tâm xung quanh hình nhân màu đỏ ngày càng nhạt dần, thể hiện khoảng cách càng xa thì khả năng lây nhiễm ngày càng giảm, do mật độ virus mà người bệnh phát tán ra ngày càng thưa.
Một vài người có miễn dịch cá nhân, chưa tạo thành miễn dịch cộng đồng
Hình minh họa thứ hai: Vài người trong cộng đồng đã có miễn dịch cá nhân, sau khi xuất hiện 2 người bị bệnh, số người bị lây và trở thành người bệnh vẫn nhiều. Tuy nhiên, số người không bị bệnh tăng lên, bao gồm người không bị lây và người đã có miễn dịch cá nhân.
Nhiều người có miễn dịch cá nhân tạo thành miễn dịch cộng đồng, bệnh không lây được
Hình minh họa thứ ba: Hầu hết mọi người trong cộng đồng đã có miễn dịch cá nhân, tạo thành miễn dịch cộng đồng, kết quả là người chưa có miễn dịch cá nhân vẫn không bị lây bệnh (xung quanh hình nhân đỏ đều là hình nhân vàng che chắn cho hình nhân xanh).
IV. Làm cách nào để tạo ra miễn dịch cộng đồng?
Đối với những bệnh có thể chủng ngừa, chích ngừa vắc-xin để tạo ra miễn dịch cá nhân. Nhiều cá nhân đi chích ngừa sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng. Đây là cách con người chủ động tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Đối với những bệnh chưa có vắc-xin chủng ngừa, miễn dịch cộng đồng sẽ hình thành một cách tự nhiên, thông qua số lượng người mắc bệnh (rồi khỏi bệnh) tăng lên, làm cho số lượng miễn dịch cá nhân tăng lên.
V. Khi nào Việt Nam có miễn dịch cộng đồng với bệnh COVID-19?
Theo BS.CK2 Trương Hữu Khanh, hiện nay chưa có vắc-xin chủng ngừa virus SARS-CoV-2 nên chúng ta không thể chủ động tạo ra miễn dịch cộng đồng với bệnh COVID-19.
Số lượng người mắc và khỏi bệnh COVID-19 tại Việt Nam cũng thấp nên chưa hình thành được miễn dịch cộng đồng với bệnh này, cũng như chưa thể dự đoán thời điểm miễn dịch cộng đồng được hình thành đầy đủ. Những nơi đông người bệnh COVID-19 như Vũ Hán, Deagu chắc chắn đã có miễn dịch cộng đồng. Tại Ý và Iran, miễn dịch cộng đồng đang nhanh chóng hình thành.
Tuy nhiên, chúng ta không thể đứng nhìn nhiều người bị bệnh rồi tạo thành miễn dịch cộng đồng mà phải kiểm soát nguồn lây để hạn chế số lượng người bệnh. Bệnh dịch lây lan là điều khó tránh khỏi nhưng nếu kiểm soát để số ca nhiễm tăng từ từ thì chúng ta dễ điều trị hơn. (Ví dụ: Một bác sĩ lo cho một bệnh nhân sẽ tốt hơn lo cho 10 bệnh nhân cùng lúc).
VI. Vì sao dịch bệnh xuất hiện trở lại, mặc dù đã có miễn dịch cộng đồng?
Khả năng miễn dịch từ vắc-xin giảm theo thời gian. Trong trường hợp này, mọi người cần phải tiêm nhắc lại. Ví dụ: bệnh cúm mùa được khuyến cáo chích ngừa hằng năm.
Trường hợp bệnh chưa có vắc xin chủng ngừa như tay chân miệng, cứ 3-4 năm xuất hiện một lần, đó là do sau mỗi đợt dịch bệnh sẽ tạo thành miễn dịch cộng đồng, nhưng các em bé đã có miễn dịch cá nhân với bệnh này lớn lên không tính vào số trẻ có nguy cơ bị bệnh nữa (bệnh tay chân miệng thường tấn công trẻ dưới 10 tuổi). Trong đi đó cộng đồng trẻ mới sinh sau này chưa bị bệnh, không có miễn dịch cá nhân, không tạo thành miễn dịch cộng đồng, gặp virus tay chân miệng thì nhiễm bệnh, tạo thành đợt dịch bệnh mới.
Ví dụ nhà bạn có 3 đứa con. Đứa đầu tiên bị bệnh tay chân miệng lúc 2 tuổi sẽ có miễn dịch cá nhân với bệnh này.
Bạn sinh thêm bé thứ hai, khi bé được 2 tuổi, đứa thứ nhất 4 tuổi. Đứa 4 tuổi đi mẫu giáo gặp nguồn lây vius tay chân miệng, nhưng bé này đã có miễn dịch cá nhân rồi nên không bị bệnh, vì thế không lây cho bé 2 tuổi ở nhà.
2 năm sau bạn sinh bé thứ ba. Khi bé này 2 tuổi, bé thứ hai được 4 tuổi đi mẫu giáo và gặp nguồn lây virus. Vì bé này trước đó chưa từng bị bệnh (vì hồi nhỏ không bị lây, và không chích ngừa vì bệnh này không có vắc-xin) cho nên không có miễn dịch cá nhân. Bé thứ hai bị bệnh, và lây cho bé út ở nhà.
Như vậy trong nhà bạn, đợt thứ nhất có 1 bệnh nhân tay chân miệng, qua 2 năm sau không có bệnh nhân nào, qua 4 năm thì có 2 bệnh nhân.
Đó là cách mà bệnh tay chân miệng và một số bệnh lây nhiễm khác bùng lên rồi lắng xuống theo chu kỳ. Điều này nằm trong dự đoán của các trung tâm y tế dự phòng và bác sĩ chuyên khoa Nhiễm, giúp họ lên kế hoạch đón và chống dịch bệnh hiệu quả.
Hồng Nhung (tổng hợp)
Nguồn tham khảo: Livestream của BS Trương Hữu Khanh trên trang cá nhân ngày 4/3
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình