Hotline 24/7
08983-08983

Thăm khám thế nào để tìm nguyên nhân gây đau khớp vai?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn cho biết, tình trạng đau khớp vai có nhiều nguyên nhân và nhiều yếu tố ảnh hưởng đến. Bệnh nhân cần khám trực tiếp với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị chính xác. Không nên bỏ qua quy trình tập vật lý trị liệu vì có thể sẽ bỏ qua giai đoạn và hình thức điều trị quan trọng trong sự hồi phục của bệnh nhân.

1. Khớp vai là khớp có tầm vận động lớn nhất của cơ thể

Vì sao lại có nhận định khớp vai là khớp lớn về vận động của cơ thể thưa bác sĩ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn - Phó khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời: Khớp vai được xem là khớp lớn của cơ thể vì tầm vận động rất lớn, được chi phổi bới rất nhiều nhóm cơ, đặc biệt là nhóm cơ chóp xoay gồm cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ tròn bé.

Ngoài ra còn có cơ lưng rộng, cơ ngực lớn, cơ delta, cơ tròn lớn tạo nên tầm vận động rất lớn ở vùng vai. Chính tầm vận động lớn và số lượng cơ nhiều sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về đau khớp vai.

Khớp vai hoạt động được nhờ các nhóm cơ. Các nhóm cơ hoạt động do thần kinh chi phối hoạt động.

2. Đau vai đến từ nhiều nguyên nhân và độ tuổi khác nhau

Tình trạng đau khớp vai đến từ nguyên nhân nào và có khác nhau giữa từng độ tuổi hay không thưa bác sĩ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Đau khớp vai có rất nhiều nguyên nhân, chia thành 2 độ tuổi trung niên và tuổi đang hoạt động thể thao nhiều. Cơn đau của người chơi thể thao, quá trình làm việc khác với cơn đau thoái hóa của người lớn tuổi.

Ở người trẻ nếu đau khớp vai đa phần do chấn thương, chơi thể thao, ngồi văn phòng lâu ngày (hội chứng văn phòng).

Trường hợp người lớn tuổi bị đau khớp vai thường do thoái hóa và đau do chèn ép thần kinh ở vùng cổ dẫn đến tình trạng đau vai.

Bản thân của khớp vai chi phối nhiều cơ, trong vùng nhiều cơ đa phần đều có thần kinh chi phối  tại vùng vai. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đau khớp vai.

Đau thần kinh là gốc của vấn đề đau vai. Đau cơ, co thắt cơ, tổn thương các sụn và dây chằng cũng làm đau vai.

3. Những nghề nghiệp dễ bị đau khớp vai nhất

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Người làm việc văn phòng thường ngồi 1 tư thế trong thời gian dài, không hoạt động nhiều sẽ làm cứng cơ, có thắt cơ vùng vai, được gọi là “hội chứng dân văn phòng”.

Người chơi thể thao với cường độ nặng, chơi những môn thể thao cần phải dùng khớp vai nhiều dễ dẫn đến chấn thương nhóm cơ chóp xoay, rách sụn viền, rách gân cơ trên gai dẫn đến tình trạng đau vai.

Người làm công việc bốc vác, làm ruộng lặp lại liên tục động tác ở vùng vai cũng làm tổn thương tại vùng đó. 

4. Tập dịch cân kinh rất tốt nhưng cần tập đúng động tác

Bác sĩ đã từng tiếp nhận bệnh nhân đau khớp vai do tập bài Dịch cân kinh hay chưa?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Tập đúng động tác của bài tập dịch cân kinh thường rất ít khi bị đau vai. Tuy nhiên, có những trường hợp trước đó bệnh nhân đã tổn thương khớp vai, đã tổn thương gân cơ, tập quá mạnh như giọt nước tràn ly dẫn đến tổn thương vùng vai, các gân cơ vùng vai, gân cơ chóp xoay, sụn viền ở vùng vai, viêm gân cơ nhị đầu.

Trước đó, bệnh nhân đã bị thoái hóa khớp vai nhưng không biết, cứ tập và dẫn đến tình trạng trầm trọng hơn. 

5. Không nên khám bệnh qua điện thoại khi có tình trạng đau vai không rõ nguyên nhân

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Thực tế, bác sĩ giỏi đến mức nào chăng nữa không thể nhìn qua phim, không thể khám qua lời kể của người bệnh, cần phải trực tiếp khám. Bởi vì khớp vai rất rộng, chi phối nhiều cơ trong đó có nhiều thần kinh.

Cần phải loại từ được đau vai do đám rối thần kinh cổ chi phối vùng vai, hoặc đám rối thần kinh cánh tay chèn ép thần kinh vùng vai, gây ra chèn ép ngoại biên.

Ngoài ra, đau vai còn do tình trạng thoát vị đĩa đệm dẫn đến đau lan vùng khác, cần khám trực tiếp để loại trừ nguyên nhân do đĩa đệm thần kinh chèn ép.

Đau vai do thoái hóa cột sống cổ, hẹp các lỗ liên hợp dẫn đến tình trạng đau vai.

Cơn đau có thể đến từ nguyên nhân co thắt cơ làm cứng cổ và đau vai thường gặp ở người làm văn phòng. Người bệnh cần biết cơn đau xuất phát từ đâu, do nhóm nào. Các nhóm cơ thang, cơ trám, cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ cảnh cột sống cổ, cơ dựng sống là vùng đau ảnh hưởng đến vấn đề điều trị rất nhiều.

Tiếp theo, vấn đề do thần kinh chi phối do co thắt cơ.

Ngoài ra, đau vai còn do tổn thương sụn, gân cơ bám ngay đầu chóp xoay bị rách.

Bác sĩ cần được khám thật kỹ, khám thật lâu và phải biết được nguyên nhân mới điều trị đúng và chính xác.

Nếu chỉ khám qua thông tin người bệnh cung cấp, bác sĩ chỉ nắm được tình trạng sơ bộ, còn khi khám trực tiếp, mỗi động tác khám khớp vai cho ra những bệnh lý khác nhau, do đó bắt buộc người bệnh phải khám trực tiếp.

Để đánh giá chóp xoay, thần kinh và co thắt cơ có khoảng 10 test khám thường quy. Ngoài ra còn có rất nhiều bài test khám phụ.

Người bị đau vai cần được khám trực tiếp để được chẩn đoán chính xác. Từ các xác định, bác sĩ đưa ra quyết định lâm sàng cần làm thêm xét nghiệm như điện cơ, chụp X-quang, chụp MRI hoặc làm siêu âm để xác định chính xác bệnh lý và đưa ra quyết định điều trị, và điều trị dứt điểm của vấn đề đau khớp vai.

Nếu người bệnh không điều trị dứt điểm sẽ rơi vào tình trạng đau dai dẳng không có hồi kết. Cơn đau có thể dẫn đến trầm cảm.

Đau co thắt cơ cần tập vật lý trị liệu bệnh nhân sẽ ổn, bác sĩ chỉ cần day nhẹ hoặc ấn nhẹ vùng cơ thì người bệnh đã hết tình trạng co thắt nhưng trước đây dùng thuốc không hết.

Việc khám trực tiếp giúp xác định cơn đau xuất phát đâu, từ thần kinh, hay đau do cơ, do khớp, hay do sụn, hay đau do những vấn đề dây chằng xung quanh.

6. Có nhiều phương pháp để khám bệnh lý đau khớp vai

Ngay tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được làm những gì để khám và đánh giá chính xác nguyên nhân do đâu và có hướng điều trị cụ thể như thế nào thưa bác sĩ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Khi bệnh nhân đến khám còn tùy thuộc vào bệnh lý, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định khác nhau dựa trên chụp X-quang, siêu âm, điện cơ, chụp MRI, chụp CT.

Ví dụ, trường hợp đau vai và tê tay nhiều do chèn ép thần kinh có thể đo điện cơ và chụp X-quang cột sống cổ. Đau vai, tê tay đã đo điện cơ nhưng cho ra kết quả bình thường cần chụp thêm MRI cột sống cổ.

Đau vai có kèm theo các nang hoặc dịch cần phải làm siêu âm để xác định tình trạng đau do nguyên nhân gì gây ra.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau vai, khi khám sẽ có các quyết định chính xác nhất, bác sĩ sẽ thực hiện dựa trên tình trạng đau của người bệnh.

7. Lý giải trường hợp đau vai nhưng kết quả chẩn đoán hình ảnh không cho thấy bất thường

Trường hợp bị đau vai nhưng kết quả chẩn đoán hình ảnh không cho thấy bất thường, bác sĩ sẽ nghĩ đến nguyên nhân gì ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Một khớp vai vận động có rất nhiều cơ, đa phần có nguyên nhân từ thần kinh, không phải chỉ riêng vùng vai, vì vai là phần ngọn của đám rối vùng cổ.

Khi siêu âm, chụp X-quang, chụp MRI vùng vai cho ra kết quả bình thường nhưng vùng cổ lại bất thường vì có chèn ép từ cổ, nên bác sĩ cần phải khám thêm vùng cổ để xác định và chẩn đoán chính xác.

Nếu vùng cổ và vai đều bình thường đa phần nguyên nhân đến từ co thắt cơ. Để hạn chế cơn đau do thắt cơ gây ra, người bệnh cần tập massage, day cơ sẽ ổn định.

Tuy nhiên, nhiều bệnh lý khi bác sĩ làm càng nhiều càng lâu sẽ thấy có những trường hợp chúng ta không biết được là bệnh lý gì. Nếu bác sĩ nghĩ biết được tất cả các bệnh là sai.

Một trường hợp là hội chứng bả vai lồng ngực làm cơn đau lan rộng, đa phần bệnh nhân gặp tình trạng này nhưng bác sĩ lại bỏ qua.

Hoặc hội chứng thắt ngực cũng làm đau vai, khi làm xét nghiệm vẫn cho ra kết quả bình thường nhưng vẫn có trường hợp bác sĩ bỏ qua, tức là hình ảnh đã cho thấy nhưng người đọc lại không nhận ra những bất thường. Cần phải có thời gian trải nghiệm lâu dài mới xác định được.

Khớp vai không đơn giản chỉ là khớp vai thông thường, khớp vài còn liên quan đến thần kinh, liên quan đến gân cơ và các cơ xung quanh vùng vai. Nếu chỉ nghĩ chụp MRI vùng vai là phương án tốt nhất thì đã bỏ qua nhiều cơ hội giúp người bệnh tiến đến điều trị triệt để.

Ngoài chấn thương chỉnh hình bác sĩ cần phải hiểu về nội thần kinh, vật lý trị liệu, ngoại thần kinh và các vùng thần kinh xung ngoại biên, lúc đó mới đưa ra chẩn đoán đầy đủ và trọn vẹn.

May mắn của tôi được làm thần kinh ngoại biên, phẫu thuật nội soi vai (y học thể thao), chấn thương chỉnh hình và vi phẫu tạo hình trong vùng vai, nên tôi có cách nhìn liên quan đến nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau vai. Đây là điều giúp ích cho bản thân rất nhiều trong vấn đề chẩn đoán vùng vai.

8. Có thể massage vùng vai tại nhà khi cơn đau không xuất phát từ nguyên nhân rách cơ, rách gân

Với trường hợp đau khớp vai nhưng chưa đi khám được, vậy xin hỏi bác sĩ tại nhà họ có thể dùng thuốc giảm đau hay có thể chú ý tư thế nào xin bác sĩ có thể hướng dẫn ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Người bệnh cần biết khớp vai rất phức tạp và rất khó khăn, nếu không biết được hướng đau cụ thể thì rất khó đưa ra các bài tập vật lý trị liệu.

Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng cụ thể như sau:

Dân văn phòng thường ngồi lâu trong 1 tư thế và đau vùng vai, có thể làm các động tác để căng giãn vùng cột sống cổ, duỗi vùng cột sống cổ, nghiêng qua nghiêng lại, không được vận động quá mạnh, không được dùng tay lắc đầu mạnh. Mỗi động tác phải làm từ từ, sau đó massage vùng cứng ở cổ và vai. Thay đổi tư thế khi ngồi lâu.

Người bị đau do vận động, đầu tiên cần xác định nguyên nhân cơn đau có phải do rách gân, rách cơ hay không? Nếu không phải do rách gân, rách cơ, có thể thực hiện những bài tập nhẹ nhàng, vận động tránh tình trạng dính khớp. Khớp vai là khớp dễ đông cứng, nếu đau nhưng để một thời gian dài không vận động sẽ làm cứng khớp vai.

Để có hướng dẫn cụ thể cho từng bệnh lý khác nhau trên khớp vai, bác sĩ cần phải khám và từ đó mới đưa ra tư thế tập và cách thức tập khác nhau cho người bệnh. Nhẹ nhàng hơn, người bệnh chỉ cần massage cơ, vận động các tư thế nhẹ nhàng.

Muốn cơ vùng cổ phía sau mạnh hơn, mọi người có thể tập đối kháng. Ngoài ra có thể massage và day nhẹ vùng cơ vai (ngay vị trí cứng) sẽ đạt được hiệu quả.

9. Tất cả những cơn đau ở khớp đều có thể điều trị dứt điểm nếu biết được nguyên nhân

Bác sĩ có thể tư vấn cụ thể hơn đối với những nguyên nhân và bệnh lý này thì nhóm nào có thể điều trị dứt điểm và nhóm nào hay tái phát?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Y học Việt Nam đã tiến bộ rất xa và đồng hành cùng sự phát triển của y học thế giới.

Khi người bệnh bị đau khớp vai và biết được nguyên nhân đều có thể điều trị dứt điểm được.

Đau do rách nhóm cơ chóp xoay có thể mổ nội soi và khâu lại ở phía trong, nếu không có điều kiện nội soi vẫn có thể phẫu thuật mổ. Đau do trường hợp rách sụn vẫn có thể khâu lại được.

Trước đây, trong trường hợp thoái hóa khớp vai toàn bộ nằm trong nhóm không thể điều trị được, nhưng hiện tại y học đã tiến bộ, giúp bệnh nhân có cơ hội thay khớp vai.

Chỉ có cơn đau không thể điều trị là đau “chi ma” do tổn thương các thần kinh từ rễ cổ đi ra. Những tổn thương có thể làm cho bệnh nhân bị liệt cánh tay, đau vùng chóp xoay, cơn đau đến liên tục và không có hồi kết. Đó là dạng đau dị cảm của thần kinh, rất nguy hiểm và khó điều trị, còn lại đa phần nếu như biết được nguyên nhân đều sẽ điều trị dứt điểm bệnh lý về vùng vai.

10. Để hồi phục chức năng không nên bỏ qua tập vật lý trị liệu

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Tất cả các trường hợp đau khớp vai đều cần phải tập vật lý trị liệu. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân phải phục hồi chức năng, nếu bỏ qua vấn đề phục hồi chức năng chắc chắn bệnh nhân sẽ không đạt được chức năng toàn bộ.

Đối với đau khớp vai, phương pháp điều trị nhẹ nhất chính là tập vật lý trị liệu, nếu không hết sẽ chuyển sang uống thuốc và tập vật lý trị liệu. Nếu tình trạng không giảm sẽ đổi sang phương pháp chích thuốc và tập vật lý trị liệu và cuối cùng là phẫu thuật và tập vật lý trị liệu.

Khi nào cũng cần tập vật lý trị liệu thì bệnh nhân mới đạt được hiểu quả chức năng. Nếu bỏ qua giai đoạn tập vật lý trị liệu đồng nghĩa với việc bỏ qua giai đoạn và hình thức điều trị quan trọng trong sự hồi phục của bệnh nhân.  

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X