Đối phó với chứng đau chi ma: giảm đau bằng thuốc, tập với hộp gương, thiền định
“Đau chi ma” hay đau ảo là một đau dai dẳng sau khi mô cơ thể đã lành sẹo và đặc trưng bởi triệu chứng đau và rối loạn cảm giác. BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn - Trưởng Đơn vị Vi phẫu - Phó khoa Ngoại Chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 nhấn mạnh, cảm giác đau này làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí rất nhiều người đã bị trầm cảm.
1. Có phải trường hợp đoạn chi nào cũng bị đau chi ma?
Xin hỏi BS, vì sao cảm giác đau chi ma xuất hiện? Có phải sau khi đoạn chi, ai cũng sẽ gặp phải tình trạng này?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Đau chi ma là cảm giác đau ở phần chi không còn hiện diện. Không phải trường hợp đoạn chi nào cũng bị đau chi ma nhưng đây cũng là một tình trạng khá thường gặp.
Sau khi phải cắt bỏ tay hoặc chân, người bệnh cảm giác họ vẫn còn phần chi này và rất đau đớn. Cảm giác đau này liên quan đến vỏ não của bệnh nhân, khiến người bệnh vô cùng khó chịu, thậm chí có trường hợp rơi vào trầm cảm.
Thường những trường hợp bị đau chi ma sẽ rơi và tình trạng nặng, gây ám ảnh.
2. Đau chi ma có giống đau cơ xương khớp?
Thưa BS, những yếu tố nào sẽ kích hoạt cơn đau chi ma? Các yếu tố này có giống với khi bị đau nhức cơ xương khớp thông thường không?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Yếu tố gây đau chi ma có những điểm giống và những điểm khác so với các cơn đau nhức cơ xương khớp thông thường. Các nguyên nhân do thời tiết, môi trường sẽ giống với đau cơ xương khớp.
Tuy nhiên bệnh nhân bị mất tay nhưng vỏ não vẫn kích hoạt cơn đau ở vùng này. Cơn đau không liên quan đến thời tiết hay bất kỳ sự đụng chạm nào.
3. Hộp gương - phương pháp hữu hiệu giảm cơn đau chi ma
Nhờ BS cho biết, hiện nay có những phương pháp điều trị đau chi ma nào? Phương pháp nào hiệu quả và tối ưu nhất?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Điều trị đau chi ma chủ yếu vẫn là giảm đau bằng thuốc. Tuy nhiên, đau chi ma là một vấn đề rất khó chịu. Người bệnh có thể tập hộp gương để giảm đau.
Bệnh nhân sẽ được dùng một chiếc hộp gương có thể tạo hình ảnh của chi bị đoạn từ chi còn lại. Sau đó, bệnh nhân sẽ thực hiện các bài tập đặc thù, đồng thời quan sát cử động của chi lành qua gương và tưởng tượng chi cử động trong gương chính là chi bị đoạn. Hành động này khiến vỏ não như đang hoạt động.
Khi tập, thân - tâm đều phải tập trung. Tập các động tác di chuyển, thả lỏng, cầm nắm, sờ chạm cùng chiều và cùng với thời gian do bàn tay - chân lành tạo ra để vỏ não quen dần.
Phương pháp thứ hai là thiền định và thư giãn để giải phóng toàn bộ suy nghĩ, giảm bớt tình trạng đau. Cơn đau mang tính tiêu cực, chính sự tiêu cực này lại càng làm cơn đau trở nên trầm trọng hơn.
Châm cứu, kích thích điện cũng là một trong những phương pháp giúp làm giảm cơn đau cho người bệnh.
Ngoài dùng thuốc và phẫu thuật, còn liệu pháp nào giúp cải thiện cơn đau này, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Vật lý trị liệu, xung điện, kích thích điện, tập bằng hộp gương, thay đổi hành vi... có thể giúp người bệnh cải thiện cơn đau.
Nếu có điều kiện, bệnh nhân nên tham gia vào các khóa thiền. Biết rõ hành vi bản thân đang làm sẽ giúp bệnh nhân giải tỏa vấn đề đau.
Tuy nhiên, cơn đau đã in hằn trên não, để xóa được điều này cần khoảng thời gian rất lâu. Người bệnh phải tập dần dần để xóa đi điểm ghi nhớ trong não. Mất kiên trì, nôn nóng có thể khiến người bệnh không đạt được mục đích.
4. Cần ít nhất 3 - 6 tháng để thay đổi thói quen vỏ não
Câu hỏi bạn đọc AloBacsi: Cha tôi bị tai nạn mất một cánh tay. Ông hay có cảm giác ngứa ngáy ở cánh tay đã mất. Ông bảo: “Giá như cánh tay còn thì gãi cho đã ngứa. Đằng này ngứa cũng không có chỗ mà gãi”.
Trường hợp này có tính là đau chi ma không, thưa BS? Có cách nào giải quyết vấn đề này cho cha tôi?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Tôi đã từng gặp những trường hợp tương tự, gọi là đau chi ma cảm giác. Để cải thiện, bệnh nhân cũng nên tập hộp gương để giải phóng cảm giác, giúp người bệnh đạt được chức năng.
Chi ma bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của bệnh nhân, tác động của vỏ não truyền xuống. Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ chuyên về vật lý trị liệu để được hướng dẫn cụ thể. Để thay đổi được thói quen vỏ não, cần phải tập từ 3 - 6 tháng, hoặc đến 9 tháng.
Nếu tập không đúng bài bản, có thể sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn.
5. Chăm sóc mỏm cụt thế nào để tránh bị đau chi ma ngay từ đầu?
Chăm sóc tốt mỏm cụt sau đoạn chi có giúp giảm hiện tượng đau chi ma không? Bệnh nhân cần lưu ý gì khi chăm sóc mỏm cụt, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Đây là một câu hỏi hay.
Trường hợp đầu tiên, mỏm cụt đau do tình trạng rối loạn dinh dưỡng. Sau khi đoạn chi, bệnh nhân không dám động chạm gì ở vùng mỏm cụt. Đây là tình trạng đau phức hợp vùng thứ nhất, nghĩa là đau tại vùng khi bị đụng chạm.
Để chấm dứt tình trạng này, bệnh nhân cần vận động, sờ, chạm vào vùng mỏm cụt để dần quen với cảm giác. Sau đó nên thực hiện massage vùng cơ quanh mỏm cụt để lấy lại cảm giác bình thường.
Kiểu đau thứ hai là đau chi ma. Bệnh nhân cần tập để khôi phục cảm giác bình thường. Đau chi ma có thể ảnh hưởng lên vỏ não, tạo thành thói quen, dần thành bệnh. Tập luyện ngay từ đầu có thể giúp bệnh nhân gần như thoát được cảm giác này.
Nếu không thoát được, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng CRPS 2 (Hội chứng Đau cục bộ phức tạp), ghi nhớ tại vùng vỏ não, để xóa được phải tập rất lâu.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình