Trẻ sổ mũi xanh - vàng có nên sử dụng kháng sinh?
Trong bài viết này, BS Trương Hữu Khanh đã có những lưu ý về chăm sóc trẻ bị sổ mũi và đặc biệt nhấn mạnh phụ huynh không nên tự ý cho trẻ sử dụng kháng sinh mà cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
1. Màu sắc và tính chất nước mũi cho thấy điều gì về sức khỏe của trẻ?
Thưa BS, màu sắc (xanh, vàng…), tính chất (đặc, lỏng) của nước mũi có thể cho phụ huynh biết những điều gì về sức khỏe của trẻ ạ? Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi thấy trẻ sổ mũi, phụ huynh cần quan sát, xác định đúng màu sắc nước mũi để nhận định chính xác.
Nếu nước mũi chuyển màu xanh hoặc vàng và nhầy, dù đã nhỏ mũi vẫn không hết thì có khả năng đã bội nhiễm vi khuẩn sau khi sốt siêu vi hay do tình trạng dị ứng.
2. Trẻ bị thò lò mũi xanh có nên sử dụng kháng sinh?
Nhiều người thường cho rằng trẻ bị thò lò mũi xanh là do nhiễm trùng, do đó cần phải có sự trợ giúp của thuốc kháng sinh. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ? Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn, kháng sinh thường được chỉ định trong trường hợp nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo dân gian, “thò lò mũi xanh” là tình trạng sổ mũi xanh thường xuyên (không phải mới xuất hiện) nhưng trẻ vẫn chơi đùa, sinh hoạt bình thường.
Trẻ thò lò mũi xanh có nguy cơ cao là bị viêm VA, VA to, cấu trúc VA nhiễm trùng…
Khi trẻ thò lò mũi xanh, tốt nhất nên thực hiện tại nhà bằng cách nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương, dùng bấc sâu kèn để làm sạch mũi. Tuy nhiên phải lưu ý vệ sinh mũi thật sạch và dụng cụ hút không bị nhiễm trùng.
Sau đó, quan sát trẻ còn tái phát mũi xanh không, nếu có nên đi khám bác sĩ để được chỉ định dùng kháng sinh theo liều phù hợp.
Không nên tự ý sử dụng kháng sinh hay đến tiệm thuốc tây nói trẻ bị sổ mũi xanh và yêu cầu bán kháng sinh.
3. Khi mua thuốc cho trẻ, phụ huynh cần chú ý những vấn đề nào và làm sao để nhận diện trong thuốc có kháng sinh?
Mua thuốc tại nhà thuốc là thói quen của nhiều người. Thực tế, vai trò của nhà thuốc là không thể thiếu trong đời sống.
- Vấn đề là, khi mua thuốc cho trẻ, phụ huynh cần chú ý những vấn đề nào? Có thể đề nghị nhà thuốc/ dược sĩ điều gì để hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng kháng sinh?
- Làm sao để nhận diện được trong thuốc của con có kháng sinh, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Phụ huynh nên có thói quen mua thuốc theo toa hoặc mua đúng loại thuốc. Ví dụ, trẻ nhỏ bị sổ mũi thì nên mua nước muối sinh lý hoặc nước muối ưu trương. Trẻ đến tuổi có thể sử dụng thuốc thì phải mua đúng hiệu thuốc đó, đến nhà thuốc và yêu cầu bán paracetamol,…
Đừng mua thuốc theo bệnh như nói con bị sổ mũi và cần mua thuốc sổ mũi thì sẽ không biết rõ loại thuốc và có khả năng được kê kháng sinh.
Thông thường các thuốc có chữ “cillin” hoặc “zin” phía sau thường là kháng sinh. Bên cạnh đó, khi mở thuốc ra có mùi của kháng sinh.
4. Trẻ sổ mũi xanh, vàng, phụ huynh nên chăm sóc thế nào?
Những trường hợp mũi đã chuyển màu xanh, vàng, mũi đặc,… phụ huynh nên chăm sóc trẻ trong tình huống này ra sao ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Giống như sổ mũi nước trong, cần quan sát thời gian mắc bệnh. Trường hợp mới xuất hiện sẽ nhỏ nước muối sinh lý, làm bấc sâu kèn để lấy ra. Nếu áp dụng 1 - 2 lần mà nước mũi trong trở lại và tự hết thì không cần uống kháng sinh.
Tuy nhiên, khi đã thực hiện các phương pháp này mà vẫn sổ mũi xanh, mũi vàng nhiều thì phải đi khám để xem xét việc dùng kháng sinh vì đã bội nhiễm hoặc có thể do viêm VA.
5. Các lưu ý cần tránh khi chăm sóc trẻ sổ mũi
Những thói quen, sai lầm thường gặp trong quá trình chăm sóc mà phụ huynh cần tránh gồm những gì ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Các lưu ý cần tránh trong quá trình chăm sóc trẻ sổ mũi:
- Những gì đưa vào mũi phải sạch, nếu sử dụng đồ hút mũi dơ sẽ làm nhiễm trùng thêm.
- Đừng vội xịt thúc mũi vì áp lực đối với trẻ nhỏ rất quan trọng.
- Không nên vội vàng sử dụng kháng sinh.
6. Trẻ chảy nước mũi, khi nào cần đi khám?
Trẻ chảy nước mũi, thò lò mũi xanh-vàng, trường hợp nào cần phải đưa đi khám ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu kéo dài 5 - 7 ngày mà áp dụng các phương pháp thông thường không khỏi hoặc sổ mũi xanh đến mức làm trầy cánh mũi, nhiễm trùng hoặc trẻ không ngủ được, thở há miệng thì phải đi khám vì có thể không chỉ là sổ mũi mà còn có các nguyên nhân khác.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình