Hotline 24/7
08983-08983

Nhổ răng khôn khi mang thai, nên hay không?

Đây là một trong những thắc mắc được BS Nguyễn Thị Thảo Uyên giải đáp trong chương trình tư vấn. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác như: gỡ bỏ mặt dán răng Composite; đau răng về chiều; trồng implant; bệnh viêm nha chu cũng được chuyên gia của AloBacsi đưa ra lời khuyên thấu đáo.

Lương Thu - bothui…@gmail.com

Em chào bác sĩ,

Em có đi khám răng và được biết có hai răng khôn hàm dưới mọc lệch cần nhổ gấp, em cũng dự định nhổ. Tuy nhiên ngày hôm sau em phát hiện có thai, hiện nay thai 9 tuần tuổi nhưng răng khôn lại đau. Em không biết nên xử lý thế nào với răng khôn này vì đang mang thai ạ? Và nếu em nhổ thì liệu có ảnh hưởng nhiều không ạ?

Bạn thân mến,

Răng khôn tuy cần phải nhổ nhưng do cơ địa mình đang mang thai trong 3 tháng đầu nên không thể can thiệp. Nếu quá đau nhức bạn có thể đến gặp trực tiếp bác sĩ khám kiểm tra, uống thuốc giảm đau theo toa, không tự ý mua thuốc giảm đau bên ngoài vì như vậy dễ ảnh hưởng đến thai nhi. Trường hợp cần can thiệp thủ thuật thì sẽ làm trong ba tháng giữa của thai kỳ, còn nếu không thì đợi sau khi bạn sinh em bé.

1. Nhổ răng khôn làm lệch mặt, làm sao khắc phục?

Nguyễn Thanh Ngân - trinhthanhngan…@gmail.com

Xin chào bác sĩ, khoảng 1 năm hơn trươc đây. Em có đi nhổ răng khôn ở bệnh viện lớn. Nhưng tối hôm đó về máu em có chảy hơi nhiều nên cả đêm em phải cắn bông gòn, nhưng máu vẫn chảy. Nên em cắn bông suốt gần 2 ngày. Bẵng đi một thời gian, em có cảm giác mặt mình bị lệch. Bên nhổ răng khôn bị xệ xuống và phù ra to hơn so với bên còn lại. Giờ có cách nào để làm cho đều hơn một chút như ban đầu được không ạ? Em cảm ơn bác sĩ!

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Thông thường sau khi nhổ răng khôn không gây ra hiện tượng hóp mặt. Do vậy đối với trường hợp của bạn nên kiểm tra thêm về khớp cắn, có nghiến răng hay không hoặc một số bệnh lý khác... Tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để khám trực tiếp bạn nhé!

2. Gỡ bỏ bỏ lớp trám sứ Composite, nên hay không?

Đỗ Thị Bích Phượng - phuongdo…@gmail.com

Em đi phủ răng sứ tại 1 trung tâm thẩm mỹ. Về thì mới biết là composite chứ không phải sứ, họ làm cho em hết 18 răng (9 răng trên và 9 răng dưới). Em muốn gỡ bỏ composite ra thì bao lâu gỡ được, chi phí hết khoảng bao nhiêu ạ? Và phương pháp khắc phục sau gỡ bỏ ạ? Em cảm ơn.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bích Phượng thân mến,

Composite là một chất trám thông dụng hiện nay để tái tạo lại mô răng đã mất, giống màu răng, bám dính tốt. Nếu bạn đã đắp mặt răng bằng composite, miếng trám thẩm mỹ thì có thể giữ nguyên tình trạng hiện tại. Còn trong trường hợp bạn muốn mài bỏ thì bạn có thể thực hiện bất cứ khi nào bạn muốn, không có quy định thời gian. Tuy nhiên bạn cần phải cân nhắc, vì sau khi mài bỏ composite có thể răng bạn không giống như trước, khi cần thiết có thể phải tái tạo lại. Nếu như vậy bạn nên tới các bệnh viện lớn để điều trị.

3. Làm xét nghiệm gì để phát hiện viêm khớp thái dương hàm?

Trần Bửu Long - 11dkt…@gmail.com

Chào bác sĩ, mấy tháng nay em cảm thấy cứng hàm, nhức đầu 2 bên thái dương, khi nhai thường xuyên tách tách, há miệng trong tai nghe như tiếng xương sụn vỡ. Em nghĩ là bị viêm khớp thái dương hàm do em nhổ răng mà chưa trồng răng giả. Xin hỏi nếu chụp x-quang xương hàm có thể biết được khớp thái dương hàm của em có vấn đề không ạ và chữa trị ra sao ạ?

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Chụp phim x-quang xương hàm thông thường không thể thấy được bệnh lý của khớp thái dương hàm. Do vậy để biết chính xác bệnh tình của mình bạn nên đến gặp bác sĩ khám kiểm tra, làm các nghiệm pháp lâm sàng để tìm ra nguyên nhân, nếu cần thiết thì bác sĩ mới yêu cầu chụp cắt lớp. Về phương pháp điều trị có thể điều trị thuốc, làm máng nhai, điều chỉnh khớp cắn, phục hồi khớp cắn, phẫu thuật... tuỳ theo tình trạng mỗi người.

4. Đau răng sau khi trám, có cần chữa tủy?

Huỳnh Thị Thùy Dương - duonghuynhthithuy…@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Vừa rồi con có đi trám răng nhưng về thì thấy khó chịu nên con tái khám. Khi nạo ra thì bác sĩ bảo lỗ hỏng to sát tủy phải bảo vệ tủy trước nếu về thấy không đau thì 6 tuần sau đi trám lại răng. Mà sau khi trám về con thấy đau không biết trong trường hợp của con có bị mất răng không và có liên quan đến bệnh răng miệng nào nguy hiểm không? Con xin cảm ơn.

Răng sâu lớn nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn tới tình trạng tủy viêm không phục hồi hoặc tuỷ chết

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào em,

Trước tiên em không nên quá lo lắng, tình trạng của em chỉ là bệnh lý răng miệng thường gặp, không phải là bệnh quá nguy hiểm. Răng sâu lớn, không được điều trị sớm sẽ dẫn tới tình trạng tủy viêm không phục hồi hoặc tuỷ chết. Do vậy, sau khi trám đặt thuốc theo dõi, về nhà răng sẽ bị đau. Điều này có nghĩa là răng cần phải lấy tủy sạch rồi mới trám (nếu khi chụp phim kiểm tra không có nhiễm trùng lớn vùng chóp). Tốt nhất em nên quay lại tái khám sớm để điều trị hiệu quả.

5. Đau răng về chiều, bệnh gì?

Lê Trần Kim Chung - kimchung…@gmail.com

Em bị đau răng, nhưng cơn đau hay xuất hiện vào buổi chiều và nóng trong người là bị đau. Đau nhiều nhất là răng số 6 đã nhổ rồi, ê buốt và rất khó chịu, má có sưng lên ít. Vậy giờ em phải làm sao ạ?

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Kim Chung thân mến,

Trường hợp của bạn nên đi khám kiểm tra để biết chính xác nguyên nhân gây đau vì đau về chiều tối thường là dấu hiệu của viêm tủy nhưng bạn lại đau nhiều ở vùng răng đã mất thì có thể là bạn có một răng sâu viêm tủy ở gần vị trí đó hoặc còn sót chân răng gây nhiễm trùng sưng hoặc đau do dây thần kinh V... Như vậy, chỉ có khám chụp phim kiểm tra thì mới đưa ra được kết luận bạn nhé!

6. Răng đã chữa tủy nhưng vẫn đau nhức, do đâu?

Hồ Ngọc Hà - nguyenho…@gmail.com

Bác sĩ ơi, em có một cái răng cửa đã chữa tủy nhưng cứ mỗi lần hoạt động mạnh thì răng có dấu hiệu rất nhức. Em còn răng cửa sát bên đã chữa tủy cách đây 3 năm giờ thì nó cũng đau theo. nướu sưng hết cả lên. Em không biết là do viêm nướu hay răng bị sao mà đau gần 1 tháng rồi.

Đau nhức sau khi răng đã được chữa tủy có thể do nhiễm trùng tái phát hoặc chữa tủy chưa tốt

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Răng đã chữa tủy nhưng vẫn có cảm giác đau nhức thì có thể do nhiễm trùng tái phát hoặc chữa tủy chưa tốt. Bên cạnh đó nướu có tình trạng sưng thì nhiều khả năng kết hợp viêm nướu và nhiễm trùng quanh chóp. Bạn nên đi khám sớm để điều trị tốt nhất, tránh các nhiễm trùng lan rộng nếu có.

7. Trồng implant bao nhiêu trụ là tốt nhất?

Kieu Nguyen - beau_ty81…@yahoo.com

Chào bác sĩ,

Hiên nay răng tôi không còn, chỉ còn nướu, tôi muốn làm implant full mounth trên, dưới, nguyên 2 hàm. Tôi có tham khảo bảng giá của trung tâm răng hàm mặt. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu rõ một số chỗ như sau:

1. Trong 1 hàm bao nhiêu trụ là tốt nhất? chi phí thế nào? (8 trụ, 6 trụ và 4 trụ cái nào tốt hơn?)

2. Thời gian tiến hành từ lúc bắt đầu cho đến lúc hoàn thiện hết khoảng bao lâu?

3. Trong suốt quá trình tiến hành tôi cần phải đi tái khám khoảng bao nhiêu lần?

4. Trồng implant loại nào tốt nhất, thời gian bảo hành bao lâu? (có thể cho tôi 1 vài mức giá để có thể lựa chọn)

5. Nếu có gì phát sinh thêm chi phí như thế nào? (ví dụ: cấy ghep thêm xương hàm...)

Do tôi ở xa, nên tôi không có điều kiện trực tiếp lên trung tâm tư vấn. Nhờ bác sĩ tư vấn kỹ giúp, để tôi chuẩn bị chi phí và sắp xếp thời gian.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Để lên một kế hoạch điều trị implant hoàn chỉnh thì cần phải khám kiểm tra trên miệng cũng như kết hợp phim x-quang và một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Do vậy những vấn đề bạn đặt ra thì chỉ có bác sĩ điều trị trực tiếp mới trả lời chính xác được.

Thông thường, đối với một ca toàn hàm tháo lắp thì chỉ cần cắm 4 trụ implant là đủ, nhưng cố định thì từ 7-8 trụ. Sau khi cắm implant thì thời gian tích hợp xương tùy theo cơ địa mỗi người, nhanh thì 4 tháng chậm thì hơn 6 tháng, sau đó mới có thể làm toàn hàm. Chi phí cho một trụ implant hiện nay giao động từ 800-1200 USD, tuỳ loại và tuỳ nơi thực hiện. Chưa kể  nếu có cấy ghép xương và màng thì thêm khoảng 8-12 triệu.

8. Trẻ nhổ răng một năm vẫn chưa thấy mọc, có khi nào mất răng?

Nguyễn Thị Thanh Thúy - thanh…@gmail.com

Con tôi năm nay 6 tuổi, bị gãy răng cửa trên lúc 5 tuổi. Sau khi gãy 2 tháng cháu có mọc răng lại nhưng nó nhọn hoắt. Cháu đi khám thì bác sĩ nói là mọc răng dư nên phải nhổ. Nhưng từ lúc nhổ đến giờ đã 1 năm không thấy mọc lại. Xin hỏi, con tôi có mọc răng lại được nữa không?

Với những trẻ chậm mọc răng sau nhổ, khi chụp phim nếu mẹ thấy con đã có mầm răng thì có thể yên tâm

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Răng dư thường xuất hiện ở hàm trên chiếm khoảng 90%, có hình dạng bất thường như hình nón, hình củ... tỷ lệ thường gặp là 0,3-3%. Trường hợp của con bạn cần chụp phim kiểm tra tình trạng mầm răng vĩnh viễn,  xem có mầm răng hay không và mầm răng lên đến vị trí nào. Đôi khi có những bé mọc răng cửa chậm khoảng 7-8 tuổi, nên khi chụp phim thấy có mầm răng thì bạn cứ yên tâm.

9. Đau buốt sau trám răng, vì đâu?

Phạm Thị Hồng Nhung - nhungpham…pthn@gmail.com

Cháu bị sâu răng hàm và đã đi trám răng. Bác sĩ đã giúp cháu làm sạch sau đó hàn lại, đã chụp và khẳng định tủy của cháu bình thường, chưa bị viêm nhưng khi về nhà thì răng bắt đầu đau buốt, ban đầu thì theo cơn nhưng về sau đau nhức lên tận óc, rất khó chịu khiến cháu không ngủ được.

Sau đó cháu trở lại bệnh viện thì họ phát thuốc giảm đau và chống viêm cho cháu, nhưng khi thuốc giảm đau hết tác dụng cháu lại đau không chịu được. Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu với ạ. Cháu cảm ơn.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Trường hợp của bạn có thể lỗ sâu lớn sát tủy nên khi làm sạch, trám lại, tủy viêm kích thích gây đau nhức hoặc tủy đã chết nhưng không phát hiện được, sau khi trám bít đường thoát khí dẫn tới đau. Lúc này bạn cần tái khám, điều trị nội nha theo lịch của bác sĩ.

10. Răng hàm không sâu nhưng lung lay, đề phòng bệnh viêm nha chu!

Trần Thu Hằng - tranthuhang19…@gmail.com

Cho mình hỏi, răng hàm trong cùng hàm dưới bên trái của mình bị lung lay. Mới chỉ hơi hơi thôi và mình chỉ hơi khó chịu khi nhai chứ không đau nhức và cũng không bị sâu răng. Mình hiện tại đang tránh nhai bên trái. Mình thắc mắc có phải là thay răng không? Nhưng mọi người nói răng hàm không có thay và sẽ không mọc lại được. Mình nên làm gì? Cám ơn BS.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Răng hàm dưới trong cùng bên trái là răng vĩnh viễn và không có hiện tượng lung lay thay răng. Trường hợp răng của bạn không sâu nhưng lung lay thì có thể do chấn thương hoặc bị nha chu viêm.

Nha chu là tổ chức xung quanh răng, chức năng chính là chống đỡ và giữ răng trong xương hàm. Nha chu viêm là nguyên nhân chủ yếu gây mất răng, ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ. Nha chu là bệnh khá phổ biến, diễn biến từ từ, thầm lặng và kéo dài. Khởi phát bệnh không hề gây ra bất cứ đau đớn nào nên người bệnh thường ít chú ý. Nếu không được điều trị sớm bệnh sẽ phá hủy các mô nâng đỡ răng gây ra lung lay, mất răng và nhiễm trùng lan rộng.

Do vậy bạn nên đi khám và điều trị sớm, việc tránh ăn nhai bên trái không giúp ích được gì mà còn tăng nguy cơ lan rộng bệnh.

Thân mến!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X