Hotline 24/7
08983-08983

Viêm nướu, viêm nha chu nguy hiểm thế nào, điều trị ra sao?

Viêm nướu, viêm nha nhu không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, thậm chí là mất răng nếu không được điều trị kịp thời. Vậy phòng ngừa 2 căn bệnh này thế nào? Mời quý khán giả cùng theo dõi những chia sẻ của TS.BS Ngô Đồng Khanh - Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt TPHCM giải đáp thắc mắc này cho bạn đọc AloBacsi.

1. Nha chu là gì? Nha chu bao gồm bộ phận nào?

Thưa TS.BS Ngô Đồng Khanh, để có hàm răng khỏe đẹp, ngoài việc quan tâm đến hình dáng, màu sắc của những chiếc răng thì chúng ta không thể bỏ qua bộ phận rất quan trọng là tổ chức nha chu (tổ chức quanh răng). Tuy nhiên nhiều người chưa được biết nha chu là gì? Có cấu tạo và chức năng cụ thể như thế nào trong từng giai đoạn phát triển của răng, nhờ BS chia sẻ những thông tin này? Cách nhận diện nướu (lợi) khỏe mạnh và nướu mắc bệnh ạ?

TS.BS Ngô Đồng Khanh:

AloBacsi giải phẫu răng

"Nha" là răng, "chu" là xung quanh. Nha chu là tổ chức xung quanh răng, có chức năng chống đỡ, giúp răng vững chắc. Tổ chức này bao gồm: Nướu (lợi) răng, dây chằng nha chu, xương ổ răng, cement chân răng.

Để răng được chắc khoẻ, nướu răng (phần có màu hồng nhạt ở dưới chân răng) phải ôm sát lấy răng, vừa để bảo vệ mô mềm nhạy cảm phía dưới, vừa ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn. Bên cạnh đó, xương ổ răng, dây chằng nha chu nối liền răng với xương hàm có nhiệm vụ giữ cho chân răng vững chắc.

Nướu lành mạnh có màu đỏ hồng lấm tấm da cam, nướu săn chắc bám sát vào răng và xương ổ răng.

Nướu bị viêm nhiễm thường sưng phồng, có màu đỏ sậm hay đỏ bầm, trông không săn chắc, đặc biệt là dễ chảy máu.

2. Nguyên nhân gây viêm nướu?

Ít ai mà từ nhỏ tới lớn không bị viêm nướu lần nào, đến mức khá nhiều người xem đây là chuyện thường gặp. Xin Tiến sĩ cho biết vì sao nướu dễ bị sưng, chảy máu? Mức độ trầm trọng của bệnh viêm nướu, viêm nha chu tại Việt Nam chúng ta?

TS.BS Ngô Đồng Khanh:

Nướu răng rất dễ bị tổn thương và viêm nhiễm. Những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm nướu là:

- Vệ sinh răng miệng kém: mảng bám không được làm sạch tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tích tụ gây viêm nướu răng. Ngoài ra mảng bám tồn tại trong thời gian dài tạo ra vôi răng, gây kích thích nướu, nướu viêm đỏ, sưng, thậm chí là chảy máu chân răng khi chải răng hoặc dùng tăm xỉa.
- Không lấy vôi răng theo định kỳ khiến nướu bị viêm, lâu ngày chuyển sang viêm nha chu.
- Hút thuốc lá.
- Thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời kỳ mang thai, dậy thì, mãn kinh và hành kinh hàng tháng ở phụ nữ đều làm cho nướu nhạy cảm hơn, khiến viêm nướu dễ phát triển. Vì thế, trong những giai đoạn này, bạn nữ nên chú ý thêm đến vệ sinh răng miệng của mình.
- Hệ miễn dịch kém.
- Sử dụng một số loại thuốc gây khô miệng hoặc ảnh hưởng đến nướu chẳng hạn như thuốc chống co giật Dilantin và thuốc chống đau thắt ngực Procardia và Adalat, có thể gây ra sự phát triển bất thường của mô nướu.
- Người có suy giảm hệ thống miễn dịch như bệnh bạch cầu, HIV/AIDS, điều trị ung thư.
- Một số bệnh khác như bệnh đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn…

alobacsi nướu lành và nướu viêm

Căn cứ số liệu điều tra sức khỏe răng miệng quốc gia lần 3 năm 2018 cho thấy có mấy vấn đề tình trạng bệnh tật răng miệng ở Việt Nam rất cần lưu ý là: sâu răng, nha chu, chấn thương hàm mặt, ung thư miệng… vẫn còn cao. Gần một phần ba trẻ em Việt Nam có chảy máu nướu răng khi thăm khám. Ở người lớn, 45,8% - 56,3% có vấn đề về nha chu, nhiều nhất là tỉ lệ vôi răng ở người trung niên và cao tuổi rất nghiêm trọng, có nơi 90% thậm chí là 100%. Tỷ lệ có túi nha chu khoảng 32,2%.

3. Triệu chứng của viêm nướu, viêm nha chu?

Xin bác sĩ cho biết diễn tiến của bệnh nha chu. Những triệu chứng báo hiệu viêm nướu, viêm nha chu là gì?

TS.BS Ngô Đồng Khanh:

Bệnh tiến triển qua 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Hình thành các mảng bám

Ở giai đoạn này, vi khuẩn có hại tích tụ trong mảng bám ở chân răng, viền nướu, kẽ răng, bắt đầu hình thành các mảng bám vi khuẩn. Sau một khoảng thời gian nhất định, mảng bám sau đó bị vôi hóa thành vôi răng (cao răng, đá răng). Người bệnh thường không cảm thấy được dấu hiệu bất thường trong miệng ở giai đoạn này.

  • Giai đoạn 2: Bắt đầu viêm nhiễm

Theo thời gian này, vôi răng gây kích thích nướu, khiến nướu sưng phồng, nhạy cảm và dễ chảy máu khi có tác động như chải răng, ăn uống, xỉa răng...

  • Giai đoạn 3: Hình thành túi nha chu

Viêm nướu kéo dài, không được chữa trị đúng cách sẽ dẫn đến sự tiêu hủy dây chằng nha chu, tụt nướu và giữa răng và nướu sẽ hình thành túi nha chu (túi mủ) chứa vi khuẩn và chất mủ.

  • Giai đoạn 4: Xương ổ răng bị phá hủy

Các vi khuẩn tiếp tục tích tụ, sinh sôi và phát triển trong môi trường viêm nhiễm, tiếp tục phá hủy dây chằng nha chu và lan rộng phá hủy khung xương ổ răng, khiến răng lung lay, nướu tụt xuống, dễ bị tổn thương. Kết quả cuối cùng là mất dần từng chiếc răng, mất toàn bộ răng mà đôi khi răng không có bị sâu răng gì cả.

Các triệu chứng báo hiệu thường gặp khi viêm nướu, viêm nha chu

Ở giai đoạn đầu, bệnh thường tiến triển âm thầm, rất khó phát hiện. Bệnh bắt đầu có những dấu hiệu rõ ràng hơn ở các giai đoạn sau qua các dấu hiệu:

  • Nướu răng chuyển từ màu hồng sang đỏ tươi, đỏ sẫm, bị sưng hoặc căng phồng, dễ chảy máu.
  • Răng đau nhức, răng bị ê buốt. Đau khi nhai.
  • Hơi thở có mùi hôi khó chịu.
  • Nướu không bao chặt răng, làm cho răng trông dài hơn bình thường
  • Có khoảng trống mới phát triển giữa răng và nướu.

Như Tiến sĩ vừa nói, viêm nướu và viêm nha chu là hai bệnh khác nhau, xin hỏi TS.BS Ngô Đồng Khanh làm sao phân biệt 2 bệnh này ạ? Và bệnh viêm nướu, viêm nha chu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân như thế nào thưa Tiến sĩ? Nếu nướu đã bị tụt thì làm thế nào thưa Tiến sĩ?

TS.BS Ngô Đồng Khanh:

Viêm nướu và viêm nha chu là 2 bệnh khác nhau. Mặc dù có nguyên nhân và triệu chứng khá giống nhau nhưng mức độ ảnh hưởng và việc điều trị của từng loại bệnh lại không giống nhau.

  • Trước hết viêm nướu và viêm nha chu thông thường đều xuất phát từ nguyên nhân bệnh nhân có mảng bám, vôi răng do việc vệ sinh răng miệng chưa tốt. Sau khi ăn, những thức ăn còn sót lại kết hợp với nước bọt trong miệng dễ dàng hình thành nên những mảng bám trên viền nướu, quanh các chân răng, các kẽ răng, rãnh răng. Nếu bệnh nhân không chú ý làm sạch răng miệng kịp thời thì những mảng bám vi khuẩn này sẽ nhanh chóng trở thành vôi răng, lúc này chúng sẽ cứng và bám chắc hơn. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại dễ dàng hình thành và sinh sôi nảy nở, tấn công phá hủy nướu và răng.

alobacsi hình ảnh viêm nướu

  • Biểu hiện của viêm nướu là viêm nhiễm phần nướu xung quanh răng, làm nướu bị kích ứng, ửng đỏ, sưng tấy và dễ bị chảy máu. Trong khi đó, viêm nha chu lại có những biểu hiện phức tạp và nghiêm trọng hơn. Là tình trạng viêm nhiễm các tổ chức xung quanh răng gồm nướu, xương ổ răng, dây chằng nha chu. Vì vậy viêm nha chu thường có những biểu hiện nặng như: bao gồm các dấu hiệu của viêm nướu, tiêu xương ổ răng, xuất hiện túi nha chu dễ bị chảy mủ, răng lung lay và suy yếu, chân răng dài ra, miệng có mùi hôi… Trong đó dấu hiệu tiêu xương ổ răng là “thông báo” rằng bệnh đã phát triển đến mức nghiêm trọng, nguy cơ mất răng cao.
  • Viêm nướu là một trong những biểu hiện đầu tiên của viêm nha chu. Lúc này mảng bám, vôi răng gây ra những kích ứng khiến nướu bị viêm. Vì vậy việc điều trị không quá phức tạp. Nha sĩ sẽ thực hiện cạo vôi răng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ kết hợp với việc chăm sóc răng của bệnh nhân thì bệnh lý sẽ được khắc phục hiệu quả.
    Tuy nhiên, một khi bệnh lý không được điều trị kịp thời, phát triển thành nha chu viêm thì việc điều trị sẽ phức tạp và tốn kém hơn. Sau khi cạo vôi răng, bác sĩ phải xử lý phần chân răng bên dưới do vôi răng bám rất sâu dưới chân răng, có thể phải sử dụng thuốc tùy trường hợp. Viêm nha chu cho dù đã được điều trị hết thì phần xương răng đã tiêu cũng không thể tự phục hồi lại được nên khả năng tái phát cao nếu bệnh nhân không chăm sóc tốt răng miệng.

alobacsi viêm nha chu

Nếu viêm nướu không được điều trị hay điều trị không đúng cách thì sẽ dẫn đến hậu quả:

  • Viêm nha chu hủy hoại các mô có tác dụng nâng đỡ và cố định răng.
  • Tình trạng nặng dần dẫn tới việc răng lung lay nhiều, ăn nhai khó khăn, thậm chí mất răng.
  • Chỗ mô bị tổn thương dễ tích tụ nhiều vi khuẩn, sinh ra mùi hôi miệng khó chịu.
  • Làm trầm trọng các bệnh toàn thân: Vi khuẩn trong nhiễm khuẩn nha chu theo đường tuần hoàn máu tới các tế bào gây hiện tượng kháng insulin. Tuyến tụy sẽ bị suy nhược sau một thời gian dài cố gắng tiết insulin để hấp thụ glucose, lâu dần gây bệnh đái tháo đường. Vi khuẩn trong nhiễm khuẩn nha chu có thể theo đường tuần hoàn máu di chuyển đến tim gây viêm nội tâm mạc, đến khớp gây viêm khớp. Vi khuẩn trong nhiễm khuẩn nha chu làm tăng Prostaglandin gây ra sự giãn nở, co thắt tử cung dẫn tới sinh non và em bé thiếu cân khi ra đời.

Nếu viêm nha chu không được điều trị sớm hay điều trị không đúng cách thì sẽ dẫn đến hậu quả:

- Tác hại phổ biến nhất của nha chu chính là gây mất răng. Nhưng viêm nha chu còn nguy hiểm hơn thế rất nhiều. Các nghiên cứu Nha khoa ghi nhận rằng bệnh nha chu liên quan trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe toàn thân bao gồm: Đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp (nhiễm trùng phổi, viêm phổi); sinh non nhẹ cân, thấp khớp, bệnh đái tháo đường, hay thậm chí là ung thư.

- Răng miệng chúng ta không phải là một bộ phận biệt lập, nó là một phần không thể thiếu của hệ thống miễn dịch. Khoang miệng có mối liên hệ mật thiết với nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Sự mất cân bằng vi khuẩn trong miệng có thể dẫn tới các vấn đề trong chức năng miễn dịch của cơ thể. Có nhiều tài liệu y học chỉ rõ: “Bệnh nha chu có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác nhau (bao gồm ung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư thực quản). Một số biến chứng trong thai kỳ và trẻ sơ sinh bị nhẹ cân cũng có liên quan đến căn bệnh này.”

- Viêm nha chu gây tác hại nghiêm trọng như vậy bởi bản chất của nó chính là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Những vi khuẩn này có khả năng tiếp cận toàn bộ cơ thể thông qua đường máu. Chúng có thể bơi ngược dòng và xâm chiếm các khu vực khác trên cơ thể.

Nếu nướu đã bị tụt rồi thì khó hoàn nguyên, Tuy nhiên phẫu thuật tạo hình thẫm mỹ nướu có thể cải thiện được tình trạng tụt nướu, lộ răng.

4. Điều trị viêm nướu, viêm nha chu như thế nào?

Xin Tiến sĩ cho biết cách điều trị viêm nướu, viêm nha chu như thế nào? Nếu đã dẫn đến tình trạng tụt lợi thì có cách nào khắc phục không ạ?

TS.BS Ngô Đồng Khanh:

Mục tiêu của điều trị bệnh nha chu là làm sạch triệt để các túi nha chu và ngăn ngừa tổn thương cho xương xung quanh. Người bệnh có cơ hội điều trị thành công khi áp dụng thói quen chăm sóc răng miệng tốt hàng ngày và ngừng sử dụng thuốc lá.

Có 4 loại điều trị căn bản đối với viêm nha chu:

  • Điều trị khẩn cấp,
  • Điều trị không phẫu thuật
  • Điều trị phẫu thuật
  • Điều trị duy trì.

Điều trị khẩn khi nướu (lợi), niêm mạc bị áp xe, có ổ mủ

Tình trạng nướu, niêm mạc bị áp xe có ổ mủ, sờ thấy phập phều, ấn nhẹ vào nướu có mủ hoặc máu chảy ra, gây đau nhức khó chịu, ăn nhai khó khăn. Điều trị khẩn bằng cách rạch thoát mủ, điều trị nội khoa với việc dùng kháng sinh, kháng viêm, giảm đau; súc miệng với nước súc miệng kháng khuẩn.

Tuy nhiên cần lưu ý là người bệnh không nên tự ý mua thuốc mà phải đến Phòng khám chuyên khoa RHM để Bác sĩ khám và có phác đồ điều trị thích hợp. Nếu không điều trị đúng cách, dứt điểm sẽ dẫn đến tình trạng viêm nha chu mạn tính, lâu dần sẽ gây viêm nặng, gây cơn cấp tính, cứ tái diễn theo chu kỳ, tạo nguy cơ nhiễm trùng lan rộng thậm chí khiến răng lung lay, mất răng vĩnh viễn, nhiễm trùng toàn thân, có khi nguy hiễm đến tính mạng.

Điều trị không phẫu thuật là cách thức thường được áp dụng nhất với 2 bước:

Bước 1: Bác sĩ Nha khoa đánh giá các yếu tố thuận lợi cho việc lưu giữ mảng bám, cản trở vệ sinh răng miệng và kiểm soát mảng bám vi khuẩn.

Bước 2: Loại bỏ các khả năng thuận lợi cho việc lưu giữ mảng bám, ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn gây hại bằng nhiều phương pháp, phù hợp với tình trạng răng của bệnh nhân:

  • Cạo vôi răng (cao răng) là thủ thuật được chỉ định cho tất cả kế hoạch điều trị viêm nha chu. Cạo vôi để loại bỏ vôi răng và vi khuẩn khỏi bề mặt răng và bên dưới nướu. Nó có thể được thực hiện bằng dụng cụ cầm tay, laser hoặc thiết bị sóng siêu âm.
    • Chỉnh sửa hoặc thay thế những miếng trám lỗi, sai kỹ thuật
    • Chỉnh sửa hoặc thay thế những phục hình lỗi, sai kỹ thuật
    • Đánh giá và chỉ định răng buộc phải loại bỏ không giữ được
    • Cố định răng lung lay
    • Thực hiện phục hình tạm khi cần thiết

Phương pháp điều trị viêm nha chu phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh nha chu. Nếu viêm nha chu được phát hiện sớm khi còn ở giai đoạn viêm nướu, và chưa ảnh hưởng đến cấu trúc nâng đỡ dưới răng, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cải thiện cách vệ sinh răng miệng hằng ngày sau khi được vệ sinh chuyên sâu với phương pháp cạo vôi răng. Ở bước này, mảng bám và vôi răng được cẩn thận loại bỏ từ sâu dưới đáy của túi nha chu.

Quá trình điều trị này có thể kéo dài trong vài lần hẹn, tùy thuộc vào tình trạng viêm nha chu của bệnh nhân. Bề mặt chân răng được làm sạch, trơn láng, tạo điều kiện cho tế bào nướu lành thương và kết nối lại vào chân răng. Quy trình này được gọi là “vệ sinh nha chu” hay “làm sạch sâu” và thường cần nhiều lần hẹn để hoàn thành.

Bác sĩ nha khoa có thể kê toa thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc uống có thể giúp kiểm soát nhiễm khuẩn. Kháng sinh đường uống cần thiết để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây nhiễm trùng, thuốc kháng sinh tại chỗ có thể bao gồm nước súc miệng kháng khuẩn hoặc bôi gel có chứa kháng khuẩn vào khoảng trống giữa răng và nướu hoặc vào túi sau khi làm sạch sâu. Bác sĩ nha khoa có thể kê toa thuốc kháng viêm, giảm đau hoặc thuốc giúp mau lành thương.

Nếu bệnh nhân có thói quen hút hoặc nhai thuốc lá, cần nhanh chóng loại bỏ thói quen này. Bác sĩ RHM có thể tư vấn cho bạn gặp chuyên gia về thể chất trong trường hợp viêm nha chu ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quan của toàn bộ cơ thể.

Làm láng gốc răng (Root planing) làm mịn bề mặt chân răng, ngăn chặn tích tụ vôi răng và vi khuẩn và loại bỏ các sản phẩm phụ của vi khuẩn góp phần gây viêm/trì hoãn chữa lành hoặc gắn dính lại nướu lại lên bề mặt răng. Khi quá trình làm sạch chân răng hoàn thành, bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân tái khám vài tuần sau đó.

alobacsi vệ sinh chân răng

Điều trị phẫu thuật đối với trường hợp viêm nặng

Phẫu thuật loại bỏ túi nha chu: Làm giảm độ sâu túi nha chu, thuận lợi cho việc vệ sinh làm sạch mảng bám vi khuẩn trên răng. Thuật ngữ chuyên môn gọi là phẫu thuật giảm túi (Flap surgery).

alobacsi phẫu thuật điều trị viêm răng

Phẫu thuật ghép mô mềm: Bệnh nhân bị nha chu khiến tụt nướu, lộ chân răng nếu để lâu sẽ phá hủy mô nướu và xương quanh răng. Phẫu thuật có thể tiến hành ở 1 hoặc nhiều răng đem lại sự hài hòa của đường viền nướu và cải thiện tình trạng ê buốt răng.

Ghép xương (Bone grafting): Phương pháp này được thực hiện khi viêm nha chu đã phá hủy xương xung quanh chân răng. Mảnh ghép có được lấy từ các mảnh xương nhỏ của người bệnh hoặc xương tổng hợp hoặc hiến tặng. Ghép xương giúp ngăn ngừa mất răng bằng cách giữ răng cố định, tạo nền tảng cho xương được tái tạo lại.

Protein kích thích mô: Một kỹ thuật khác liên quan đến việc sử dụng một loại gel đặc biệt bôi vào chân răng bị bệnh. Gel này chứa các protein tương tự được tìm thấy trong sự phát triển men răng và kích thích xương và mô phát triển khỏe mạnh.

Cấy ghép Implant: Viêm nha chu gây mất răng vĩnh viễn hoặc răng lung lay không thể bảo tồn thì bác sĩ sẽ tư vấn cấy ghép implant để duy trì chức năng ăn nhai, khuôn miệng, đem lại nụ cười tự tin và giảm thiểu nguy cơ tiêu xương

Điều trị duy trì (tái khám) sau điều trị bệnh nha chu)

Sau khi áp dụng các phương pháp điều trị tích cực và nha chu ổn định, người bệnh cần được kiểm tra, theo dõi, thăm khám định kỳ và áp dụng điều trị duy trì nhằm mục đích kiểm soát, ngăn ngừa bệnh tái phát và tiến triển.

5. Vôi răng hình thành như thế nào? Khi nào nên cạo vôi răng?

Tiến sĩ vừa nhắc đến vôi răng (cao răng). MC có thắc mắc là vôi răng hình thành như thế nào ạ? Khi nào nên đi lấy vôi răng?

TS.BS Ngô Đồng Khanh:

Vôi răng hình thành từ những mảng vụn thức ăn còn dư thừa và chưa được làm sạch trên bề mặt răng hoặc giữa răng với nướu. Sau một thời gian, những mảng bám này sẽ bị vôi hoá do khoáng chất có trong nước bọt và trở nên cứng hơn, không thể làm sạch bằng bàn chải bình thường.

Vôi răng (cao răng, đá răng) hình thành từ những mảng bám, mảnh vụn thực phẩm chưa được làm sạch trên bề mặt răng hoặc giữa răng với nướu. Sau một thời gian, những mảng bám này sẽ bị vôi hoá do khoáng chất có trong nước bọt và trở nên cứng hơn, không thể làm sạch bằng bàn chải bình thường. vôi răng bám thành lớp dày ở thân răng, dưới nướu răng, ban đầu có màu trắng đục sau bị nhiễm màu thành vàng, vàng nâu, xám đục, xám đen gây mất thẩm mỹ.

Vôi răng tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn có hại cho răng phát triển, từ đó gây ra các bệnh như: viêm nướu, viêm nha chu... ảnh hưởng lớn đến sức khỏe răng miệng.

alobacsi vôi răng, cao răng

Khi nào nên cạo vôi răng?

  • Đối với bệnh nhân có sức khỏe răng miệng tốt, vôi răng ít nên đến Phòng khám chuyên khoa RHM để lấy vôi răng khoảng 6 tháng/lần.
  • Đối với khách hàng có men răng không trơn láng, tích tụ nhiều mảng bám thức ăn do thường xuyên uống trà, cà phê, hút thuốc... nên lấy vôi răng 3-4 tháng/lần.

Nếu để lâu ngày không lấy vôi răng thì có thể gây viêm nướu, nặng hơn là viêm nha chu. Vôi răng cũng là thủ phạm khiến cho hơi thở của bạn nặng mùi.

Thường xuyên nên khám răng định kỳ 3 hoặc 6 tháng/ lần để chúng ta biết được tình trạng răng miệng hiện tại, sớm phát hiện sớm các bệnh lý răng miệng nói chung; bệnh viêm nướu, nha chu nói riêng và được bác sĩ điều trị kịp thời.

alobacsi cạo vôi răng, lấy cao răng

Những lưu ý sau khi cạo vôi răng

Việc đánh răng hàng ngày chỉ có thể làm sạch khoang miệng nhưng không thể loại bỏ hết những mảng bám còn sót lại. Vì vậy, sau khi cạo vôi răng theo định kỳ, người bệnh nên lưu ý những điều sau đây:

  • Có thể có ê buốt khi chải răng. Tuy nhiên chúng ta không nên sợ hãi khi chải răng. Nên chải răng với kem chống ê buốt thường xuyên sau mỗi bữa ăn.
  • Sử dụng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ răng, nước súc miệng... để loại bỏ sạch các mảng bám thức ăn và ngăn cao răng hình thành.
  • Hạn chế đồ ăn có nhiều đường, đồ ăn vặt. Đồng thời uống nhiều nước trong và sau bữa ăn để tránh tạo mảng bám cho răng.
  • Nghiên cứu cho thấy người hút thuốc lá rất dễ hình thành vôi răng, vì vậy phải hạn chế tối đa việc hút thuốc lá.

Lấy vôi răng sẽ phát huy hiệu quả nếu thực hiện đúng như chỉ định của các bác sĩ, là chỉ nên lấy vôi răng theo định kỳ khoảng 3 đến 6 tháng/1 lần. Không nên lạm dụng để lấy vôi răng quá thường xuyên, để tránh ảnh hưởng đến men răng.

6. Sau khi cấy ghép imlant có bị viêm nha chu nữa không?

Cũng có một vài bạn đọc gửi câu hỏi đến AloBacsi, cụ thể bạn đang bị mất răng do viêm nha chu và cũng tìm hiểu nhiều thông tin trên báo đài thì được biết ghi cấy ghép implant để khắc phục vị trí răng bị mất thì vẫn có thể gặp phải tình trạng viêm nha chu sau khi cấy ghép Implant nếu vẫn giữ thói quen chăm sóc răng miệng như trước, điều này đúng không thưa BS?

TS.BS Ngô Đồng Khanh:

Ngày nay cấy ghép răng và phục hình implant có thể giúp ích rất tốt cho các trường hợp mất răng, trong đó có mất răng do nha chu. Một kế hoạch điều trị đúng chuẩn là trước khi cấy ghép răng thì tình trạng vệ sinh răng miệng của bệnh nhân phải tốt, các bệnh lý răng miệng tổng quát phải được xử lý tốt từ triệu chứng đến nguyên căn. Bệnh nhân phải thay đổi hành vi của mình như phải có thói quen và thực hành vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách, giảm và tiến tới bỏ hút thuốc, hạn chế rượu bia…

Nếu việc giữ gìn thực hiện vệ sinh răng miệnh không thường xuyên và đúng cách có thể gây viêm nhiễm quanh implant, nhiễm trùng nặng có thể đào thải vật ghép… Nhận định của bạn thật đúng.

7. U ở nướu răng là u gì, có phải là ung thư không?

Nhiều bệnh nhân gửi hình chụp nướu, lợi của họ phát hiện những u, cục bất thường. Theo họ mô tả thì có cái đau, có cái không đau, có cái cứng, có cái mềm… trong số đó, rất nhiều người lo sợ ung thư. Theo bác sĩ thì tình trạng sưng viêm, nổi u cục ở nướu (lợi) có dễ phân biệt với ung thư giai đoạn sớm hay không?

TS.BS Ngô Đồng Khanh:

Vấn đề vừa nêu trong câu hỏi liên quan đến bệnh lý của nướu răng. Vậy thì phải biết đó là một u riêng lẻ hay nhiều u, (đa u), u có tính chất như thế nào, mềm, dai chắt hay cứng rắn, có gây đau hay không? có dễ chảy máu hay không? Trong phạm vi câu hỏi này có thể nghĩ đến một số nguyên nhân như sau:

1. Do viêm nhiễm: (liên quan với yếu tố kích thích tại chỗ như vôi răng, cạnh răng sắc bén, nhồi nhét thức ăn, đôi khi yếu tố tại chỗ được làm nặng hơn do yếu tố toàn thân như kinh nguyệt, thai nghén, dùng thuốc chống động kinh…) lúc đó u mềm, chạm vào thì đau và dễ chảy máu. Trong lúc chờ đến phòng khám chuyên khoa RHM, bệnh nha chu có thể tạm thời tự xử trí bằng cách tăng cường vệ sinh răng miệng, làm sạch các vùng kẽ răng, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn chứa chlorhexidine là hiệu quả nhất.

2. Do tân sinh lành tính: U dai chắc như sợi không đau, u làm phồng xương dưới nướu, không chảy máu, tăng kích thước dần dần. Một vấn đề thường bị lầm với u nướu là lồi xương ổ: Đấy là nhiều u cứng, không đau thường khu trú ở mặt ngoài xương hàm trên hay mặt trong xương hàm dưới. Những trường hợp nên đến phòng khám chuyên khoa RHM, thường thì phẫu thuật cắt bỏ và tạo hình lại nướu răng.

3. Do tân sinh ác tính hay ung thư có thể là ung thư tại chỗ của nướu (u tăng sinh sùi, loét, không đau lớn nhanh, nổ hạch cổ) hay ung thư máu (nhiều cục u, nướu tăng sinh phủ thân răng, chảy máu nướu tự phát, không đau, nổi hạch ở nhiều vị trí) tình trạng này cần xét nghiệm thêm để xác định chẩn đoán và có hướng xử trí thích hợp.

8. Phương pháp đánh răng như thế nào là đúng cách?

Trở lại phương pháp “truyền thống” nhất là đánh răng, tưởng chừng ai cũng thuộc làu vì chúng ta đều được thực hành từ tấm bé. Thế nhưng gần đây các chuyên gia cảnh báo đa số mọi người chải răng sai cách, thậm chí cũng có người chưa biết lấy lượng kem đánh răng bao nhiêu là vừa đủ. Nhân dịp này nhờ BS hướng dẫn cách chải răng đúng ạ?

TS.BS Ngô Đồng Khanh:

Về phương pháp chải răng:

- Chải thế nào cũng được
- Chải theo phương pháp
- Chọn lựa phương pháp thích hợp

Thật ra phương pháp chải không quan trọng bằng cách chải sao cho tránh bỏ sót các mặt răng, cách phủ và bảo lưu Fluor trên răng, trong miệng trong khoảng thời gian nhất định; thời lượng chải; thời điểm chải.

  • Chải ngay sau khi ăn và trước khi đi ngủ hay ít nhất ngày 2 lần
  • Lần chải răng quan trọng là tối trước khi ngủ và sáng sau khi ăn sáng xong
  • Thời gian chải răng: 2-3 phút
  • Khi chải răng với kem có Fluor nếu chải quá nhanh, súc miệng liên tục thì sẽ làm giảm hiệu quả tác động của Fluor. Ngậm và tráng đều Fluor trên mặt răng ít phút sau đó mới súc miệng. Hạn chế súc miệng với nhiều nước.

Chúng ta có thể xem video clip minh họa sau đây.

9. Vì sao phải dùng nước súc miệng?

Song song với việc đánh răng mỗi ngày, việc sử dụng nước súc miệng cũng đã rất quen thuộc trong cộng đồng. Có người đi công tác, du lịch chỉ đem chai nước súc miệng thay cho việc đem theo bàn chải và kem đánh răng. Tuy nhiên, khi dùng lại có vô số thắc mắc như: Nước súc miệng có bao nhiêu loại? nên súc miệng vào những thời điểm nào? Ngậm nước súc miệng trong bao lâu? Nước súc miệng nào dùng cho viêm nướu, viêm nha chu?

TS.BS Ngô Đồng Khanh:

Súc miệng, súc họng sát khuẩn không chỉ tiêu diệt vi sinh vật gây hại, ngăn chúng xâm nhập vào vùng hầu họng mà còn tiêu diệt khi chúng nhân lên phá vỡ tế bào chui ra ngoài, phòng lây nhiễm cũng như chống chúng phát tán mạnh hơn. Súc miệng, súc họng sát khuẩn nhiều lần rất quan trọng để hỗ trợ loại trừ nguy cơ bị lây nhiễm đồng thời làm giảm lượng vi sinh vật có hại trong xoang miệng.

Súc miệng như thế nào, lúc nào, để làm gì? Và nên sử dụng dung dịch gì?

Xoang miệng là một nơi chứa nhiều vi sinh vật, (lợi có, hại có), những mảnh vụn của tế bào bong tróc từ niêm mạc miệng và mảnh vụn thức ăn ngâm trong nước bọt và dịch cơ thể khác như dịch nướu và thâm chí huyết thanh và máu. Súc miệng với nước là một biện pháp cơ học để làm sạch răng miệng, và nếu có thêm tác nhân kháng khuẩn vào nước thì đó là một biện pháp sinh cơ học. Súc miệng cần tuân thủ theo một quy trình nhất định là ngậm trong miệng một ngụm dung dịch (5-10 ml), dùng các cơ miệng và lưỡi để đưa dung dịch lưu chuyển trong miệng và tiếp xúc với các bề mặt trong miệng trong vòng 1 phút rồi nhổ ra. Sau đó thì không ăn uống trong vòng 1/2 giờ tiếp theo.

Vậy thì cần súc miệng khi nào? Để bảo vệ sức khỏe răng miệng thì súc miệng sau chải răng là một biện pháp vệ sinh răng miệng được thực hiện 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối. Hiện nay trước khi tiến hành điều trị răng miệng, bệnh nhân được yêu cầu súc miệng với nước súc miệng kháng khuẩn để giảm tải lượng vi sinh vật, và virus nếu có, trong miệng để hạn chế lây nhiễm chéo nhất là khi sử dụng các thiết bị điều trị phun sương.

Cần phân biệt giữa các nước súc miệng kháng khuẩn dùng hằng ngày như CPC, tinh dầu, với nước súc miệng sát khuẩn dùng để trị bệnh viêm nhiễm trong miệng như Chlorhexidine hay Povidone. Nước súc miệng sát khuẩn được sử dụng theo chỉ định của Bác sĩ RHM để tránh gây xáo trộn cân bằng sinh học miệng.

Còn súc miệng bằng nước muối thì sao? Nước muối là dung dịch súc miệng thông dụng và sẵn có nhất nhưng cần được pha loãng đúng nồng độ, quá mặn có thể làm bỏng loét niêm mạc hầu họng (1 lít nước đun sôi để nguội pha với 9 g muối để có nồng độ 0,9 %). Đây là nồng độ chuẩn có thể đảm bảo an toàn khi dùng súc họng.

Tại sao cần sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn trong chề độ vệ sinh răng miệng hàng ngày?

1. Chải răng chủ yếu chỉ làm sạch răng trong 70% diện tích trong xoang miệng là niêm mạc miệng. Niêm mạc miệng được xem là hồ chứa vi khuẩn gây bệnh.

2. Mối liên kết giữa bệnh răng miệng và bệnh toàn thân thông qua mảng bám vi khuẩn dưới nướu thể hiện bệnh nha chu có liên quan chặc chẽ với các bệnh toàn thân: bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, bệnh tiểu đường, rối loạn thai kỳ, béo phì, ung thư tuyến tụy, bệnh chàm…

3. ADA đã công nhận 2 dạng nước súc miệng chống mảng bám và phòng viêm nướu; nước súc miệng có chứa tinh dầu và nước súc miệng có chứa Chlorexidine.

10. Chọn nước súc miệng như thế nào?

Như bác sĩ vừa chia sẻ về nước súc miệng sử dụng trong điều trị vấn đề về viêm nướu viêm nha chu thường có chứa Chlorhexidine giúp làm sạch mảng bám, vậy thì nước súc miệng có chứa Chlorhexidine có bao nhiêu loại, và khác nhau giữa các loại này như thế nào thưa bác sĩ?

Chlorhexidine là một bisbiguanid có tác dụng khử khuẩn và sát khuẩn. Nghiên cứu cho thấy, hoạt chất này có tác dụng đối với cả vi khuẩn gram dương, gram âm, nấm men và virus ưa lipid (bao gồm cả HIV). Hiện nay, hoạt chất Chlorhexidine được sử dụng trong nhiều chế phẩm nhằm làm sạch, sát khuẩn vết thương, da, vết bỏng, đường âm đạo và vô khuẩn các thiết bị/ dụng cụ y tế.

Bên cạnh đó, Chlorhexidine còn được bào chế ở dạng dung dịch súc miệng nhằm ức chế vi khuẩn, hạn chế hình thành cao răng và ngăn ngừa các bệnh lý răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng,… Các nhà khoa học nhận thấy, hiệu quả kháng khuẩn của Chlorhexidine có thể kéo dài đến 8 giờ.

Nước súc miệng Chlorexidine chứa Chlorhexidine gluconate 0,1mg, 0,12 mg, 0,2 mg hay 20mg (Chlorhexidine 0,1%, 0,12%, 0,2% hay 20%). Nước súc miệng chứa Chlorhexidine có 2 loại: Nồng độ Chlorhexidine thấp, pha loãng khi sử dụng và loại nồng độ Chlorhexidine cao dùng trong các trường hợp viêm nhiễm nặng, chuyển từ viêm nướu sang viêm nha chu.

Hiện nay, có sản phẩm kết hợp Chlorhexidine với Chlorobutanol vừa giúp diệt khuẩn, diệt nấm, ức chế mảng bám, làm dịu nhanh chóng những khó chịu sưng đau đồng thời có tác động cân bằng hệ vi khuẩn khoang miệng.

Một điểm cần lưu ý là khi có viêm nướu, đặc biệt viêm nha chu thì cần phải có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt. Bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp điều trị thích hợp. Vệ sinh răng miệng bằng chải răng với kem đánh răng, dùng chỉ nha khoa, chải lưỡi, súc miệng với nước kháng khuẩn hay sát khuẩn đều chỉ là biện pháp hỗ trợ cho phương pháp điều trị có hiệu quả và cho kết quả nhanh chóng mà thôi.

10. Làm sao để có hàm răng chắc khỏe?

TS.BS Ngô Đồng Khanh:

  • Thực hành vệ sinh răng miệng tốt. Chải răng với kem có fluor ít nhất 2 lần trong ngày trong đó lần chải răng quan trọng nhất là tối trước khi đi ngủ và sáng sau khi ăn sáng xong. Dùng chỉ nha khoa làm sạch các kẽ răng. Súc miệng sau khi chải răng. Hạn chế dùng tăm xỉa răng hay các vật cứng, nhọn tiếp xúc với răng.
  • Dinh dưỡng cân bằng và hợp lý. Ăn nhiều chất xơ, rau, trái cây tươi. Hạn chế các loại thực phẩm chứa chất ngọt, tinh bột, dùng đường vào bữa ăn chính.
  • Khám răng và làm sạch vôi răng định kỳ tại Phòng khám chuyên khoa RHM để được tư vấn, vệ sinh răng miệng phòng tránh các bệnh về răng miệng, trong đó có viêm nướu và bệnh nha chu.

Đồng thời, bác sĩ, điều dưỡng nha khoa… phải giúp người bệnh, cộng đồng, nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của vệ sinh răng miệng và tạo “động lực” cho họ tự giữ gìn vệ sinh răng miệng.

Quý khán giả thân mến,

Ông bà ta có câu “cái răng, cái tóc là góc con người”. Khi có tuổi, người ta không khó để che đi mái tóc pha sương, nhưng đâu dễ giữ được hàm răng chắc khỏe. Vì vậy, hãy chăm sóc răng miệng ngay từ khi còn trẻ để giữ mãi nụ cười tươi khi về già, không viêm nướu, không viêm nha chu, không mất răng.

Hy vọng rằng, những thông tin hữu ích từ TS.BS Ngô Đồng Khanh sẽ giúp quý khán giả thay đổi cách chăm sóc riêng miệng để nướu khỏe, răng chắc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X