Hotline 24/7
08983-08983

Hiểu về bệnh lý một đường thở Hen và Viêm Mũi Dị ứng

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên - Khoa thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hen phế quản và viêm mũi dị ứng thường đi cùng với nhau. Nếu xuất hiện cùng lúc sẽ khó khăn để điều trị nhưng nếu chỉ một bệnh đơn lẻ phải tìm bệnh lý còn lại thì chữa trị mới hiệu quả.

1. Phân biệt viêm mũi và cảm cúm

Nhiều khán giả/độc giả gửi câu hỏi về cho AloBacsi, đặc biệt là trong thời tiết chuyển mùa như hiện nay, vì sao trong một gia đình từ người lớn đến trẻ nhỏ đều bị hắt hơi, sổ mũi rất nhiều? Không biết có bệnh lý nào vừa là mũi vừa là phổi luôn không thưa BS?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Hắt hơi có nhiều nguyên nhân như bị cảm, dị ứng với chất xịt mũi, dị ứng với bụi,… Triệu chứng này có thể xảy ra ở tất cả mọi người.

Viêm mũi được biết đến qua “4 chữ N” là nhảy mũi - chảy nước mũi - nghẹt mũi - ngứa mũi.

Khi bị cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi sẽ gọi là viêm mũi. Nhưng nếu thường xuyên xảy ra và có tác nhân kích ứng đường thở bằng các chất gây dị ứng như bụi, nấm mốc, phấn hoa, lông thú cưng,… sẽ gọi là viêm mũi dị ứng.

Khi hắt hơi, giọt bắn sẽ lan tràn, lơ lửng trong không khí khoảng 12m. Giọt bắn có thể mang virus cảm cúm đi khắp nơi và gây triệu chứng nên gọi là bệnh lây gây ra cảm cúm.

Tuy nhiên khi bị cảm cúm sẽ có sốt, còn dị ứng sẽ không sốt. Bên cạnh đó, người bị dị ứng sẽ hay chà vào mũi vì ngứa.

2. Vì sao cùng một triệu chứng nhưng lúc gọi là viêm mũi dị ứng, lúc gọi là viêm phế quản?

Thưa BS, tại sao cũng với những triệu chứng đó nhưng khi đi khám bác sĩ này chẩn đoán viêm mũi dị ứng, đi bác sĩ khác lại chẩn đoán là viêm phế quản? Nhờ BS giải thích cho khán giả hiểu rõ hơn, tại sao lại có vấn đề này ạ?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Một số người chỉ có triệu chứng ở mũi như hắt hơi, sổ mũi, nhưng một số người sẽ có triệu chứng khò khè.

Khi những em bé hắt hơi, sổ mũi một lúc sẽ nghe tiếng “khụt khịt” hoặc trẻ sơ sinh mũi nhỏ nên khi có đờm sẽ nghe khò khè và phụ huynh nghĩ đó là viêm phế quản.

Nhưng có những người khò khè do đường hô hấp dưới. Vì là một đường thở nên mọi thứ hít từ mũi sẽ đi vào phổi và những chất gây dị ứng bay lơ lửng trong không khí sẽ đưa thẳng từ mũi vào trong phế quản, nếu đậu trên đường lót niêm mạc của mũi sẽ gây viêm mũi. Sau đó bay vào đến phế quản sẽ nằm trên đường lót trên phế quản lại gây viêm phế quản. Vì vậy lúc gọi là viêm mũi, lúc gọi là viêm phế quản, tuy nhiên 2 vấn đề này có thể liên lạc với nhau và làm bệnh trầm trọng hơn.

3. Bệnh lý một đường thở là gì?

Nhờ BS tư vấn cụ thể hơn cho quý vị khán giả về khái niệm bệnh lý một đường thở là gì ạ?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Mũi dùng để thở, nên khi hít thở mọi thứ đi vào mũi là đi vào trong “cửa ngõ của thành phố” đến “trung tâm” cơ thể là phổi.

Mũi là “bộ đội biên phòng” đứng giữ biên cương. Trong mũi có lông mũi, có niêm mạc mũi và hệ thống chất nhầy, để cản vật lạ, vật nguy hiểm, sau đó chất đàm sẽ đẩy toàn bộ vật lạ ra ngoài sạch sẽ.

Cơ chế rất tuyệt vời của mũi là giữ ấm, làm ẩm, làm sạch đường thở giúp không khí vào trong phế quản để dùng làm nguồn năng lượng nuôi cả cơ thể. Nếu mũi mắc bệnh do một chất nào đó như bụi, nấm mốc,… kích ứng lên đường thở, niêm mạc của mũi làm mũi bị viêm thì khi đó sẽ tạo ra chất trung gian.

Khi kích ứng đường thở, đường thở sẽ tạo ra “quân đội đánh lại”, đây là phản ứng bình thường của cơ thể nhưng phản ứng quá mức gọi là dị ứng. Trong vài phút đầu tiên gặp bụi bặm lập tức chúng ta hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi vì tiết ra chất histamine làm mũi sưng lên, tiết nước mũi, làm nề và gây nghẹt mũi. Các bé nhỏ khi chà mũi sau đó đẩy mũi lên thì lâu ngày sẽ tạo thành một đường trên mũi, gọi là “lời chào dị ứng”.

Khi những hóa chất trung gian lấn dần vào phế quản một cách trực tiếp hoặc vào trong máu và tấn công đường hô hấp dưới, sẽ khởi phát lên các triệu chứng sưng nề. Lúc đó đường thở mẫn cảm hơn với những chất gây dị ứng sẽ làm co thắt đường thở, trên mũi thì sưng nề, đầy nước, dịch viêm, trong phế quản cũng vậy và phế quản co thắt lại trẻ sẽ bị khò khè, khó thở. Nên gọi đây là bệnh lý một đường thở.

Đầu tiên cơ thể sẽ tiết ra chất histamine trong vòng vài nốt nhạc, nếu vẫn tiếp tục để thì dần dần chất đó sẽ kích thích chất viêm cytokine, hiện tượng muộn về sau là sưng đường thở kéo dài dai dẳng.

4. Có phải viêm mũi dị ứng sẽ dẫn đến hen phế quản và ngược lại?

Bệnh hen phế quản và viêm mũi dị ứng giống như cặp bài trùng. Vậy vấn đề này thường gặp ở độ tuổi nào, ai sẽ là đối tượng dễ mắc phải nhất? Nếu bệnh viêm mũi dị ứng tái đi tái lại nhiều lần có chuyển qua hen phế quản không? Có phải bệnh nhân hen thì thường đến một thời điểm nào đó sẽ mắc thêm bệnh viêm mũi dị ứng không thưa BS?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Cấu trúc của mũi và cấu trúc của phế quản có những thành phần tương tự nhau. Vì vậy, khi tiết ra những chất viêm thì cả 2 vị trí có thể bị viêm cùng một lúc. Một số trường hợp viêm mũi lâu ngày cũng kích ứng lên làm hen xuất hiện. Nhưng có những người bị hen đầu tiên và sau đó đi kèm với viêm mũi dị ứng.

Vì cấu trúc gần giống nhau nên gọi mũi và phế quản là một cơ quan, khi thể hiện ở mũi sẽ gọi là viêm mũi, còn thể hiện ở phế quản gọi là viêm phế quản hay hen phế quản, chỉ là thể hiện nổi bật ở vị trí nào chứ không phải không viêm ở vị trí còn lại.

Đây là một cơ quan, tùy vào giai đoạn, có những bé lúc nhỏ bị viêm mũi, dần dần về sau dễ mắc hen phế quản; có những người chỉ bị viêm mũi; nhưng có những người bị hen. Vì vậy, đối với những người hay bị sổ mũi, nghẹt mũi phải đi tìm bệnh lý viêm mũi, sau đó tầm soát xem hen đã xuất hiện chưa hay đã tác động mà chúng ta không biết.

Bên cạnh đó, có những người bị hen trị hoài không khỏi, nên phải tìm xem có viêm mũi đồng hành không, hay gọi là đồng mắc không?.

Hen phế quản và viêm mũi dị ứng là cặp bài trùng. Nếu xuất hiện cùng lúc sẽ khó khăn để điều trị nhưng nếu không xuất hiện cùng lúc phải tìm bệnh lý còn lại để đạt hiệu quả trong quá trình điều trị.

5. Điều trị hen phế quản và viêm mũi dị ứng cùng lúc có khó khăn không?

Qua các thông tin BS chia sẻ từ đầu chương trình cũng thấy rằng tỷ lệ đồng mắc 2 bệnh lý khá cao. Vậy điều trị cả 2 bệnh hen phế quản và viêm mũi dị ứng cùng một lúc có khó khăn gì hơn hay không và người bệnh cần phải chú ý những vấn đề gì?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Phải có yếu tố kích phát mới xảy ra viêm. Nếu đã viêm rồi thì nhiệm vụ là điều trị viêm, điều trị yếu tố gây kích phát và điều trị triệu chứng.

Chúng ta có phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc như:

- Khi xuất hiện hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi… sẽ tạo histamine nên phải dùng thuốc anti-histamine để cắt đứt đường tạo ra histamine, dẫn đến giảm sổ mũi, nghẹt mũi. Khi không sổ mũi, nghẹt mũi nữa sẽ không gây kích ứng mũi và phế quản được hưởng lợi.

- Những chất như cysteinyl leukotriene sẽ dùng anti-cysteinyl leukotriene để cơ thể không bị sưng nề, viêm, co thắt ở mũi, cũng như phế quản.

- Nên dọn dẹp nhà cửa để nấm mốc không xuất hiện, không tiếp xúc với lông thú cưng,… để các chất kích ứng không khởi phát lên tình trạng viêm.

- Ngoài ra, phải đến gặp bác sĩ để điều trị tình trạng viêm dai dẳng. Nếu viêm mũi kéo dài sẽ được cho sử dụng corticosteroid xịt mũi, nếu bị hen phế quản dai dẳng sẽ sử dụng corticosteroid để điều trị viêm trên đường hô hấp dưới. Bên cạnh đó, còn có sản phẩm 2 trong 1 để những bệnh nhân vừa hen vừa viêm mũi dị ứng ít dùng thuốc mà vẫn hiệu quả.

6. Thuốc chống dị ứng có điều trị hết hen kèm viêm mũi dị ứng?

Khi bị hắt hơi, sổ mũi chúng ta thường có thói quen ra nhà thuốc và được kê thuốc chống dị ứng. Vậy nếu bị bệnh lý hen kèm viêm mũi dị ứng, liều dùng thuốc chống dị ứng có điều trị hết không, thưa BS?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Khi viêm mũi sẽ chảy mũi dữ dội, nhưng không gây tử vong mà chỉ làm khó chịu. Tuy nhiên co thắt đường thở sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên chúng ta phải đặt lên bàn cân sự ưu tiên.

Nếu co thắt phế quản xảy ra đồng thời với chảy mũi thì phải mở đường thở (giãn phế quản) để đường thở rộng lên, không khí đưa vào và thở ra được, từ đó giúp trẻ sống. Đây là phương pháp tiên quyết để cứu người, còn hắt hơi, sổ mũi sẽ điều trị sau.

Tuy nhiên nếu chỉ có chảy mũi, khò khè thì anti-histamine sẽ giúp tình trạng chảy mũi giảm đi, viêm mũi trở nên dễ chịu hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Không phải loại anti-histamine nào cũng có thể dùng cho trẻ. Tất cả anti-histamine đều dựa trên độ tuổi để được sử dụng, không nên lấy thuốc của người lớn cho trẻ uống. Vì vậy phải nói với dược sĩ con mình 6 tháng hay 2 tuổi, 3 tuổi… để biết loại nào được phép sử dụng cho trẻ.

7. Có cách nào để dự phòng sớm bệnh lý một đường thở?

Như BS vừa chia sẻ, việc kiểm soát 2 bệnh này cần nhiều nỗ lực của các BS lẫn người bệnh. Vậy có cách nào để dự phòng sớm bệnh lý một đường thở đồng mắc hen phế quản và viêm mũi dị ứng không, thưa BS?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Muốn không bị kích ứng phải:

- Dọn dẹp nhà cửa để loại bỏ bụi bặm, mạt nhà (trong ga giường), nấm mốc,…

- Khi đi ra đường ô nhiễm không khí, bụi bẩn nhiều nên phải mang khẩu trang cho trẻ, đây là cách phòng từ xa.

- Nên rửa tay vì sẽ làm các vật dễ lây như siêu vi, cúm không tấn công được.

- Nước muối có thể nhỏ mũi, xịt mũi cho các chất dị ứng trôi ra ngoài. Người bị nghẹt mũi dùng nước muối ưu trương sẽ giúp giảm triệu chứng, thải được các chất gây dị ứng ra ngoài, giúp vùng mũi thông thoáng, thực hiện được nhiệm vụ làm ấm, làm ẩm và giữ sạch cho đường thở.

Một khi đã xảy ra thì phải dùng anti-histamine. Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể dùng desloratadine, hiện nay Việt Nam còn có loại desloratadine siro, dùng 1 lần/ngày thuận tiện cho trẻ nhỏ và phụ huynh. Đây là loại thuốc không cần kê toa nên có thể ra hiệu thuốc mua được.

Khi triệu chứng bắt đầu khò khè, khó thở hơn, trẻ bị tái môi, ngực thở nặng, đặc biệt là trẻ sơ sinh khi bị nghẹt mũi sẽ bỏ bú, khò khè và lâm vào tình trạng khó thở vì chỉ biết thở bằng mũi. Lúc đó phải nhanh chóng nhỏ mũi cho trẻ thông thoáng. Đối với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi khi có bất kỳ triệu chứng nghẹt mũi, khò khè nào cũng nên đưa đến bác sĩ, xem đó là cảm cúm hay viêm mũi dị ứng để giúp bé được an toàn.

Ngoài ra, phải chăm sóc đường thở đừng để dễ bị tổn thương khi viêm mũi, khi đi ra ngoài đường nên mang khẩu trang. Đặc biệt khi dừng đèn đỏ sẽ tắt máy xe để không thải ra thêm chất ô nhiễm cho môi trường. Khi giảm ô nhiễm sẽ giảm số người dị ứng với đường thở.

8. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến kiểm soát hiệu quả hen phế quản và viêm mũi dị ứng?

Với điều kiện không khí Việt Nam hiện nay, kèm thời tiết chuyển mùa, kết hợp nhiệt độ thay đổi không ổn định là những yếu tố thuận lợi cho các bệnh lý hô hấp như viêm mũi dị ứng và hen suyễn gia tăng.

Với bối cảnh ô nhiễm không khí từ nhà ra ngõ như ở Việt Nam hiện nay sẽ gây ra những thách thức như thế nào trong việc kiểm soát hiệu quả 2 bệnh lý hen phế quản và viêm mũi dị ứng, thưa BS?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Một người vừa bị hen vừa viêm mũi dị ứng sẽ rất khó khăn nếu sử dụng thuốc quá nhiều.

Mũi là đường hô hấp trên, phế quản là đường hô hấp dưới. Cả 2 cùng mắc bệnh, thì khi sổ mũi nhiều sẽ dùng anti-histamine. Nếu một người lái xe trên đường mà buồn ngủ thì rất nguy hiểm nên ngày nay anti-histamine hướng tới sử dụng 1 lần và không gây buồn ngủ bằng cách sử dụng anti-histamin thế hệ thứ 2.

Khi co thắt phế quản sẽ dùng thuốc giãn phế quản cho đường hô hấp dưới. Nếu có triệu chứng do cysteinyl leukotriene sẽ làm sưng niêm mạc mũi và niêm mạc phế quản sẽ sử dụng anti-cystein leukotriene.

Các nghiên cứu này đã được cơ quan về thực phẩm và thuốc của Hoa Kỳ, cũng như Bộ Y tế Việt Nam cho phép sử dụng trên một người có bệnh lý viêm mũi dị ứng kèm hen phế quản để quản lý. Đây là những bệnh nhân ở mức độ nhẹ, nếu tình trạng dai dẳng, nặng nề hơn thì nên đến gặp bác sĩ để có quá trình điều trị lâu dài và an toàn.

9. Tại sao lại mắc hen suyễn và viêm mũi dị ứng cùng lúc?

Thưa BS, tôi muốn hỏi là tại sao tôi lại mắc cả 2 bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng cùng lúc? Điều này là do di truyền hay do môi trường sống không tốt ạ BS?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Hen và viêm mũi dị ứng là 2 bệnh lý “không mời mà đến”, bệnh có yếu tố di truyền. Có những người có sẵn gen dị ứng và khi gặp kích ứng của môi trường, sự tương tác chống trả của cơ thể chính người đó sẽ tạo nên bệnh cảnh vừa viêm mũi vừa bị hen phế quản.

Những người có gen dị ứng mà lối sống không lành mạnh như thức khuya, ăn nhiều dầu mỡ, các chất gây hại cho cơ thể, không tập thể dục… thì khi tương tác với các dị nguyên sẽ dẫn đến sự chống trả dữ dội.

Trong khi một người cũng có gen dị ứng nhưng có lối sống khỏe mạnh, thức dậy sớm, tập thể dục, ăn uống những món tốt cho cơ thể… sẽ không xuất hiện bệnh dị ứng.

Có những người trong giai đoạn stress sẽ xuất hiện bệnh dị ứng vô cùng dai dẳng. Một số người thậm chí vừa mắc viêm mũi dị ứng, hen phế quản mà còn gặp tình trạng về da.

Khi sống tốt một chút, yêu thương bản thân một chút, không để quá stress thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn với chúng ta.

10. Có phải hen suyễn sẽ làm viêm mũi dị ứng nặng hơn?

BS ơi, em bị hen suyễn và sau đó được chẩn đoán mắc viêm mũi dị ứng nữa. Từ khi bị viêm mũi dị ứng em thấy bệnh hen suyễn của em có chiều hướng nặng thêm. Không biết có phải vậy không ạ BS?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Khi hít một hơi, mọi thứ từ mũi sẽ đi xuống phế quản. Nếu bị hen, phế quản sẽ co thắt đường thở, cùng với mũi bị viêm tạo ra chất kích ứng đường thở, gây viêm đường thở nên trị hen không khỏi.

Một số nghiên cứu cho thấy, khi cho dị nguyên vào trong mũi, lập tức người đó xuất hiện triệu chứng hắt hơi, sổ mũi thì cùng lúc đường thở bên dưới là phế quản sẽ hẹp lại và chức năng phổi vào thời điểm đó cũng bắt đầu suy giảm. Khi bớt triệu chứng trên mũi thì triệu chứng ở đường hô hấp dưới sẽ giảm đi. Nên khi điều trị viêm mũi hiệu quả thì hen cũng giảm dần.

Những bệnh nhân mắc hen và viêm mũi dị ứng phải điều trị cả 2 bệnh cùng lúc và được quản lý từng bệnh riêng biệt nhưng trong một bối cảnh toàn diện, chung trên một người.

Hen nặng làm triệu chứng viêm mũi khó khăn, chất lượng cuộc sống càng tệ vì viêm mũi không ngủ được nên hen xuất hiện nhanh hơn. Mà khi hen không ổn sẽ làm cơ thể stress dẫn đến viêm mũi nặng, trở thành một vòng luẩn quẩn. Vì vậy phải tháo gỡ bằng cách điều trị cả 2 vị trí.

Trường hợp này bạn nên trình bày với bác sĩ để được giúp đỡ, đánh giá xem mũi hay phế quản nặng hơn và tương tác thuốc giữa 2 bệnh lý này, làm sao để sử dụng phương pháp cho cả đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Với liều thuốc ít nhất mà hiệu quả cả 2 vị trí.

11. Làm thế nào có thể kiểm soát tốt hen suyễn và viêm mũi dị ứng?

Chủ đề hôm nay thiết thực quá ạ. Cha của tôi cũng bị mắc cả hen suyễn lẫn viêm mũi dị ứng. Nhờ BS chia sẻ thêm giúp tôi, làm thế nào có thể kiểm soát tốt bệnh lý này để tôi có thể chăm sóc cho cha mình ạ? Chân thành cảm ơn BS.

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Việc chăm sóc hen và viêm mũi dị ứng là “kế hoạch hành động”, mỗi bệnh nhân sẽ có một chi tiết khác nhau. Ví dụ, mỗi khi hắt hơi, sổ mũi là chuẩn bị vào cơn hen thì có thể nhận diện sớm để thông báo với bác sĩ, từ đó có kế hoạch, thảo luận.

Sự đồng hành của bác sĩ với người bệnh là vô cùng cần thiết, mỗi khi sắp lên cơn là phải sẵn sàng các loại thuốc giãn phế quản khi có co thắt phế quản.

Sử dụng thuốc và sự tái khám định kỳ thường xuyên. Bác sĩ sẽ đưa ra khung giờ để được tái khám định kỳ, theo dõi tình trạng để thay đổi theo từng giai đoạn. Khi đỡ viêm phế quản thì mỗi 3 tháng bác sĩ sẽ giảm liều thuốc cho đến liều thấp nhất.

12. Hen suyễn và viêm mũi dị ứng gây mất ngủ, hậu quả lâu dài là gì?

Tôi cũng mắc các bệnh như BS vừa chia sẻ. Các triệu chứng khiến tôi vô cùng khó chịu, đêm thì không ngủ được, ban ngày thì không thể làm tốt công việc. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ để lại hậu quả gì thưa BS?

TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên trả lời: Khi nghẹt mũi sẽ há miệng ra để thở và người mắc viêm mũi sẽ lăn trở suốt đêm. Khi thở bằng miệng cơ thể sẽ bị xâm nhập bởi một luồng khí lạnh, luồng khí độc đầy những chất gây hại cho cơ thể.

Những người thở bằng miệng lâu ngày sẽ bị rối loạn giấc ngủ. Luồng khí lạnh thường xuyên lặp lại và mang theo các chất độc hại cho cơ thể thì lâu dần sự tương tác của đường thở sẽ ảnh hưởng lên hệ tim mạch, đặc biệt là người già.

Trẻ nhỏ khi thở bằng miệng sẽ phát sinh ra bệnh lý tim mạch, khuôn mặt dài ra vì há miệng thở, xương hàm của trẻ còn bằng sụn nên dễ bị biến dạng, biến dạng luôn khớp hàm nhai, ảnh hưởng đến việc ăn uống.

Chưa kể đến phát sinh ra bệnh béo phì, rung nhĩ và đột quỵ trên những người thở bằng miệng, biến chứng về sau rất kinh hoàng.

Đặc biệt mất ngủ lâu dần sẽ dẫn đến trầm cảm, sự biến đổi hành vi vào ban ngày. Ví dụ trẻ ban đêm ngủ không được thì ban ngày sẽ tăng động, còn người lớn ban đêm không ngủ được thì ban ngày sẽ ngủ gục và lâu dần sẽ khó chịu với tất cả mọi người.

Mặc dù hắt hơi, sổ mũi là triệu chứng nhẹ nhưng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Vì vậy đây là vấn đề nên được quan tâm.

Cảm ơn TTƯT.BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên - Khoa thăm dò chức năng Hô Hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và Công ty Gigamed đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình này.

Từ 10/10/2024, chuỗi chương trình “Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bạn và gia đình” do Liên chi Hội Lão Khoa TPHCM thực hiện với sự tài trợ của Công ty TNHH Dược phẩm Gigamed ra mắt như một món quà ý nghĩa, đáng tin cậy và kịp thời cho các gia đình Việt.

Chương trình sẽ gồm 15 số phát sóng, tập trung xoay quanh vào 4 chuyên khoa Thần kinh - Tim mạch - Hô Hấp - Cơ xương khớp. Mỗi chương trình với một chủ đề riêng biệt nhưng thiết thực, nhằm chia sẻ bí quyết, phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, bạn sẽ được gặp gỡ và trò chuyện cùng các chuyên gia hàng đầu từ 2 miền Nam - Bắc. Mời Quý khán giả theo dõi các số phát định kỳ vào lúc 18h30 Thứ Năm hàng tuần.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X