Hotline 24/7
08983-08983

Insulin đã thay đổi cuộc sống người bệnh đái tháo đường ra sao?

Insulin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều trị bệnh đái tháo đường. Nhân 100 năm ngày ra đời insulin, ThS.BS Võ Tuấn Khoa - Phụ trách khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115 có buổi chia sẻ về những thay đổi cuộc sống người bệnh đái tháo đường từ khi có loại thuốc này.

1. Quá trình phát triển thuốc insulin như thế nào?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Năm nay kỷ niệm 100 năm insulin ra đời, nếu so với dòng chảy của nhân loại thì không phải là thời gian nhiều nhưng insulin ra đời là một phát kiến vĩ đại trong y khoa.

Trước đây, người ta chưa hiểu rõ vai trò điều trị bệnh đái tháo đường của insulin. Quá trình phát hiện insulin nhờ 2 nhà khoa học, ông Best và ông Banting (người Canada). Ông làm thí nghiệm bằng cách thắt ống tụy của chó. Khi thắt như vậy, đường huyết của chó tăng rất cao. Sau đó, ông lấy chất chiết xuất từ tụy tiêm cho con chó, đường huyết lại xuống. Người ta nghĩ trong tụy tạng có một hóa chất kiểm soát được đường. Chất này được Best và Banting phát hiện, đặt tên là insulin.

Bệnh nhân đái tháo đường đầu tiên được tiêm insulin là Leonard Thompsons. Nhờ mũi tiêm này, em thoát khỏi tình trạng hôn mê và tình trạng đường huyết được kiểm soát tốt. Bệnh nhân này sống đến 90 tuổi.

Quá trình phát triển insulin xuất phát từ những phát kiến ban đầu của Best và Banting đến nay đã được cải tiến insulin nhiều hơn. Một điều may mắn là insulin không có tính loài. insulin được chiết xuất từ tụy tạng như chó, bò hao hao như insulin ở người. Ban đầu, người ta lấy chiết xuất từ tụy tạng của bò để tiêm cho người. Sau này, insulin được tổng hợp theo công nghệ tái tổ hợp, thành insulin người và bắt đầu được sản xuất công nghiệp.

Gần đây nữa, dựa trên công nghệ tái tổ hợp insulin , họ thay đổi một vị trí trên cấu trúc để trở thành insulin thế hệ mới là insulin Analog với tác động lý tưởng gần giống như insulin ở người bình thường.

Hiện tại, còn có một ngã rẽ người bệnh có thể sử dụng insulin dạng hít. Tuy nhiên, dạng này chưa phổ biến.

Sự phát triển của insulin

2. Dụng cụ tiêm insulin được cải tiến ra sao?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Điều tôi muốn nhấn mạnh là song song với các thành tựu phát triển của insulin còn có sự cải tiến kim tiêm insulin. Thuở ban đầu, cây kim tiêm insulin rất to và phải tiêm nhiều lần, đây là nỗi ám ảnh cho người bệnh. Sau này, kim tiêm insulin được cải tiến càng ngày càng nhỏ dần và thiết bị tiêm là những ống xilanh, nhìn đỡ sợ. Sau này nó được chuyển thành những bút tiêm rất dễ sử dụng.

Gần đây, nó được tạo thành thiết bị bơm insulin cấy dưới da. Tức là người ta sẽ cấy thiết bị bơm dưới da của người bệnh, họ sẽ đổ insulin vào trong thiết bị có tích hợp giữa cảm biến đo đường huyết qua da với máy insulin đó. Nhờ trí tuệ nhân tạo, liều insulin sẽ được tính toán rất hợp lý, bơm sẽ tự hoạt động.

Đó là sự cải tiến của các dụng cụ tiêm insulin và song song với sự ra đời của insulin.

3. Trước khi có insulin, bệnh nhân đái tháo đường được điều trị bằng phương pháp gì?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Trước khi insulin ra đời, bệnh nhân đái tháo đường type I không có phương pháp điều trị nào. Họ chỉ được điều trị nâng đỡ và đa số trường hợp này đều tử vong. Chúng ta biết đái tháo đường type I cần insulin, không có insulin người bệnh sẽ rơi vào tình trạng đường huyết tăng cao, tạo ra các chất độc cho cơ thể. Đặc biệt là ceton, chất này khiến máu bị nhiễm toan và bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.

Thời điểm đó, trẻ em mắc đái tháo đường type I đều rơi vào tình trạng sụt cân, khát nước, tiểu nhiều và hôn mê. Ở châu Âu, bệnh nhân sắp rơi vào giai đoạn tử vong sẽ bị đưa vào “phòng chờ chết”. Khi vào phòng này, nhiều bệnh nhân cảm thấy stress và qua đời.

Phòng chờ chết

4. Hiện nay tại Việt Nam có bao nhiêu loại insulin, loại nào thông dụng nhất?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Có 2 cách phân loại insulin, dựa theo nguồn gốc hay dựa theo thời gian tác dụng.

Phân loại theo nguồn gốc:

  1. Insulin có nguồn gốc từ động vật tức là lấy tinh chất insulin từ tụy bò. Insulin ở động vật không còn được sử dụng nữa.
  2. Insulin người: được sử dụng công nghệ tái tổ hợp để tổng hợp insulin giống như người.
  3. Insulin Analog là loại mới nhất.

Cách phân loại thứ hai là dựa trên thời gian tác dụng:

  • Insulin có tác dụng cực nhanh khi chích vào nó sẽ có tác dụng ngay.
  • Insulin có tác dụng nhanh, tức là sau 30 phút có tác dụng.
  • Insulin loại thứ ba có tác dụng trung bình, nó chỉ kéo dài khoảng 10 đến 12 giờ.
  • Insulin có tác dụng rất dài có thể kéo dài 24 hoặc 48 giờ.
  • Insulin dạng trung gian, phối hợp insulin tác dụng nhanh và trung bình kéo dài,
  • Ngoài ra còn có một loại insulin hỗn hợp.

Ở Việt Nam, có gần như đầy đủ các loại insulin trên thế giới đang sử dụng. Chúng tôi thường sử dụng insulin trộn (hỗn hợp) để thuận tiện cho việc sử dụng. insulin ở Việt Nam rất đa dạng và không thiếu để cho bệnh nhân sử dụng.

5. Ngoài tác dụng giúp kiểm soát lượng đường huyết, insulin có tác dụng phụ gì?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Insulin là một chất nội tiết trong cơ thể, chính xác là tế bào Beta của tuyến tụy tiết insulin. Tác dụng của insulin là làm giảm đường huyết, chất này đóng vai trò như một chìa khóa. Khi đường trong máu tăng cao, nó sẽ mở ra “kho” là những tế bào: tế bào gan, tế bào cơ, tế bào mỡ để đẩy chất glucose vào để dự trữ và sử dụng khi cần. Do đó, insulin có tác dụng làm giảm đường huyết.

insulin cũng là một loại thuốc nên nó cũng có tác dụng phụ. Tác dụng phụ cần chú ý chính là hạ đường huyết quá mức. Khi ta sử dụng liều không phù hợp hoặc các dụng cụ tiêm không chuẩn xác gây ra tình trạng hạ đường huyết quá mức. Nếu bị nhẹ, bệnh nhân sẽ có cảm giác đói bụng cồn cào, vã mồ hôi ở chân và tay. Nặng hơn có thể hôn mê, thậm chí có thể tử vong.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân tiêm insulin dưới da nhưng không luân chuyển vị trí sẽ gây ra tình trạng phì đại mô mỡ. Nó sẽ tạo cảm giác có gì đó cứng ngay vị trí tiêm.

Người ta cũng nghiên cứu các tác dụng lâu dài của insulin về vấn đề tăng nguy cơ ung thư hay không. Hiện tại, nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư của người dùng insulin không khác gì người bình thường không sử dụng insulin.

6. Có cách nào để hạn chế tình trạng phì đại mô mỡ tại vị trí tiêm insulin?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Phì đại mô mỡ xảy ra vì người bệnh tiêm insulin không đúng cách. Để tránh tình trạng phì đại mô mỡ, người bệnh cần được hướng dẫn cách chích. Chúng ta cần luân chuyển các vị trí một cách có hệ thống. Ví dụ như chúng ta chích vào một vị trí bình thường như ở bụng, đùi hay trước ngoài đùi, phải 1 tháng sau chúng ta mới trở lại chích tại vị trí đó. Cứ như vậy, chúng ta luân chuyển.

7. Những tình huống nào thường gây quá liều insulin trong quá trình bệnh nhân tự tiêm tại nhà?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Dùng quá liều insulin có tác dụng phụ nguy hiểm như hạ đường huyết, điều này có nhiều nguyên nhân, phần lớn liên quan đến những sai lầm của người bệnh khi sử dụng thuốc.

Trường hợp thứ nhất, bác sĩ đã chỉ định liều insulin cho người bệnh, tuy nhiên, một số người cho rằng “nếu tôi ăn như vậy và chích như vậy, nó sẽ ổn. Nếu tôi ăn nhiều hơn, tôi sẽ chích nhiều hơn”. Nghĩ như vậy nên bệnh nhân tự tăng liều chích nhưng không hỏi ý kiến bác sĩ dẫn đến tình trạng quá liều.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân dùng sai kim tiêm, nhất là các bệnh nhân dùng insulin dạng lọ. Hiện tại trên thị trường, có lọ hàm lượng 100 đơn vị insulin /1ml. Với hàm lượng này, bệnh nhân dùng kim tiêm chuẩn là 100 đơn vị/ml thì không bị sai liều. Tuy nhiên, một số nơi vẫn có kim có hàm lượng là 40 đơn vị/ml. Người dùng dùng kim này để chích thì hàm lượng tăng 2.5 lần dẫn đến tình trạng quá liều insulin.

Một số loại insulin chích có liên quan đến bữa ăn, tức là phải được chích trước ăn. Tuy nhiên bệnh nhân chích insulin nhưng lại không ăn hoặc ăn rất ít mà vẫn chích liều đó nên dẫn đến quá liều, gây hạ đường huyết quá mức.

Ngoài ra, một số bệnh nhân sử dụng toa thuốc insulin rất ổn định nhưng sau này họ gặp tình trạng suy thận. Khi suy thận ở giai đoạn nặng, việc điều chỉnh insulin cần được đặt ra nhưng bệnh nhân không tái khám, có thể gây quá liều insulin.

Khi bị loạn dưỡng mô mỡ, bệnh nhân chích insulin vào nó sẽ nằm ở dưới da. Nó tạo thành “hồ insulin”, một thời gian sau hồ này sẽ bung ra. Nó sẽ đẩy lượng insulin lớn vào máu gây hạ đường huyết. Đó là biến chứng do rối loạn mô mỡ gây ra.

8. Bệnh đái tháo đường có thể chữa khỏi mà không cần dùng thuốc hay không?

Một số người được chẩn đoán bị đái tháo đường, sau thời gian dài dùng thuốc, họ thấy rằng bệnh không khỏi mà lại sợ hại gan thận, do đó họ bỏ dùng thuốc và chuyển sang điều chỉnh lối sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng và xét nghiệm thấy đường huyết ổn định. Theo BS, bệnh đái tháo đường có thể được chữa khỏi mà không cần dùng thuốc không?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Ba nền tảng quyết định điều trị đái tháo đường là ăn uống lành mạnh, vận động hợp lýdùng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc. Điều tôi muốn nhấn mạnh là ăn uống lành mạnh và vận động thể lực hợp lý là 2 việc cần thực hiện suốt cuộc đời người bệnh.

Đối với một số trường hợp đái tháo đường khi mới phát hiện, tùy theo mức độ bác sĩ sẽ cân nhắc việc áp dụng các phương pháp trên. Đầu tiên, ăn uống và tập luyện thể lực là điều bắt buộc. Sau 3 tháng nếu không đạt mục tiêu, chúng ta sẽ cân nhắc và sử dụng thuốc. Đó là cách tiếp cận từng bước.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân áp dụng ba biện pháp ngay từ đầu và mức đường huyết sớm đạt được mục tiêu.

Theo nghiên cứu, nếu đường huyết đạt được mục tiêu, đôi khi tình trạng ngộ độc đường đã được giải quyết và những tế bào ở tụy sẽ khôi phục hoạt động trở lại và nó sẽ khôi phục cả tính năng của insulin.

Nhờ đó, một số người không cần dùng thuốc nữa, họ chỉ cần chú ý ăn uống và vận động là kiểm soát được đường huyết. Liều thuốc sẽ giảm dần. Một số bệnh nhân đạt được điều này nhưng không có nghĩa là hết bệnh hoàn toàn. Vấn đề quan trọng là bệnh nhân được dừng thuốc và vẫn cần theo dõi chặt chẽ chỉ số đường huyết, tái khám định kỳ.

Theo các nghiên cứu, dù chúng ta có thể kiểm soát đái tháo đường bằng cách ăn uống và vận động thể lực nó chỉ duy trì được một thời gian, khoảng vài năm. Sau đó, chúng ta vẫn phải kết hợp với thuốc.

Do đó, đối với người bệnh như vậy, chúng tôi không nói là “bệnh đái tháo đường đã khỏi” mà cần phải theo dõi tiếp tục.

Hiện tại có 3 phương pháp được áp dụng điều trị bệnh đái tháo đường, nếu chúng ta chỉ cần 2 phương pháp mà kiểm soát được đường thì đó là điều may mắn. Trong thời theo dõi bệnh nhân đó vẫn có thể xem xét thêm thuốc khi cần.

9. Thông điệp dành cho người bệnh đái tháo đường để luôn khỏe mạnh

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: 100 năm kỷ niệm insulin là chương trình với nhiều thông tin bổ ích. Qua chương trình này, chúng ta có thể thấy được thành tựu của y khoa đã giúp ích và cải thiện sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.

Thông điệp từ chương trình chúng tôi muốn truyền tải là đái tháo đường là bệnh lý mạn tính. Để điều trị tốt căn bệnh này, người bệnh cần có thông tin về bệnh và điều trị một cách chính thống để giảm thiểu các biến chứng cho người bệnh và nâng cao chất lượng sống.

Chúng tôi có 4 thông điệp dành cho người đái tháo đường:

A: Ăn uống lành mạnh

B: Bệnh nền kiểm soát ổn

C: Chú tâm vận động thể lực

D: Vui vẻ và yêu đời.

Trọng Dy (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X