Hotline 24/7
08983-08983

Tăng đường huyết, hạ đường huyết gây hậu quả gì, xử trí thế nào?

ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh chia sẻ với bạn đọc AloBacsi về đường huyết ổn định là thế nào, tăng đường huyết, hạ đường huyết gây hậu quả gì, và có cần thiết phải mua máy thử đường huyết cá nhân hay không?

Nhân ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh - Giảng viên Bộ môn Nội tiết - Đại học Y Dược TPHCM có buổi chia sẻ cùng bạn đọc AloBacsi về các vấn đề liên quan tới căn bệnh này với chủ đề: Làm thế nào để sống vui, sống thọ với bệnh đái tháo đường?

NỘI DUNG TƯ VẤN

Phần 1: Các kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy dành cho bệnh nhân đái tháo đường?

Phần 2: Người bệnh đái tháo đường kiêng cữ ăn uống, tập luyện thể dục thế nào là đúng?

Phần 3: Tăng đường huyết, hạ đường huyết gây hậu quả gì, xử trí thế nào?

1. Mức đường huyết như thế nào là tốt?

ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:

- Đường huyết lúc đói có thể dao động từ 90-130 mg/dl, trước mỗi bữa ăn khoảng dưới 130 mg/dl là được.

- Đường huyết no <180.

- Tuy nhiên có những đối tượng đặc biệt như trẻ em, hay chơi đùa chạy nhảy; chỉ cần trẻ chạy giỡn một xíu là sẽ bị tụt đường vì thế các bác sĩ cho phép lượng đường của trẻ có thể cao hơn một ít.

- Đối với người già, lượng đường huyết cũng có thể để cao hơn vì chế độ ăn uống khá là thất thường; đôi khi kiểm soát quá chặt cũng sẽ không có lợi vì đối với họ thời gian sống còn rất ngắn. Việc phòng ngừa những biến chứng về sau sẽ không quan trọng bằng việc ngay tại thời điểm này nếu đường huyết hạ thì sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.

Đối với người già mục tiêu kiểm soát đường huyết sẽ cao hơn và cũng cần được nhận sự tư vấn của bác sĩ. Những trường hợp bị tai biến hoặc không thể tự chăm sóc cho bản thân thì việc kiểm soát đường huyết lúc này cũng không còn quan trọng, chỉ cần cho bệnh nhân ăn uống ở mức độ đường huyết luôn dưới 200 mg/dl là được.

Nếu bạn thấy đường huyết dao động trong khoảng đói từ 90-130 mg/dl và sau khi ăn 2 giờ là <180 mg/dl như vậy là đường huyết tạm ổn.

Thường bác sĩ sẽ đo HbA1c (đo nồng độ glucose trong máu trong khoảng thời gian 2-4 tháng trước đó) giúp bác sĩ đánh giá được lượng đường trung bình trong cơ thể bạn diễn tiến trong 3 tháng liên tục (đôi khi bệnh nhân không biết tại sao hôm nay đường tốt nhưng bác sĩ vẫn đánh giá là đường cao).

Việc kiểm tra và đánh giá HbA1c là rất tốt giúp bệnh nhân kiểm tra đường huyết trung bình của mình tốt hơn. Một người trẻ tuổi được đánh giá tốt là HbA1c < 7%, người cao tuổi có thể 8-8.5%.

alobacsi ThS.BS Lại Thị Phương QuỳnhThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh - Giảng viên Bộ môn Nội tiết - Đại học Y Dược TPHCM

2. Khi đường huyết quá cao thì nguy hiểm như thế nào?

ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:

Đường huyết cao có 2 trường hợp:

- Trường hợp 1: bệnh nhân để đường huyết cao kéo dài từ năm này sang năm khác nhưng lại ở mức không nguy hiểm. Cơ thể cũng dần sẽ quen nếu chúng ta để đường cao, nhưng dần dần cũng sẽ để lại nhiều biến chứng mạn tính như: suy thận, giảm thị lực hoặc bị mù; có thể làm cho bệnh nhân gặp phải các biến chứng về tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não,…

Biến chứng đáng lo ngại nhất và cũng là điều khiến nhiều người sợ nhất đó là: nhiễm trùng chân, thậm chí có thể sẽ khiến bạn phải cưa chân. Có trường hợp bệnh nhân phải cưa một chân sau đó nhiễm trùng luôn chân còn lại khiến bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cố gắng giữ lại chân cho bạn đây là điều ảnh hưởng rất nhiều và trực tiếp lên cuộc sống của người bệnh.

- Trường hợp 2: bệnh nhân tăng đường quá nhanh, tăng cao trên 300, 400, 500 mg/dl thì trong những trường hợp này đường tăng nhanh như vậy bệnh nhân rất dễ để có thể nhận biết như: khát nước (miệng khô), thèm nước ngọt, đi tiểu nhiều hoặc sụt cân nhanh.

Ở trường hợp này nếu bạn không can thiệp rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng hôn mê tăng đường huyết-bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau bụng, buồn ói, ói rất nhiều, hơi thở có mùi acetone, mệt mỏi,… và từ từ dẫn đến hôn mê, khả năng tử vong sẽ rất cao nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời.

Ở trường hợp này máy thử đường huyết là công cụ hỗ trợ hữu hiệu giúp bạn xác định được lượng đường huyết trong cơ thể thế nào nếu >300 mg/dl thì bạn nên đến cơ sở y tế ngay lập tức để điều trị kịp thời, nếu được can thiệp kịp thời thì tỉ lệ tử vong sẽ rất thấp.

3. Đường huyết quá thấp gây hậu quả gì?

ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:

Một điều quan trọng tôi muốn gửi đến mọi người, nên nhớ “không phải đường huyết càng thấp là càng tốt” Khi bạn để đường huyết quá thấp (<70 mg/dl thì bắt đầu não sẽ bị thiếu đường, đây là một cơ quan duy nhất sử dụng đường, đường trực tiếp đi từ máu về não). Nếu lượng đường trong máu quá thấp thì cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất là thần kinh (trạng thái thần kinh bị thay đổi), bạn sẽ bắt đầu run tay, bụng đói, cáu gắt; lúc này bạn có thể uống nước đường (nếu cơ thể còn đường sản xuất thì bạn sẽ vượt qua được giai đoạn này).

Tránh trường hợp để bản thân lâm vào cơn co giật, lơ mơ và cuối cùng là hôn mê; nếu hôn mê không được điều trị kịp thời thì rất có thể sẽ khiến bệnh nhân bị chết não (thần kinh thực vật) nặng hơn là tử vong.

Số lượng bệnh nhân chết vì hạ đường huyết nhiều hơn là đường huyết cao. Vì thế mục tiêu điều trị cho những bệnh nhân quá nặng là tránh hạ đường huyết.

Một vài cách giúp bạn có thể xử trí ngay khi gặp hải cơn hạ đường huyết tại nhà: hòa 3 thìa đường (15g) vào nước trắng để uống hoặc uống nửa lon nước ngọt có đường (lưu ý không uống nước ngọt dành cho người tiểu đường), ngậm kẹo, uống sữa có đường (sữa hấp thu chậm hơn),… sau 15 phút nếu không thấy cải thiện thì bệnh nhân có thể lặp lại lần 2; sau 2 lần nếu không có tiến triển bạn nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ giúp đỡ.

Việc bệnh nhân hiểu đúng về bệnh, nhận biết được đâu là biến chứng nguy hiểm của hạ đường huyết và tăng đường huyết, xử trí sao cho đúng là những điều bệnh nhân cần phải biết và phải được hướng dẫn.

4. Máy thử đường cá nhân có cần thiết không?

ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:

Máy thử đường huyết chỉ có thể giúp bạn biết được mức đường dựa trên khối lượng máu rất nhỏ. Ví dụ như một lúc nào đó bạn quá mệt và sợ bị hạ đường thì có thể dùng máy thử đường để kiểm tra cho yên tâm vì nó cho kết quả ngay lập tức.

Ưu điểm của máy là trên những người đo đường huyết nhiều lần có thể nắm bắt được chỉ số đường huyết thường xuyên, nếu thấy tăng liên tục thì cần đến gặp bác sĩ để xem lại trong những ngày qua bạn đã ăn các loại thực phẩm nào. Hoặc nếu đường tụt dần tụt dần, bệnh nhân không ăn mà vẫn uống thuốc thì cần đến gặp để bác sĩ xem lại có cần thiết phải giảm liều hay không hoặc cần thay đổi chế độ ăn thế nào.

Có thể thấy máy thử đường giúp bệnh nhân theo dõi diễn tiến, dao động của đường huyết; giúp bệnh nhân lựa chọn được chế độ ăn và phương pháp luyện tập sao cho phù hợp. Đơn cử như việc nếu bạn quá thích một món ăn (nhưng lo sợ thực phẩm này khiến đường tăng cao) sau khi ăn bạn có thể đo lại đường huyết xem có tăng hay không, nếu có thì kịp thời dừng lại và không ăn loại thức ăn này nữa.

Nên lưu ý ở người bệnh tiểu đường bạn không thể thay đổi đổi liên tục từ chế độ ăn đến phương pháp luyện tập của mình. Những thay đổi bất thường đều có thể ảnh hưởng đến đường huyết của bạn.

Máy thử đường huyết giúp ích rất nhiều cho người chích insulin; đây là lí do tại sao người chích insulin luôn được bác sĩ khuyên nên mua máy thử đường huyết. Trước khi chích hoặc sau khi ăn nên thử đường lại để bác sĩ có thể dựa vào đó cân nhắc điều chỉnh liều insulin phù hợp.

Ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 thì không cần phải mua máy thử đường trừ khi bệnh tiến triển quá nặng hoặc cao tuổi, ăn uống kém hoặc phải chích insulin.

Ở những người mới mắc bệnh, nếu ổn thì cũng không nên mua máy thử đường vì đôi khi bạn mới mắc bệnh tâm lí còn lo sợ nhiều nếu đo đường thường xuyên sẽ khiến cơ thể bạn bị stress, từ đó khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

Nếu bạn thích theo dõi muốn mua máy thì bản thân phải hiểu đường huyết có thể dao động trong một khoảng nào đó chứ không bắt buộc ngày nào cũng phải là một con số. Bạn nên hiểu chỉ cần hôm nay mất ngủ thì ngày mai đường huyết sẽ hơi cao, tất cả những thay đổi trong cuộc sống đều có thể ảnh hưởng lên đường huyết của bạn.

Nếu đường huyết bạn tương đối ổn chưa có gì bất thường nhiều thì cũng chưa cần mua máy và đừng tự làm khó bản thân khi lệ thuộc vào máy. Nếu bạn đủ hiểu biết thì việc dùng máy là rất tốt.

5. Người bệnh đái tháo đường nên làm gì để tự chăm sóc bản thân?

Đối với người đã mắc bệnh đái tháo đường, nên làm gì để tự chăm sóc bản thân, thưa BS?

ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:

Một khi bạn đã mắc bệnh ĐTĐ thì bạn cần hiểu một điều: tôi sẽ phải sống chung với bệnh suốt phần đời còn lại. Nếu bạn cứ mãi đi tìm một loại thuốc hoặc trên một trang mạng nào đó quảng cáo giúp bạn hết bệnh thì bạn sẽ mất rất nhiều thời gian.

Bạn cần hiểu biết về bệnh để từ đó có một lối sống ăn uống, tập thể dục sao cho phù hợp. Khi mắc bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, hiểu hiểu rõ về thuốc đang uống, chức năng cũng như công dụng giúp ích gì cho bản thân; theo dõi đường huyết đều đặn, đơn cử như có nhiều người uống thuốc nhưng lại không hề biết đường huyết của mình đang ở mức bao nhiêu?

Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài thì bạn cũng không thể biết được đường huyết của người đó xấu hay tốt, cách duy nhất để biết được là chúng ta cần đi thử máu. Không bắt buộc bạn đến bệnh viện mỗi ngày để kiểm tra sức khỏe nhưng chúng ta cần có một phương tiện tại nhà để thử đường hoặc bạn có thể ghé vào một phòng khám, một nơi xét nghiệm nào đó để theo dõi đường huyết; lưu ý tự theo dõi đường huyết là một vấn đề rất quan trọng.

Người ĐTĐ cần biết tự chăm sóc bản thân mình vì bác sĩ không thể làm việc 24 giờ/ ngày để giúp bạn; cũng sẽ không có bất kì một người nào sẽ ở bên cạnh bạn suốt 24 giờ/ ngày để nhắc nhở. Ai là người có thể giúp đỡ bạn? ví dụ: nhân viên y tế, gia đình, bạn bè, nhưng vẫn tự bản thân bạn chăm sóc mình là chính.

Nếu bạn có mắc phải tiểu đường thì không nên bi quan vì xung quanh có rất nhiều người giúp đỡ chúng ta với điều kiện bạn hiểu rõ về bệnh, chấp nhận sống chung thật tốt với nó.

alobacsi Hội Y học TPHCM và ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh

Chân thành cảm ơn Hội Y học TPHCM và ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh đã có buổi chia sẻ với bạn đọc AloBacsi về bệnh đái tháo đường nhân ngày Đái tháo đường thế giới 14/11/2020.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X