Người bệnh đái tháo đường kiêng cữ ăn uống, tập luyện thể dục thế nào là đúng?
Chuyện ăn uống kiêng cữ là mối quan tâm hàng đầu của người bệnh đái tháo đường, bên cạnh đó cần tập luyện thể dục sao cho vừa sức, tránh hạ đường huyết. ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh chia sẻ với bạn đọc AloBacsi về các vấn đề này.
Nhân ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh - Giảng viên Bộ môn Nội tiết - Đại học Y Dược TPHCM có buổi chia sẻ cùng bạn đọc AloBacsi về các vấn đề liên quan tới căn bệnh này với chủ đề: Làm thế nào để sống vui, sống thọ với bệnh đái tháo đường?
NỘI DUNG TƯ VẤN
Phần 1: Các kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy dành cho bệnh nhân đái tháo đường?
Phần 2: Người bệnh đái tháo đường kiêng cữ ăn uống, tập luyện thể dục thế nào là đúng?
1. Bệnh nhân đái tháo đường cần làm gì để kiểm soát đường huyết?
ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:
Thứ nhất: Để kiểm soát được đường huyết tốt điều đầu tiên bạn cần tuân thủ đó là một chế độ ăn phù hợp. Tuy nhiên cũng còn cần phụ thuộc vào sở thích vì có người ăn chay hoặc ăn theo chế độ lao động,… Do đó, chế độ ăn phải được xây dựng riêng đối với mỗi người thông qua những gì được bác sĩ hướng dẫn.
Bạn cần lưu ý: khi đi ra ngoài ăn tiệc hoặc ăn hàng quán, ở bất cứ đâu thì cũng nên lựa chọn cái gì nên và không nên ăn. Ở người bệnh ĐTĐ không có gì là cấm tuyệt đối, vẫn có thể đi ăn ngoài, vẫn có thể đi chơi với bạn bè, đi đến các cuộc hội họp,… nhưng phải trong giới hạn được cho phép.
Nếu bạn đã mắc ĐTĐ thì việc đường huyết bị thay đổi rất nhanh là điều hoàn toàn bình thường. Chỉ cần bạn ăn một loại thức ăn nào đó gây ảnh hưởng đến đường huyết thì ngay lập tức hôm sau khi đo lại chỉ số đường huyết sẽ tăng cao.
Thứ 2: Tập luyện, có thể đây là điều hơi khó khăn với một số người vì nhiều lí do như: tuổi tác, bệnh lí… nhưng ít nhất bạn cần phải biết khi vận động chúng ta có thể khiến cho lượng đường tiêu tốn đi được phần nào.
Thứ 3: Nếu bác sĩ điều trị cho thuốc thì cần tuân thủ đều đặn. Tiểu đường không bao giờ hết nên bạn đừng chủ quan. Đơn cử như một vài bệnh nhân đường chỉ cần hơi cao, uống thuốc vài tháng bình thường rồi lại tự ý bỏ vì đo mấy lần đều thấy ổn định.
Nhiều bệnh nhân bỏ thuốc cả tháng thấy vẫn bình thường và sau đó vài tháng không theo dõi nữa; thế nhưng sau 6 tháng hoặc 1 năm hoặc hơn người ta có thể sẽ phải đến bệnh viện vì một biến chứng nào đó có thể là nghiêm trọng.
Bỏ thuốc không phải là điều bệnh nhân có thể tự quyết định, hoặc nếu bác sĩ cho phép bạn dừng thuốc thì vẫn phải nên tiếp tục theo dõi đều đặn; vẫn có rất nhiều bệnh nhân có thể tạm ngưng thuốc và điều chỉnh lối sống để duy trì tốt sức khỏe của mình (phải được bác sĩ chỉ định).
Thứ 4: Tránh thuốc lá, rượu bia, giữ cân nặng ổn định. Đơn cử như nếu bạn 100kg thì không ép bạn phải xuống còn 60kg ngay lập tức nhưng ít nhất mỗi tháng phải giảm được 1-2 kg và cứ như vậy tiếp tục đều đặn; quá trình giảm cân rất khó nhưng phải kéo dài thì mới có hiệu quả. Trong quá trình điều trị ĐTĐ, điều kiêng kị nhất là không để tăng cân, nếu không giảm được thì cũng đừng để lên.
Điều trị ĐTĐ là một quá trình lâu dài ví dụ như:
- Với một người không bao giờ tập thể dục mà yêu cầu họ tập ngay là điều rất khó, chỉ có cách là mỗi ngày một ít (vài phút) theo thói quen từ đó tăng dần.
- Ăn uống thoải mái quen rồi khi phát bệnh cần điều chỉnh lại chế độ ăn cho phù hợp.
- Thuốc lá, rượu bia,… bỏ dần.
Tất cả đều có thể kiểm soát từ từ, tự đặt ra cho bản thân một mốc thời gian nào đó để quyết tâm hơn (6 tháng, 1 năm, 2 tháng) nhưng nhất định phải có nhận thức và thay đổi trong suy nghĩ (Tôi muốn thay đổi, tôi sẽ thay đổi); tuyệt đối không được làm trái lời bác sĩ, làm những điều bạn vẫn thích. Sức khỏe là của bạn, bạn không bảo vệ được thì không ai có thể thay bạn làm điều này.
2. Đối với việc ăn uống, người bệnh đái tháo đường nên kiêng cữ thế nào?
ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:
Đối với việc ăn uống: điều đầu tiên bạn phải hiểu thứ khiến đường huyết bạn tăng lên đó là cơm, bột, bánh mì, … đây là những thực phẩm bạn nên ăn đủ, không ăn thừa. Nếu bạn lao động nặng hoặc lao động trí óc cần nhiều năng lượng mà bạn chỉ ăn rau thì tất nhiên không thể nào làm việc hiệu quả. Đơn cử như phải ôn thi rất căng thẳng mà không ăn một tí đường nào thì chắc chắn là không được. Bạn cần phải biết ăn bao nhiêu là đủ, đây là điều cốt lõi, chính yếu.
Cần xác định loại nào ăn tốt cho cơ thể ví dụ cơm, cháo, bánh mì, … loại nào khiến đường trong cơ thể bạn tăng cao. Đơn giản nhất mọi người có thể áp dụng đó là đĩa thức ăn (khoảng từ 20-22cm) trong đó: 1/4 glucid (cơm, phở, cháo,…), 1/4 protein (thịt, đạm), một nửa còn lại là rau xanh, nếu có thể thì thêm một ít chất béo thông qua sữa hoặc một số loại hạt có dầu tốt cho sức khỏe như: hạt điều, mè, bí, đậu phộng, ….
Với những ai thích ăn socola, bánh kẹo, thì có thể ăn các loại dành riêng cho người bị tiểu đường,… đây là những sản phẩm có đường nhưng ít làm tăng đường; thành phần chính vẫn là bột mì (làm bánh)và mọi người quên đi mất cứ nghĩ rằng đây là sản phẩm dành cho người tiểu đường nên ăn thoải mái, tự do - đây là quan niệm sai lầm.
Một trong những xu hướng khá là phổ biến hiện nay đó là nước yến dành cho người tiểu đường (rất phổ biến trong bệnh viện). Nhiều người yếu, mệt không ăn được thì người nhà bệnh nhân thường hay cho bệnh nhân uống nước yến dành cho người tiểu đường. Có thể thấy hoàn toàn không có bất cứ một chất nào giúp bệnh nhân “chống đỡ” bệnh tật, chống lại sự nhiễm trùng hay những bệnh lí nào khiến bạn phải nằm trong bệnh viện; đây là điều không nên.
Một bữa ăn phải cân đối và đầy đủ 3 chất đạm (đường), lipid và rau xanh chứ không thể nào ăn rau, ăn thịt nhưng lại không ăn một tí cơm nào, đây là điều không hợp lí.
3. Người bệnh đái tháo đường nên tập luyện thể dục như thế nào?
ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:
Với người bị tiểu đường tập thể dục có 2 mục đích:
- Tạo ra năng lượng (đổ mồ hôi) khiến lượng đường trong máu giảm đi.
- Giúp tiêu hóa bớt năng lượng thừa nếu bạn dư cân.
Nếu bạn tập thể dục đều đặn cộng với chế độ ăn hợp lí sẽ giúp bạn giảm cân rất tốt. Khi chúng ta có thể vận động tốt, ăn uống tốt, giảm cân tốt,… thì rất nhiều bệnh nhân từ đó có thể giảm được thuốc uống hoặc giảm liều insulin.
Vận động là điều không thể thiếu đối với người bệnh tiểu đường. Thuốc uống, chế độ ăn hợp lí và tập thể dục chính là “kiềng ba chân” trong điều trị ĐTĐ; nếu bạn thiếu hẳn đi một chân, chắc chắn sẽ lệch.
Tốt nhất người bệnh bị tiểu đường nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần, 30 phút mỗi ngày hoặc 60 phút cách ngày; tuyệt đối không được nghỉ 2 ngày hay 1 tuần chỉ tập thể dục 1-2 lần là không được. Nhưng đối với bệnh nhân cao tuổi thì có thể tập 3 lần/ ngày, mỗi lần 10 phút (sáng, trưa, chiều).
Giữa một nhóm bệnh nhân tập 30 phút/ ngày và nhóm bệnh nhân tập 3 lần/ ngày mỗi lần 10 phút, khi đưa ra so sánh người ta nhận thấy hiệu quả trên việc kiểm soát đường huyết là như nhau. Vì thế bạn hoàn toàn có thể chia nhỏ bữa tập. Nhưng nếu bạn nghỉ 2 ngày mới tập 1 lần thì hoàn toàn không có lợi cho việc kiểm soát đường huyết.
4. Thế nào là tiền đái tháo đường?
Ngoài đái tháo đường, hiện nay còn một khái niệm tương đối mới với người Việt, đó là tiền đái tháo đường. Xin hỏi BS, thế nào là tiền đái tháo đường?
ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:
Tiền tiểu đường là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khi lượng đường trong máu cao hơn bình thường, nhưng chưa đủ cao để được chẩn đoán là bệnh tiểu đường. Ở Việt Nam tiền ĐTĐ có thể vẫn còn lạ lẫm với bệnh nhân nhưng đối với bác sĩ đây là điều đáng lo ngại và cần được quan tâm. 2019 Bộ y tế có chỉ định việc hướng dẫn và điều trị cho bệnh nhân tiền ĐTĐ, cho phép các bác sĩ có thể can thiệp điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc hoặc thay đổi lối sống giúp phòng ngừa được những biến chứng về sau.
5. Điều trị tiền đái tháo đường như thế nào?
Điều trị tiền đái tháo đường như thế nào? Làm sao để phòng ngừa căn bệnh này ạ?
ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:
Nếu bạn phát hiện bản thân đang ở giai đoạn tiền ĐTĐ đương nhiên vẫn sẽ tốt hơn là ĐTĐ. Hầu như ở giai đoạn tiền ĐTĐ các biến chứng sẽ xuất hiện ít hơn rất nhiều. Chỉ cần bạn chủ động thay đổi lối sống tốt hơn là đã có thể giảm được 50% chuyển qua giai đoạn ĐTĐ.
Thường bệnh nhân trên 45 tuổi (hoặc dưới 45 tuổi nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ) được khuyến cáo nên kiểm tra thử đường huyết thường xuyên. Các trường hợp có nguy cơ bị tiền ĐTĐ:
- Béo phì, dư cân
- Người cao tuổi (trên 60 tuổi tỉ lệ mắc bệnh ĐTĐ, rối loạn đường huyết, tiền ĐTĐ gia tăng cả ở nam và nữ)
- Gia đình có người bị ĐTĐ.
- Đã từng bị tiểu đường thai kì
- Thích ăn béo, ngọt
- Lối sống ít vận động, ít tập TDTT
Ở những đối tượng trên nên tầm soát và thử đường huyết định kì để phòng ngừa bệnh. Khi bạn phát hiện sớm thì nguy cơ để lại biến chứng hầu như rất thấp.
Trường hợp nếu còn trong giai đoạn tiền ĐTĐ mà không can thiệp thì khi chuyển sang ĐTĐ type 2 hầu như những người này đã có diễn tiến biến chứng trong suốt thời gian tiền ĐTĐ. Ở những người ĐTĐ type 2 khi được chẩn đoán thường các bác sĩ nhận thấy 50% đã có biến chứng (đừng nghĩ bản thân mới bị ĐTĐ thì việc điều trị sẽ dễ dàng thôi).
6. Làm sao để điều trị tốt bệnh đái tháo đường?
ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:
Để điều trị tốt được bệnh ĐTĐ, điều quan trọng nhất bạn cần hiểu rõ là phương pháp điều trị này có phù hợp với mình hay không? Để có được một phương pháp điều trị phù hợp cho bản thân thì bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn hoặc có thể tham khảo để xây dựng được một chế độ ăn, chế độ tập thể dục phù hợp với cuộc sống của mình. Hãy nhớ “phù hợp” là điều quan trọng nhất!
(Còn tiếp)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình