Hotline 24/7
08983-08983

Các kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy dành cho bệnh nhân đái tháo đường?

Nhiều bệnh nhân đái tháo đường chưa hiểu đúng về bệnh và cũng ít được tư vấn dẫn đến những sai lầm trong việc dùng thuốc, ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. Vậy đâu là các kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy dành cho bệnh nhân đái tháo đường?

Nhân ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh - Giảng viên Bộ môn Nội tiết - Đại học Y Dược TPHCM có buổi chia sẻ cùng bạn đọc AloBacsi về các vấn đề liên quan tới căn bệnh này với chủ đề: Làm thế nào để sống vui, sống thọ với bệnh đái tháo đường?

NỘI DUNG TƯ VẤN

Phần 1: Các kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy dành cho bệnh nhân đái tháo đường?

1. Chủ đề Ngày đái tháo đường thế giới năm 2020 là gì?

Đầu tiên xin được hỏi ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh, chủ đề Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF) đặt ra nhân Ngày đái tháo đường thế giới năm 2020 là gì, mang ý nghĩa như thế nào?

ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:

14/11 hàng năm IDF sẽ ra một chủ đề mà ở đó người ta nhận thấy đây là một vấn đề quan trọng với bệnh nhân ĐTĐ; cứ 2 năm sẽ thực hiện một lần.

Nhân dịp ngày ĐTĐ thế giới, người ta đã chọn một chủ đề cho năm nay đó là “điều dưỡng và ĐTĐ”; ở chủ đề này có 2 điều được nhấn mạnh

- Điều dưỡng chiếm trên 50% (khoảng 59-60%) số nhân viên y tế sẽ can thiệp và giúp đỡ cho người bệnh ĐTĐ.

- Cung cấp đủ kiến thức và tạo điều kiện cho điều dưỡng hoạt động thì việc điều trị ĐTĐ sẽ được cải thiện về chất lượng cũng như bệnh nhân sẽ được nâng cao trình độ và được chăm sóc tốt hơn. Đôi khi chúng ta lại quên đi một mảng quan trọng trong việc chăm sóc cho người bệnh ĐTĐ đó là điều dưỡng.

2. Tình hình bệnh đái tháo đường trên thế giới năm 2020

Xin BS chia sẻ khái quát về tình hình bệnh đái tháo đường trên thế giới hiện nay như thế nào?

ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:

Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới cho biết có khoảng 460 triệu bệnh nhân trên toàn thế giới đang mắc bệnh ĐTĐ. Việt Nam là nước nằm trong vùng châu Á Thái Bình Dương và có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ cao; nghĩa là cứ 3 người trên thế giới bị ĐTĐ thì có 1 người nằm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Xem xét tỉ lệ tử vong, người ta nhận thấy cứ 3 người ĐTĐ bị tử vong trên thế giới thì có 1 người thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Một vấn đề rất quan trọng đó là: trong những cuộc điều tra về ĐTĐ trung bình trên thế giới cứ 2 người mắc bệnh ĐTĐ thì có 1 người không hề biết bản thân mắc bệnh (trường hợp này Việt Nam chiếm khoảng 54%, một vài nước sẽ tệ hơn ví dụ như châu Phi chiếm hơn 60%, ngược lại ở những nước phát triển sẽ thấp hơn ví dụ: Mỹ chiếm khoảng 1/3).

Việc tầm soát sớm để phát hiện ĐTĐ cũng là một mục tiêu mà bác sĩ nên lưu ý để chúng ta có thể giáo dục giúp bệnh nhân biết được bản thân nằm trong nhóm nguy cơ và nên đi thử đường huyết.

3. Tình hình bệnh đái tháo đường ở Việt Nam năm 2020

Vậy ở Việt Nam chúng ta thì sao thưa BS? Có con số thống kê cụ thể về tình hình tiền đái tháo đường, đái tháo đường ở nước ta chưa ạ?

ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:

Theo Liên đoàn ĐTĐ Thế giới (2019) công bố tại Việt Nam có khoảng 3,8 triệu người bị ĐTĐ; trong đó tỉ lệ được phát hiện do các cuộc điều tra là 2 triệu người chưa biết bệnh (chiếm 54%). Những người tiền ĐTĐ hiện tại là 5,3 triệu người đự đoán có thể trên 7,9 triệu người trong năm 2045, nghĩa là con số tiền ĐTĐ sẽ gia tăng rất nhanh.

4. Hiểu đúng về bệnh đái tháo đường sẽ giúp ích gì cho bệnh nhân?

Hiểu đúng về bệnh - phòng bệnh và điều trị, sẽ giúp như thế nào cho bệnh nhân, thưa BS?

ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:

Nếu chúng ta hiểu đúng, biết cách sống chung và điều trị bệnh ĐTĐ tốt thì bạn sẽ có được một chỉ số đường huyết tốt, ngừa được các biến chứng và có được một cuộc sống chất lượng cao. Nhiều người vẫn mang tâm lí nặng nề chẳng hạn như: tôi phải uống thuốc, tôi phải ăn kiêng, tôi phải…. Đừng như vậy hãy nghĩ đơn giản như đây chỉ là một điều nhỏ trong cuộc sống của mình.

Nếu chúng ta có người nhà trong nhóm nguy cơ hoặc dù không nguy cơ thì vẫn nên suy nghĩ theo chiều hướng tích cực. Ai cũng nên thực hiện, ai cũng nên phòng ngừa đừng chờ đến khi bị ĐTĐ mới thiết lập một chế độ ăn nghiêm khắc.

Hãy cảm nhận dù bạn mắc bệnh thì vẫn như một cuộc sống bình thường chỉ khác là chúng ta thay đổi một vài thứ; điều gì tốt thì bạn có thể duy trì nếu bác sĩ nói cần thay đổi thì bạn cứ tuân theo, dần dần thay đổi chứ cũng không ai ép bạn phải bỏ ngay lập tức (chỉ cần bạn hiểu rằng: đâu là điều xấu để cần cố gắng bỏ).

5. Người bệnh đái tháo đường nên làm gì để tự chăm sóc bản thân?

Đối với người đã mắc bệnh đái tháo đường, nên làm gì để tự chăm sóc bản thân, thưa BS?

ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:

Một khi bạn đã mắc bệnh ĐTĐ thì bạn cần hiểu một điều: tôi sẽ phải sống chung với bệnh suốt phần đời còn lại. Nếu bạn cứ mãi đi tìm một loại thuốc hoặc trên một trang mạng nào đó quảng cáo giúp bạn hết bệnh thì bạn sẽ mất rất nhiều thời gian.

Bạn cần hiểu biết về bệnh để từ đó có một lối sống ăn uống, tập thể dục sao cho phù hợp. Khi mắc bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, hiểu hiểu rõ về thuốc đang uống, chức năng cũng như công dụng giúp ích gì cho bản thân; theo dõi đường huyết đều đặn, đơn cử như có nhiều người uống thuốc nhưng lại không hề biết đường huyết của mình đang ở mức bao nhiêu?

Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài thì bạn cũng không thể biết được đường huyết của người đó xấu hay tốt, cách duy nhất để biết được là chúng ta cần đi thử máu. Không bắt buộc bạn đến bệnh viện mỗi ngày để kiểm tra sức khỏe nhưng chúng ta cần có một phương tiện tại nhà để thử đường hoặc bạn có thể ghé vào một phòng khám, một nơi xét nghiệm nào đó để theo dõi đường huyết; lưu ý tự theo dõi đường huyết là một vấn đề rất quan trọng.

Người ĐTĐ cần biết tự chăm sóc bản thân mình vì bác sĩ không thể làm việc 24 giờ/ ngày để giúp bạn; cũng sẽ không có bất kì một người nào sẽ ở bên cạnh bạn suốt 24 giờ/ ngày để nhắc nhở. Ai là người có thể giúp đỡ bạn? ví dụ: nhân viên y tế, gia đình, bạn bè, nhưng vẫn tự bản thân bạn chăm sóc mình là chính.

Nếu bạn có mắc phải tiểu đường thì không nên bi quan vì xung quanh có rất nhiều người giúp đỡ chúng ta với điều kiện bạn hiểu rõ về bệnh, chấp nhận sống chung thật tốt với nó.

 

6. Các kênh thông tin chính thống dành cho bệnh nhân đái tháo đường?

Bác sĩ có thể giới thiệu thêm một số chương trình phổ biến kiến thức cho bệnh nhân đái tháo đường?

ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:

Điều khiến rất nhiều bác sĩ điều trị ĐTĐ e ngại đó là đã có rất nhiều bệnh nhân sau khi thăm khám với bác sĩ xong sẽ hỏi thêm: tôi có thể dùng thêm thuốc này, thuốc kia được hay không? Tôi có nên bỏ thuốc A uống thuốc B vì thuốc tây nóng và có hại? Tôi nghe chỗ này bạn bè giới thiệu uống thêm thuốc này thuốc kia, muốn uống thêm có được không?

Đối với một vài loại thuốc không có nghiên cứu rõ ràng hoặc những trang web quảng cáo không có lợi cho bệnh nhân thì chúng ta nên cảnh giác; hãy tìm những nguồn chính thức từ các bệnh viện hoặc hội y học hoặc từ các chương trình giáo dục của quốc gia để tham khảo.

Một trang web hiện tại được Hội Nội tiết đái tháo đường và Hội Tim mạch Việt Nam liên kết để tạo ra, đây một trang web có đầy đủ những thông tin chính thức về bệnh đó là: ngaydautien.vn (https://ngaydautien.vn/).

Ngoài mục đích cung cấp những kiến thức cơ bản về ĐTĐ, trên web cũng sẽ luôn luôn có thêm những phần giải đáp, cập nhật thông tin mới nhất về tình hình cũng như điều trị, bên cạnh đó còn có phần hotline trả lời trong vòng 24 tiếng nếu bệnh nhân hoặc những ai quan tâm đến bệnh có bất kì thắc mắc nào; lúc này các chuyên gia phụ trách sẽ trả lời đầy đủ giúp bạn. Ngaydautien.vn sẽ luôn luôn được cải tiến vì thế bạn có thể yên tâm theo dõi.

Một vài bệnh viện ví dụ như: Bệnh viện Đại học Y Dược cũng có một trang web về bệnh viện hoặc kênh youtube được tạo ra nhằm giúp nâng cao kiến thức cho bệnh nhân.

Bạn lưu ý phải là một trang web chính thức của bệnh viện (chính thống) hoặc được bác sĩ giới thiệu thì bạn mới có thể tin tưởng theo dõi. Bất kì loại thuốc nào nếu bạn nghi ngờ về chất lượng cũng như độ an toàn thì bạn hoàn toàn có thể hỏi ý kiến bác sĩ; các bác sĩ sẽ sẵn sàng giải thích cho bạn.

7. Hoạt động nào giúp bệnh nhân cập nhật kiến thức điều trị và sinh hoạt đúng cách?

Việc cập nhật kiến thức giúp bệnh nhân điều trị và sinh hoạt đúng cách thông qua những hình thức, hoạt động nào thưa BS?

ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh:

Hội Đái tháo đường TPHCM đã có một CLB bệnh nhân ĐTĐ cách đây 20 năm; trước đây CLB này hoạt động chính và rất định kì; nhưng ở thời điểm hiện tại thì hầu như mỗi bệnh viện đều có 1 CLB bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hoạt động và sinh hoạt mỗi tháng tùy theo từng CLB.

Hầu như 14/11 mỗi năm (Ngày thế giới phòng chống bệnh ĐTĐ) các bệnh viện đều sẽ tổ chức và có chương trình sinh hoạt CLB giúp cung cấp kiến thức và giúp bệnh nhân có thời gian gặp gỡ giao lưu và trao đổi.

Hầu như khi bệnh nhân đến khám tiểu đường ở bất kì bệnh viện nào thì cũng đều được phát tài liệu (thông tin cơ bản về bệnh tiểu đường) theo thời gian sẽ luôn được cập nhật và thay đổi.

Điều bệnh nhân quan tâm nhất vẫn là tình trạng bệnh của bản thân: ăn uống tập luyện thế nào cho phù hợp, … tất cả những thắc mắc này của bệnh nhân sẽ được tháo gỡ khi được sinh hoạt trong CLB, khi được cùng nhau trao đổi, nâng cao nhận thức. Tại CLB trong những buổi sinh hoạt thường các bác sĩ sẽ nói đi nói lại những vấn đề căn bản về bệnh giúp bệnh nhân nắm rõ và sâu hơn.

Ở các phòng khám về nội tiết thường sẽ có “góc tiểu đường”/ corner-tại đây bạn có thể trao đổi 1-1 với các bác sĩ hoặc điều dưỡng. Bệnh nhân có thể hỏi về bất cứ vấn đề gì xoay quanh bệnh tiểu đường khi đến đây; bác sĩ sẽ giúp bạn trả lời từng câu hỏi cụ thể.

Theo bác sĩ, cần triển khai thêm các chương trình nào để truyền thông cập nhật thông tin kịp thời cho người có bệnh?

Việc truyền thông tư vấn sức khỏe ở nước ta khá ổn, đơn cử như trên VTV2 thường xuyên có các chuyên đề về ĐTĐ được rất nhiều người ủng hộ; hoặc trên TH Vĩnh Long cũng có rất nhiều buổi hỏi đáp về sức khỏe.

Báo chí, tivi, youtube, … cũng có rất nhiều các chương trình liên quan đến sức khỏe, những buổi gặp gỡ chuyên gia giúp người bệnh hiểu rõ hơn về các bệnh lý, đơn cử như kênh truyền thông tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn cũng là một nơi có thể truyền tải thông tin nhanh nhất so với việc chúng ta chỉ tổ chức sinh hoạt các nhóm nhỏ tại bệnh viện.

Nhiều người cho rằng khi sinh hoạt ở các nhóm tại bệnh viện thì bệnh nhân sẽ được hiểu rõ hơn, được trao đổi và tư vấn trực tiếp từ đó cũng giúp bệnh nhân đỡ hoang mang và yên tâm hơn. Có thể tùy vào sở thích của mỗi người khi lựa chọn cách tiếp cận truyền thông.

Về các tài liệu phát liên quan đến bệnh ĐTĐ, đôi khi vì lượng bệnh nhân quá đông, mà bệnh viện phải in liên tục và miễn phí để phát (không cần tài trợ) nếu có tài trợ thì sẽ nghiêng hẳn về một sản phẩm hoặc một loại thuốc nào đó vì thế phương pháp cũng không được hữu hiệu cho lắm.

Đến thời điểm hiện tại phương pháp tốt nhất vẫn là truyền thông đại chúng.

8. Bệnh nhân ở tỉnh xa làm cách nào để được tư vấn bệnh đái tháo đường?

Một số bệnh viện ở các thành phố lớn có câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường, nhưng ở tuyến tỉnh, huyện thì hiếm hoi. Theo BS, bệnh nhân ở tỉnh, huyện xa… muốn được tư vấn, hướng dẫn về bệnh của mình thì nên làm thế nào ạ?

Bạn có thể tham khảo trên web ngaydautien.vn và cũng có một bộ tài liệu hiện giờ đang được phát dựa trên nội dung của web, được chia thành nhiều chủ đề nhỏ giúp bệnh nhân có được đầy đủ những kiến thức về bệnh ĐTĐ cũng như mối quan tâm của bệnh nhân về bệnh.

Tuy nhiên nhiều bệnh nhân vẫn chia sẻ với các bác sĩ rằng “tôi không biết lên web”, một số trường hợp nói “tôi không biết chữ”, … trong những trường này sự giúp đỡ của thân nhân người bệnh là hữu hiệu nhất. Với hình ảnh và câu từ rất dễ hiểu trên tài liệu từ đó bạn có thể giúp đỡ được người thân trong việc hiểu rõ về bệnh tốt hơn.

Người nhà/ thân nhân của người bệnh nên nắm rõ tình trạng bệnh, các loại thuốc uống, thói quen sinh hoạt của bố, mẹ mình, thậm chí có trường hợp bệnh nhân đã lớn tuổi nhưng đi khám bệnh lại không có người nhà đi theo, điều này khiến bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hỏi thông tin từ người bệnh. Sự quan tâm của thân nhân giúp ích rất nhiều trong việc giúp bệnh nhân điều trị bệnh được tốt hơn; để họ không quá cô đơn, buồn vì như vậy sẽ dễ dẫn đến trầm cảm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X