Hotline 24/7
08983-08983

Kiểm soát đường huyết hiệu quả tại nhà: Ăn uống, vận động và theo dõi đúng cách

Không ít người bệnh đái tháo đường loay hoay với câu hỏi: nên thử đường mấy lần/ngày, ăn uống ra sao, vận động thế nào cho hợp lý? ThS.BS.CK1 Mã Tùng Phát - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh chia sẻ những lưu ý cần thiết để giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, phòng ngừa biến chứng và sống khỏe mỗi ngày.

1. Người bệnh đái tháo đường cần thử đường huyết bao nhiêu lần 1 ngày?

Thưa BS, người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nên kiểm tra đường huyết tại nhà thế nào, bao nhiêu lần 1 ngày để đảm bảo sức khỏe?

ThS.BS.CK1 Mã Tùng Phát - Khoa Nội tiết - Tiểu đường, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh trả lời: ĐTĐ là bệnh đặc trưng bởi tăng đường huyết. Chính vì thế, trong quá trình điều trị, việc theo dõi đường huyết là rất cần thiết, từ đó có thể giám sát mục tiêu điều trị.

Có rất nhiều type ĐTĐ, tình trạng bệnh của mỗi type cũng khác nhau, do đó mà kế hoạch theo dõi đường huyết ở từng dạng cũng khác nhau.

Bệnh nhân ĐTĐ type 1 thường phải tiêm 3 - 4 mũi insulin mỗi ngày. Do đó, việc theo dõi đường huyết cũng cần thực hiện 3 - 4 lần/ngày, nếu bệnh nhân có điều kiện tuân thủ theo quy định thử đường.

Các thời điểm thử đường là trước khi ăn sáng, trước ăn trưa, trước ăn chiều và trước khi đi ngủ.

Các trường hợp ĐTĐ type 2 có nhiều đặc điểm khác nhau. Bệnh nhân ĐTĐ type 2 đang sử dụng insulin cần theo dõi 1 - 3 lần/ngày, thậm chí 4 lần, tùy thuộc vào số mũi tiêm.

Bệnh nhân ĐTĐ type 2 điều trị bằng thuốc uống không bắt buộc theo dõi đường huyết. Người bệnh thỉnh thoảng có thể thử đường huyết vào một số thời điểm: trước ăn sáng hoặc sau ăn trưa, sau ăn chiều để cung cấp một bức tranh toàn diện về tình trạng bệnh.

Dù là bệnh ĐTĐ type 1 hay type 2, nếu có một số đặc điểm sau, bệnh nhân cần thử đường nhiều hơn và kỹ hơn:

- Có triệu chứng nghi ngờ hạ đường huyết;

- Đang thay đổi chế độ ăn;

- Đang mang thai.

 Ngoài ra, khi bệnh nhân đang bị ốm, ăn uống kém, thay đổi chế độ điều trị thì việc thử đường huyết cũng cần thực hiện nhiều hơn và kỹ hơn.

2. Đường huyết quá cao hay quá thấp đều cần nhập viện

Người bệnh ĐTĐ chỉ số đường huyết bao nhiêu được xem là bình thường, bao nhiêu là đường huyết cao cần phải uống thuốc và khi nào người bệnh cần đến bệnh viện?

ThS.BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Hiện nay có rất nhiều hướng dẫn về mục tiêu đường huyết ở bệnh nhân ĐTĐ.

Đường huyết đói lúc chưa ăn sáng tốt nhất nên nằm trong khoảng 80 - 130mg/dL. Đường huyết sau ăn 2 giờ nên dưới 180mg/dL.

Ngoài việc thử đường huyết tại nhà, mỗi 3 - 6 tháng, bệnh nhân nên đi tái khám và làm thêm xét nghiệm HbA1c. Kết quả xét nghiệm nay phản ánh đường huyết trung bình trong vòng 3 tháng. Kết quả HbA1c mong muốn là dưới 7%.

Một số trường hợp cần kiểm soát chặt chẽ hơn có thể phải đạt dưới 6,5%. Bệnh nhân lớn tuổi, việc kiểm soát đường huyết không quá chặt chẽ có thể giữ chỉ số cao hơn 7%. Tuy nhiên mục tiêu về đường huyết đói cũng như chỉ số HbA1c tùy thuộc vào đánh giá của bác sĩ.

Có 2 tình huống về mức đường huyết cần nhập viện: Khi đường huyết quá cao hoặc quá thấp. Trường hợp đường huyết tăng trên 250 - 300mg/dL trong nhiều lần thử, kèm những triệu chứng uống nước nhiều, tiểu nhiều, sụt cân; hoặc bệnh nhân có biểu hiện nôn ói, đau bụng hoặc có những rối loạn tri giác (hôn mê, lơ mơ)... cần phải nhập viện ngay.

Hạ đường huyết được định nghĩa là đường huyết dưới 70mg/dL và rõ hơn là dưới 54mg/dL. Trong trường hợp này, bệnh nhân thường có triệu chứng, đói, run, vã mồ hôi. Nếu đã xử trí hạ đường huyết (ăn, uống nước ngọt) nhưng đường huyết chưa đạt mức 70mg/dL sau 15 phút, đồng thời bệnh nhân có dấu hiệu hôn mê cũng cần xem xét nhập viện để theo dõi, điều trị.

3. Người bệnh ĐTĐ vẫn phải ăn đầy đủ chất, nhưng với lượng phù hợp

Chế độ ăn uống cho người bệnh ĐTĐ ra sao, thưa BS? Có món nào phải kiêng tuyệt đối không? Nếu ăn cơm cùng với gia đình thì cần lưu ý gì ạ?

ThS.BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Chế độ ăn là một phần quan trọng trong điều trị ĐTĐ. Một số điểm chính mà bệnh nhân cần lưu ý là ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng (đạm, đường, béo, chất xơ...) vì đây là những thành phần rất quan trọng và cần thiết cho chuyển hóa, trao đổi chất trong cơ thể.

Bệnh nhân cần sử dụng một lượng vừa phải tinh bột (carbohydrate), hạn chế các loại đường bột có khả năng tăng huyết áp nhanh và nhiều như bánh kẹo, nước ngọt...

Nên chọn các loại đạm từ thịt nạc, đạm có nguồn gốc từ thực vật. Chất béo cũng nên ưu tiên loại có nguồn gốc từ thực vật. Cần lưu ý bổ sung nhiều rau xanh, chất xơ.

Để dễ hình dung hơn, chúng tôi thường dùng quy tắc bàn tay khi tư vấn chế độ dinh dưỡng cho người ĐTĐ. Mỗi bữa ăn, sử dụng lượng tinh bột tương đương một nắm tay, lượng đạm khoảng một lòng bàn tay, lượng chất béo chỉ bằng một ngón tay cáicàng nhiều rau xanh càng tốt.

Trong văn hóa của người Việt Nam, bữa cơm gia đình mang ý nghĩa gắn kết rất lớn. Người ĐTĐ vẫn có thể dùng bữa với gia đình bình thường. Tuy nhiên, có một số lưu ý trong việc chế biến món ăn. Nêm nếm không ngọt quá, sử dụng ít dầu mỡ sẽ phù hợp hơn với chế độ ăn của bệnh nhân ĐTĐ.

Bệnh nhân ĐTĐ cũng phải tự có ý thức tuân thủ khẩu phần ăn theo nguyên tắc bàn tay đã hướng dẫn ở trên.

"Quy tắc lòng bàn tay" trong dinh dưỡng, giúp mọi người ước lượng thực phẩm. Tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người sẽ có khẩu phần khác nhau. Riêng đối với người bệnh đái tháo đường, bác sĩ khuyến cáo ăn càng nhiều rau xanh càng tốt

4. BMI lý tưởng đối với người bệnh đái tháo đường

Xin hỏi BS, người bệnh ĐTĐ nên giữ BMI trong khoảng bao nhiêu?

ThS.BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Chỉ số khối của cơ thể BMI = cân nặng (kg) / (chiều cao tính bằng mét)².

Chỉ số BMI trung bình trong khoảng 18,5 - 23. Dưới mức này, bệnh nhân đang gầy, thiếu cân. Cao hơn mức này, bệnh nhân có khả năng thừa cân, béo phì.

Người bệnh ĐTĐ tốt nhất nên giữ BMI trong khoảng bình thường. Việc duy trì chỉ số BMI lý tưởng sẽ đem lại nhiều lợi ích trong việc điều trị bệnh.

Khi BMI bình thường, tình trạng đề kháng insulin sẽ giảm đi. Chính vì thế, các thuốc điều trị phát huy hiệu quả tốt hơn, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Ngoài ra, duy trì cân nặng tốt sẽ góp phần giảm biến chứng về tim mạch, thận. Đồng thời, cân nặng bình thường sẽ giúp chúng ta cảm thấy khỏe khoắn, năng động, vui tươi hơn.

5. Bệnh nhân đái tháo đường cần vận động, nhưng không nên quá gắng sức

Người bệnh ĐTĐ nên tập luyện những môn thể dục, thể thao nào phù hợp? Giày dép cần chú ý gì?

ThS.BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Vận động rất tốt cho người bệnh ĐTĐ. Các bài tập được khuyến khích là đi bộ, chạy bộ, đạp xe, đi bộ. Có thể tập tạ nhưng nên chọn mức tạ nhẹ, không nên quá gắng sức.

Nguyên tắc khi luyện tập là vẫn phải theo dõi đường huyết và uống đủ nước.

Chọn giày dép cũng là một trong những vấn đề quan trọng cần cân nhắc. Giày dép không phù hợp có thể gây trầy xước, loét, dẫn đến các biến chứng bàn chân trầm trọng phải nhập viện. Một số trường hợp rất khó để lành thương.

Giày dép phải êm, thoáng mát và có thể che phủ, bảo vệ bàn chân. Giày dép không được quá chật hay quá rộng, chất liệu thoáng khí để giảm mồ hôi, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.

Trong quá trình đi lại bình thường hay luyện tập, đều phải thường xuyên kiểm tra giày dép. Đồng thời thường xuyên kiểm tra bàn chân để phát hiện các vết rộp, loét mới xuất hiện và xử trí sớm.

Theo ThS.BS.CK1 Mã Tùng Phát, vận động rất tốt cho người bệnh ĐTĐ, tuy nhiên không nên tập luyện quá sức

6. Người bệnh đái tháo đường cần khám gì khi kiểm tra sức khỏe định kỳ?

Việc khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa ra sao đối với người bệnh ĐTĐ ạ?

ThS.BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Đối với bệnh nhân ĐTĐ, việc khám sức khỏe thường xuyên là rất cần thiết. Mỗi lần thăm khám, bệnh nhân sẽ được kiểm tra đường huyết để chắc chắn các chỉ số vẫn nằm trong mục tiêu.

Mỗi 3 - 6 tháng, người bệnh cần làm xét nghiệm HbA1c để đánh giá đường huyết trung bình theo mục tiêu điều trị.

Trong quá trình khám, một số bệnh đồng mắc khác của ĐTĐ cũng sẽ được lưu ý và kiểm soát, chẳng hạn tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... Ngoài ra, bệnh nhân còn kiểm tra chức năng gan, chức năng thận, đánh giá tim mạch, phổi...

Đồng thời còn tầm soát các biến chứng của ĐTĐ trên mắt, thận, bàn chân...

7. Bệnh nhân ĐTĐ cần mang theo những gì trong chuyến đi xa?

Khi đi du lịch hay đi công tác xa,… bệnh nhân ĐTĐ cần lưu ý gì, đâu là những thứ bắt buộc phải đem theo?

ThS.BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Việc giúp bệnh nhân ĐTĐ có thể sinh hoạt bình thường cũng rất quan trọng. Những trường hợp cần đi du lịch, đi công tác..., cần lưu ý mang đủ thuốc men, kiểm soát đường huyết tốt, tuân thủ chế độ ăn và duy trì chế độ vận động phù hợp. Vận động quá mức sẽ gây mệt, tuy nhiên, không vận động lại khiến đường huyết tăng cao.

Những thứ buộc phải mang đầy đủ là thuốc và insulin, thậm chí cần đem dư để tránh trường hợp mất, thất lạc. Có thể mang theo toa thuốc, hoặc chụp ảnh toa thuốc để tham khảo khi cần.

Thuốc uống có thể dễ dàng bảo quản nhưng insulin có yêu cầu về việc cần được giữ trong môi trường mát hoặc lạnh. Nhiệt độ trong ô tô là phù hợp để bảo quản, lưu ý rằng tuyệt đối không để insulin trong cốp xe. Khi đi máy bay, có thể để insulin trong hành lý xách tay.

Khi đến nơi lưu trú, có thể đặt insulin vào tủ lạnh của khách sạn, hoặc để trong phòng có bật điều hòa.

Máy theo dõi đường huyết giúp theo dõi các thay đổi khi sinh hoạt và ăn uống biến động. Ngoài ra, hãy chuẩn bị một bộ vật dụng chăm sóc vết thương để có thể xử trí tạm thời các tình huống bất ngờ.

8. Vai trò của gia đình đối với người bệnh đái tháo đường

Làm thế nào để người bệnh ĐTĐ có được chất lượng cuộc sống tốt? Vai trò của gia đình và những người xung quanh như thế nào?

ThS.BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Người bệnh cần xác định rằng, việc điều trị ĐTĐ cần thời gian lâu dài, có thể là suốt đời. Để có thể sống lạc quan, vui vẻ, bệnh nhân cần chấp nhận căn bệnh của mình, từ đó có động lực và sự kiên trì để tuân thủ điều trị tốt hơn.

Việc tuân trị bao gồm tuân thủ chế độ ăn, kế hoạch tập luyện, kế hoạch điều trị của bác sĩ và tái khám thường xuyên.

Vai trò của người thân, gia đình cũng cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ bệnh nhân điều trị ĐTĐ. Gia đình có thể giúp chuẩn bị bữa ăn phù hợp với người bệnh tiểu đường, tránh để họ ăn quá nhiều đồ ngọt, dầu mỡ, ảnh hưởng đến việc tuân thủ chế độ ăn của người bệnh.

Gia đình còn khuyến khích người bệnh tập luyện nhiều hơn. Người thân cùng tập luyện sẽ giúp người bệnh duy trì thói quen vận động thường xuyên.

Người thân có thể cùng đến cơ sở y tế, hỗ trợ trong quá trình thăm khám, biết rõ các loại thuốc đang sử dụng để nhắc nhở người bệnh tuân trị.

Đặc biệt, việc tạo được không khí hòa thuận, vui vẻ trong gia đình sẽ giúp người bệnh yên tâm, lạc quan, thoải mái, tránh tăng gánh nặng đối với việc điều trị bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X