Hotline 24/7
08983-08983

Chữa mất ngủ theo tây y và đông y có điểm giống và khác nhau thế nào?

Đông y và tây y có nhiều phương pháp để điều trị mất ngủ. Vậy các phương pháp đó giống và khác nhau thế nào? Mời quý vị cùng nghe chia sẻ của BS.CK2 Đỗ Tân Khoa - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM.

BS.CK2 Đỗ Tân Khoa - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM

Hàng ngày các bác sĩ tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị mất ngủ, khó ngủ. Việc đầu tiên khi tiếp nhận bệnh nhân là các bác sĩ sẽ khai thác đặc điểm của mất ngủ và khám toàn diện để tìm ra nguyên nhân. Mất ngủ có thể là một biểu hiện của triệu chứng bệnh lý hoặc cũng có thể là bệnh lý mà bác sĩ cần can thiệp.

Cho dù điều trị theo đông y hay tây y thì chẩn đoán nguyên nhân bệnh là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, cách tiếp cận và điều trị mất ngủ sẽ có sự khác biệt giữa hai phương pháp này. Có 3 phương pháp điều trị mất ngủ chung của tây y và đông y là:

  • Phương án 1: khuyên bệnh nhân điều chỉnh cuộc sống, có lối sống khoa học hơn như không sử dụng trà, cà phê vào buổi tối.
  • Phương án 2: khuyên bệnh nhân tập luyện một số động tác cơ bản như tập yoga, thiền hoặc một môn thể thao khác.
  • Phương án 3: bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhân điều trị.

Những loại thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ có thể là thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc ngủ. Tuy nhiên nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài nhưng không có sự thay đổi dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt thì sẽ dẫn đến tình trạng tăng liều uống, lạm dụng thuốc, lệ thuộc vào thuốc. Việc lạm dụng thuốc, lệ thuộc thuốc là vấn đề nhức nhối trong điều trị mất ngủ.

Khi tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân mất ngủ thì chúng tôi sẽ kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại và vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Chúng tôi luôn đặt bệnh nhân làm trung tâm và tập trung điều trị tổng thể cho bệnh nhân.

Người bác sĩ y học cổ truyền sẽ đi tìm nguyên nhân dẫn đến mất ngủ thuộc phần nào của cơ thể, ví dụ như tạng Tâm, tạng Can, tạng Tỳ, tạng Phế, tạng Thận. Nếu người bệnh bị mất ngủ do tâm lý hoặc do chế độ ăn uống thì bác sĩ sẽ đề ra pháp trị dựa trên nguyên nhân đó và biểu hiện của rối loạn giấc ngủ.

Khi điều trị sẽ có 3 phương án lớn:

- Dụng dược: tức là bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhân uống. Những loại thuốc được sử dụng có nguồn gốc từ đông dược, thuốc nam như lạc tiên, lá sen, lá vông,...

- Dụng huyệt: các bác sĩ sẽ điều trị mất ngủ bằng các tác động lên huyệt đạo, tạo sự quân bình và giúp cơ thể tự điều chỉnh rối loạn đó. Đây là phương pháp được rất nhiều người bệnh và bác sĩ tin tưởng và điều trị, bởi người bệnh không phải dùng thuốc và lệ thuộc thuốc. Phương pháp dụng huyệt có rất nhiều kỹ thuật như xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, điện châm, thủy châm, cấy chỉ. Ví dụ, trong điều trị rối loạn giấc ngủ tại chỗ sẽ có huyệt An miên (nghĩa là giấc ngủ ngon). Bệnh viện của chúng tôi là đơn vị đầu ngành về y học cổ truyền của các tỉnh phía Nam, được nhiều bệnh nhân tin tưởng điều trị bằng phương pháp này.

- Dụng dưỡng sinh: người ta sẽ áp dụng những kỹ thuật nền của dưỡng sinh vào điều trị, đây là phương pháp người bệnh có thể tự tập luyện tại nhà. Bệnh nhân phải sắp xếp lại cuộc sống, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, nhìn nhận lại những mối quan hệ xung quanh. Việc thứ hai là tập luyện, có rất nhiều phương pháp tập luyện, trong đó phương pháp được áp dụng nhiều là thư giãn thở 4 thì, giúp cân bằng quá trình hưng phấn và ức chế của vỏ não. Việc tập luyện sẽ phù hợp với từng hoàn cảnh và điều kiện của người bệnh.

Ví dụ như đi bách bộ, đi bách bộ là đi bộ chậm rãi, khoan thai, đi ngắt nhịp nghĩa là khi đi bộ bệnh nhân phải gạt bỏ những suy nghĩ về mọi thứ, để đầu óc được thư giãn.

Trước khi ngủ, bệnh nhân nên làm ấm chân để dễ ngủ và ngủ ngon hơn, nghĩ là làm cho hệ tuần hoàn không bị rối loạn, ứ đọng. Kỹ thuật làm ấm chân có nhiều cách như ngâm chân nước nóng, xoa bóp bấm huyệt ở chân. Những người bị yếu, hay gọi là khí suy, sẽ uống nước đậu, đặc biệt là nước đậu đen sẽ giúp ấm chân và dễ ngủ hơn.

Hầu hết bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ đều có biểu hiện lạnh chân, do đó nếu làm ấm chân vào buổi tối thì giấc ngủ sẽ rất ngon và sâu.

Vấn đề thứ 3 là thực dưỡng, có vai trò quan trọng trong điều trị mất ngủ. Trong thực dưỡng, thực phẩm là dược phẩm và dược phẩm là thực phẩm, ví dụ người có cơ địa nóng thì phải ăn thực phẩm mát để cân bằng cơ thể như atiso, lá sen, trà tim sen hoặc người bị rối loạn giấc ngủ do tiêu hóa thì phải ăn thực phẩm nóng như vỏ quýt, gừng, đậu sao tẩm với rượu. Một số người đưa những vị thuốc vào thực phẩm dùng hàng ngày như củ sen, hà thủ ô, linh chi,...

Người bác sĩ sẽ khai thác kỹ bệnh lý và hướng dẫn chi tiết để phù hợp với thể tạng của từng bệnh nhân để việc dùng thuốc trở nên nhẹ nhàng.

Đi sâu vào những loại thuốc của y học cổ truyền sẽ có rất nhiều sản phẩm, ví dụ như bổ tâm thì có sản phẩm bổ tâm, bổ thận sẽ bài thuốc ngũ vị thêm vị thuốc an thần như tâm sen, lạc tiên,... Một số sản phẩm hiện đại hóa y học cổ truyền, tức là bào chế những loại thuốc đông y thành viên giúp tiện lợi cho người sử dụng. Bệnh viện chúng tôi có viên thuốc tễ bổ tâm được bào chế từ theo phương pháp thuần túy y học cổ truyền, viên lạc tiên tây được bào chế từ lá cây lạc tiên tây.

Tóm lại, về mặt dụng dược phải dựa trên chẩn đoán mà bác sĩ sẽ kê đơn, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc sắc, viên hoàn hoặc viên thuốc dạng bào chế. Tuy nhiên, bệnh nhân phù hợp với loại thuốc nào thì cần được sự hướng dẫn của thầy thuốc.

Dụng huyệt là phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ hiệu quả với nhiều kỹ thuật châm như xoa bóp bấm huyệt, dùng lực tay tác động vào huyệt đạo giúp cơ thể tự cân bằng. Có nhiều kỹ thuật châm như nhĩ châm (châm ở loa tai), đầu châm (châm ở vùng đầu) giúp bệnh nhân vừa điều trị rối loạn giấc ngủ vừa điều trị các rối loạn đi kèm như đau đầu, hoa mắt. Các phân huyệt thứ hai là thể châm, những huyệt chủ lực trong điều trị rối loạn giấc ngủ, như an miên. Nếu bệnh nhân bị mất ngủ do tâm nhiệt thì sẽ châm huyệt thần môn, nội quan; thận khí yếu thì sẽ châm huyệt thái khê.

Tuy nhiên, nếu mỗi ngày đều đến bệnh viện châm cứu thì sẽ gây bất tiện cho bệnh nhân ở xa. Do đó, chúng tôi phát triển phương pháp cấy chỉ, với phương pháp này, có thể từ 2 - 4 tuần bệnh nhân mới quay lại bệnh viện. Bác sĩ sẽ đưa sợi chỉ tiêu vào các huyệt và thời gian thực hiện thủ thuật này chỉ mất 5 phút, phù hợp với bệnh nhân ở xa, nhân viên văn phòng. Cùng với sự điều trị của bác sĩ thì chúng tôi sẽ hướng dẫn bệnh nhân điều trị tại nhà.

Bài tiếp theo: Điều trị mất ngủ bao lâu thì sẽ khỏi? Có nên uống thuốc thảo dược không?

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X