Hotline 24/7
08983-08983

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị sốt co giật, phòng tránh thế nào?

Cha mẹ cần xử trí như thế nào khi phát hiện con bị sốt cao, co giật? Sốt co giật dẫn đến hậu quả gì, làm sao phòng tránh? Mời quý vị khán giả cùng nghe chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1.

1. Khi nào sốt ở trẻ sẽ gây ra cơn co giật?

Thưa BS Trương Hữu Khanh sốt là tình trạng thường gặp ở trẻ, vậy trẻ sốt như thế nào sẽ lên cơn co giật, và trẻ ở độ tuổi thì sẽ dễ gặp phải tình trạng này?

BS Trương Hữu Khanh:

Ở một em bé bị sốt, cha mẹ cần phải quan tâm 2 vấn đề. Thứ nhất, bé có khả năng bị bệnh nặng khác trong người. Thứ hai, bé bị sốt quá cao, có thể gây co giật. Tình trạng co giật diễn ra rất nhanh nếu cha mẹ không biết cách dự đoán và phòng ngừa. Tình trạng sốt co giật ở một em bé có thể tái lại.

Em bé bị sốt co giật có thể là do yếu tố gia đình. Nếu trong nhà có người anh đã bị sốt co giật thì người em cũng có thể bị. Hoặc trẻ đã từng bị một lần co giật do sốt thì sẽ bị tái lại. Chỉ những em bé từ 6 tháng đến 7 tuổi mới bị co giật do sốt. Các em bé ở lứa tuổi khác khi sốt không sẽ không bị co giật, nếu sốt có co giật thì có thể do bệnh lý khác.

2. Có phải chỉ khi trẻ sốt cao mới dẫn đến co giật?

Nếu trẻ không bị sốt cao thì có nguy cơ bị co giật không? Cơn co giật do sốt ở trẻ có nguy hiểm đến tính mạng không?

BS Trương Hữu Khanh:

Tình trạng sốt mà nhiệt độ cơ thể lên quá nhanh sẽ gây ra tình trạng co giật. Tuy nhiên, một số em bé bị động kinh thì sốt không quá cao cũng gây co giật.

Vì vậy, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bệnh. Bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét xem có phải tình trạng co giật do sốt phức tạp, dưới nền bệnh là động kinh nhưng nó chưa lộ diện ra.

Cơn co giật do sốt ở trẻ thường không ảnh hưởng đến tính mạng. Chính sự lo lắng đã làm các bậc phụ huynh rối lên và có các hành động sai, gây hại cho trẻ. Cơn co giật của trẻ sẽ tự ổn định, vì vậy bố mẹ nên bình tĩnh. Điều quan trọng nhất chính là hạ sốt cho trẻ.

3. Cơn co giật ở trẻ do những nguyên nhân nào khác?

BS Trương Hữu Khanh:

Khi thấy một em bé bị co giật do sốt, ta cần xác định em bé bị co giật do sốt đơn thuần hay do một bệnh lý khác. Viêm màng não, rối loạn điện giải hay hạ đường huyết kèm theo sốt cũng sẽ gây co giật.

Tình trạng co giật do sốt là em bé đã bị vài lần như vậy trước đây và sau khi ổn định nhiệt độ thì bé vẫn vui chơi bình thường. Nếu em bé bị sốt co giật lần đầu thì cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ loại nguyên nhân khác.

4. Điện não đồ có thực sự cần thiết khi trẻ bị sốt co giật không?

Vì quá lo lắng và thương con nên khi em bé bị co giật bố mẹ thường quýnh quáng, lo sợ ảnh hưởng đến não và yêu cầu làm điện não đồ cho trẻ. Vậy điều này có cần thiết không ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Chỉ định làm điện não đồ còn tùy thuộc vào tính chất cơn co giật của trẻ, không phải trẻ bị co giật do sốt 1-2 lần thì phải đi làm điện não đồ vì sẽ không có tác dụng.

Điện não đồ sẽ do một bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh chỉ định. Ngoài ra, em bé bị co giật lâu trong cơn sốt hoặc bé bị co giật thường xuyên thì cần đưa bé đi khám chuyên khoa nội thần kinh để bác sĩ chỉ định đo điện não để xem đó có phải động kinh ở dạng co giật do sốt hay không.

5. Phân biệt sốt co giật với động kinh

BS Trương Hữu Khanh:

Cơn co giật do sốt phải có tiền căn, nghĩa là trong quá khứ trẻ đã bị co giật khi sốt. Cơn co giật kéo dài không quá 5 phút, hiếm khi co giật hơn 5 phút. Phần lớn trẻ sẽ bị co giật toàn thân.

Sau cơn giật, đứa bé sẽ ổn định và vui chơi bình thường.

Nếu không có các yếu tố đó, chắc chắn cha mẹ phải đưa bé đi khám.

6. Sau khi uống thuốc hạ sốt trẻ vẫn bị co giật, cần làm gì?

Một số cha mẹ đã cho bé uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn bị co giật. Ta cần xử trí như thế nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Thứ nhất, nếu bé từng bị co giật do sốt thì khi bé bị nóng, cha mẹ cần phải cặp nhiệt độ. Nếu trẻ bị sốt thì cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc, không đợi khi trẻ sốt cao mới dùng thuốc, vì bản thân trẻ đã có tiền căn rồi.

Thứ hai, khi trẻ bị co giật do sốt thì cha mẹ cần giữ bình tĩnh. Cha mẹ cần cho trẻ nằm nghiêng trong một phòng thoáng, nhét thuốc vào hậu môn. Phải cởi quần áo cho trẻ và sử dụng nước thường dùng để lau cho em bé trong thời gian chờ thuốc hạ sốt có tác dụng.

Một số phụ huynh sợ em bé cắn lưỡi nên sẽ thọc tay vào miệng nhưng vô tình sẽ làm bé cắn lưỡi. Tỷ lệ trẻ bị co giật dẫn đến cắn lưỡi rất thấp, cho nên không cần làm gì để ngăn chặn việc cắn lưỡi.

Không nên ôm chặt đứa bé, ôm sẽ không có tác dụng gì nhưng sẽ khiến trẻ bị co giật thêm.

Nói chung, phụ huynh nên để trẻ nằm nghiêng một bên, lau mát, nhét thuốc hạ sốt vào hậu môn. Thuốc nhét hậu môn cần có sẵn, nếu đợi đến khi trẻ bị sốt co giật mới đi mua thì sẽ chậm trễ.

Viên thuốc nhét hậu môn phải để trong tủ lạnh mới đủ cứng để nhét vào. Trong tủ phải có thuốc hạ sốt bởi vì trẻ chưa sốt đến mức co giật nhưng có tiền căn thì phải cho bé uống thuốc hạ sốt.

Một hay hai cơn co giật do sốt sẽ không ảnh hưởng đến não, cha mẹ cần giữ bình tĩnh.

Một số cha mẹ vắt chanh vào miệng của trẻ, nếu trẻ sặc nó sẽ khiến dịch đi vào trong phổi gây viêm phổi, suy hô hấp. Thông thường, co giật do sốt sẽ tự ổn định và không ảnh hưởng nhiều đến não.

7. Các loại thuốc cần dự trữ đề phòng trẻ sốt co giật?

BS Trương Hữu Khanh:

Trong gia đình cần phải có tủ thuốc dự trữ, quan trọng nhất với trẻ là thuốc hạ sốt. Nếu trẻ nhỏ thì sẽ dùng thuốc hạ sốt dạng siro, dạng gói; trẻ lớn thì sẽ dùng thuốc dạng viên. Thuốc nhét hậu môn thì nên để sẵn trong tủ lạnh.

Bên cạnh đó, ta có thể dự trữ các loại thuốc ho thảo dược, thuốc nhỏ mũi và thuốc cốm tiêu lành tính, thuốc bù nước oresol, bông gòn, gạc, thuốc sát trùng.

8. Tình trạng sốt co giật của trẻ đã ổn, có cần phải đi bệnh viện?

Thưa BS sau khi xử trí tại nhà xong và tình trạng của em bé đã ổn, liệu có cần cần thiết phải đưa đến các cơ sở y tế, và nếu có thể chăm sóc tại nhà thì cần lưu ý gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Thông thường em bé bị co giật do sốt lành tính, cha mẹ không cần can thiệp sau khi co giật. Tuy nhiên, nếu đó là cơn co giật đầu tiên thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ở bệnh viện. Nếu trẻ có 1-2 cơn như vậy trước đó thì phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, tìm nguyên nhân sốt để can thiệp. Nếu phụ huynh rối lên thì cũng không giải quyết được vấn đề.

9. Hậu quả đáng tiếc do xử trí sai lầm khi trẻ sốt co giật

BS có thể kể lại trong suốt quá trình công tác của mình đã có trường hợp nào vì bố mẹ xử lý sai khi con sốt co giật mà gây nên những hậu quả đáng tiếc?

BS Trương Hữu Khanh:

Đã có trường hợp bé bị hít sặc gây sưng phổi, thậm chí là em bé cắn gãy răng hoặc bầm lưỡi do cha mẹ nhét đồ vật vào miệng lúc co giật.

10. Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ tránh co giật

Lời khuyên của BS gửi đến các ông bố bà mẹ để phòng tránh trẻ bị sốt co giật?

BS Trương Hữu Khanh:

Quan trọng nhất là khi biết trẻ bị sốt và có nguy cơ co giật thì phải cần can thiệp hạ sốt. Trẻ đã co giật do sốt thì cha mẹ cần hết sức bình tĩnh thực hiện các biện pháp như nhét thuốc vào hậu môn, nằm nghiêng. Nếu cơn giật do sốt gây ra thì sẽ tự ổn định.

Sau đó, chúng ta cần tìm nguyên nhân, các động tác sai của cha mẹ có khi gây hại cho trẻ nên gia đình phải hết sức bình tĩnh. Một em bé không may thuộc nhóm tuổi dễ co giật do sốt, cha mẹ cần biết cách phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm, cho trẻ uống đúng thuốc để giảm thiểu nguy cơ co giật. Khi đó, bé sẽ sớm phục hồi hơn.

11. Những xét nghiệm cần thiết khi trẻ bị sốt co giật

Trẻ sốt co giật khi đến các cơ sở y tế sẽ được làm những xét nghiệm gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Khi đã xác định được trẻ bị co giật do sốt thì không cần phải làm gì, chỉ cần tìm nguyên nhân sốt.

Có thể bé bị sốt do bệnh lý khác như sốt siêu vi, viêm hô hấp, viêm màng não và sợ nhất là bệnh lý thần kinh trung ương. Trong trường hợp trẻ bị co giật nhiều lần do sốt thì có thể trẻ bị co giật do sốt ở thể phức tạp và cần đo điện não để đánh giá xem trẻ có bị động kinh hay không.

Cách phòng tránh co giật do sốt tốt nhất là uống thuốc hạ sốt đúng lúc, đúng thời điểm.

Trọng Dy - Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X