Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao vẫn bị động kinh dù đã uống thuốc?

Theo ThS.BS Võ Thị Tố Uyên, có khoảng 30% bệnh nhân vẫn còn triệu chứng động kinh kéo dài dù dùng thuốc. Nguyên nhân có thể do lối sống, tình trạng tâm thần kinh của bệnh nhân, liều điều trị đã tối ưu hay chưa,…

NỘI DUNG TƯ VẤN

Hà Thể Quân - Thequan...@gmail.com

Con bị bệnh động kinh đã điều trị tại các bệnh viện đa khoa nhưng vẫn chưa dứt cơn. Xin bác sĩ giúp đỡ.

Thông tin thêm: Động kinh cục bộ G40, đo điện não, thuốc đã sử dụng là debakin, tegretol và có tình trạng bị ảo giác khi dùng teretol.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Có khoảng 30% bệnh nhân vẫn có triệu chứng động kinh kéo dài dù dùng thuốc. Những trường hợp dùng trên 2 loại thuốc liều tối ưu vẫn còn triệu chứng nên được khám và điều trị ở chuyên gia động kinh, đồng thời phân biệt với giả kháng trị, phân biệt với các bệnh lý khác nhầm lẫn với động kinh.

Việc xử trí sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả thăm khám, hình ảnh video quay lại cơn động kinh cũng như kết quả điện não, MRI sọ não..., xem xét độ tuân thủ, tình trạng lối sống, tâm thần kinh của bệnh nhân, liều điều trị đã tối ưu hay chưa...

Do đó, khó có thể tư vấn trực tuyến với thông tin ít ỏi mà bạn cung cấp. Bạn nên cùng gia đình quay lại gặp bác sĩ chuyên khoa đang điều trị cho mình nhé!

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ điều trị tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM

Chi phí phẫu thuật u nang thanh thiệt và polyp mũi?

Nguyễn Thanh Bình - binhgian...@gmail.com

Tôi đi khám tại bệnh viện tỉnh, nội soi tai mũi họng thì bác sĩ kết luận u nang thanh thiệt cp (tôi không biết viết tắt cp là gì), polyp cả 2 bên mũi. Xin hỏi bác sĩ có nên phẫu thuật cả 2 thứ không hay chọn thứ nào phẫu thuật trước, thời gian nằm viện bao lâu? Kinh phí khoảng bao nhiêu cho mỗi loại thủ thuật? Phẫu thuật loại này ở bệnh viện nào tốt nhất? Xin cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

U nang thanh thiệt và polyp mũi đều là bệnh lành tính. Đôi khi chúng ta không thể cảm nhận có các khối u này cho đến khi kích thước của u đủ lớn để gây chèn ép, gây ảnh hưởng đến ăn uống hay nuốt (u nang thanh thiệt) hoặc nghẹt mũi kéo dài (polyp mũi).

Nếu chỉ phát hiện ra khối u này chỉ khi tình cờ nội soi vùng tai mũi họng thì chưa cần thiết điều trị. Nếu có triệu chứng khó chịu, cũng nên xem xét điều trị nội khoa một thời gian trước xem có cải thiện hay không rồi mới quyết định phẫu thuật cũng chưa muộn.

Thời gian và chi phí phụ thuộc vào cơ sở y tế, loại dịch vụ và phương pháp phẫu thuật được lựa chọn dựa trên đặc điểm khối u, thông thường chỉ trên dưới 5 triệu nếu không có BHYT, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị bạn nhé!

Viêm da dầu, uống thuốc Bepanthene 100mg lâu dài được không?

Nguyễn Thu Trang - Nguyentr...@gmail.com

Em bị viêm da dầu, có khám ở bệnh viện Da liễu Trung Ương nhưng đỡ rồi lại tái lại. Lần này em khám ở bệnh viện Da liễu tuyến dưới, bác sĩ kê thuốc và cho em uống bổ sung thuốc Bepanthene 100mg, Biotin 5mg.

Em thấy tác dụng tốt khi sử dụng thuốc, bã nhờn giảm nên da mặt em đẹp hơn, không thấy viêm da dầu, nhưng nếu em không sử dụng thuốc vài ngày lại thấy mặt có hiện tượng viêm da dầu lại.

Em muốn hỏi bác sĩ, nếu sử dụng thuốc hàng ngày có tác dụng phụ hay phụ thuộc thuốc không? Hay em uống theo đợt, mỗi đợt khoảng bao lâu có thể uống lại được ạ. Cảm ơn bác sĩ nhiều.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Bepanthen 100mg chứa vitamin B5 và L-Cystin và biotin (vitamin B7), kẽm... là những vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình hình thành, phát triển của tóc và da đầu. Việc sử dụng các viên uống này với hàm lượng thấp thường không gây ra tác hại gì kể cả khi dùng lâu dài và cũng không có hiện tượng lờn thuốc hay phụ thuộc thuốc.

Dù sao thì các loại vitamin và vi chất này cũng hiện diện rất nhiều trong thức ăn và có thể bổ sung qua chế độ ăn một cách an toàn và tiết kiệm hơn rất nhiều.

Em có thể sử dụng từng đợt tuỳ theo chế độ dinh dưỡng hiện tại, có thể sử dụng các thực phẩm giàu kẽm, biotin, vitamin để bù đắp vào trong giai đoạn ngưng viên uống em nhé!

Chụp Xquang phát hiện có vết mờ ở đòn dưới, nguy hiểm không?

ZL Dầu gội TT

Chồng em bị u ở phổi trái đã mổ hồi tháng 8, chẩn đoán ung thư biểu mô giai đoạn sớm, nên không phải truyền hóa chất chỉ theo dõi thôi ạ. Hôm nay định kì khám và chụp Xquang có vết mờ ở đòn dưới, không biết chồng em có bị sao không? Hiện tại sức khỏe tốt. Mong BS tư vấn giúp. Chân thàn cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Nốt đơn độc ở phổi mới xuất hiện cần được đánh giá kĩ lưỡng về tính chất, đặc điểm, theo dõi diễn tiến; đặc biệt là dùng CT scan để xác định chính xác kích thước. Do đó, bạn nên đưa chồng mình tái khám lại ở chuyên khoa Ung Bướu, mang theo các phim phổi cũ sau điều trị đến nay để đối chiếu, so sánh bạn nhé!

Sau mổ cận thị lực giảm xuống 7/10, có phải em bị cận lại?

Vũ Thế Anh - Vuthea...@gmail.com

Em năm nay 18 tuổi. Em mới mổ cận bằng phương pháp simle đến nay được gần 2 tháng rồi. Khi khám định kì sau 1 tháng mổ mắt em đạt 10/10 mắt phải và 9/10 mắt trái. Nhưng giờ em khám ở trường đại học thì mắt trái của em bị tụt xuống 7/10, còn mắt phải vẫn tốt. Vậy có phải là em bị cận lại không ạ? Và làm sao để phục hồi? Em cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Để có thể chỉ định mổ cận, người bệnh cần đủ 18 tuổi trở lên và ổn định độ khúc xạ trong khoảng thời gian ít nhất là 1 năm và tốt hơn là 2 năm, nếu không rất dễ tái cận. Một nguyên nhân nữa là do cấu trúc mắt của người bệnh không thuận lợi cho điều kiện ca phẫu thuật như là mắt có kích thước nhỏ, hốc mắt bị quá hẹp, bán kính cong của giác mạc mắt bị quá cao hoặc là quá thấp.

Thói quen không tốt như nhìn màn hình quá gần, dùng điện thoại có màn hình tối, sử dụng ánh sáng mạnh trong bóng tối hay nhìn vật quá sáng… đều có thể dễ dàng gây tái cận.

Do đó, những dặn dò sau phẫu thuật hầu như em phải tuân thủ thật tốt. Không nên tham gia các hoạt động quá mạnh, hoặc tiếp xúc mắt với hoá chất, nước bẩn, trang điểm vùng mắt, hạn chế sử dụng máy vi tính, màn hình điện thoại, ngủ đủ giấc, dinh dưỡng đủ chất và giữ sức khoẻ toàn thân để đảm bảo sức khoẻ cho mắt.

Nếu đang quá trình tái cận, em nên tái khám ngay ở bác sĩ phẫu thuật để được kiểm tra lại, nếu chỉ cận nhẹ sẽ xem xét mang lại kính gọng để hạn chế điều tiết mắt trong giai đoạn đầu sau mổ em nhé!

Nổi hạch cổ to có nên tầm soát ung thư?

Nguyễn Thuỳ An - Annguyen...@gmail.com

Bác sĩ ơi, em bị nổi hạch ở trên tai trước, hạch đau, nhiều lúc đau đến hàm với bẹ sườn luôn. Em đi nội soi thì cho kết quả lành tính và được cho thuốc uống, nhưng tình hình vẫn không giảm. Không biết em có nên rà soát ung thư không ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Hạch cổ to có rất nhiều nguyên nhân, tuỳ theo tình huống xuất hiện của hạch, thời gian kéo dài, diễn tiến, đặc điểm khi thăm khám giúp gợi ý nguyên nhân và hướng chữa trị. Bác sĩ chưa rõ em nội soi khu vực nào nhưng xét nghiệm này không thể đánh giá được đặc điểm của hạch, em có thể sắp xếp khám chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc Ung Bướu để bác sĩ thăm khám trực tiếp, chỉ định siêu âm và sinh thiết nếu cần thiết em nhé!

Sau gãy xương cánh tay, khi nào được chạy xe máy?

Lê Văn Thành - tommy...@gmail.com

Bác sĩ ơi, con bị gãy trên 2 cầu lồi xương cánh tay trái nên phải bó bột 4 tuần. Cho con hỏi là sau khi tháo bột bao lâu thì con có thể chạy xe máy ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Gãy xương cánh tay ở người trẻ nếu xử trí và chăm sóc đúng cách có thể hồi phục trong thời gian từ 2-3 tháng. Sau khi tháo bột, em có thể bắt đầu tập vật lý trị liệu để trở về sinh hoạt bình thường, tuỳ theo cơ địa từng người, mức độ tổn thương và mức độ tích cực tập luyện mà thời gian để có thể hoạt động thể lực, lái xe, các động tác bàn tay... có thể trở về bình thường trong thời gian từ 3-6 tháng.

Nên kiểm tra lại định kỳ ở bác sĩ chuyên khoa để đánh giá thêm có chấn thương thần kinh do gãy xương hay không em nhé!

Rối loạn nhịp tim hay tái phát, điều trị bằng cách nào?

Quang - duyquan...@gmail.com

Tôi có triệu chứng của người mắc bệnh tim trong 1 thời gian khá dài từ năm 2014 nhưng đến tháng 7/2019 mới được chẩn đoán bị: Rung nhĩ kịch phát/ Rung nhĩ cơn (I48.0). Tôi được bệnh viện Đà Nẵng chuyển viện ra bệnh viện Tim Hà Nội để điều trị đốt điện RF vào ngày 22/7/2019. Sau khi ra viện tôi được kết luận: Rung nhĩ cơn đã cô lập tĩnh mạch phổi bằng phương pháp mapping 3D - Cơn tim nhanh nhĩ ngắn.

Đến tháng 3/2020 tôi bị phát cơn lại và tiếp tục đến tháng 10-11/2020 các cơn rối loạn nhịp tim bắt đầu xuất hiện với tần suất nhiều hơn khoảng 2-3 cơn/ngày. Trung bình 1 cơn kéo dài khoảng: 60 - 120 phút/ cơn. Sau khi đo điện tâm đồ, đeo Holter 24h: Bác sĩ chẩn đoán cơn tim nhanh nhĩ ngắn, nhanh nhĩ đa ổ, cuồng nhĩ. Và phác đồ điều trị là dùng thuốc theo đơn.

Vậy nhờ bác sĩ tư vấn với bệnh án hiện tại, có phương pháp điều trị nào có thể chữa dứt điểm các cơn rối loạn nhịp tim hay tái phát của tôi không? Các bác sĩ ở khoa Nội Tim Mạch, bệnh viện Đà Nẵng có tư vấn nếu đốt lại có khả năng sẽ hết nhưng không chắc chắn 100%. Rất mong nhận được tư vấn từ các Bác sĩ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Điều trị rung nhĩ hiện nay xoay quanh 3 mục tiêu là kháng đông, kiểm soát tần số và kiểm soát nhịp. Việc quyết định điều trị rung nhĩ bằng đốt điện phụ thuộc nhiều yếu tố. Đốt điện điều trị rung nhĩ chủ yếu áp dụng ở người trẻ tuổi, khỏe mạnh, bị rung nhĩ cơn có triệu chứng, đã điều trị ≥ 1 thuốc chống rối loạn nhịp; triệt đốt cho kết quả cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn nhóm điều trị nội khoa.

Tỷ lệ thành công của đốt điện mapping 3D ở VN vào khoảng 90%. Tái phát rung nhĩ sau đốt điện thông thường xảy ra trong 3 tháng đầu, làm tăng tỷ lệ thất bại của thủ thuật và tăng tỷ lệ tái nhập viện. Khi có rung nhĩ tái phát sớm sau triệt đốt, nên cân nhắc chuyển nhịp lại bằng thuốc hơn là thực hiện ngay thủ thuật đốt lại.

Rung nhĩ tái phát sau 3 tháng thường là biểu hiện của sự phục hồi dẫn truyền điện học giữa tĩnh mạch phổi và nhĩ trái và có thể cần phải cô lập lại tĩnh mạch phổi bằng triệt đốt hoặc bắt đầu lại thuốc chống loạn nhịp. Nhiều trung tâm báo cáo RN tái phát muộn > 1 năm sau triệt đốt. Cuồng nhĩ sau thủ thuật có thể là một biến chứng ít gặp sau triệt đốt, có thể xem xét điều trị bằng thuốc hoặc triệt đốt lại. Chưa có một chỉ định bắt buộc nào cho trường hợp của bạn, việc lựa chọn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện sẵn có của cơ sở y tế và bác sĩ, mong muốn của người bệnh và đáp ứng với điều trị ban đầu.

Nếu đốt điện tiếp tục khả năng khỏi bệnh là có nhưng cũng có nguy cơ biến chứng, điều này bạn nên gặp bác sĩ điều trị để được giải thích trực tiếp nếu chưa rõ, đồng thời gia đình và bản thân sẽ là người lựa chọn và quyết định những trường hợp chưa có đồng thuận rõ ràng bạn nhé!

Chóng mặt khi thay đổi tư thế có phải rối loạn tiền đình?

Đoàn Kiên Cường - doancuon...@gmail.com

Cách đây hơn 2 tuần, tôi nằm xem điện thoại lâu khoảng 3 giờ, sau đó tôi thấy chóng mặt khi thay đổi tư thế. Tôi đi khám được chẩn đoán bị rối loạn tiền đình và cho thuốc uống.

Giờ đôi khi tôi ngủ nằm nghiêng bên phải lâu sẽ có cảm giác chóng mặt. Ngước đầu lên trên lâu cũng sẽ thấy chóng mặt. Ngoài ra tôi vẫn nghe bình thường, vẫn ngủ ngon. Vậy tôi có phải bị rối loạn tiền định không?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn

Trong rối loạn chức năng tiền đình bệnh nhân có thể biểu lộ nhiều triệu chứng như: chóng mặt, buồn nôn, mất định hướng không gian, mất thăng bằng, ngã, kém kiểm soát hệ tự trị... Nguyên nhân có thể do thuốc, nhiễm trùng, tai trong, ống bán khuyên, bệnh lý của não, viêm thần kinh tiền đình, di truyền...

Sử dụng điện thoại liên tục nhiều giờ hoặc tư thế không phù hợp, mắt phải điều tiết liên tục có thể ảnh hưởng làm cho hệ tiền đình làm việc quá sức, gây ra các cơn chóng mặt và buồn nôn.

Cách tốt nhất để phòng ngừa các cơn chóng mặt, hoa mắt xảy ra là hạn chế sử dụng smartphone khi có thể và xây dựng một lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc, tránh bị căng thẳng và áp lực trong thời gian dài bạn nhé!

Điều trị lao chỉ uống thuốc Rifampicin và Ethambutol, có đúng không?

Phạm Văn Hoàn - vanho...@gmail.com

Cháu năm nay 28 tuổi, hiện đang điều trị lao phổi tháng thứ 6, cháu đã uống được 5 tháng thuốc lao. Trong thời gian uống thuốc duy trì thì cháu bị lóa mắt, mờ mắt nên đã khám tại bệnh viện Phổi Trung ương tại Hà Nội và được chỉ định là dừng uống thuốc Ethambutol.

Hiện, cháu đang điều trị lao tháng thứ 6 chỉ với 1 loại thuốc là Rifampicin, vậy nguy cơ cháu bị kháng thuốc như thế nào? Và cháu muốn biết tỉ lệ khỏi là bao nhiêu ạ? Cháu đang rất lo lắng mong bác sĩ giải đáp.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Phác đồ điều trị lao phổi mới kéo dài 6 tháng, bao gồm 2 tháng tấn công với 4 loại Rifampicin, Isoniazid, Pyrazinamide và Ethambutol, kế tiếp là 4 tháng duy trì với 2 hoặc 3 loại thuốc (Rifampicin, Isoniazid và có thể có thêm Ethambutol).

Do đó, phác đồ chỉ có Rifampicin và Ethambutol là chưa phù hợp, có lẽ em đã có nhầm lẫn gì trong trường hợp này vì Chương trình Chống lao Quốc Gia hiện này không thiếu thuốc Isoniazid em nhé!

Xét nghiệm bạch cầu tăng có phải dấu hiệu nhiễm trùng?

Hai lúa - taminh...@gmail.com

Chào bác sĩ, vừa qua tôi có đi khám sức khoẻ, xét nghiệm công thức máu với kết quả wbc 15.8 k/ul, neu#7.45 lym# 7.02 và mono# 1.08 đây là các chỉ số bất thường, bác sĩ bảo tôi bị nhiễm trùng nhưng tôi không có biểu hiện ho sốt gì nghiêm trọng.

Vậy xin hỏi với kết quả trên tình hình sức khoẻ tôi có đáng lo ngại và nguy hiểm gì không? Và tôi có nên làm xét nghiệm chuyên sâu nào không? Rất mong được bác sĩ tư vấn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Theo kết quả xét nghiệm đính kèm thì bạn có tình trạng tăng bạch cầu ưu thế đa nhân trung tính, gợi ý nhiễm trùng cấp tính, cùng với rối loạn mỡ máu và rối loạn đông máu. Kết quả này cần phải đối chiếu với thăm khám lâm sàng, các bệnh nền, cơ địa... để quyết định hướng xử trí tiếp theo. Bạn nên sắp xếp tái khám kiểm tra và xét nghiệm lại chức năng đông máu, khám chuyên khoa Huyết học khi có bất thường bạn nhé!

Vỡ xương gót chân, khi nào có thể tập đi?

Hoàng Văn Bảy - Van...@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi, bị vỡ gót cả 2 chân sau phẫu thuật thì mấy tháng tập đi được? Nhờ bác sĩ chỉ cách tập đi cho em với ạ? Chân thành cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Vỡ xương gót cần có thời gian ít nhất từ 4-6 tuần để hồi phục. Tuy nhiên, chấn thương càng nghiêm trọng, cơ địa suy dinh dưỡng, lớn tuổi, nhiều bệnh nền thì thời gian phục hồi càng lâu. Tập vật lý trị liệu sớm giúp xương mau lành hơn, nhưng nếu vận động quá sức có nguy cơ gây ra chấn thương tái phát, do đó cần phải từ tốn, từng bước; tốt nhất là tập dưới hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu. Thời gian để có thể bắt đầu chịu lực ở chân vào khoảng 6 tháng hoặc muộn hơn tuỳ theo tiến độ hồi phục bạn nhé!

Kết luận K thực quản đang trị có phải đã di căn?

Phương - 131...@...edu.vn

Chào bác sĩ! Ba em 66 tuổi mới phát hiện K thực quản giữa. Kết quả CT phản quang kết luận K thực quản đang trị, còn dày không đều thành 1/3 giữa <=1cm. Vài hạch cạch khí quản 2 bên góc Carina <=0.8cm bắt sang. Như vậy là đã di căn chưa và có mổ được không, hay phải hoá trị, xạ trị ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn

Chỉ một kết quả CT scan ngực thì chưa đủ để kết luận có di căn hay chưa. Thông thường bệnh nhân ung thư sẽ được đánh giá toàn thân bao gồm xạ hình xương, nội soi dạ dày, đại tràng, CT scan sọ não...  Theo kết quả mà bạn cung cấp thì K thực quản đang điều trị, cần tiếp tục tuân thủ và tham vấn trực tiếp ở bác sĩ điều trị bạn nhé!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X