Hotline 24/7
08983-08983

Các bệnh đường ruột tác động thế nào đến hệ vi sinh đường ruột?

Khi hệ vi sinh đường ruột rối loạn, cơ thể dễ gặp phải nhiều bệnh lý tại hệ tiêu hóa và các cơ quan khác. Sử dụng men vi sinh sẽ giúp hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Vậy lựa chọn men vi sinh như thế nào? Mời quý vị khán cùng nghe chia sẻ của PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hà.

PHẦN 1: Các bệnh đường ruột tác động thế nào đến hệ vi sinh đường ruột?

1. Hệ vi sinh đường ruột là gì?

Thế nào là hệ vi sinh đường ruột? Hệ vi sinh đường ruột ảnh hưởng đến sức khỏe con người?

PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hà - Phó chủ nhiệm bộ môn nhi, Trường ĐH Y Hà Nội; Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi trung ương:

Hệ vi sinh đường ruột là hệ vi sinh sống trong hệ tiêu hóa của chúng ta. Trên cơ thể của chúng ta, hệ vi sinh có ở tất cả mọi nơi như da, đường hô hấp,... Nhưng hệ vi sinh được nghiên cứu nhiều nhất và ảnh hưởng đến cơ thể nhiều nhất là hệ vi sinh đường ruột.

Hệ vi sinh là những sinh vật sống trong hệ tiêu hóa của chúng ta. Khi em bé còn nằm trong bụng mẹ thì đường ruột hoàn toàn vô khuẩn, 8-10 giờ sau khi thì xuất hiện những vi sinh vật đầu tiên. Những vi sinh vật này xuất hiện từ âm đạo của người mẹ nếu em bé được sinh bằng hình thức sinh thường. Các vi sinh vật này dần được phát triển và dinh dưỡng bởi cách thức mà cha mẹ nuôi các em bé.

Ví dụ, trẻ nuôi bằng sữa mẹ thì tăng Lactobacillus bifidus. Ngược lại, nếu em bé ăn bổ sung sớm, hoặc ăn không đúng cách thì sẽ gia tăng các vi sinh vật gây bệnh. 2 năm đầu đời của trẻ rất quan trọng, bởi sẽ hình thành hệ vi sinh lõi, là hệ vi sinh quyết định sức khỏe của cơ thể trong suốt đời.

Vậy hệ vi sinh này đến từ đâu? Nếu bé ra đời bằng hình thức sinh thường thì hệ vi sinh sẽ đến từ âm đạo của mẹ, nếu người mẹ khỏe mạnh thì sẽ cung cấp cho con mình các Lactobacillus bifidus. Không may bé phải sinh mổ thì hệ vi sinh sẽ đến từ bàn tay của nhân viên y tế và môi trường bệnh viện, hệ vi sinh này sẽ gây bệnh nhiều hơn.

Trong sữa mẹ có các Oligosaccarit, là nguồn thức ăn phong phú và tốt cho các vi sinh vật đường tiêu hóa của bé. Ngoài ra trong sữa mẹ còn chứa các lợi khuẩn có lợi cho hệ vi sinh đường ruột.

Việc cha mẹ cho em bé ăn bổ sung đúng thời điểm, không dùng thuốc kháng sinh bừa bãi là cách để hệ vi sinh đường ruột duy trì và phát triển khỏe mạnh.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói hệ vi sinh đường ruột là cơ quan quan trọng của hệ tiêu hóa. Nó không chỉ quan trọng với hệ tiêu hóa mà còn quan trọng với toàn cơ thể. Nếu như các bé có hệ vi sinh khỏe mạnh thì nó sẽ tham gia vào chức năng chuyển hóa của đường tiêu hóa, tạo ra các axit béo chuỗi ngắn, tạo ra môi trường cân bằng giúp ức chế các tác nhân gây bệnh.

Một vấn đề cũng vô cùng quan trọng, đó là sự tương tác với hệ miễn dịch. 80% tế bào miễn dịch trong cơ thể nằm ở đường tiêu hóa, nếu chúng ta có được hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh thì sự tương tác giữa các tế bào vi sinh này với tế bào miễn dịch sẽ tạo cho em bé một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Điều này giúp em bé ít mắc bệnh hơn.

Nếu không may em bé phải sử dụng thuốc kháng sinh hoặc hóa chất thì sẽ phá hủy hệ vi sinh đường ruột. Do đó, em bé sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý dị ứng, bệnh lý tự miễn, đặc biệt là các bệnh lý chuyển hóa như tiểu đường, cao huyết áp.

Đó là lý do tại sao chúng ta phải duy trì hệ vi sinh khỏe mạnh trên các em bé.

2. Ảnh hưởng của rối loạn hệ vi sinh đường ruột đến sức khỏe

Tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột và rối loạn hệ vi sinh đường ruột khác nhau như thế nào? Khi hệ vi sinh đường ruột bị rối loạn thì sẽ ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ?

PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hà:

Chúng ta có 85% các lợi khuẩn, 15% vi khuẩn có tiềm năng gây bệnh. Khi mà tỷ lệ này bị đảo lộn thì gọi là mất cân bằng đường ruột.

Chúng ta không chỉ có lợi khuẩn và hại khuẩn mà còn có rất nhiều loại vi sinh vật khác nhau. Có những loại vi sinh vật giúp chuyển hóa chất đạm, có loại vi sinh vật giúp chuyển hóa chất đường, chất xơ và tạo ra các axit béo chuỗi ngắn hoặc tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch. Rối loạn hệ vi sinh đường ruột không chỉ là sự mất cân bằng mà còn là sự khác biệt giữa các chủng vi sinh vật khác nhau, sẽ ưu thế lên những vi sinh vật có tiềm năng gây bệnh hoặc gây bệnh, đồng thời giảm các vi sinh vật có lợi cho cơ thể.

3. Tác hại lâu dài của rối loạn hệ sinh đường ruột

Nếu hệ vi sinh đường ruột rối loạn và không được phục hồi tốt nếu bị bệnh thì các biểu hiện sớm và lâu dài sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hà:

Khi chúng ta có sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột thì biểu hiện đầu tiên chúng ta có thể thấy đó là biểu hiện ở đường tiêu hóa. Bởi vì hệ vi sinh tham gia vào quá trình chuyển hóa cũng như là tương tác với các tế bào miễn dịch ở đường tiêu hóa. Biểu hiện sớm nhất là biếng ăn, tiêu chảy, nôn ói, chướng bụng, sinh hơi trong ổ bụng.

Người ta nói rất nhiều đến sự tương tác giữa các tế bào thần kinh đường ruột với não bộ. Bằng chứng khoa học cho thấy, những người bị rối loạn hệ vi sinh đường ruột trong những năm đầu đời thì sẽ gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp, thậm chí là các bệnh lý chuyển hóa của gan, mật, tụy.

Vấn đề thứ hai, hệ tiêu hóa không chỉ là cơ quan tiêu hóa mà còn là cơ quan miễn dịch, được ví như bộ não thứ hai của cơ thể. Những rối loạn hệ vi sinh đường ruột sẽ dẫn đến các tác động trong cơ thể của chúng ta, gây ra stress, căng thẳng, đặc biệt là sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và nhận thức của đứa bé như tăng động, tự kỷ hoặc các bệnh lý tâm thần.

Hệ vi sinh đường ruột cũng tác động đến quá trình chuyển hóa và hấp thu các chất, do đó gián tiếp ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể như tim mạch. Như vậy, rối loạn hệ vi sinh đường ruột còn tác động đến suốt quá trình phát triển của trẻ.

Trong quá trình phát triển, cơ quan tiêu hóa là cơ quan nhận vào rất nhiều dị nguyên. Từ việc rối loạn hệ vi sinh đường ruột sẽ gia tăng các bệnh lý dị ứng, từ đó gia tăng các bệnh lý miễn dịch.

4. Nguyên nhân dẫn đến rối loạn hệ vi sinh đường ruột?

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn hệ vi sinh đường ruột?

PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hà:

Hệ vi sinh đường ruột là hệ cân bằng động, không phải là thứ tĩnh tại trong suốt cuộc đời của chúng ta. Hệ vi sinh đường ruột bị ảnh hưởng bởi cách thức chúng ta nuôi dưỡng em bé như trẻ được ăn bằng sữa mẹ hay sữa công thức, giai đoạn bé ăn bổ sung từ khi nào, có sử dụng thuốc kháng sinh cho bé hay không.

Khi trẻ lớn hơn thì sẽ liên quan đến khẩu phần ăn, nếu trẻ ăn nhiều chất đạm sẽ gia tăng các vi sinh vật chuyển hóa chất đạm, nếu ăn nhiều chất xơ thì sẽ gia tăng các vi sinh vật chuyển hóa chất xơ. Trong quá trình phát triển với sự tác động của môi trường bên ngoài và các bệnh lý ( bệnh lý trong và ngoài đường tiêu hóa) thì sẽ làm cho sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột bị biến động.

Nếu không may, chúng ta mắc các bệnh lý trên đường tiêu hóa hay ngoài đường tiêu hóa mà phải sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm tiết axit thì đều làm cho hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng. Tùy theo mức độ và diễn biến bệnh thì sự rối loạn này sẽ nặng nhẹ khác nhau và dẫn đến các hệ lụy khác nhau.

5. Nhiễm khuẩn đường ruột có phải là nguyên nhân gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột?

Như BS vừa đề cập, tiêu chảy cấp là một trong vấn đề nổi trội nhất trong các bệnh lý đường tiêu hóa mà trẻ thường gặp phải. Vậy nhiễm khuẩn đường ruột này có phải là nguyên nhân gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột?

PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hà:

Nhiễm khuẩn đường ruột (tiêu chảy) có thể là nguyên nhân hoặc có thể là hậu quả của rối loạn hệ vi sinh đường ruột. Ví dụ, em bé bị nhiễm các vi sinh vật từ môi trường ngoài như thức ăn, nước uống, đây là những vi sinh vật gây bệnh; khi đi vào cơ thể nó sẽ làm gia tăng các hại khuẩn ở đường ruột và gây ra tiêu chảy cấp. Nhưng nếu chúng ta bị rối loạn đường ruột làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, mất cân bằng sự chuyển hóa thì sẽ dẫn đến các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như nôn ói, tiêu chảy, biếng ăn.

Do đó, chúng ta khó xác định được cái nào là nguyên nhân, cái nào là hậu quả. Nhưng cho dù bất kỳ nguyên nhân gì thì khi em bé bị tiêu chảy nghĩa là hệ vi sinh đường ruột đang mất cân bằng.

6. Mùa tiêu chảy là khi nào? Độ tuổi trẻ bị tiêu chảy?

Khái niệm “mùa tiêu chảy” được hiểu như thế nào? Độ tuổi nào trẻ dễ mắc tiêu chảy?

PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hà:

Thông thường, những em bé dưới 5 tuổi sẽ dễ mắc tiêu chảy và tỷ lệ mắc tiêu chảy cao nhất là trẻ từ 6-24 tháng tuổi.

Nguyên nhân là trong vòng 6 tháng đầu đời, em bé nằm trong vòng tay của cha mẹ, chưa được tiếp xúc môi trường ngoài, hệ miễn dịch của bé có được từ mẹ. Trong 6 tháng này thì các bé ít tiếp xúc môi trường ngoài, ít khám phá các vật xung quanh, bé được chăm chút cẩn thận hơn nên bé ít bị tiêu chảy. Lứa tuổi này trẻ chỉ bị tiêu chảy khi bé bị các bệnh lý nền, sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh hoặc do sơ suất khi chăm sóc.

Giai đoạn từ 6-24 tháng tuổi, bé rất dễ mắc tiêu chảy, được gọi là giai đoạn khoảng trống miễn dịch. Bởi khi đó kháng thể mẹ truyền cho bé đang giảm dần và kháng thể do bé tự tạo ra chưa đủ. Đó là lý do người ta khuyến cáo nên tiêm chủng đúng lịch để trẻ có đủ kháng thể. Giai đoạn này chế độ ăn của trẻ có sự thay đổi lớn khi chuyển từ sữa mẹ, sữa công thức sang thức ăn bổ sung nên làm em bé dễ mắc tiêu chảy hơn. Khi đó trẻ sẽ giảm sức đề kháng, trẻ phải sử dụng thuốc và tạo thành vòng luẩn quẩn.

Ngoài lứa tuổi từ 6-24 tháng tuổi thì tất cả lứa tuổi đều có khả năng mắc tiêu chảy.

Miền Bắc sẽ có mùa tiêu chảy rõ rệt hơn miền Nam. Ở miền Bắc, vào mùa đông-xuân sẽ gia tăng các tác nhân vi rút nên sẽ hay gặp tiêu chảy do vi rút. Loại vi rút hay gặp ở trẻ em Việt Nam là Rotavirus, là tác nhân gây tiêu chảy hàng đầu cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi. Rotavirus xuất hiện quanh năm nhưng ở miền Bắc sẽ xuất hiện nhiều vào mùa đông-xuân nên gọi là mùa tiêu chảy.

Vào mùa khô, sẽ gia tăng các vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn), bởi vì môi trường nóng ẩm, thức ăn có xu hướng để nguội rồi mới ăn. Do đó, mùa khô hay gặp các tác nhân vi khuẩn.

7. Diễn tiến của bệnh tiêu chảy cấp như thế nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hà:

Để nói đến diễn tiến của bệnh thì mình phải định nghĩa thế nào là tiêu chảy cấp. Tiêu chảy cấp là đi ngoài phân lỏng, tóe nước 3 lần/ngày trở lên và kéo dài dưới 14 ngày. Như vậy, những em bé đi ngoài phân lỏng 3 lần/ngày và kéo dài dưới 14 ngày gọi là tiêu chảy cấp.

Diễn tiến của tiêu chảy cấp sẽ thay đổi tùy vào nguyên nhân bệnh, cách thức điều trị và chế độ dinh dưỡng của em bé. Để chẩn đoán bệnh tiêu chảy thì không khó nhưng khi nào đưa trẻ vào bệnh viện và theo dõi những vấn đề gì mới là vấn đề quan trọng.

Đối với những em bé tiêu chảy cấp nhưng hoàn toàn tỉnh táo, không quấy khóc, không mệt mỏi, không ngủ nhiều, ăn uống bình thường, không nôn nhiều, đi tiểu bình thường và không khát nước thì đó là tiêu chảy không mất nước và có thể điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, trong quá trình điều trị cha mẹ nên sử dụng oresol, bổ sung kẽm, duy trì chế độ dinh dưỡng cho em bé và nên điều trị tại nhà từ 3-5 ngày.

Sau thời gian này, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ đánh giá xem tiêu chảy do vi rút, vi khuẩn đơn thuần hay do những vấn đề nào khác.

Cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ nôn tất cả mọi thứ, có biểu hiện sốt hoặc nhiễm khuẩn, phân có nhầy, có máu, bé đái ít, khát nước nhiều và quấy khóc. Các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ bệnh và quyết định bù dịch theo con đường nào, có dùng thuốc kháng sinh không, ngoài dung dịch oresol thì bé còn cần những biện pháp điều trị gì…

Tiếp theo: Điều trị tiêu chảy cấp khi nào cần bổ sung men vi sinh, loại nào phù hợp?

Trân trọng cảm ơn Nấm men vi sinh Bioflora đã đồng hành cùng chương trình!

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X