Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị tiêu chảy cấp khi nào cần bổ sung men vi sinh, loại nào phù hợp?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà - Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn các phương pháp điều trị tiêu chảy cấp, khi nào cần bổ sung men vi sinh và tác hại của lạm dụng thuốc kháng sinh đối với hệ vi sinh đường ruột.

Tiếp theo bài trước: Các bệnh đường ruột tác động thế nào đến hệ vi sinh đường ruột?

1. Phương pháp điều trị tiêu chảy cấp

Xin nhờ bác sĩ chia sẻ cụ thể phương pháp điều trị khi trẻ bị tiêu chảy cấp? Cha mẹ nên làm gì để hỗ trợ trẻ điều trị bệnh?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà:

Cho dù bé bị tiêu chảy do nguyên nhân gì thì trong điều trị bác sĩ sẽ chia thành 2 nhóm quan trọng.

Nhóm thứ nhất là điều trị bắt buộc, tức là không thể thiếu đối với tất cả bệnh nhân tiêu chảy, đó là bù nước, bù điện giải. Chúng ta sử dụng dung dịch oresol hoặc các dung dịch thay thế dung dịch oresol để bù nước cho em bé, tránh tình trạng mất nước. Bởi trẻ bị tiêu chảy tử vong chủ yếu do mất nước và điện giải.

Vấn đề thứ hai là chúng ta phải bổ sung kẽm, vì tỷ lệ thiếu kẽm của trẻ em Việt Nam khá cao, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Khi bé bị tiêu chảy sẽ làm mất kẽm. Kẽm là thành phần vô cùng quan trọng cho sự phát triển của hệ miễn dịch, kích thích ngon miệng và phục hồi niêm mạc ruột.

Vấn đề thứ ba là cha mẹ khi thấy con mình bị tiêu chảy thì nghĩ đó là nhiễm khuẩn đường ruột và sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định. Kháng sinh chỉ được chỉ định cho trường hợp tiêu chảy phân máu hoặc bác sĩ xác định đó là bệnh tả. Do đó, kháng sinh chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ, cha mẹ không được tự ý sử dụng cho trẻ.

Vấn đề cuối cùng là dinh dưỡng trong quá trình điều trị. Chúng ta biết rằng tế bào niêm mạc ruột theo chu kỳ từ 3-5 ngày sẽ đổi mới, để đổi mới thì phải có năng lượng. Nhưng khi bé bị tiêu chảy thì phần lớn cha mẹ sẽ kiêng ăn kiêng uống cho trẻ, đó là sai lầm.

Một em bé bị tiêu chảy vẫn phải ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường, chỉ có điều chúng ta sẽ nấu loãng thức ăn và chia nhỏ bữa ăn để đảm bảo bé ăn đủ lượng thức ăn. Chỉ khi bé ăn những thực phẩm đó, bé khóc nhiều, bụng chướng hơi, xì hơi nhiều hơn, hậu môn đỏ thì cần đưa bé đi khám để bác sĩ tư vấn thay đổi chế độ ăn.

Như vậy, khi bé bị tiêu chảy cần áp dụng đúng 4 biện pháp bắt buộc là: bù nước, bù điện giải, bổ sung kẽm, sử dụng kháng sinh đúng và chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Tuy nhiên, cha mẹ luôn kỳ vọng thời gian tiêu chảy của bé ngắn, phụ huynh có thể đi làm sớm, chi phí điều trị giảm thì sẽ có nhiều biện pháp điều trị hỗ trợ. Một trong những biện pháp điều trị hỗ trợ được chứng minh có hiệu quả là bổ sung men vi sinh, để rút ngắn thời gian tiêu chảy của trẻ.

Việc bổ sung men vi sinh có thể do bác sĩ kê đơn hoặc cha mẹ tự mua cho trẻ sử dụng. Tuy nhiên, cha mẹ muốn tự sử dụng thì phải biết chất lượng của men vi sinh như thế nào, bởi men vi sinh có rất nhiều loại khác nhau như men vi sinh có nguồn gốc từ vi khuẩn, từ nấm men và có loại men chưa đạt được tiêu chuẩn chất lượng.

Tổ chức Y tế thế giới có đưa ra những khuyến cáo, men vi sinh phải có quy trình sản xuất chuẩn mực, đảm bảo an toàn, còn hạn sử dụng và bảo quản. Đặc biệt, chúng ta sẽ quan tâm đến những bằng chứng lâm sàng của men vi sinh như nghiên cứu khoa học chứng minh cơ chế tác động của men vi sinh, hiệu quả khi sử dụng. Do đó, tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên tự ý sử dụng men vi sinh.

2. Những loại thuốc không kê đơn nào được sử dụng điều trị tiêu chảy cấp?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà:

Với trẻ bị tiêu chảy và được điều trị tại nhà thì có những loại thuốc không kê đơn nào để điều trị ạ?

Dung dịch oresol là loại thuốc không cần kê đơn nhưng vấn đề là phải pha oresol đúng cách. Chúng ta thường nghĩ oresol là dung dịch, nhưng nó được xác định là thuốc quan trọng trong điều trị tiêu chảy. Trong quá trình điều trị, chúng tôi gặp một số em bé bị rối loạn hệ điện giải do uống oresol không đúng cách.

Thuốc thứ hai chúng ta có thể mua không cần đơn là kẽm. Kẽm phải được uống đúng, bởi nó sẽ bị giảm hấp thu khi chúng ta ăn no, do đó kẽm phải được uống trước khi ăn 30 phút. Tác dụng không mong muốn của kẽm là gây nôn ói cho trẻ, do đó khi trẻ uống kẽm và nôn nhiều thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.

Men vi sinh cũng có thể mua dưới dạng không kê đơn. Nhưng phải chọn loại men có nguồn gốc rõ ràng, tốt nhất là nên chọn loại được bác sĩ chỉ định.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà - Phó chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Nhi Trung ương

3. Tác hại của lạm dụng thuốc kháng sinh đối với hệ vi sinh đường ruột

Tác hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt là đối với hệ vi sinh đường ruột?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà:

Việc phát minh ra kháng sinh là sự thay đổi rất lớn trong kỷ nguyên phát triển của con người, vì kháng sinh có tác dụng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh và được dùng để điều trị các bệnh lý dưới sự kê đơn của bác sĩ.

Việt Nam là quốc gia lạm dụng thuốc kháng sinh rất lớn, bởi chúng ta có thể mua thuốc không kê đơn. Chúng ta sử dụng kháng sinh trong hoạt động chăn nuôi thủy sản, gia cầm, gia súc và nghĩ rằng điều đó sẽ không có ảnh hưởng gì. Nhưng điều tra tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ chúng ta bị lây nhiễm những chủng vi khuẩn kháng thuốc từ thủy hải sản, gia súc, gia cầm rất cao và làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị của chúng ta.

Do đó, tác hại đầu tiên là tình trạng kháng kháng sinh và nếu chúng ta mắc bệnh thì rất khó điều trị.

Thứ hai, kháng sinh là thuốc diệt các tác nhân gây bệnh, đồng thời diệt các tác nhân có lợi ở đường ruột. Do đó, việc sử dụng kháng sinh sẽ làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột của chúng ta.

Chúng ta thường nghĩ rằng, nếu sử dụng kháng sinh trong 5-7 ngày thì tác động của kháng sinh chỉ trong 5-7 ngày. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới, 2 năm sau khi sử dụng kháng sinh thì hệ vi sinh đường ruột vẫn không bằng hệ vi sinh trước khi sử dụng thuốc.

Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi thì các hại khuẩn trong đường ruột sẽ tạo ra tính kháng kháng sinh, làm giảm hiệu quả điều trị và làm gia tăng các bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý rối loạn miễn dịch. Tác hại của kháng sinh không chỉ ở thời điểm sử dụng mà còn kéo dài trong quá trình phát triển của cơ thể.

4. Những loại kháng sinh nào sẽ là gia tăng bệnh lý tiêu chảy?

Những loại kháng sinh nào sẽ là gia tăng bệnh lý tiêu chảy, gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà:

Tất cả những loại kháng sinh chúng ta sử dụng đều gây ra tiêu chảy và rối loạn hệ vi sinh đường ruột. Tuy nhiên loại kháng sinh chúng ta hay sử dụng nhất đó là nhóm kháng sinh Beta lactam. Đây là nhóm kháng sinh hay dùng cho viêm nhiễm đường mũi họng. Chỉ duy nhất kháng sinh Rifampicin được dùng để điều hòa hệ vi sinh đường ruột, tất cả các loại kháng sinh còn lại đều gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột.

5. Phương pháp ngăn ngừa tiêu chảy do lạm dụng kháng sinh?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà:

Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh là tình trạng tiêu chảy xuất hiện sau khi dùng kháng sinh từ 3 ngày đến 8 tuần, tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà tiêu chảy liên quan đến kháng sinh có biểu hiện nôn, đi ngoài phân lỏng, nặng hơn là nhiễm các vi sinh vật gây bệnh như Clostridium difficile, một vi sinh vật gây viêm đại tràng giả mạc, đi cầu phân máu.

Khi em bé xuất hiện tiêu chảy sau thời gian trên thì phải xác định xem có phải tiêu chảy liên quan đến kháng sinh hay không?

Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy do kháng sinh thì phải sử dụng kháng sinh đúng với sự kê đơn của bác sĩ, không tự mua và dùng kháng sinh tùy ý.

Nếu em bé bị tiêu chảy liên quan đến kháng sinh thì nên cung cấp thông tin này cho bác sĩ để bác sĩ chọn lựa những loại men vi sinh thích hợp để dự phòng và dùng đồng thời với kháng sinh để hạn chế tác dụng không mong muốn của thuốc.

Nếu đã được dùng men vi sinh rồi nhưng vẫn xuất hiện tình trạng tiêu chảy thì phải đi tái khám để bác sĩ đánh giá việc sử dụng men vi sinh đó có phù hợp chưa hay có vấn đề nào khác để giải quyết tiêu chảy do kháng sinh ở em bé.

6. Lời khuyên của bác sĩ khi lựa chọn men vi sinh

Lời khuyên của bác sĩ khi lựa chọn men vi sinh? Vì sao lựa chọn men vi sinh Saccharomyces boulardii CNCM I-745 của Pháp là phù hợp ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà:

Men vi sinh là các vi sinh vật sống mà khi chúng ta bổ sung vào cơ thể với lượng vừa đủ thì sẽ mang lại những lợi ích cho cơ thể của chúng ta. Chúng ta có men vi sinh có nguồn gốc từ vi khuẩn, từ nấm men.

Như tôi đã chia sẻ, theo tổ chức y tế thế giới, men vi sinh đạt chuẩn phải có nguồn gốc từ người, chịu đựng được hàng rào bảo vệ của cơ thể như hàng rào dịch axit của dạ dày, dịch mật, dịch tụy và đi vào “cư trú” tại đường ruột. Ngoài ra, men vi sinh phải có bằng chứng khoa học chứng minh cơ chế tác dụng, có hiệu quả sử dụng và có quy trình sản xuất an toàn.

Quan trọng là chúng ta phải sử dụng men vi sinh đủ liều để thay đổi cân bằng động của hệ vi sinh đường ruột.

Men vi sinh sẽ có nhiều loại. Người ta sẽ nói đến loài, dòng và chủng. Có các loài như Lactobacillus, quan trọng nhất là chủng, bởi chủng mang đến tác dụng đặc hiệu cho từng bệnh nhân. Ví dụ như Saccharomyces boulardii là dòng, CNCM I-745 là chủng. Những men vi sinh phân lập đến chủng nghĩa là men vi sinh rất chuẩn mực và được nghiên cứu rất rõ ràng.

Những men vi sinh có nguồn gốc từ vi khuẩn có nhược điểm là dễ bị tác động bởi kháng sinh, vì bản chất nó là vi khuẩn nên khi sử dụng kháng sinh không đúng thì sẽ diệt luôn men vi sinh này. Men vi sinh có nguồn gốc từ nấm men thì không chịu tác động của kháng sinh nên tác động của nó sẽ tốt hơn.

Men vi sinh Saccharomyces boulardii CNCM I-745 là men vi sinh được Hội Tiêu hóa thế giới và Hiệp hội Tiêu hóa Nhi khoa khuyến cáo nên sử dụng cho trẻ em và người lớn. Bởi vì đây là men vi sinh có rất nhiều nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng chứng minh có hiệu quả, được chỉ định sử dụng. Cho nên khi mua men vi sinh nên tin theo tư vấn của bác sĩ.

Trân trọng cảm ơn Nấm men vi sinh Bioflora đã đồng hành cùng chương trình!


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X