Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình tư vấn: Bổ sung kẽm cho bé bao nhiêu là đủ?

Dấu hiệu trẻ bị thiếu kẽm; liều lượng kẽm phù hợp với độ tuổi của bé là như thế nào... Những vấn đề này được BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình giải đáp trong chương trình tư vấn sáng ngày 05/06/2019. Mời bạn đọc đón xem.

Kẽm là một khoáng chất vi lượng không thể thiếu đối với sự phát triển của cơ thể, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Kẽm giúp cho quá trình tổng hợp protein bằng cơ chế tạo ra enzyme. Do đó, bổ sung kẽm đồng nghĩa với việc thúc đẩy sự phát triển xương, cơ bắp và trí não. Bổ sung kẽm cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị vì bởi nếu không sử dụng đúng cách sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Đầu tiên xin bác sĩ cho biết kẽm có vai trò như thế nào với cơ thể nói chung và với sự phát triển của trẻ nói riêng ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Kẽm đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu đối với sức khỏe con người cho dù kẽm chỉ chiếm một phần rất ít. Kẽm giúp sản sinh nhiều tế bào, từ trong giai đoạn bào thai đến quá trình phát triển của trẻ về sau. Bà mẹ mang thai cần bổ sung kẽm để trẻ có thể phát triển bởi trong quá trình sinh học của cơ thể, kẽm có cấu trúc của tế bào 80 loại enzyme bao gồm các enzyme trong hệ thống vận chuyển, thủy phân, đồng hóa, xúc tác phản ứng gắn kết các chuỗi AND, đồng thời xúc tác các phản ứng sinh năng lượng khác.

Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm sẽ có các biểu hiện bất thường hay các bệnh lý nào đó.

Kẽm là loại khoáng chất vi lượng không thể thiếu cho sự phát triển của trẻ. Với vai trò tổng hợp protein bằng cơ chế tạo enzyme, bổ sung kẽm là cách thúc đẩy sự phát triển của xương, cơ bắp và trí não của trẻ nhỏ. Trong đó kẽm có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Nếu thiếu kẽm, trẻ dễ bị nhiễm trùng, tăng nguy cơ tiêu chảy cấp, viêm đường hô hấp, sốt rét… Chất kẽm giúp tăng hấp thu, tổng hợp chất đạm, phân chia tế bào, tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ. Vì vậy, việc bổ sung chất kẽm cho bữa ăn hàng ngày của trẻ là rất cần thiết trẻ ăn ngon miệng hơn.

 
Nhu cầu kẽm của trẻ qua từng độ tuổi có khác nhau không ạ? Liều lượng cụ thể như thế nào, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Nhu cầu kẽm của trẻ khác nhau qua từng độ tuổi.

- Trẻ dưới 3 tháng: 2,8mg/ngày

-Trẻ từ 3-6 tháng tuổi: 3-3,5mg/ngày

- Trẻ từ 6 tháng - 2 tuổi: 4,1mg/ngày

- Trẻ từ 2-5 tuổi: 4,8mg/ngày

- Trẻ từ 6-9 tuổi: 5,6mg/ngày

- Trẻ từ 10 -16 tuổi: khoảng 7,2 đối với nữ và 8,6mg/ngày đối với nam để phát triển chiều cao và thể chất tối ưu.

Thanh niên và người trưởng thành cũng cần bổ sung lưỡng kẽm cần thiết là 15mg/ngày đối với nam, 12mg/ngày đối với nữ để cơ thể có thể phát triển một cách khỏe mạnh nhất.

Phụ nữ mang thai cần khoảng 15mg kẽm trong khẩu phần ăn hàng ngày.


Nhờ bác sĩ cho biết các dấu hiệu trẻ bị thiếu kẽm?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Hiện chưa có các dấu hiệu chính xác cho biết tình trạng kẽm của cơ thể. Khi thiếu kẽm, không có triệu chứng rõ rệt, nhưng có ảnh hưởng ngay đến sự tăng trưởng và sự chuyển hóa.

Một số biểu hiện của thiếu kẽm như là: biếng ăn, nôn không rõ nguyên nhân, rối loạn giấc ngủ (trằn trọc, khó ngủ, thức giấc, ngủ ít…), chậm phát triển thể lực (suy dinh dưỡng), giảm trí nhớ, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp), tổn thương da và niêm mạc, chậm lành vết thương (vết bỏng, vết loét), viêm lưỡi, loạn dưỡng móng, rụng tóc,…


Kẽm thường có trong những thực phẩm nào ạ? Và những thực phẩm bổ sung kẽm cho bé biếng ăn là món gì ạ?


BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Kẽm thường có trong những thực phẩm như: hải sản (hào, tôm cua…), thịt bò, thịt heo, thịt gà, lươn, sò, gan động vật, lòng đỏ trứng, cá, các loại hạt có dầu (hạt điều, mè, đậu phộng, hạnh nhân) sữa chua, mầm lúa mì, các loại đậu, phô mai, măng tây, khoai tây, các loại rau củ,…

Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho trẻ bú mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.

Những thực phẩm bổ sung kẽm cho bé biếng ăn là yaourt, phô mai, bánh mì, cháo thịt,…

Thực đơn gợi ý từ bác sĩ:

Cháo hải sản (tôm, sò huyết, hào, cua,..)

Nguyên liệu:

• 100gr gạo tẻ

• 1/2 kg ngao hoặc tôm/ sò huyết/ hào/ cua

• 1 tép hành khô: băm nhỏ

Thực hiện:

• Bước 1: Gạo vo sạch, ngâm nước 1 giờ rồi để ráo nước

• Bước 2: Cho gạo vào nồi nước nấu thành cháo

• Bước 3: Hải sản ngâm rồi sơ chế cho sạch sẽ để ráo nước

• Bước 4: Phi hành khô với một chút dầu cho dậy mùi. Sau đó, cho hải sản vào xào sơ, đảo trong vòng 1 phút thì tắt bếp. Đổ nước vào nồi cháo đang nấu.

• Bước 5: Lấy máy xay bằng tay ra xay hải sản, không cần nhuyễn quá. Tiếp theo cho cháo vào đun. Khi cháo sôi thì cho rau xanh đã thái vụn, chút dầu mè và phô mai quậy đều rồi nhắc xuống để nguội cho trẻ ăn.

Súp gà bí đỏ

Nguyên liệu:

• 700g bí đỏ, gọt vỏ xắc miếng nhỏ

• 3 chén (720ml) nước luộc gà

• 1 củ hành nhỏ

• 3 tép tỏi

• 3 muỗng canh bơ

Thực hiện:


• Bước 1: Cắt hành và tỏi cho vào nồi đã có sẵn bơ. Làm tan chảy bơ rồi đảo trong 5 phút cho đến khi hành, tỏi mềm. Sau đó cho bí đỏ vào đảo đều.

• Bước 2: Đổ nước luộc gà vào nồi bí đỏ.

• Bước 3: Đun sôi lăn tăn nồi bí cho bí mềm rồi tắt bếp. Cho bí ra xay hoặc dùng muỗng dầm nát bí.

• Bước 4: Khuấy đều để bí ngấm bơ và gia vị chờ nguội cho trẻ ăn.

Thịt bò sốt nấm cho bé từ 36 tháng tuổi

Nguyên liệu:

• 200g thịt bò

• 30g nấm hương

• 1 nhánh gừng

• 1 muỗng súp bột năng

• 1 muỗng canh dầu hào

• 1 muỗng canh nước tương

• 1/2 muỗng canh đường

• 2 muỗng canh dầu ăn

Thực hiện:

• Bước 1: Gừng gọt vỏ cắt sợi. Nấm hương ngâm nước cho nở mềm, rửa sạch, cắt miếng vừa ăn.

• Bước 2: Pha bột năng với 20ml nước ấm, trộn đều.

• Bước 3: Thịt bò rửa sạch, lau khô, cắt miếng mỏng theo thớ ngang của thịt. Ướp thịt bò với dầu hào, nước tương, đường, 1 muỗng canh dầu ăn, trộn đều, ướp 20 phút cho thấm đều gia vị.

• Bước 4: Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn vào phi thơm gừng, sau đó cho nấm vào xào cho thơm.

• Bước 5: Khi nấm hương đã chín tới thì cho phần thịt bò đã ướp vào nấu cùng.

• Bước 6: Sau 3 phút thịt bò chín tái thì cho nước bột năng pha sẵn vào nấu cho sệt lại.

• Đổ món ra chén hoặc đĩa cho nguội rồi cho trẻ ăn.

Cháo cá lóc bí đỏ

Nguyên liệu:

• Cá lóc: 1 con

• Bí đỏ: 1 quả nhỏ

• Gạo nếp + gạo tẻ: 200gr mỗi loại

• Hành lá, ngò gai

• Gia vị: hạt nêm, muối, hạt tiêu

• Phụ gia: nước mắm, tỏi băm.

Thực hiện:

• Bước 1: Cá lóc sau khi mua về đánh vảy, cắt vây, làm sạch ruột cá, lấy 2 cục máu tanh dưới miệng cá, chà cá với vài lát chanh cho hết sạch nhớt rồi rửa lại bằng nước muối cho sạch.

• Bước 2: Mang hai loại gạo đi rang cho vàng đều sau đó đem đi vo cho sạch rồi bắt lên bếp bắt đầu nấu cho nhừ.

• Bước 3: Đợi nồi cháo sôi khoảng 30 phút thì thả nguyên con cá vào nấu trong 30 phút nữa.

• Bước 4: Trong thời gian nấu, gọt bí đỏ, rửa sạch, cắt thành từng khúc nhỏ.

• Bước 5: Cho bí vào sau cá khoảng 5 phút nấu song song với cá.

• Bước 6: Sau 30 phút, vớt cá ra, để nguội rồi rỉa lấy thịt cá, bỏ xương.

• Bước 7: Bắc 1 chảo lên bếp, cho vào 1 chút dầu ăn rồi thử tỏi băm cho vàng thơm sau đó cho phần thịt cá vào xào lên, nêm nếm chút gia vị: muối + hạt nêm cho hợp khẩu vị sau đó tắt bếp.

• Bước 8: Vớt bí đỏ ra một cái tô, dùng muỗng ép bí cho nát ra.

• Bước 9: Cho thịt cá vừa xào vào lại nồi cháo, nêm nếm lại.

• Bước 10: Tiếp đến cho phần bí đỏ vừa nghiền nát vào, khuấy đều nồi cháo lên rồi nêm nếm lại cháo một lần nữa cho vừa khẩu vị sau đó tắt bếp, múc ra chén, cho hành lá và ngò gai đã cắt nhuyễn để nguội cho trẻ ăn.


Lượng kẽm trong thực phẩm có bị thay đổi trong quá trình nấu nướng không, thưa bác sĩ? Nên chế biến như thế nào để trẻ hấp thu tốt nhất lượng kẽm có trong thực phẩm?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Lượng kẽm trong thực phẩm không bị thay đổi trong quá trình nấu nướng vì khoáng chất không bị tác động bởi nhiệt.

Cách chế biến để trẻ hấp thu tốt nhất lượng kẽm có trong thực phẩm thường nấu cháo cho trẻ là tốt nhất.


Trường hợp nào trẻ phải bổ sung kẽm bằng viên uống, thưa bác sĩ? Cha mẹ có thể tự mua không, hay phải được bác sĩ kê toa ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Trường hợp thiếu kẽm mà qua quá trình ăn uống mà trẻ vẫn không hấp thu biếng ăn chậm lớn, suy dinh dưỡng thì phải bổ sung kẽm bằng cách uống bổ sung và phải được bác sĩ kê toa.


Kẽm dành cho trẻ nhỏ được bào chế theo hình thức nào, khi cho trẻ uống cần lưu ý gì thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Kẽm dành cho trẻ nhỏ được bào chế theo nhiều hình thức như siro, nhủ dịch, viên uống, viên nhai, cốm bột uống.

Kẽm không phải là thuốc bổ sung tùy tiện, không nên tự ý bổ sung mà theo  ý kiến bác sĩ.

Kẽm có tác dụng làm tăng nhanh sự tái tạo niêm mạc, tăng lượng enzym của tế bào ruột, tăng miễn dịch tế bào, tiết kháng thể giúp giảm tỷ lệ mắc và mức độ trầm trọng của các bệnh nhiễm trùng, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ.

Khi cho trẻ uống bổ sung kẽm cần lưu ý uống theo hướng dẫn của BS tránh cho trẻ uống thừa sẽ làm giảm khả năng miễn dịch của trẻ sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.

 
Thời điểm uống kẽm là lúc nào trong ngày, trước hay sau ăn? Kẽm có tương tác với thuốc gì khác, hay món ăn gì không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Để bổ sung kẽm cho cơ thể hấp thu tốt, nên cho trẻ uống kẽm sau bữa ăn 30 phút. Khi uống kẽm có thể bổ sung thêm các loại vitamin A, C, B6 vì những vitamin này có khả năng tăng sự hấp thu kẽm.

Ngoài ra, không nên uống kết hợp cùng lúc kẽm, calci, sắt vì chúng cản trở hấp thu của nhau, nếu uống thì nên cách nhau 2 giờ.


Có một số trẻ cảm thấy buồn nôn sau khi uống kẽm, lúc này cha mẹ nên làm gì?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Sau khi uống kẽm trẻ bị buồn nôn thì cha mẹ nên ngừng không cho uống nữa và đưa bé đến cơ sở y tế để bác sĩ chuyên khoa Nhi khám, theo dõi tình trạng trẻ và có hướng điều trị thích hợp .


Thời gian bổ sung viên kẽm thường kéo dài bao lâu ạ? Nếu bổ sung kẽm quá liều thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ, thưa bác sĩ? Nếu bị thừa kẽm thì khắc phục như thế nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - AloBacsi.com:

Thời gian bổ sung kẽm là 2-3 tháng, sau đó ngừng.

Nếu bổ sung kẽm quá liều thì làm giảm khả năng miễn dịch cho trẻ.

Nếu bị thừa kẽm thì ngừng ngay không cho trẻ uống nữa, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử trí các triệu chứng như nôn, tiêu chảy, táo bón, đắng miệng,…

Do đó, cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống kẽm, nếu nghi ngờ trẻ thiếu kẽm thì cha mẹ nên dưa trẻ đi bệnh viện để bác sĩ khám, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, cho trẻ uống theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị để tránh cho trẻ dùng thừa kẽm.

 Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X