Độ lọc cầu thận bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là suy thận?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy - Bệnh viện Bình Dân cho biết, độ lọc cầu thận là một giá trị có ý nghĩa trong việc đánh giá và phân loại mức độ bệnh thận mạn. Hãy cùng tìm hiểu độ lọc cầu thận bao nhiêu là bình thường để cảnh giác, nhận biết chức năng thận đã suy giảm, cần tìm nguyên nhân, theo dõi và điều trị sớm.
1. Độ lọc cầu thận là gì?
Xin hỏi BS, độ lọc cầu thận là gì, được tính như thế nào? Độ lọc cầu thận sẽ phản ánh điều gì về sức khỏe của chúng ta?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân trả lời: Độ lọc cầu thận là một chỉ số rất quan trọng để đánh giá một người có bị suy thận không và suy thận ở giai đoạn nào. Độ lọc cầu thận được tính dựa trên số ml máu đã được lọc chất độc.
Trên thực tế, cách tính độ lọc cầu thận sẽ dựa trên chỉ số creatinine. Tuy nhiên đây chỉ là chỉ số ước lượng, sẽ có trường hợp sai số.
Gần đây có phương tiện đánh giá độ lọc cầu thận khác. Ở những bệnh nhân chưa chắc chắn suy thận sẽ sử dụng chỉ số độ lọc cầu thận dựa trên cystatin.
>>> Hiểu đúng về xét nghiệm Creatinin khi đi khám bệnh thận
2. Khi nào cần kiểm tra độ lọc cầu thận?
Khi nào bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân đi kiểm tra độ lọc cầu thận ạ?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Triệu chứng ở bệnh nhân suy thận mạn thường xuất hiện rất muộn, do đó chúng ta phải thường xuyên sàng lọc chức năng thận nhằm phát hiện bệnh vào thời điểm sớm nhất, điều trị kịp thời.
Đặc biệt là những nhóm dễ mắc các bệnh lý về thận như bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường, người thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau hoặc người có tiền căn gia đình mắc bệnh thận.
Một trường hợp bắt buộc phải xét nghiệm độ lọc cầu thận đó là những người có triệu chứng suy thận: phù, tiểu bọt, tiểu máu...

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra độ lọc cầu thận
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm độ lọc cầu thận? Khi kiểm tra lại, chúng ta cần chú ý điều gì, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Độ lọc cầu thận thường dựa trên creatinine nên sẽ có một số trường hợp xảy ra sai số. Nguyên nhân do bệnh nhân vận động nhiều hoặc ăn thức ăn chứa nhiều đạm. Vài loại thuốc cũng làm ảnh hưởng đến creatinine, khiến việc ước lượng độ lọc cầu thận không chính xác.
Nếu phát hiện chỉ số creatinine có phần hơn cao, độ lọc cầu thận tăng khoảng 20% nhưng nghi ngờ bệnh nhân không bị suy thận, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các chỉ số khác như độ lọc cầu thận cystatin hoặc tìm các nguyên nhân suy thận khác.
4. Độ lọc cầu thận dưới 60 được coi là suy giảm chức năng thận
Chỉ số độ lọc cầu thận bao nhiêu sẽ cảnh báo bệnh nhân có nguy cơ suy thận? Chỉ số này có thay đổi do tuổi tác hay các bệnh lý kèm theo không, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Khoảng 10 năm gần đây, từ “suy thận” không còn được sử dụng, thay vào đó là “bệnh thận mạn”. Việc sử dụng từ bệnh thận mạn phần nào nhắc nhở chúng ta rằng, cần phát hiện sớm các bệnh lý thận, ngay cả khi chưa bị suy chức năng thận.
Bệnh nhân có bệnh thận mạn giai đoạn 1, 2 chỉ có những thay đổi ở nước tiểu như tiểu đạm, tiểu máu... đã phải được phát hiện và điều trị kịp thời.
Độ lọc cầu thận dưới 60 được coi là suy giảm chức năng thận. Tuy nhiên, ở người trẻ, độ lọc cầu thận ở mức 60 có thể đánh giá là giảm chức năng thận.
5. Làm gì khi thấy chỉ số eGFR thấp?
Nhiều người hoang mang khi thấy trên bảng kết quả, mục eGFR được in đậm. Xin hỏi BS, có thể kết luận suy thận nếu chỉ dựa trên chỉ số này không?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Nếu bệnh nhân có chỉ số eGFR thấp, cần xác định liệu kết quả xét nghiệm đã chính xác chưa và cần tìm hiểu nguyên nhân suy thận thông qua đạm, máu, các trụ trong nước tiểu. Bên cạnh đó, cần siêu âm thận để đánh giá kích thước, các phản âm tủy vỏ.
Một số nguyên nhân gây suy thận khác có thể kể đến tiểu đường, cao huyết áp, sử dụng thuốc giảm đau. Có trường hợp cần sinh thiết thận để xác định nguyên nhân.

6. Tổn thương thận cấp có khả năng hồi phục
Thưa BS, có trường hợp nào độ lọc cầu thận suy giảm chỉ là tạm thời và có thể phục hồi lại không ạ?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Trường hợp độ lọc cầu thận giảm tạm thời và phục hồi lại là những tổn thương thận cấp. Trong thực hành cần chẩn đoán phân biệt tổn thương thận cấp và các bệnh lý thận mạn.
Tổn thương thận cấp cần điều trị tích cực nguyên nhân để thận hồi phục.
7. Làm sao để thận không bị tổn thương nặng hơn?
Có cách nào để ngăn ngừa tổn thương nặng thêm trong trường hợp độ lọc cầu thận không thể phục hồi trở lại, thưa BS?
BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Để bảo tồn chức năng thận, đầu tiên cần xác định nguyên nhân gây suy thận. Bệnh lý thận do tăng huyết áp, bệnh nhân phải ổn định huyết áp. Bệnh lý thận do tiểu đường phải ổn định đường huyết, bệnh lý thận do cầu thận có thể phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Bệnh nhân bị bệnh lý thận do thuốc giảm đau phải ngưng sử dụng các loại thuốc giảm đau.
Vấn đề thứ hai là chế độ ăn và chế độ sinh hoạt. Chúng ta không nên để xảy ra tình trạng béo phì, không hút thuốc lá, không uống rượu bia, tập thể dục đều đặn. Ăn lượng đạm phù hợp với chức năng thận hiện tại, ít gia vị.
Hiện nay đã có những phương tiện tốt hơn, hiệu quả hơn, giúp bệnh nhân giữ chức năng thận ổn định và lâu dài.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình