Dinh dưỡng cho người suy thận ở 5 giai đoạn: hạn chế muối, đạm, kali, phospho
BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp - Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) cho biết, người mắc bệnh suy thận không nên ăn mặn, hạn chế lượng muối natri, đạm, kali, phospho. Cần dựa vào xét nghiệm máu để lên thực đơn. Bên cạnh đó, không được tự ý bổ sung vitamin và thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định của bác sĩ dinh dưỡng.
1. Bệnh thận có diễn tiến như thế nào qua 5 giai đoạn?
BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Bình Dân trả lời: Bệnh suy thận được chia thành 5 giai đoạn. Giai đoạn đầu của bệnh suy thận thường không xuất hiện các triệu chứng, vì thận có khả năng bù trừ rất tốt. Khi bệnh nhân phát hiện những triệu chứng cũng là lúc bệnh suy thận đang ở giai đoạn trễ.
Các triệu chứng xuất hiện có thể kể đến như: thay đổi khi tiểu tiện, tiểu ít hoặc tiểu nhiều hơn bình thường. Màu nước tiểu nhạt hoặc sẫm hơn bình thường. Bệnh nhân tiểu bọt, tiểu ra máu.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có các triệu chứng phù ở tay, chân, mặt, cổ. Bệnh suy thận còn làm cho người bệnh chán ăn, buồn nôn, nôn ói, ngứa dai dẳng, đau hông lưng.
2. Dinh dưỡng cho bệnh suy thận ở 5 giai đoạn có gì khác nhau?
BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Bệnh suy thận có 5 giai đoạn, mỗi giai đoạn đều có chế độ ăn khác nhau, chủ yếu về đạm, kali, natri và phospho.
Bổ sung đạm cho người suy thận ở giai đoạn 1, 2 chỉ cần bổ sung đạm từ 0,6g - 0,8g/kg cân nặng/ngày. Suy thận ở giai đoạn 3, 4 chỉ cần bổ sung đạm từ 0,3g - 0,6g/kg cân nặng/ngày.
Đối với phospho, người bệnh suy thận giai đoạn 1, 2 chỉ cần bổ sung phospho dưới 1.700 mg/ngày. Suy thận giai đoạn 3, 4 chỉ cần bổ sung phospho 800mg - 1.000mg/ngày.
Nạp natri dưới 2.000 mng/ngày nếu bệnh nhân có bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, phù nề chân, tay.
Tùy thuộc vào chỉ số kali tăng hoặc giảm ở từng giai đoạn của bệnh suy thận, chế độ bổ sung kali khác nhau.
Khi người bệnh bắt đầu phát hiện ra bệnh suy thận nên gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn hướng dẫn, hoặc gặp bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để xác định các bệnh lý đi kèm và xây dựng chế độ ăn phù hợp với từng giai đoạn phù hợp với người bệnh.
3. Suy thận ở giai đoạn 1 và 2 có cần phải kiêng cữ nhiều không?
BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Bệnh nhân suy thận ở bất kỳ giai đoạn nào cũng cần tuân thủ chế độ ăn uống theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh suy thận ở bất kỳ giai đoạn nào cũng không nên ăn quá nhiều đạm. Người bị suy thận không nên ăn thức ăn có nhiều muối, thức ăn chế biến sẵn như giò lụa, chà bông, xúc xích, cá khô, tôm khô… Không nên ăn đồ lên men như cải chua, dưa chua...
Khi chế biến thức ăn, lượng muối đã được tính đủ định lượng vì vậy người bệnh không nên chấm kèm thức ăn với các loại nước tương, nước mắm, muối, bột ngọt…
Ngoài ra, người bệnh không nên tự ý bổ sung vitamin, chất khoáng, thuốc, thực phẩm chức năng… Nếu sử dụng cần được theo y lệnh của bác sĩ điều trị.
Bệnh nhân suy thận cần hạn chế giảm phospho, không ăn các thực phẩm giàu phospho như phủ tạng động vật như tim, gan, óc heo, lòng đỏ trứng.
Hạn chế ăn thực phẩm có giàu kali như rau ngót, rau đay, rau mồng tơi, mít, sầu riêng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần hạn chế ăn nhiều chất béo no có trong phomai, bơ, thịt mỡ, da.
4. Người suy thận ở 3 giai đoạn đầu có được ăn uống bên ngoài hay không?
BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Người bệnh suy thận khi đến khám đều được bác sĩ hỏi có chế biến được thức ăn hay không, từ đó đưa ra hướng tư vấn phù hợp đối với người bệnh.
Đa số người bệnh đều khẳng định có thể tự nấu ăn được, tuy nhiên thực tế họ thường chỉ duy trì 1-2 tuần rồi không thể theo lịch, lúc này bệnh nhân đều xin ý kiến của bác sĩ cách lựa chọn thức ăn bên ngoài.
Bệnh suy thận ở giai đoạn 1-2-3 có thể ăn thức ăn ở ngoài được, với điều kiện phải chọn món ăn phù hợp.
Buổi sáng có thể chọn các món như miến gà nhưng phải giảm đi 1 nửa lượng gà, rau ăn kèm cần được nấu chín. Chỉ nên ăn cái và không được ăn nước. Tuyệt đối không thêm hoặc chấm bất kỳ loại gia vị nào như nước mắm, nước tương, muối…
Đối với buổi trưa và buổi chiều người bệnh có thể ăn cơm nhưng phải giảm lượng cơm xuống. Các món như thịt cá cần phải giảm 1 nửa so với bình thường. Nên chọn ăn các loại rau chưa ít kali như canh bí xanh, canh bắp cải, canh bầu, dưa leo xào.
Chọn ăn trái cây ít kali như lê, táo, mận. không chấm thêm gia vị. Ưu tiên các món hấp, luộc. Hạn chế các món kho và các món ăn chế biến sẵn như giò lua, xúc xích.
5. Nguyên tắc trong chế độ ăn dành cho người bệnh chưa lọc thận và đang lọc thận
BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Đối với bệnh nhân suy thận thường nằm ở 2 trường hợp, suy thận mạn giai đoạn chưa lọc thận chế độ ăn sẽ khác với suy thận mạn tính giai đoạn đã lọc thận.
Giai đoạn chưa lọc thận cần bổ sung chế độ ăn đủ năng lượng, giảm đạm, giảm natri, giảm kali và giảm phospho.
Suy thận mạn tính có lọc thận định kỳ trong chế độ ăn phải đủ năng lượng, đủ đạm, giảm phospho và giảm natri. Trong chế độ ăn khi được xây dựng đã được tính đủ hàm lượng các vitamin và yếu tố vi lượng cần thiết. Một số chất như vitamin B1, B12, vitamin D, vitamin C, sắt và canxi cần được bổ sung đầy đủ.
Người bị suy thận và có các bệnh lý đi kèm cần được thăm khám và tuân thủ theo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.
6. Cần xem xét các chỉ số xét nghiệm để lên thực đơn dinh dưỡng cho người bệnh suy thận
BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Bệnh nhân từ khi khám và phát hiện suy thận cần có chế độ ăn theo từng giai đoạn sao cho phù hợp. Thông thường, trước khi bác sĩ lên thực đơn cho bệnh nhân phải khám lâm sàng và cận lâm sàng các bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, huyết áp cao, gout.
Xét nghiệm urea được bác sĩ quan tâm nhất, theo dõi chỉ số urea tăng hay giảm để đưa ra chế độ ăn phù hợp.
Cần xác định độ lọc cầu thận để biết bệnh suy thận đang ở giai đoạn mấy, từ đó xây dựng được lượng đạm, natri, kali, phospho sao cho phù hợp với bệnh nhân.
Làm kiểm tra ion đồ máu để biết lượng natri, kali và kiểm tra các bệnh có liên quan như glucose máu và acid uric.
7. Người bị suy thận mạn khi phát hiện bệnh cần hạn chế đạm nạp vào cơ thể
Có ý kiến cho rằng người Việt ăn ít đạm nên không cần kiêng lượng đạm như các thực đơn cho người bệnh thận ở châu Âu, quan điểm của bác sĩ về việc này như thế nào?
BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Những năm trước đây, người suy thận ở Việt Nam ăn ít đạm, theo điều tra của viện dinh dưỡng, những năm gần đây lượng thịt tiêu thụ hàng ngày tại Việt Nam tăng nhanh.
Lượng thịt tiêu thụ tại Việt Nam vào năm 2010 đạt 84g/người/ngày. Đến năm 2020, lượng thịt tiêu thụ tại Việt Nam tăng lên 136,4g/người/ngày. Ở thành phố, lượng thịt tiêu thụ nhiều hơn 155g/người/ngày. Điều này cho thấy, kinh tế của Việt Nam đang phát triển, chế độ ăn của người Việt có xu hướng ăn nhiều thịt và ăn ít tinh bột. Một số người bệnh béo phì có xu hướng không ăn tinh bột, chỉ ăn đạm tương đối nhiều.
Vì vậy, người bị suy thận mạn tính chưa lọc thận từ khi phát hiện ra bệnh cần được hạn chế đạm.
8. Bỏ nước luộc rau để làm giảm lượng kali trong rau xanh đậm
Bác sĩ thường khuyên người bị suy thận luộc rau chỉ nên ăn rau không nên húp nước, vậy người bệnh cần bổ sung vitamin gì và phải bổ sung vitamin ra sao?
BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Bác sĩ thường khuyên người bệnh suy thận cần phải luộc rau, sau đó bỏ nước luộc rồi mới chế biến như rau đay, rau muống, rau ngót, rau mồng tơi. Thông thường các loại rau màu xanh đậm được khuyên chế biến theo phương pháp này với mục đích giảm kali trong khẩu phần ăn.
Nếu lựa chọn rau ít kali như bầu, bí xanh, dưa leo, su su và mướp thì không cần luộc rau bỏ nước trước khi ăn.
Khi người bệnh đã được tư vấn chế độ ăn hoặc được bác sĩ dinh dưỡng xây dựng thực đơn sẽ được tính toán đủ vitamin và yếu tố vi lượng. Trong trường hợp thiếu vitamin và yếu vi lượng, người bệnh phải được chỉ định bởi bác sĩ điều trị, không được tự ý bổ sung vitamin, yếu tố vi lượng và thực phẩm chức năng.
Một số vitamin nhóm B có thể hỗ trợ sức khỏe cho thận như B1, B12, vitamin C, vitamin D, canxi, sắt.
9. Những sai lầm người bệnh thận thường mắc phải
BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Tại khoa dinh dưỡng thường gặp các trường hợp sai lầm mà người bệnh mắc phải chính là nghe theo thông tin trên mạng và kiêng khem quá mức, bỏ qua thực phẩm chứa đam, hạn chế rau, trái cây dẫn đến mệt mỏi, sụt cân và suy dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thiếu máu.
Sai lầm tiếp theo người bệnh thường mắc phải là vẫn thực hiện chế độ ăn bình thường, bổ sung chế độ ăn bồi dưỡng thậm chí ăn nhiều đạm hơn dẫn đến tăng ure máu.
Người bị suy thận tự ý bổ sung vitamin, thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh kiêng khem và hạn chế các loại thực phẩm quá mức không phù hợp với từng giai đoạn bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
10. Nguyên tắc trong điều trị, dinh dưỡng và vận động của bệnh suy thận
BS.CK1 Đinh Ngọc Diệp trả lời: Đầu tiên, người bệnh cần phải tuân thủ theo điều trị của bác sĩ về thuốc và thời gian dùng thuốc.
Trong chế độ dinh dưỡng, người bệnh suy thận cần phải thực hiện đúng theo chế độ dinh dưỡng của chuyên khoa dinh dưỡng hoặc bác sĩ điều trị. Cần phân biệt bệnh nhân suy thận ở giai đoạn trước lọc thận và sau lọc thận sẽ có chế độ ăn khác nhau.
Người bệnh không nên hút thuốc lá. Không nên tự ý bổ sung vitamin, thuốc nam - bắc, thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Tập thể dục ít nhất 30p mỗi ngày, có thể tập các động tác nhẹ hoặc tập vừa sức. Tinh thần phải thoải mái, ngủ đủ giấc và ăn uống đúng giờ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình