Đau bụng do nguyên nhân gì, khi nào nguy hiểm?
TS.BS Trần Bảo Nghi - Giám đốc Chuyên môn PKĐK Ngọc Minh 1, TPHCM cho biết, đau bụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ đơn giản cho tới nguy hiểm. Các cơn đau bụng quặn và không thuyên giảm cần được khám và theo chỉ định của bác sĩ để tránh mất thời gian và tiền bạc.
1. Đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra
Ổ bụng có những cơ quan và nội tạng khác nhau, vậy có những nhóm nguyên nhân nào có thể dẫn đến triệu chứng đau bụng thưa bác sĩ?
TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Như chúng ta cũng đã biết, trong đời mỗi người đều có ít nhất có vài lần bị đau bụng. Trong ổ bụng có rất nhiều cơ quan khác nhau và cơ quan nào cũng có thể là nguyên nhân gây ra đau bụng.
Đau bụng xuất phát từ nguyên nhân do tiêu hóa, do thận, hệ sinh dục, mạch máu và thậm chí có thể từ xương khớp cũng có thể gây ra đau bụng.
2. Phân biệt nguyên nhân đau bụng dựa theo vị trí đau
Bác sĩ có thể chỉ cách phân biệt một số nguyên nhân gây ra đau bụng phổ biến dựa vào vị trí và hướng đau như thế nào?
TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Đau bụng có một số nguyên nhân thường xảy ra, chúng ta có thể cảm nhận và lắng nghe bệnh nhên diễn tả về cơn đau và hướng đến nguyên nhân nào đó. Ví dụ thường gặp nhất xuất phát từ nguyên nhân viêm dạ dày hay còn gọi là đau bao tử, cơn đau xuất phát ở trên rốn.
Hoặc người đau bụng ở vị trí phía bên phải và ở dưới rốn gọi là vùng hố chậu phải, đó có thể là cơn đau viêm ruột thừa.
Hoặc người đau quặn lên và có cơn đau dữ dội ở vùng hông lưng ở hai bên trái - phải, cơn đau có thể lan xuống dưới bẹn, bìu hoặc lan ra sau lưng có thể do sỏi niệu quản, sỏi đường tiết niệu và sỏi thận.
Đó là các kiểu đau điển hình mà người bệnh thường hay gặp mà khi thăm khám, các bác sĩ và bệnh nhân có thể hướng đến những nguyên nhân này. Đau bụng có rất nhiều kiểu đau khác nhau và có những bệnh xuất hiện cơn đau không điển hình.
3. Những nguyên nhân gây đau bụng thường gặp
Bệnh nhân thường có những cơn đau bụng không thường xuyên và tự mua thuốc để uống hoặc dùng các phương pháp dân gian để tự chữa, vậy đây là các cơn đau bụng xuất phát từ đâu thưa bác sĩ?
TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Các cơ quan trong ổ bụng đều có thể gây đau và trên thực tế bệnh nhân đau bụng 1 lần không đến bệnh viện ngay. Thông thường bệnh nhân đều tìm cách tự chữa tại nhà như chườm nóng, uống nước gừng, đến tiệm thuốc mua phosphalugel… và theo dõi tại nhà.
Kiểu đau của bệnh viêm dạ dày là kiểu đau thường xuyên gặp nhất. Đối với người nhiễm trùng đường tiêu hóa khi ăn phải thức ăn bị nhiễm trùng nhiễm độc cũng gây ra đau bụng. Khi đó, kiểu đau dễ nhận thấy ở vùng quanh rốn và đau toàn bụng, cơn đau kèm theo cơn sốt và đi ngoài phân lỏng.
4. Những cơn đau bụng không nên chần chừ đi khám bệnh
Đau bụng kèm theo các triệu chứng và tần suất như thế nào thì không nên điều trị tại nhà và cần đến bệnh viện hoặc phòng khám thưa bác sĩ?
TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Các cơn đau không nên ở nhà và chần chừ lâu:
Thứ nhất: Cơn đau bụng dữ dội, bệnh nhân không thể chịu nổi. Cơn đau do viêm tụy cấp, đau do thủng tạng rỗng là những cơn đau cần phải cấp cứu kịp thời.
Thứ hai: Chúng ta nên tuyên truyền cho bệnh nhân và người nhà biết các cơn đau dai dẳng kéo dài hoặc cơn đau khi uống thuốc thì hết đau nhưng sẽ lặp lại nhiều lần trong tuần.
Bệnh nhân nên đến cơ sở uy tín để khám chữa bệnh vì phía sau cơn đau đó có thể do nguyên nhân nào đó cần phải tìm ra.
5. Bệnh nhân bị đau bụng sẽ được khám bệnh kỹ càng tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh
Quy trình thăm khám và điều trị bệnh đau bụng tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh gồm có những gì thưa bác sĩ?
TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Khi bệnh nhân bị đau bụng và đến với Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh đều có quy trình khám bệnh chung cho các bệnh nhân.
Riêng đau bụng do bệnh tiêu hóa, khi đến phòng khám điều tiên quyết đối với bác sĩ phải trả lời được câu hỏi đây có phải do nguyên nhân ngoại khoa bụng hay không? Tức là triệu chứng đau bụng này có cần phải phẫu thuật hay không?
Khi đã cần đến phẫu thuật, đương nhiên bệnh đau bụng đã có nguy cơ và ảnh hưởng đe dọa tính mạng. Bác sĩ cần cho bệnh nhân nhập viện sớm.
Nếu bỏ sót nhóm bệnh ngoại khoa bụng thì lỗi hoàn toàn thuộc về bác sĩ. Nếu bệnh nhân đến phòng khám chúng tôi đều loại trừ trường hợp đau bụng ngoại khoa.
Đối với đau bụng ngoại khoa cần phẫu thuật chúng tôi sẽ cho nhập viện và xử lý theo hướng khác. Khi chúng tôi loại trừ được đau bụng ngoại khoa rồi sẽ cho thuốc từ 5 - 7 ngày và hẹn tái khám.
Thông thường bệnh nhân bị đau bụng khi đến với phòng khám thường cho làm một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng. Cần thiết hơn sẽ cho chụp CT ổ bụng, hoặc chụp X-quang bụng đứng không chuẩn bị. Ngoài ra, chúng tôi còn có thể xét nghiệm thêm các chỉ số về máu để tầm soát các bệnh lý mà bác sĩ nghi ngờ.
6. Nội soi bụng khi có nghi ngờ khối u
Đối với trường hợp đau bụng như thế nào thì bệnh nhân cần phải được chỉ định nội soi để kiểm tra thưa bác sĩ?
TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Nội soi tiêu hóa gồm dạ dày hoặc nội soi đại tràng, tức là nội soi đường tiêu hóa trên và đường tiêu hóa dưới. Thông thường bác sĩ chia ra hai dạng: đau bụng cấp tính và đau bụng âm ỉ thường xuyên và lâu dài.
Thông thường các cơn đau bụng cấp tính sẽ không chỉ định nội soi ngay lúc đó, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi sau khi tình trạng đau bụng đã tạm ổn.
Có thể nội soi đường tiêu hóa, tầm soát khối u trong đường tiêu hóa là khi có những cơn đau và triệu chứng làm bác sĩ nghi ngờ có khối u trong dạ dày hoặc nghi ngờ có khối u trong đại tràng. Bác sĩ sẽ khuyến khích bệnh nhân và người nhà nội soi để phát hiện bệnh và không bỏ sót những tổn thương gây ra đau bụng.
7. Trường hợp hiếm: đau bụng do zona thần kinh
Xin bác sĩ hãy chia sẻ cụ thể trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân có trường hợp hy hữu như thế nào tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh?
TS.BS Trần Bảo Nghi trả lời: Tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cũng có nhiều ca bệnh đáng nhớ. Phòng khám từng tiếp nhận bệnh nhân nam giới từ đến Tây Nguyên. Bệnh nhân đến khám trong tình trạng đau bụng 1 tuần và đã đi khám ở 4 cơ sở y tế tại địa phương. Các cơ sở y tế đều cho siêu âm và chụp CT bụng, mỗi cơ sở đều chẩn đoán và đưa ra kết quả khác nhau nhưng bệnh lại không hết. Cuối cùng bệnh nhân tìm đến Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh.
Khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi xem lại hồ sơ cũ và tiến hành khám toàn diện cho bệnh nhân để không bỏ sót các bệnh viêm ruột thừa…
Khi khám cho bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy da ở vùng hố chậu phải nổi khoảng 10 nốt bóng nước dọc thành một mảng dài. Khi chỉ định bệnh nhân siêu âm để loại trừ các bệnh ngoại khoa, cuối cùng cơn đau bụng của bệnh nhân được xuất phát từ bệnh ngoài da có tên zona thần kinh.
Các cơ sở trước đã bỏ qua triệu chứng ngoài da bởi vì không nghĩ đến bệnh zona thần kinh có thể gây ra đau bụng ở vùng dưới da.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình