Nghe kém có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi
TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy - Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, nghe kém chiếm tỷ lệ khá cao nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người vì tâm lý e ngại mà giấu đi tình trạng bệnh, do đó cần sự quan tâm của người thân và hỗ trợ từ bác sĩ tai mũi họng để bệnh nhân sống vui vẻ, thoải mái hơn.
1. Tình trạng nghe kém ở Việt Nam hiện nay ra sao?
Nghe kém, suy giảm thính lực là vấn đề sức khỏe toàn cầu. Riêng tại Việt Nam đã có những con số nào cảnh báo về tình trạng này, thưa BS?
TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Theo thống kê của Mỹ, trên thế giới có hơn 60% người sẽ nghe kém trước 65 tuổi, đây là một con số rất lớn. Nhưng tại Việt Nam, nghe kém chưa được xem là vấn đề quan trọng, có thể do người dân chưa chú ý đến sức khỏe về thính học.
Người nghe kém sẽ khó nghe khi tiếp xúc với mọi người, ngay cả người trong gia đình. Đặc biệt bên ngoài xã hội, trong các cuộc hội họp phải hỏi đi hỏi lại làm bệnh nhân mặc cảm, thậm chí có người sợ người khác nghĩ mình nghe kém, nên tỏ ra vẫn bình thường, vui vẻ. Một số trường hợp hiểu nhầm ý của người khác hoặc không nghe được âm nhạc mình thích dẫn đến buồn và lo sợ.
2. Độ tuổi nào thính lực bắt đầu suy giảm và cần được quan tâm?
Lâu nay, nghe kém luôn được xem là vấn đề chỉ của riêng người già. Thực tế thì sao, thưa BS? Độ tuổi nào thính lực của chúng ta bắt đầu suy giảm và thực sự trở thành vấn đề cần được quan tâm ạ?
TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Mọi người thường nghĩ nghe kém chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, tình trạng nghe kém xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ ở người lớn tuổi cao hơn.
Máy chạy 10 năm, 20 năm, 30 năm phải có trục trặc, không thể nào tốt mãi và cơ thể con người cũng vậy. Bộ phận thính giác nằm trong tai gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Sau vài chục năm phải có “hao mòn” và chức năng phân tích âm thanh đưa đến não bộ để nhận biết âm thanh sẽ bị suy giảm.
Đặc biệt, bên trong tai trong về giải phẫu học có ốc tai là bộ phận tiếp nhận âm thanh, xử lý âm thanh. Bộ phận này như một con ốc gồm 2 vòng rưỡi xoắn và trong đó có các tế bào cảm thụ âm thanh đưa từ tai giữa vào cửa sổ bầu dục. Những tế bào này rất “quý phái, sang trọng” và dễ bị tổn thương. Vì vậy, khi bị tổn thương bởi các bệnh lý hoặc thuốc làm ảnh hưởng đến tai thông thường sẽ không hồi phục.
Viêm tế bào thần kinh tiền đình, viêm tai giữa lâu ngày là các bệnh thường gặp nhất ở người lớn và trẻ em hoặc viêm màng não có thể ảnh hưởng đến tai trong, gây ra điếc và thậm chí điếc không hồi phục.
Gần đây, hiện tượng điếc đột ngột không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi có bệnh nền mà xảy ra ở cả trẻ em. Đây là bệnh cấp cứu phải nhập viện để truyền các thuốc đặc trị, tưới máu cung cấp máu thêm cho tai trong để tế bào thần kinh tai trong có thể hồi phục. Tuy nhiên, tỷ lệ để hồi phục không phải 100%.
3. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nghe kém?
Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nghe kém, thưa BS? Mỗi độ tuổi - giai đoạn (trẻ em; người trẻ; lớn tuổi), nguyên nhân gây nghe kém liệu có khác nhau?
TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Có rất nhiều nguyên nhân gây nghe kém. Theo giải phẫu, nguyên nhân nghe kém gồm: Thứ nhất do tai ngoài, điều trị rất đơn giản. Bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em đi bơi về và không nghe được vì hai ráy tai ở hai bên nở ra khi gặp nước, phình bít hết ống tai. Khi đến khám, bác sĩ tai mũi họng sẽ lấy ra và bệnh nhân nghe lại bình thường.
Thứ hai do tai giữa. Các trường hợp viêm VA, viêm amidan lên tai hoặc viêm mũi xoang lên tai mà chữa không đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến chuỗi xương con và gây ra viêm tai giữa, dẫn đến giảm tính lực tai giữa. Vấn đề này có thể điều trị bằng phẫu thuật, làm tăng thính giác của tai giữa.
Viêm tai giữa lâu ngày (từ nhỏ) không điều trị sẽ ảnh hưởng đến tai trong, tổn thương những tế bào tai trong và rất khó hồi phục, dẫn đến điếc tai trong, điếc hỗn hợp.
Ngoài ra, nhiều nguyên nhân khác có thể gây điếc từ tai giữa như bệnh lý xốp xơ tai. Đây là bệnh lý xơ cứng ở đế xương bàn đạp - cửa sổ bầu dục, khi cứng khớp sẽ không truyền âm thanh vào tai trong được, gây ra điếc. Tuy nhiên, tình trạng này có thể phẫu thuật.
Thứ ba là điếc do nguyên nhân của tai trong. Các tình trạng ngộ độ thuốc như bệnh nhân điều trị bệnh lao có sử dụng nhóm thuốc Gentamicin hoặc bé bị viêm màng não, hậu viêm màng não có thể điếc tai trong.
Bệnh điếc đột ngột do viêm siêu vi hoặc do hiện tượng thiếu máu tai trong, gây tổn thương tế bào tai trong là những bệnh có thể ảnh hưởng ở tất cả các lứa tuổi.
Thường gặp nhất là điếc do tuổi già, gọi là lão thính. Sau nhiều năm hoạt động các tế bào của bộ phận tai trong bắt đầu lão hóa, già đi và không nhận được âm thanh như khi còn trẻ nên lượng nghe và phân tích âm thanh sẽ giảm đi.
4. Nghe kém ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống?
Ở nước ta, trong nhận thức của nhiều người, nghe kém được xem là tình trạng “tự nhiên, ai cũng phải gặp”.
- Nhân chương trình hôm nay, nhờ BS chia sẻ thêm: Nghe kém, suy giảm thính lực tác động thế nào đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống?
PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Đây là tiến triển tự nhiên trong đời sống của con người. Tuy nhiên xã hội phát triển thì y tế cũng như khoa học sẽ có những sáng kiến, sáng chế giúp nghe tốt hơn.
Từ đó, cảm nhận cuộc sống xung quanh, sinh hoạt bình thường như những người trẻ, nghe nhạc, tiếp xúc, trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp,… gần như bình thường. Nhờ vậy người sẽ bệnh vui hơn, thoải mái hơn, từ đó cuộc sống tốt hơn và góp phần kéo dài tuổi thọ.
- Từ góc độ của người trong cuộc, anh/chị cảm nhận được những thay đổi ra sao khi người thân của mình đối diện với tình trạng nghe kém, suy giảm thính lực?
Chị Lâm Chi - Người thân bệnh nhân suy giảm thính lực chia sẻ: Từ khi phát hiện ra bố của mình bị nghe kém và suy giảm thính lực, tôi cảm thấy bố gặp khó khăn trong vấn để giao tiếp với mọi người, cả ở ngoài lẫn trong gia đình. Tôi rất sợ bố buồn, mất kết nối với mọi người vì bố không dám nói chuyện nhiều, ngại khi phải hỏi đi hỏi lại.
Tôi ở chung cư, khi bố mẹ đến thăm thì chung cư diễn tập phòng cháy chữa cháy nhưng bố ở nhà không nghe thấy. Khi về đến nhà nghe được câu chuyện tôi đã rất sợ. Nếu hôm đó không phải diễn tập mà là tình huống thật xảy ra thì bố sẽ gặp nguy hiểm vì không nghe được tín hiệu để thoát ra ngoài.
Một vấn đề khác là bố hay bị quên khi thính lực bị suy giảm, hầu như đi đến đâu cũng để quên đồ đạc. Bố hay làm rơi chìa khóa, ví,… nên mẹ đã bỏ tất cả những đồ bố hay quên vào một túi to nhưng sau 1 tuần thì bố làm mất luôn cả túi. Cả mọi người và bố đều rất lo lắng vì việc quên này ngoài tầm kiểm soát.
5. Ai là người có nguy cơ nghe kém, dấu hiệu nhận biết ra sao?
Ai là người có nguy cơ và đâu là những dấu hiệu để phát hiện sớm tình trạng nghe kém, suy giảm thính lực, thưa BS?
- Khi xuất hiện các dấu hiệu này cần làm gì để kiểm tra khả năng nghe, nhận biết mức độ suy giảm thính lực đưa ra giải pháp xử trí kịp thời ạ?
TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Những người ở độ tuổi nghỉ hưu thường có biểu hiện giảm thính lực vì bắt đầu đến tuổi lão hóa. Tuy nhiên, một số người có quá trình lão hóa sớm hơn, có thể 45 tuổi đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu lão hóa như quên, nghe kém.
Một số bệnh nhân đến khám tai mũi họng còn có dấu hiệu nghe kém sớm hơn vì liên quan đến yếu tố gia đình. Trẻ em sinh ra bị tật điếc câm, thường cũng liên quan đến gen, không có thính lực hoặc thính lực giảm rất nhiều.
Vì vậy, việc tầm soát sơ sinh để xem trẻ có tiếp nhận được âm thanh hay không là rất cần thiết. Đối với trẻ lớn hơn, bố mẹ cần quan tâm và giáo dục trẻ phải tiếp thu được những âm thanh, phát triển như trẻ bình thường.
Ví dụ hơn 1 tuổi bắt đầu bặp bẹ “ba, mẹ”, nếu đến tuổi đó trẻ vẫn không nói được hoặc nghe những âm thanh lớn mà không phản ứng lại thì phải đưa đến bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng. Để xác định trẻ nghe nhiều hay ít hoặc không nghe. Từ đó, có những biện pháp như đeo máy trợ thính, cấy điện ốc tai để lấy lại thính giác cho trẻ sớm nhất (trước 2 tuổi là tốt nhất).
Khi lớn hơn, trẻ thường bị viêm tai giữa thanh dịch, viêm tai giữa mủ, thủng màng nhĩ gây ảnh hưởng đến tai, thậm chí có kết quả học tập kém so với bạn bè trong lớp. Phụ huynh cần chú ý để đưa trẻ đi khám, đo thính lực.
Ở những người lớn tuổi, có thể tự nhận biết được tình trạng tai của mình. Nếu thấy tai này nghe kém hơn tai kia hoặc khó nghe hơn những người xung quanh thì nên đi đến bác sĩ tai mũi họng để thăm khám, nội soi, đo thính lực sớm nhất. Từ đó, có thể giải quyết về vấn đề thính giác.
Lưu ý, với trẻ em, phụ huynh phải quan tâm, đưa đến khám chuyên khoa tai mũi họng sớm nhất. Đối với người lớn có thể tự thử nghe điện thoại, nghe nhạc nếu thấy âm thanh 2 bên tai nghe không đều nhau thì nên đi khám.
Nếu gặp tình trạng điếc đột ngột phải đi khám bác sĩ ngay, thậm chí nhập viện để truyền các thuốc có tính tăng lượng oxy máu đến tai để tai trong có thể hồi phục sớm nhất có thể.
Người lớn tuổi phải chú ý nếu thính lực. Nếu tình trạng nghe giảm dần cũng nên đi khám để được nội soi tai, đánh giá xem có tổn thương u hoặc viêm tai, đặc biệt là đo thính lực để biết tình trạng điếc loại nào từ đó có phương pháp điều trị chính xác.
6. Dấu hiệu nhận biết người thân đang nghe kém là gì?
Ở Việt Nam, việc tầm soát - đo thính lực thường bị bỏ qua. Nhờ chị chia sẻ thêm về hành trình phát hiện tình trạng nghe kém và tiếp nhận điều trị của người thân?
- Tự bản thân người bệnh và gia đình có thể nhận ra các dấu hiệu của nghe kém, suy giảm thính lực như thế nào, thưa BS?
- Theo anh/ chị, người nhà có vai trò như thế nào trong việc phát hiện và khuyến khích người nghe kém đi khám?
Chị Lâm Chi - Người thân bệnh nhân suy giảm thính lực chia sẻ: Tôi phát hiện ra bố nghe kém từ khi bố mở tivi rất to, ở dưới nhà có thể nghe cả tiếng tivi trên lầu. Hoặc gọi mãi bố mới trả lời trong khi ở rất gần. Hầu như bố nghe không rõ và nhờ lặp lại câu hỏi. Hoặc khách đến nhà, bố ở gần đó nhưng không nghe, còn mình ở trên lầu thì lại nghe khách gọi.
Tôi đã động viên để bố quyết tâm đi khám và cả nhà cùng đưa bố đi. Ban đầu bố ngại không đồng ý, nhưng cả nhà thuyết phục, nghe kém không phải là vấn đề để xấu hổ, khi đi khám sẽ có những biện pháp để nghe tốt trở lại.
Người nhà là những người gần gũi với bệnh nhân nhất, nếu phát hiện bệnh nhân có suy giảm về mặt thính lực thì nên động viên đi khám. Việc người thân quan tâm nhau rất quan trọng, con cái cần quan tâm đến ông bà, cha mẹ để phát hiện kịp thời những bệnh có thể xảy ra.
7. Người nhà có vai trò thế nào trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống và hiệu quả điều trị nghe kém?
Từ câu chuyện của khách mời, trên góc độ chuyên gia, nhờ BS chia sẻ thêm trong thực tế, với sự đồng hành - trợ giúp của người nhà có ý nghĩa như thế nào trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả điều trị nghe kém, suy giảm thính lực?
TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Cần có người nhà động viên để bệnh nhân vui vẻ đi khám và xác định chính xác tình trạng, từ đó có hướng điều trị thích hợp. Đặc biệt là nam giới thường mặc cảm người khác nghĩ mình nghe kém nên mặc dù không nghe nhưng vẫn tỏ ra nghe được.
Ngay cả trẻ em khi mất thính giác ít cần đeo máy trợ thính hoặc mất thính giác bẩm sinh cần cấy ốc tai điện tử thì vấn đề quan tâm của gia đình là quan trọng hơn hết. Vì trẻ em cần được giáo dục, dạy ngôn ngữ… nên phải kiên trì thời gian dài thì trẻ mới nghe lại tốt hơn và hòa nhập vào cuộc sống gần như bình thường so với các trẻ khác.
8. Cách phân loại và điều trị tình trạng nghe kém
Thưa BS, nghe kém được phân loại và mức độ thế nào? Hiện nay có những giải pháp nào để điều trị nghe kém, suy giảm thính lực ạ? Chúng ta liệu có thể đảo ngược tình trang nghe kém về bình thường?
TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trả lời: Nghe kém phân loại theo nguyên nhân: Nguyên nhân tai ngoài gồm bít tắt ở ống tai ngoài, u xương tai ngoài… những gì làm cho âm thanh không truyền được vào tai giữa;
Nguyên nhân tai giữa gồm những gì làm tổn thương xương con, dịch tụ mủ trong tai sẽ gây ra điếc tai giữa; Nguyên nhân điếc tai trong, những vấn đề từ cửa sổ bầu dục vào trong thần kinh tai (thần kinh số 8), đến não thì gọi là điếc tai trong.
Nghe kém phân loại theo mức độ (mức độ càng nặng, nghe sẽ càng kém):
- Nghe bình thường
- Mất thính lực từ 0 - 25dB
- Mất thính lực từ 25 - 50dB
- Mất thính lực từ 50 - 75dB
- Mất thính lực từ 75 - mất hoàn toàn (điếc đặc)
Đây là những phân loại chung, với thính lực còn có đánh giá trên thính lực đồ, tùy dB, tần số. Không phải những người mất thính lực đều mất đồng đều như nhau mà có sự khác biệt, thậm chí 2 tai cũng khác nhau.
Vì tần số là từ thấp đến cao (âm trầm đến âm cao) nên có thể vẫn nghe được khoảng 500Hz nhưng với những âm cao hơn từ 2000Hz thì không nghe được.
Nghe kém do tai ngoài như ráy tai làm bít tắc ống tai thì sau khi lấy ra bệnh nhân sẽ nghe lại bình thường. Viêm tai nếu được điều trị kịp thời, màng nhĩ lành lại thì thính lực sẽ trở lại. Riêng tổn thương tai trong thì phục hồi rất khó, tuy nhiên vẫn có những biện pháp để giúp nghe tốt hơn.
Phần 2: 8 điều nhất định phải biết về máy trợ thính
Phần 3: Nghe kém, suy giảm thính lực: Đi khám để đeo máy trợ
Trân trọng cảm ơn TTND.TTƯT.PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, chị Lâm Chi và Tập đoàn WSAudiology - nhà sản xuất máy trợ thính hàng đầu thế giới và hiện đang giữ vị trí số 1 về số lượng máy và phụ kiện được bán ra đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Đặc biệt quý độc giả hãy nhanh tay đăng ký tại đây để được nhận ngay một suất ĐO KHÁM THÍNH LỰC MIỄN PHÍ - KHÔNG GIỚI HẠN thời gian đăng ký - từ đơn vị đồng hành WSAudiology.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình