Hotline 24/7
08983-08983

Tiêu chảy ở trẻ em khi nào cần bù nước, khi nào cần nhập viện?

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em, tuy đa số có thể điều trị tại nhà nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa biết cách xử trí đúng khi trẻ bị tiêu chảy. BS Trương Hữu Khanh đưa ra hướng dẫn giải quyết vấn đề này ra sao.

1. Số lượng trẻ em bị tiêu chảy điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1?

BS Trương Hữu Khanh:

Tiêu chảy là bệnh thường gặp, số lượng nhiều ít tùy theo đợt nhưng khó đưa ra con số chính xác. Trong bệnh viện, thỉnh thoảng có hàng trăm trẻ bị tiêu chảy nằm điều trị.

Tử vong do tiêu chảy thường xảy ra ở các nước đang phát triển ở Trung Á. Còn tình trạng tử vong ở trẻ do tiêu chảy tại Việt Nam hiện nay rất hiếm bởi vì người dân đã hiểu biết nhiều hơn trường hợp tiêu chảy có thể tử vong để đưa đến cơ sở y tế. Tuy khả năng tử vong rất hiếm nhưng số ca bệnh vẫn còn.

2. Trẻ bị tiêu chảy thường nhập viện trong tình trạng thế nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Đó là các trường hợp trẻ tiêu chảy quá nhiều mà không bù nước lại được. Thứ hai, các bé có thể đi ra máu quá nhiều, nhiễm trùng đường tiêu hóa, sốt cao, có thể kèm theo cơn co giật. Còn lại thì thông thường trẻ tiêu chảy có thể được điều trị ngoại trú, không cần nhập viện.

3. Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy, nguyên nhân nào phổ biến nhất?

BS Trương Hữu Khanh:

Ăn uống thiếu vệ sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tiêu chảy. Có thể trong thức ăn có Rotavirus, loại virus này có thể lây lan giữa các trẻ gây ra các đợt tiêu chảy.

Nguyên nhân thứ hai là thức ăn có vi khuẩn hay độc tố. Thức ăn không được chế biến, bảo quản đúng cách có thể gây tiêu chảy.

Thứ ba là chế độ dinh dưỡng của chúng ta không đúng. Ví dụ như trẻ nhỏ hệ tiêu hóa còn yếu, cần uống sữa nhưng ta cho chúng ăn thực phẩm khác nên chúng bị tiêu chảy.

4. Triệu chứng ban đầu của tiêu chảy ở trẻ, thời gian ủ bệnh bao lâu?

BS Trương Hữu Khanh:

Thời gian tiêu chảy của bệnh còn phụ thuộc vào thức ăn. Nếu ăn thức ăn bị ngộ độc thì chỉ một lúc sau bị tiêu chảy, còn nếu do nhiễm virus thì có thể mất từ một đến hai ngày.

Điều quan trọng phụ huynh cần ghi nhớ: tiêu chảy là đi phân lỏng từ 3 lần trở lên/ngày. Nếu đi phân lỏng dưới 2 lần trong một ngày, đó chưa phải là tiêu chảy.

Và phụ huynh chú ý là hình dạng phân của trẻ nhỏ, không phải cứ phân lỏng là tiêu chảy. VD: trẻ dưới 6 tháng, đặc biệt là trẻ bú mẹ hoàn toàn thì phân nát, ngày đi cầu cả chục lần nhưng đó vẫn là bình thường.

5. Chế độ dinh dưỡng đúng cho trẻ khi bị tiêu chảy?

BS Trương Hữu Khanh:

Thức ăn cho trẻ rất quan trọng, tuổi ăn sữa; tuổi ăn bột và tuổi ăn cháo, ăn cơm đều khác nhau. Chúng ta nhớ là khi trẻ bị tiêu chảy, không cho trẻ kiêng ăn gì cả, ta chỉ không cho trẻ ăn nhiều rau quá thôi, còn lại chế độ ăn như bình thường.

Nếu phụ huynh biết trẻ bị tiêu chảy khi ăn 1 loại thức ăn nào chỉ cần tránh thức ăn đó, và lưu ý cho trẻ sẽ ăn thức ăn sạch hơn, ngoài ra không kiêng gì cả.

Khi tiêu chảy xảy ra, hệ tiêu hóa không hấp thu được thức ăn đó nên đẩy ra. Khi đẩy ra, nó sẽ dẫn đến tổn thương niêm mạc ruột. Muốn hồi phục niêm mạc thì trẻ phải được ăn đủ dinh dưỡng.

Thứ hai, khi pha sữa thì ta cần pha đúng. Không nên pha đặc hay loãng vì nó có thể dẫn đến táo bón hay tiêu chảy. Khi pha sữa, ta gạt ngang cái muỗng sữa công thức. Ta đổ nước xong rồi mới đổ sữa vào, chứ đừng nên đổ sữa rồi mới pha nước. Bú sữa mẹ vẫn là phương pháp tốt nhất.

6. Trẻ tiêu chảy khi nào ta cần đến bệnh viện? Nếu theo dõi tại nhà, có cần mua thuốc không kê đơn hay không?

BS Trương Hữu Khanh:

Chúng ta cần hết sức bình tĩnh khi chăm sóc trẻ vì tiêu chảy không thể mau hết. Chúng ta cần biết rằng số ngày phục hồi từ tiêu chảy tùy thuộc vào thể trạng của đứa bé, có bé 2-3 ngày hết, có bé 5 ngày hết…

Ta cần biết tiêu chảy hại đứa trẻ ra sao? Thứ nhất, nó gây mất nước. Thứ hai, phân lẫn máu là nhiễm trùng.

Nếu trẻ bị tiêu chảy nhưng phân không quá nhiều nước, ta cứ cho trẻ ăn uống bình thường uống sữa nhiều hơn và ăn lỏng một chút để bù lại lượng nước. Nếu trẻ bị tiêu chảy nhiều, bị trũng mắt xuống, ta nên cho trẻ uống Oresol. Cần pha Oresol đúng theo hướng dẫn (không pha nửa viên). Uống không hết thì bỏ chứ không để dành vì thuốc đó không đắt tiền.

Thứ hai, khi đứa bé vẫn vui chơi, không ói nhiều thì ta tiếp tục theo dõi tình hình. Trong trường hợp tiêu chảy kèm theo nôn mửa nhưng không bù nước được, ta cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ đánh giá lại tình hình có thiếu nước hay không. Nếu thiếu nước, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách cho trẻ uống nước, trường hợp nặng thì bù nước qua đường tĩnh mạch.

Trong trường hợp đi có máu kèm bị sốt, đó là nhiễm vi trùng (không phải virus), trẻ phải dùng kháng sinh theo bác sĩ kê toa. Trẻ bị li bì, không ăn uống thậm chí bị co giật phải đưa đến bệnh viện ngày.

Bên ngoài có các loại thuốc giảm lượng phân mà trẻ em uống được, phụ huynh có thể tìm hiểu, ví dụ Smecta, Hidrasec.

Lưu ý, phụ huynh không được tự ý mua thuốc kháng sinh hay thuốc cầm tiêu chảy. Đây là những thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc cầm tiêu chảy có thể gây hại cho trẻ, ta không được sử dụng.

7. Các loại có thể dự trữ tại nhà để sử dụng khi trẻ bị tiêu chảy?

BS Trương Hữu Khanh:

Thuốc dữ trự có thể sử dụng là Oresol, ngoài ra không cần dự trữ các loại thuốc khác vì không cần gấp. Ở thành phố có nước sạch và có sữa để uống bù nước nên không cần mua các loại thuốc dự trữ cho trường hợp trẻ tiêu chảy. Còn trường hợp gấp thì phải đưa trẻ đến bệnh viện rồi. Đa số trường hợp không cần phải gấp.

8. Dùng búp lá ổi giã nát để cầm tiêu chảy cho trẻ theo phương pháp dân gian có được không?

BS Trương Hữu Khanh:

Trong dân gian có nhiều loại thảo dược để cầm tiêu chảy, nhưng với điều kiện là em bé đủ lớn, phải hết sức cẩn thận với trẻ nhỏ dưới 6 tháng.

Lá ổi có chất chát sẽ giảm được tiêu chảy nhưng ta phải đảm bảo lá sạch, không bị sâu và không bị xịt thuốc.

Trong dân gian còn có mẹo sử dụng sái á phiện để trị tiêu chảy nhưng tuyệt đối không được áp dụng phương pháp này cho trẻ nhỏ.

9. Các sai lầm của các phụ huynh trong chữa trị tiêu chảy cho con?

BS Trương Hữu Khanh:

Sai lầm thường gặp nhất của các phụ huynh là cho trẻ kiêng ăn, vì nghĩ như thế là để cho ruột nghỉ ngơi, thậm chí có người còn không cho trẻ uống sữa, điều này hết sức sai lầm. Nếu trẻ ăn uống được thì cứ cho trẻ ăn, thức ăn lỏng dễ tiêu là được.

Thứ hai là không nên cho trẻ uống thuốc gì nếu ta không chắc có an toàn hay không. Đó là hai sai lầm mà nhiều cha mẹ thường hay mắc phải.

10. Lời khuyên của bác sĩ dành cho các bậc phụ huynh khi trẻ bị tiêu chảy

BS Trương Hữu Khanh:

Nhìn chung, tiêu chảy là bệnh hay gặp ở trẻ em. Khi trẻ lớn lên, đường ruột của chúng thay đổi. Trẻ bị ngộ độc khi ăn phải một loại thức ăn không tốt. Có một số loại virus đến tuổi là các em dễ bị nhiễm.

Quan trọng nhất, tiêu chảy không thể mau hết được. Theo dõi nếu em bé không mất nước, không đi cầu ra máu, không li bì, không co giật thì cha mẹ bình tĩnh chăm sóc trẻ tại nhà. Cần cho bé uống đủ sữa và không được kiêng ăn.

Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần cho bé uống vắc xin ngừa Rotavirus, đây là tác nhân quan trọng gây tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ.

Trọng Dy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X