Hotline 24/7
08983-08983

Són tiểu sau sinh không điều trị có thể gây loét, viêm nhiễm

Són tiểu sau sinh là tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai, sinh đẻ nhiều, đặc biệt là phụ nữ bị béo phì. Són tiểu nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây loét và viêm nhiễm quanh tầng sinh môn. Thông tin cụ thể được BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ trong bài viết dưới đây.

1. Són tiểu xuất hiện ở giai đoạn mang thai, nặng hơn sau sinh

Thưa BS, són tiểu sau sinh được mô tả như thế nào và có phổ biến sau sinh?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trước đây, chị em ngại ngần, không đến bệnh viện khám hoặc không chia sẻ về vấn đề bệnh lý của mình. Són tiểu sau sinh khá thường gặp, có thể xuất hiện trong giai đoạn mang thai và nặng hơn sau sinh.

Són tiểu có 2 trường hợp: Thứ nhất, chị em có thể ho hoặc rặn, những động tác làm tăng áp lực bụng, khiêng đồ nặng, nước tiểu có thể tràn ra ngoài mà không kiểm soát được. Thứ hai, chị em chỉ cần hơi mắc tiểu, nước tiểu sẽ són ra ngoài ngay mà không cần đợi đến khi tới nhà vệ sinh.

Hai tình trạng trên khá phổ biến, đặc biệt là chị em bị béo phì, một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến của són tiểu. Ngoài ra, các trường hợp sinh càng nhiều con thì nguy cơ són tiểu sau sinh càng cao.

2. Béo phì là yếu tố nguy cơ phổ biến gây són tiểu sau sinh

Nguyên nhân hay yếu tố nào khiến các chị em gặp phải són tiểu sau sinh, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Són tiểu sau sinh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Nếu sinh con quá to, sinh qua ngã âm đạo, nguy cơ sang chấn đường sinh dục cao hơn, dễ bị són tiểu sau sinh. Các trường hợp sinh khó như sinh qua ngã âm đạo, chị em sinh khó phải dùng dụng cụ để kéo em bé ra (y khoa gọi là sinh kềm hay sinh giúp),… nếu sinh có hỗ trợ bằng dụng cụ, tầng sinh môn của chị em có khả năng rách nhiều hơn, nguy cơ tổn thương cao hơn và tăng nguy cơ són tiểu sau sinh. Những trường hợp sinh khó, thời gian chuyển dạ kéo dài cũng là một yếu tố nguy cơ dễ gây tình trạng tiểu són.

Đặc biệt, những chị em có thể trạng béo phì là một trong các yếu tố nguy cơ dễ mắc vấn đề són tiểu. Bằng chứng khoa học đã cho thấy, tỷ lệ chị em béo phì bị són tiểu sau sinh tăng rất nhiều lần.

3. Són tiểu thường gặp khi có các động tác làm tăng áp lực ở bụng

Những dấu hiệu nào cảnh báo các chị em bị són tiểu sau sinh ạ? Các dấu hiệu này có thể nhầm lẫn với các bệnh lý nào và làm sao để phân biệt ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Triệu chứng của són tiểu sau sinh khá rõ ràng, chị em chỉ cần rặn, ho, khiêng đồ nặng, nước tiểu sẽ són ra. Một số chị em bị nhẹ, sẽ thấy lo lắng không biết đó là nước gì, có thể là khí hư âm đạo. Tuy nhiên, rất dễ phân biệt vì mùi nước tiểu khác hoàn toàn với dịch âm đạo.

Bên cạnh đó, việc són tiểu thường gặp khi chị em có những động tác làm tăng áp lực ở bụng. Bình thường, chị em ít khi gặp tình trạng són tiểu nhưng khi ho kéo dài, són tiểu có thể xảy ra, vì ho là động tác làm tăng áp lực ổ bụng.

Đặc biệt, són tiểu sẽ nặng hơn ở những người từng mắc bệnh lý sa tạng chậu. Ví dụ, sinh đẻ nhiều lần, có tiền căn sa vùng dưới, đợt sinh này khiến tình trạng nặng hơn.

Ngoài ra, bình thường, són tiểu chỉ có triệu chứng nhẹ, chị em khiêng vác và làm các công việc nặng, bị bệnh mãn tính ho kéo dài liên tục,… sẽ là những yếu tố làm nặng tình trạng són tiểu.

4. Són tiểu sau sinh khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Són tiểu sau sinh thường kéo dài bao lâu? Khi nào són tiểu sau sinh là bình thường và khi nào là bất thường cần đi gặp bác sĩ ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Són tiểu có thể xảy ra trong suốt thời gian mang thai, ở giai đoạn này, tử cung lớn lên có thể thay đổi cấu trúc một phần và ảnh hưởng đến sinh lý vùng chậu. Do đó, có rất nhiều chị em trong thời gian mang thai đến gặp bác sĩ than phiền về tình trạng són tiểu trong giai đoạn này. Thông thường, tình trạng són tiểu trong thời gian mang thai, són tiểu sinh lý sẽ tự hết sau sinh.

Tuy nhiên, với những chị em són tiểu bệnh lý, ví dụ sau sinh bị rách tầng sinh môn quá nhiều phải may lại, hoặc tầng sinh môn bị giãn nở quá nhiều sau sinh, gây ra các bệnh lý ở cổ bàng quang dẫn đến són tiểu bệnh lý sau sinh.

Những trường hợp này, khi mới sinh xong, nếu sinh thường, bị cắt tầng sinh môn sẽ lành hoàn toàn trong vòng từ 4-6 tuần. Thời gian đầu, đôi khi chị em khó đi tiểu, hạn chế đi lại cũng có thể gặp cảm giác són tiểu nhẹ, triệu chứng này có thể hết trong khoảng 6 tuần sau sinh.

Tuy nhiên, nếu sau 6 tuần, vẫn còn triệu chứng như ho, rặn, hay bế em bé, leo cầu thang, khiêng đồ nặng vẫn gặp són tiểu, chị em cần đi khám ngay. Bởi vì tình trạng són tiểu sau sinh, nếu không được điều trị sẽ ngày càng trở nặng, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Vì khi nước tiểu bị són ra, không theo kiểm soát của người phụ nữ sẽ gây khó chịu, tạo mùi, vùng da quanh tầng sinh môn dễ bị viêm nhiễm, có thể gây loét nếu chị em dấu diếm và không điều trị.

5. Són tiểu nên khám ở đâu?

Són tiểu sau sinh có nguy hiểm không, thưa BS? Khi có những dấu hiệu nghi ngờ són tiểu, các chị em nên khám chuyên khoa nào?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Khi gặp tình trạng són tiểu, chị em có thể đến thăm khám tại cơ sở Sản phụ khoa, đặc biệt là cơ sở Sản phụ khoa có đơn vị Niệu sàn chậu, là những nơi có thể kiểm tra phụ khoa và vấn đề phần Niệu sàn chậu. Đặc biệt, có các thiết bị niệu động học để đánh giá được nguyên nhân gây són tiểu là gì.

Ngoài ra, chị em có thể lựa chọn những bệnh viện chuyên khoa về niệu, có đơn vị niệu sàn chậu, chị em sẽ được thăm khám tương tự.

6. Dùng thuốc, tập sàn chậu, phẫu thuật, đặt vòng nâng, các phương pháp điều trị són tiểu

Hiện nay có những phương pháp nào điều trị són tiểu sau sinh, thưa BS? Ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp này là gì và được chỉ định trong những trường hợp nào?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Hiện nay, phương pháp điều trị són tiểu sau sinh chỉ đặt ra khi đã chẩn đoán được nguyên nhân. Đầu tiên, chị em sẽ đến một cơ sở y tế có đơn vị Niệu sàn chậu để kiểm tra nguyên nhân gây són tiểu, các bệnh lý kèm theo như sa tạng chậu, sa bàng quang, sa trực tràng, sa tử cung…

Một số trường hợp chị em bị són tiểu kèm theo nhiễm trùng tiểu, vì vậy khi thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá hết các nguyên nhân và bệnh lý kèm theo để đưa ra hướng điều trị.

Hiện nay, điều trị són tiểu có thể dùng thuốc hoặc tập sàn chậu. Phương pháp tập sàn chậu giúp cải thiện chức năng vùng sàn chậu rất tốt.

Ngoài ra, có một số phương pháp điều trị khác đối với các trường hợp són tiểu nặng hơn, có bệnh lý thực thể như sa bàng quang. Trường hợp này sẽ thực hiện phẫu thuật để nâng lên, giúp triệu chứng són tiểu đỡ hơn.

Đối với phụ nữ lớn tuổi bị sa và són tiểu, có thể thực hiện đặt vòng nâng để điều trị sa và triệu chứng són tiểu.

7. Thời gian điều trị són tiểu phụ thuộc vào nguyên nhân và bệnh lý đi kèm

Điều trị són tiểu sau sinh bao lâu sẽ thuyên giảm, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Thông thường, thời gian điều trị và khỏi bệnh sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và các bệnh lý kèm theo. Khi đi khám, chị em sẽ được bác sĩ đánh giá mức độ són tiểu, xác định và điều trị theo đúng nguyên nhân, bệnh thuyên giảm.

8. Giữ vệ sinh vùng cơ quan sinh dục ngay khi phát hiện són tiểu

Ngoài các giải pháp điều trị được chỉ định từ bác sĩ, trong sinh hoạt các chị em cần chú ý những gì để nhanh hết tình trạng này ạ? Nên làm gì và không nên làm gì, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Một điểm quan trọng với các chị em bị són tiểu là cần giữ vệ sinh, tình trạng són tiểu sẽ không thể điều trị khỏi ngay lập tức mà cần cải thiện dần. Vì vậy, từ khi phát hiện bệnh, chị em cần giữ vệ sinh toàn bộ vùng cơ quan sinh dục của mình để tránh viêm nhiễm, tránh loét và giữ khô, sạch sẽ giúp phục hồi tốt hơn.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ hướng dẫn một số bài tập sàn chậu tại nhà, với các động tác co cơ ở vùng tầng sinh môn hoặc nhíu cửa mình. Những động tác này chị em sẽ được bác sĩ hướng dẫn kỹ, tập bao lâu và khi nào bác sĩ sẽ đánh giá lại. Thông thường, những bài tập sàn chậu, bác sĩ sẽ đánh giá sau khoảng 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng để xem hiệu quả và việc đáp ứng điều trị.

Do đó, sau khi được bác sĩ tư vấn về phương pháp điều trị và hướng dẫn bài tập, chị em cần tuân thủ và tập đúng theo hướng dẫn. Đôi khi bệnh nhân thường quên các bài tập sàn chậu hoặc thấy các bài tập khá phức tạp. Tuy nhiên, có một số bài tập sàn chậu đơn giản, vấn đề là chị em thường quên.

Tại một số quốc gia trên thế giới, có các cách nhắc nhớ như đeo đồng hồ ngược ở vị trí cổ tay để nhắc bệnh nhân tập. Với những bài tập sàn chậu, chị em có thể tập cả khi ngồi, nằm, nói chuyện. Những động tác đó giúp ích cho vùng tầng sinh môn rất nhiều, hạn chế tình trạng són tiểu.

9. Giữ cơ thể khỏe mạnh, tập thể dục, phòng ngừa són tiểu sau sinh

Phòng ngừa són tiểu sau sinh bằng cách nào? Lần đầu sinh con bị són tiểu, tình trạng này có tái lại khi sinh những lần tiếp theo, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Có rất nhiều cách phòng ngừa són tiểu, đầu tiên, cần giữ một cơ thể khỏe mạnh, săn chắc. Tập thể dục là thói giúp ích rất nhiều, đặc biệt là các động tác điều hòa hơi thở như yoga, bơi lội.

Trong thời gian mang thai, chị em sẽ có các động tác tập riêng. Ví dụ, bóng massage dành riêng cho phụ nữ mang thai để massage vùng tầng sinh môn. Loại bóng này có tại các phòng khám tiền sản hoặc các phòng sanh tại bệnh viện có hướng dẫn tập. Đó là những động tác hỗ trợ làm tầng sinh môn đàn hồi tốt hơn. Khi sinh, sẽ giúp hạn chế tổn thương tầng sinh môn và hạn chế tình trạng són tiểu sau sinh.

Một số nghiên cứu cho thấy, nếu trong thời gian mang thai, chị em chuẩn bị tốt như: tập thể dục đều đặn, đặc biệt là các bài tập ở cơ quan sinh dục làm cơ vùng chậu săn chắc hơn. Điều đó có thể làm giảm nguy cơ chấn thương trong quá trình sinh nở.

Tại các quốc gia trên thế giới, thời điểm chị em gần sinh, có những bài tập co giãn vùng chậu, những bài tập này đã được tư vấn, hướng dẫn tập, có thể cần sự hỗ trợ từ chồng. Những bài tập này thường được áp dụng khoảng 2-3 tuần trước ngày sinh.

Đặc biệt, nếu các chị em có triệu chứng, nên đi khám ngay. Bởi vì một số chị em không có yếu tố nguy cơ như béo bì, bé sinh ra bình thường,… đột nhiên có triệu chứng són tiểu. Tuy nhiên, triệu chứng đó có thể là nhiễm trùng tiểu hoặc viêm bàng quang ở tình trạng nặng có thể làm nước tiểu són ra ngoài. Vì vậy, cần đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị sẽ kịp thời và tốt cho sức khỏe các chị em.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X